Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Bệnh viêm vùng chậu là gì?
Viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease - PID) là một bệnh nhiễm trùng ở các cơ quan sinh dục nữ. Bệnh này thường chủ yếu xảy ra khi vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) lây lan từ âm đạo đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có mức độ nặng nhẹ khác nhau, tùy từng trường hợp. Một số phụ nữ còn không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, nhiều người không hề biết mình mắc bệnh này cho đến khi đi khám do mãi không thể mang thai hoặc bị đau vùng chậu dai dẳng.
Dấu hiệu, triệu chứng
Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có thì các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu thường là:
- Đau mức độ từ nhẹ đến nặng ở vùng bụng dưới và vùng chậu
- Dịch âm đạo (khí hư) ra nhiều, màu sắc bất thường và có mùi khó chịu
- Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như trong hoặc sau khi quan hệ tình dục và ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Sốt, đôi khi còn đi kèm cảm giác ớn lạnh
- Đau rát khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều hoặc bí tiểu
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám bác sĩ phụ khoa càng sớm càng tốt nếu như có những triệu chứng như:
- Đau dữ dội ở vùng bụng dưới
- Buồn nôn và nôn
- Sốt với nhiệt độ trên 38 độ C
- Khí hư có mùi hôi khó chịu
Cho dù gặp các triệu chứng không nghiêm trọng thì cũng hãy đi khám bác sĩ. Dịch âm đạo có mùi khó chịu, tiểu buốt hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi phát hiện những triệu chứng này thì hãy ngừng quan hệ tình dục và đi khám bác sĩ ngay. Việc điều trị sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ giúp ngăn ngừa viêm vùng chậu.
Nguyên nhân
Có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây bệnh viêm vùng chậu nhưng phổ biến nhất là vi khuẩn gây bệnh lậu (Neisseria gonorrhoeae) và chlamydia (Chlamydia trachomatis). Những vi khuẩn này lây lan khi quan hệ tình dục không an toàn.
Ngoài ra, viêm vùng chậu cũng có thể là do các loại vi khuẩn khác gây ra và chúng xâm nhập vào đường sinh dục khi dịch nhầy cổ tử cung bị thay đổi. Lớp dịch nhầy này có vai trò là hàng rào bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng và có thể thay đổi (ví dụ như loãng hơn) vào kỳ kinh hàng tháng, sau khi sinh con, sảy thai hoặc phá thai. Đôi khi, vi khuẩn còn xâm nhập vào đường sinh dục khi đặt vòng tránh thai (IUD) - một biện pháp ngừa thai lâu dài, hoặc bất kỳ thủ thuật y tế nào cần phải đưa dụng cụ từ bên ngoài vào tử cung.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm vùng chậu gồm có:
- Quan hệ tình dục ở độ tuổi dưới 25
- Có nhiều bạn tình
- Quan hệ tình dục với một người có nhiều bạn tình
- Quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su
- Có thói quen thụt rửa âm đạo. Điều này làm đảo lộn sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong âm đạo, ngoài ra còn khiến cho các triệu chứng viêm không biểu hiện rõ
- Có tiền sử viêm vùng chậu hoặc mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Nguy cơ bị viêm vùng chậu sẽ tăng lên sau khi đặt vòng tránh thai. Tuy nhiên, điều này thường chỉ xảy ra trong 3 tuần đầu tiên sau khi đặt.
Biến chứng
Bệnh viêm vùng chậu không được điều trị có thể gây hình thành mô sẹo và ổ áp-xe (các bọc chứa mủ do bị nhiễm trùng), dẫn đến tổn thương vĩnh viễn các cơ quan sinh dục.
Điều này có thể gây nên những hậu quả như:
- Mang thai ngoài tử cung: Viêm vùng chậu là nguyên nhân chính gây mang thai ngoài tử cung. Biến chứng này xảy ra khi bệnh viêm vùng chậu không được điều trị và mô sẹo hình thành trong ống dẫn trứng. Các mô sẹo khiến cho trứng đã thụ tinh không thể đi qua ống dẫn trứng để làm tổ trong tử cung mà thay vào đó lại làm tổ trong ống dẫn trứng. Nếu không được can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung có thể gây chảy máu ồ ạt và đe dọa tính mạng người mẹ.
- Vô sinh: Trì hoãn điều trị bệnh viêm vùng chậu sẽ dẫn đến tổn thương cơ quan sinh dục và làm tăng đáng kể nguy cơ vô sinh. Bị viêm vùng chậu càng nhiều lần thì nguy cơ vô sinh càng cao.
- Đau vùng chậu mãn tính: Bệnh viêm vùng chậu có thể gây ra tình trạng đau vùng chậu kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Sẹo trong ống dẫn trứng và các cơ quan khác trong vùng chậu có thể gây đau khi quan hệ tình dục và rụng trứng.
- Áp-xe buồng trứng: Viêm vùng chậu có thể gây ra ổ áp-xe trong đường sinh dục. Thông thường, áp-xe hình thành trong ống dẫn trứng và buồng trứng nhưng cũng có thể hình thành trong tử cung hoặc các cơ quan khác trong khoang chậu. Nếu áp-xe không được điều trị thì tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng tiến triển nặng và đe dọa đến tính mạng.
Biện pháp chẩn đoán
Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chính xác bệnh viêm vùng chậu mà bác sĩ sẽ cần phải dựa vào kết quả của nhiều phương pháp như:
- Lấy bệnh sử: bác sĩ sẽ hỏi về thói quen hoạt động tình dục, tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các biện pháp ngừa thai đã, đang sử dụng.
- Các dấu hiệu và triệu chứng: hãy miêu tả cụ thể tất cả các triệu chứng đang gặp phải, kể cả những triệu chứng nhẹ.
- Khám lâm sàng: bác sĩ kiểm tra khoang chậu để tìm các dấu hiệu bất thường như sưng đỏ. Sau đó dùng tăm bông để lấy mẫu dịch từ âm đạo và cổ tử cung. Mẫu dịch này sẽ được phân tích tại phòng thí nghiệm để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và các loại vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như vi khuẩn gây bệnh lậu và chlamydia.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: các xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra xem có mang thai, nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hay không, hoặc để đo số lượng bạch cầu và các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm nhiễm khác.
- Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh các cơ quan sinh dục.
- Nếu các phương pháp này vẫn chưa cho kết quả rõ ràng thì sẽ cần thực hiện tiếp các phương pháp dưới đây:
- Nội soi ổ bụng: đưa một ống nhỏ, dài có gắn đèn chiếu sáng và camera qua một đường rạch nhỏ ở bụng để quan sát các cơ quan vùng chậu. Quá trình nội soi ổ bụng được thực hiện khi gây mê.
- Sinh thiết nội mạc tử cung: đây là thủ thuật đưa một ống nhỏ vào tử cung để lấy một mẫu mô nhỏ từ lớp niêm mạc. Sau đó, mẫu mô được đem đi phân tích để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và viêm nhiễm.
Điều trị
Việc điều trị kịp thời có thể chữa khỏi tình trạng nhiễm trùng gây viêm vùng chậu. Tuy nhiên, một khi đã hình thành sẹo hoặc tổn thương các cơ quan sinh dục thì sẽ không thể khôi phục lại như bình thường được. Các phương pháp để điều trị viêm vùng chậu gồm có:
- Dùng thuốc kháng sinh: sau khi xác nhận viêm vùng chậu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để bắt đầu điều trị ngay lập tức. Sau khi có kết quả xét nghiệm thì có thể điều chỉnh đơn thuốc dựa trên nguyên nhân cụ thể gây nhiễm trùng. Sau một thời gian, người bệnh cần quay lại tái khám để theo dõi hiệu quả của thuốc. Hãy uống thuốc đủ liều và đủ thời gian theo chỉ định. Cho dù có thấy các triệu chứng có cải thiện thì cũng không được ngừng thuốc giữa chừng. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tái phát và khiến vi khuẩn trở nên kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
- Điều trị cho bạn tình: Để ngăn ngừa tái nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì bạn tình cũng phải đi xét nghiệm và điều trị, kể cả khi không có triệu chứng.
- Ngừng quan hệ tình dục: Tạm thời không quan hệ tình dục cho đến khi điều trị xong và kết quả tái khám cho thấy bệnh đã khỏi hoàn toàn.
Những trường hợp đang mang thai, sức khỏe yếu, nghi ngờ bị áp-xe hoặc không đáp ứng với thuốc có thể cần phải nhập viện để điều trị bằng thuốc kháng sinh qua đường tiêm truyền tĩnh mạch và sau đó mới dùng thuốc kháng sinh đường uống.
Bệnh viêm vùng chậu hiếm khi cần phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, nếu ổ áp-xe bị vỡ hoặc có nguy cơ vỡ thì sẽ phải dẫn lưu. Ngoài ra, nếu không đáp ứng với phương pháp điều trị bằng kháng sinh hoặc đã xảy ra các biến chứng, ví dụ như tắc ống dẫn trứng thì cũng phải làm phẫu thuật.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ bị viêm vùng chậu thì hãy:
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ, hạn chế số lượng bạn tình,...
- Lưu ý, các biện pháp tránh thai như thuốc tránh thai đường uống, vòng hay miếng dán tránh thai đều không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh viêm vùng chậu. Mỗi khi quan hệ phải sử dụng các biện pháp rào cản, chẳng hạn như bao cao su để giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả khi uống thuốc tránh thai thì cũng vẫn phải sử dụng bao cao su, đặc biệt là khi quan hệ với một người mới để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Xét nghiệm: Nếu có nguy cơ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục thì hãy đến bệnh viện làm xét nghiệm. Điều trị sớm các bệnh này sẽ giúp tránh bị viêm vùng chậu.
- Yêu cầu bạn tình cũng xét nghiệm: Nếu bạn bị bệnh viêm vùng chậu hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì hãy khuyên bạn tình cũng đi xét nghiệm và điều trị. Điều này nhằm ngăn chặn sự tái nhiễm STD và viêm vùng chậu.
- Không thụt rửa: Thụt rửa sẽ phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo.
Đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ
Đau vùng chậu mãn tính có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Đó có thể là triệu chứng của một bệnh hoặc cũng có thể là một vấn đề riêng biệt.
Vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu
Tiêm vắc-xin MenACWY vào các độ tuổi được khuyến nghị là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu.
Viêm da cơ địa (bệnh chàm)
Hiện chưa có cách chữa trị bệnh viêm da cơ địa nhưng có nhiều biện pháp điều trị và chăm sóc da để giảm ngứa và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.
Ý kiến bạn đọc