Vắc-xin phòng bệnh quai bị

Tiêm đủ hai mũi vắc-xin MMR là cách tốt nhất để phòng ngừa quai bị cũng như là bệnh sởi và rubella.

Lịch tiêm

Vắc-xin MMR gồm có hai mũi, được tiêm vào các thời điểm sau:

  • Mũi 1: 12 - 15 tháng tuổi
  • Mũi 2: 4 - 6 tuổi

Trước khi đi sang một quốc gia khác, trẻ sơ sinh từ 6 đến 11 tháng tuổi nên được tiêm 1 mũi vắc-xin MMR.

Tại sao cần tiêm vắc-xin MMR?

Trẻ cần được tiêm vắc-xin MMR để phòng tránh bệnh quai bị - một căn bệnh có thể gây nguy hiểm. Vắc-xin này cũng đồng thời bảo vệ khỏi bệnh sởi và rubella. Khi bị bệnh quai bị, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng khó chịu như sốt, sưng đau tuyến nước bọt, khó nhai nuốt và phải nghỉ học dài ngày ở nhà.

Hầu như tất cả những người chưa tiêm chủng đều sẽ bị quai bị khi tiếp xúc với mầm bệnh.

Tính an toàn

Tiêm vắc-xin MMR là một cách rất an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa bệnh quai bị. Mặc dù vắc-xin cũng đi kèm với một số tác dụng phụ giống như các loại thuốc khác nhưng đa phần chỉ là các tác dụng phụ nhẹ và sẽ tự hết nhanh chóng sau tiêm

Một số quốc gia trên thế giới có phong trào phản đối tiêm vắc-xin do nhiều ý kiến cho rằng vắc-xin MMR có thể gây bệnh tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và chứng minh rằng không có bất cứ mối liên hệ nào giữa vắc-xin MMR và chứng tự kỷ.

Tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin

Một số phản ứng phụ nhẹ có thể xảy ra sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị gồm có: 

  • Đau nhức, sưng tấy và đỏ ở vị trí tiêm
  • Sốt
  • Phát ban nhẹ
  • Đau và cứng khớp tạm thời

Đôi khi có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như sốt cao và co giật nhưng rất hiếm gặp.

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh nhiễm trùng cấp tính do một loại virus trong họ Paramyxovirus gây ra. Bệnh này có biểu hiện đặc trưng là tình trạng sưng má và vùng hàm.

Quai bị rất dễ lây lan khi người bệnh ho và hắt hơi. Hiện chưa có phương pháp điều trị quai bị, bệnh thường tự khỏi nhưng cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe về lâu dài.

Triệu chứng

Bệnh quai bị thường gây ra các triệu chứng sau đây trong khoảng 7 đến 10 ngày:

  • Sốt đột ngột
  • Nhức đầu
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sưng đau tuyến nước bọt, có thể ở một bên hoặc cả hai bên, gây biến dạng khuôn mặt, khó nhai nuốt
  • Buồn nôn, nôn

Tuy nhiên, cũng có một số người bị quai bị mà không có triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy mệt và không bị sưng tuyến nước bọt.

Biến chứng

Bệnh quai bị có thể rất nguy hiểm. Trước đây khi chưa có vắc-xin, quai bị là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây điếc và viêm màng não. Quai bị cũng có thể dẫn đến viêm não.

Ở hầu hết trẻ em, bệnh quai bị chỉ ở mức độ nhẹ nhưng đôi khi thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như:

  • Viêm màng não (viêm lớp mô bao phủ não và tủy sống)
  • Điếc (tạm thời hoặc vĩnh viễn)
  • Viêm não
  • Viêm tinh hoàn ở nam giới đã dậy thì
  • Viêm ống dẫn trứng và/hoặc viêm vú ở nữ giới đã dậy thì

Trong một vài trường hợp, bệnh quai bị còn có thể gây tử vong.

Bệnh quai bị lây như thế nào?

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus gây bệnh lây lan qua sự tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc qua các giọt bắn hô hấp từ miệng, mũi hoặc họng của người bệnh. Điều này có thể xảy ra khi:

  • Người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện và người xung quanh hít phải giọt bắn
  • Dùng chung các vật dụng dính nước bọt chứa virus, chẳng hạn như thìa, đũa hoặc cốc uống nước
  • Thực hiện các hoạt động có sự tiếp xúc gần gũi với người khác, chẳng hạn như chơi thể thao, khiêu vũ hoặc hôn
  • Chạm vào bề mặt dính virus và sau đó đưa lên mũi, mũi mà không rửa tay

Người bệnh quai bị có thể lây truyền virus từ 2 ngày trước khi tuyến nước bọt bắt đầu bị sưng cho đến 5 ngày sau khi sưng. Do đó phải nghỉ ở nhà và hạn chế tiếp xúc với người khác trong thời gian bị bệnh.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh do virus varicella zoster gây ra, với triệu chứng đặc trưng là phát ban kèm theo ngứa, nổi mụn nước và sốt.

Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu

Tiêm đủ 5 mũi vắc-xin DTaP và một mũi nhắc lại với vắc-xin Tdap là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Vắc-xin phòng bệnh sởi

Tiêm đủ hai liều vắc-xin MMR cho trẻ em là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella.

Vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu

Tiêm vắc-xin MenACWY vào các độ tuổi được khuyến nghị là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu.

Vắc-xin phòng bệnh bại liệt

Tiêm vắc-xin cho trẻ là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh bại liệt.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây