Ung thư biểu mô tế bào Merkel

Ung thư tế bào Merkel thường tiến triển nhanh và lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Phác đồ điều trị ung thư tế bào Merkel phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm phát hiện.

Ung thư biểu mô tế bào Merkel là gì?

Ung thư biểu mô tế bào Merkel hay ung thư tế bào Merkel là một loại ung thư da hiếm gặp, thường xuất hiện dưới dạng các nốt nhô cao trên bề mặt da, có màu da hoặc màu đỏ ở trên mặt, đầu hoặc cổ. Ung thư tế bào Merkel còn được gọi là ung thư biểu mô nội tiết thần kinh của da.

Ung thư tế bào Merkel thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hoặc hệ miễn dịch kém có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da này.

Ung thư tế bào Merkel thường tiến triển nhanh và lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Phác đồ điều trị ung thư tế bào Merkel phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm phát hiện.

Dấu hiệu, triệu chứng

Dấu hiệu đầu tiên của ung thư biểu mô tế bào Merkel thường là nổi nốt (khối u) nhô cao trên bề mặt da, phát triển nhanh, không đau, có màu da, màu hồng đỏ hoặc đỏ tía. Hầu hết các trường hợp ung thư tế bào Merkel đều xảy ra trên mặt, đầu hoặc cổ nhưng tế bào ung thư có thể phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể, ngay cả ở những vùng không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

Khi nào cần đi khám?

Nếu nhận thấy nốt ruồi, tàn nhang hoặc vết bớt trên da đột nhiên thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc, ngày càng to lên hoặc dễ chảy máu dù chỉ bị cọ xát nhẹ thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây ung thư tế bào Merkel

Ung thư biểu mô tế bào Merkel bắt đầu trong các tế bào Merkel. Đây là những tế bào nằm ở đáy của lớp biểu bì (lớp ngoài cùng của da). Các tế bào Merkel kết nối với các đầu dây thần kinh cảm giác.

Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng một loại virus phổ biến có thể là thủ phạm gây ra hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô tế bào Merkel. Virus này có tên là Merkel cell polyomavirus (MCV), sống trên da và bình thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào. Hiện vẫn chưa xác định được loại virus này gây ra ung thư biểu mô tế bào Merkel bằng cách nào. Do MCV rất phổ biến mà ung thư biểu mô tế bào Merkel lại hiếm gặp nên có khả năng còn có các yếu tố khác góp phần gây ra bệnh ung thư này.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào Merkel gồm có:

  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím nhân tạo: tiếp xúc nhiều với tia cực tím, chẳng hạn như ánh nắng mặt trời hoặc giường nhuộm da sẽ làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào Merkel. Ung thư tế bào Merkel đa phần xảy ra ở những vùng da da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng.
  • Hệ miễn dịch yếu: những người có hệ miễn dịch suy yếu, ví dụ như những người bị nhiễm HIV/AIDS, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc người bị bệnh bạch cầu mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tế bào Merkel cao hơn.
  • Tiền sử các bệnh ung thư da khác: nguy cơ bị ung thư tế bào Merkel sẽ tăng cao nếu từng mắc các bệnh ung thư da khác, chẳng hạn như ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Tuổi tác cao: càng có tuổi thì nguy cơ mắc ung thư tế bào Merkel càng tăng. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh ung thư này phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi.
  • Da sáng màu: ung thư tế bào Merkel thường phát sinh ở những người có da sáng màu. Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da đen.

Biến chứng của ung thư tế bào Merkel

Ngay cả khi được điều trị, ung thư biểu mô tế bào Merkel cũng vẫn có thể lan rộng (di căn) ra ngoài da và đến các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư tế bào Merkel thường di căn đến các hạch bạch huyết lân cận đầu tiên và sau đó có thể lan đến não, xương, gan hoặc phổi và gây cản trở hoạt động của các cơ quan này. Một khi đã di căn, ung thư sẽ khó điều trị hơn và người bệnh có nguy cơ tử vong.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào Merkel gồm có:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ khám da để tìm các biểu hiện bất thường có thể là dấu hiệu ung thư da.
  • Sinh thiết da: cắt bỏ khối u trên da hoặc một mẫu tế bào ở vùng da nghi ngờ rồi phân tích trong phòng thí nghiệm để tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư.

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi xác nhận ung thư da, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp dưới đây để xác định giai đoạn ung thư (ung thư đã di căn hay chưa):

  • Sinh thiết hạch cửa (sentinel node biopsy): đây là một thủ thuật để xác định liệu ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hay chưa. Trong quá trình sinh thiết hạch cửa, bác sĩ tiêm một loại thuốc nhuộm đặc biệt vào gần vị trí khối u. Thuốc nhuộm sẽ chảy qua hệ bạch huyết đến các hạch bạch huyết. Các hạch bạch huyết đầu tiên tiếp nhận thuốc nhuộm được gọi là các hạch cửa. Bác sĩ sẽ bóc tách các hạch bạch huyết này và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: có thể cần chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực và ổ bụng để kiểm tra xem ung thư đã di căn sang các cơ quan khác hay chưa. Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) hoặc xạ hình - một phương pháp tiêm chất đánh dấu đồng vị phóng xạ để kiểm tra sự lây lan của tế bào ung thư trong cơ thể.

Điều trị ung thư tế bào Merkel

Các phương pháp điều trị ung thư tế bào Merkel gồm có:

  • Phẫu thuật: trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ khối u cùng với một vùng da bình thường xung quanh. Nếu phát hiện tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết trong khu vực có khối u thì các hạch bạch huyết đó sẽ bị loại bỏ (bóc tách hạch bạch huyết). Bác sĩ thường sử dụng dao mổ để cắt bỏ khối u nhưng trong một số trường hợp có thể sử dụng một thủ thuật gọi là phẫu thuật Mohs. Trong quá trình phẫu thuật Mohs, bác sĩ cắt từng lớp mô mỏng và kiểm tra bằng kính hiển vi cho đến khi không còn phát hiện thấy tế bào ung thư. Nếu phát hiện tế bào ung thư thì phải tiếp tục cắt bỏ. Phương pháp phẫu thuật này cho phép cắt đi ít mô lành hơn và nhờ đó làm giảm sẹo mà vẫn có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư trong da.
  • Xạ trị: chiếu các chùm tia năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, vào các tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, người bệnh nằm trên một chiếc bàn dài và một thiết bị lớn di chuyển xung quanh sẽ chiếu các chùm tia phóng xạ tới các vị trí chính xác trên cơ thể. Xạ trị đôi khi được thực hiện sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này cũng có thể được thực hiện một mình trong những trường hợp không thể phẫu thuật. Các khu vực mà ung thư đã di căn đến cũng có thể được điều trị bằng phương pháp xạ trị.
  • Liệu pháp miễn dịch: sử dụng các loại thuốc để giúp hệ miễn dịch chống lại ung thư. Thông thường, liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị cho các trường hợp ung thư tế bào Merkel đã di căn sang các vùng khác trên cơ thể.
  • Hóa trị liệu: sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua tĩnh mạch ở cánh tay hoặc qua đường uống hoặc kết hợp cả hai.

Hóa trị không phải phương pháp điều trị ưu tiên đối với bệnh ung thư tế bào Merkel nhưng bác sĩ có thể chỉ định hóa trị nếu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác trong cơ thể hoặc cho các trường hợp ung thư tái phát sau điều trị.

Phòng ngừa ung thư tế bào Merkel

Mặc dù tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được chứng minh là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư tế bào Merkel nhưng đây được coi là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Mặt khác, hạn chế tiếp xúc với nắng sẽ làm giảm nguy cơ ung thư da nói chung và ung thư tế bào Merkel nói riêng. Các biện pháp để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng:

  • Không ra ngoài trời nắng vào khung giờ cao điểm: hạn chế tối đa tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian cường độ nắng mạnh nhất trong ngày (thường là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều).
  • Che chắn cho da và mắt: mặc quần áo dày, dài bằng chất liệu chống nắng tốt, đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang kín và đeo kính râm chống tia cực tím khi đi ra ngoài.
  • Bôi kem chống nắng đều đặn: sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF ít nhất là 30, ngay cả trong những ngày trời không nắng vì cho dù trời nhiều mây thì da vẫn phải tiếp xúc với tia cực tím. Chú ý bôi lớp kem chống nắng đủ dày, đều khắp bề mặt da và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi và khi ra mồ hôi.

Ngoài ra, cần theo dõi các thay đổi bất thường trên da. Nếu phát hiện thấy một nốt ruồi, tàn nhang hoặc vết bớt trước đây có sự thay đổi về kích thước, hình dạng hoặc màu sắc thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Mặc dù điều này không giúp ngăn ngừa ung thư da nhưng việc phát hiện sớm ở giai đoạn đầu sẽ làm tăng cơ hội điều trị thành công.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư biểu mô tế bào đáy

Hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy đều là do tiếp xúc trong thời gian dài với tia cực tím (UV) trong ánh nắng.

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy đa phần xảy ra ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như da đầu, mu bàn tay, tai hoặc môi. Nhưng bệnh ung thư da này cũng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác trên cơ thể, bao gồm cả bên trong miệng, lòng bàn chân và ở bộ phận sinh dục.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây