Viêm da

Viêm da là một vấn đề phổ biến, có nhiều nguyên nhân và xảy ra ở nhiều dạng khác nhau.

Viêm da là gì?

Viêm da là một thuật ngữ chung để chỉ tình trạng da bị kích ứng và viêm. Viêm da là một vấn đề phổ biến, có nhiều nguyên nhân và xảy ra ở nhiều dạng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp gồm có ngứa, da khô, sưng hoặc nổi ban đỏ. Một số dạng viêm da còn có triệu chứng là da nổi mụn nước, chảy dịch, đóng vảy và bong tróc.

Viêm da không lây nhưng có thể khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu và mất tự tin. Có thể cải thiện triệu chứng của hầu hết các dạng viêm da bằng cách dưỡng ẩm thường xuyên. Ngoài ra, tùy vào từng dạng cụ thể mà sẽ cần điều trị bằng thuốc.

Triệu chứng viêm da

Mỗi dạng viêm da lại có những đặc điểm khác nhau và xảy ra ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Triệu chứng của các dạng viêm da thường gặp gồm có:

  • Viêm da cơ địa (bệnh chàm hay eczema): thường bắt đầu xảy ra ở trẻ sơ sinh. Viêm da cơ địa có triệu chứng là nổi các mảng da đỏ, khô và ngứa, thường là ở các nếp gấp da, ví dụ như bên trong khuỷu tay, sau đầu gối và trước cổ. Những mảng da này có thể chảy dịch khi bị trầy xước và sau đó đóng vảy. Triệu chứng viêm da cơ địa bùng phát thành từng đợt, thường là theo mùa. Sau mỗi đợt sẽ khỏi một thời gian và tái phát khi có tác nhân kích hoạt.
  • Viêm da tiếp xúc: da nổi ban đỏ, ngứa, châm chích, khô, nứt nẻ, bong tróc và đôi khi còn sưng tấy, nóng rát, phồng rộp, chảy dịch và đóng vảy. Dạng viêm da này xảy ra khi da tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng.
  • Viêm da tiết bã: có các vùng da ửng đỏ, nhờn dầu hoặc bong tróc, nhìn thấy các vảy da trắng. Dạng viêm da này thường xảy ra ở các vùng da tiết nhiều dầu (bã nhờn) trên cơ thể, chẳng hạn như trán, giữa hai đầu lông mày, hai bên mũi, hai bên mặt, ngực trên và lưng. Viêm da tiết bã là một vấn đề mãn tính, triệu chứng xuất hiện theo từng đợt và sau đó là các khoảng thời gian da trở về bình thường.
  • Chàm nang lông: các vùng da bị tổn thương dày lên và nổi sẩn ở nang lông. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người da màu.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ da liễu nếu có các biểu hiện viêm da, đặc biệt là khi:

  • Các triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc việc sinh hoạt hàng ngày
  • Các vùng da tổn thương bị đau rát
  • Nghi ngờ da bị nhiễm trùng
  • Đã thử các biện pháp tự điều trị, chăm sóc da nhưng tình hình không cải thiện

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra các dạng viêm da phổ biến nhất:

  • Viêm da cơ địa: Dạng viêm da này có thể xảy ra do da khô, di truyền, rối loạn chức năng hệ miễn dịch, nhiễm trùng da, tiếp xúc với thực phẩm, chất độc hại trong không khí, chất gây dị ứng hoặc sự kết hợp của nhiều tác nhân cùng một lúc.
  • Viêm da tiếp xúc: Dạng viêm da này là do sự tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng hoặc dị ứng da. Một số tác nhân gây viêm da tiếp xúc thường gặp là thực vật, nước hoa, đồ trang sức có chứa niken, các chất tẩy rửa và chất bảo quản trong mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân.
  • Viêm da tiết bã: Nguyên nhân là do một loại nấm men có trong bã nhờn của da.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm da

Một số yếu tố phổ biến làm tăng nguy cơ viêm da gồm có:

  • Tuổi tác: Viêm da có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng viêm da cơ địa thường bắt đầu khi còn nhỏ.
  • Dị ứng và hen suyễn: Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh chàm, dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ bị viêm da cơ địa cao hơn.
  • Nghề nghiệp: Những công việc cần phải tiếp xúc với một số kim loại, dung môi hoặc chất tẩy rửa sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da tiếp xúc.
  • Tình trạng sức khỏe: Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ viêm da tiết bã, ví dụ như suy tim sung huyết, bệnh Parkinson và nhiễm HIV/AIDS.

Biến chứng

Các dạng viêm da thường có triệu chứng là ngứa ngáy và việc gãi nhiều có thể gây trầy xước, lở loét và dẫn đến nhiễm trùng. Những bệnh nhiễm trùng da này có thể lây lan nhưng rất hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng.

Chẩn đoán viêm da

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành kiểm tra da. Có thể sẽ cần lấy một mẫu da nhỏ (sinh thiết) để phân tích, từ đó xác nhận vấn đề hoặc phát hiện các vấn đề về da khác.

Test áp bì

Đôi khi sẽ cần thực hiện một biện pháp kiểm tra da gọi là test áp bì (patch test).Trong phương pháp này, một số chất khác nhau được thoa lên da và sau đó được băng lại. Sau vài ngày, bác sĩ sẽ kiểm tra những vùng da đó để xác định chất cụ thể gây dị ứng và viêm da.

Điều trị viêm da

Có nhiều phương pháp điều trị viêm da khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và các triệu chứng.

Các biện pháp tự chăm sóc da

Các bước tự chăm sóc da hàng ngày dưới đây sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm da:

  • Dưỡng ẩm cho da: Thoa kem dưỡng ẩm đều đặn hàng ngày, mỗi ngày 2 lần hoặc nhiều hơn nếu cần thiết. Nên thoa kem ngay khi da còn ẩm.
  • Sử dụng các sản phẩm chống viêm và giảm ngứa: Kem hydrocortisone có thể tạm thời làm giảm mẩn đỏ và ngứa. Ngoài ra có thể giảm tình trạng ngứa bằng cách dùng thuốc kháng histamine đường uống, chẳng hạn như diphenhydramine.
  • Đắp khăn ướt để làm dịu vùng da bị tổn thương.
  • Ngâm nước ấm: Có thể hòa một ít baking soda hoặc bột yến mạch vào chậu nước ấm và ngâm mình trong vòng 5 đến 10 phút, sau đó lau khô và thoa kem dưỡng hoặc sữa dưỡng khi da vẫn còn hơi ẩm. Có thể dùng các sản phẩm chứa thành phần tẩy da chết hóa học như alpha hydroxy acid (AHA) để cải thiện tình trạng da khô và bong tróc.
  • Sử dụng dầu gội có chứa thành phần trị gàu: Nếu bị gàu hay viêm da tiết bã ở da đầu thì nên chọn những loại dầu gội có chứa selen sulfide, zinc pyrithione, coal tar hoặc ketoconazole.
  • Tắm bằng dung dịch thuốc tẩy pha loãng: Phương pháp này làm giảm vi khuẩn trên da và giúp cải thiện tình trạng viêm da cơ địa nghiêm trọng. Pha khoảng 120 ml dung dịch thuốc tẩy (sodium hypochlorite – NaOCl, nồng độ 0.05 – 0.06%) vào bồn tắm có chứa khoảng 150 lít nước ấm. Ngâm từ 5 đến 10 phút, sau đó tráng bằng nước sạch và thấm khô. Thực hiện từ 2 đến 3 lần một tuần. Nếu như không tìm được loại thuốc tẩy này thì có thể thay bằng giấm. Hòa 1 cốc (khoảng 240 ml) giấm vào bồn nước ấm và cũng ngâm trong 5 – 10 phút.
  • Không chà xát và gãi: Gãi sẽ làm trầy xước da và làm cho tình trạng viêm da càng thêm trầm trọng hơn. Để tránh gãi trong vô thức thì có thể băng vùng da bị ngứa lại, cắt ngắn móng tay và đeo bao tay khi đi ngủ.
  • Mặc quần áo bằng vải cotton: Vải cotton có bề mặt mềm mịn nên sẽ không gây kích ứng vùng da nhạy cảm. Không nên mặc quần áo bằng chất liệu vải thô cứng và không để đồ len tiếp xúc trực tiếp với da.
  • Chọn bột giặt dịu nhẹ: Vì quần áo, chăn, ga trải giường và khăn tắm tiếp xúc với da nên hãy chọn những loại bột giặt hay nước giặt dịu nhẹ, không chứa nước hoa.
  • Tránh xa các chất kích ứng và chất gây dị ứng: Xác định các chất khiến cho triệu chứng viêm da bùng phát và cố gắng tránh xa, đặc biệt là khi mắc viêm da tiếp xúc.
  • Hạn chế căng thẳng: Các yếu tố gây căng thẳng về cảm xúc có thể khiến một số dạng viêm da bùng phát.

Thuốc và liệu pháp điều trị

Nếu các biện pháp tự chăm sóc nêu trên không đủ để kiểm soát viêm da thì có thể sẽ cần điều trị bằng các phương pháp dưới đây:

  • Bôi corticoid (corticosteroid)
  • Bôi thuốc ức chế calcineurin
  • Liệu pháp ánh sáng: cho vùng da tổn thương tiếp xúc một cách có kiểm soát với ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo (đèn chiếu)
  • Sử dụng corticoid đường uống hoặc tiêm dupilumab (dành cho các trường hợp nặng)

Phòng ngừa viêm da

Nếu làm công việc mà hàng ngày phải tiếp xúc với chất gây kích ứng hoặc hóa chất ăn da thì cần sử dụng đồ bảo hộ để giảm nguy cơ viêm da.

Nhiều dạng viêm da xảy ra do da bị khô và có thể ngăn ngừa vấn đề này bằng cách:

  • Không tắm lâu: cố gắng chỉ tắm trong 5 – 15 phút. Dùng nước mát hoặc nước ấm, không dùng nước nóng để không làm mất hàng rào bảo vệ tự nhiên của da.
  • Không dùng các sản phẩm chứa hóa chất tẩy rửa mạnh: nên chọn những loại xà phòng, sữa tắm, dầu gội và sữa rửa mặt chứa thành phần dịu nhẹ.
  • Lau khô người nhẹ nhàng: sau khi tắm, nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn bông mềm.
  • Dưỡng ẩm cho da: thoa kem, dầu hay lotion ngay khi da vẫn còn ẩm sau khi tắm hoặc rửa mặt để tạo lớp màng khóa độ ẩm bên trong da. Nghiên cứu cho thấy rằng việc thoa kem dưỡng ẩm bảo vệ da cho những trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh lên đến 50%.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây