Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm khuẩn âm đạo là gì?

Nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo do vi khuẩn là một dạng viêm âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của vi khuẩn bên trong âm đạo làm đảo lộn sự cân bằng hệ vi sinh vật tự nhiên.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản rất dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo nhưng vấn đề này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả những phụ nữ đã mãn kinh. Một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ hoặc thường xuyên thụt rửa, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm âm đạo do vi khuẩn gồm có:

  • Khí hư loãng, màu xám, trắng ngà hoặc vàng xanh
  • Âm đạo có mùi hôi tanh khó chịu
  • Ngứa ngáy
  • Nóng rát khi đi tiểu

Nhưng cũng có nhiều phụ nữ không hề có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ phụ khoa nếu:

  • Nhận thấy khí hư có màu bất thường và vùng kín có mùi khó chịu.
  • Đã từng bị viêm âm đạo trước đây nhưng lần này màu sắc và kết cấu của khí hư khác với lần trước.
  • Quan hệ tình dục với nhiều người hoặc gần đây quan hệ với một người mới. Đôi khi, dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) cũng tương tự như viêm âm đạo do vi khuẩn.
  • Đã thử dùng thuốc điều trị nhiễm nấm âm đạo không kê đơn nhưng các triệu chứng vẫn không đỡ.

Nguyên nhân

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo. Thông thường, số lượng vi khuẩn có lợi (Lactobacillus) nhiều hơn vi khuẩn có hại. Nhưng khi có quá nhiều vi khuẩn có hại thì chúng sẽ phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh vật tự nhiên trong âm đạo và gây ra viêm nhiễm.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo gồm có:

  • Có nhiều bạn tình hoặc gần đây quan hệ với một bạn tình mới: Mặc dù các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn âm đạo và quan hệ tình dục nhưng vấn đề xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với một bạn tình mới. Những phụ nữ quan hệ tình dục đồng giới cũng dễ bị nhiễm khuẩn âm đạo hơn.
  • Thói quen thụt rửa: Việc rửa bên trong âm đạo bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh (thụt rửa) sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật âm đạo. Điều này sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại và gây ra viêm. Âm đạo có khả năng tự làm sạch nên không cần thiết phải thụt rửa.
  • Thiếu vi khuẩn có lợi: Nếu môi trường âm đạo không thể sản xuất đủ vi khuẩn có lợi thì sẽ có nguy cơ cao bị viêm âm đạo do vi khuẩn.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm âm đạo do vi khuẩn thì bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về bệnh sử, gồm có những lần bị viêm âm đạo trước đây hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Khám lâm sàng: bác sĩ kiểm tra trực quan âm đạo để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và đưa ngón tay vào âm đạo trong khi tay kia ấn lên thành bụng để kiểm tra các cơ quan vùng chậu và tìm các dấu hiệu bất thường.
  • Lấy mẫu dịch âm đạo để kiểm tra xem có sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại trong âm đạo hay không. Dịch âm đạo được quan sát dưới kính hiển vi nhằm tìm các tế bào bị bao phủ bởi vi khuẩn – đây là dấu hiệu của nhiễm khuẩn âm đạo.
  • Kiểm tra độ pH âm đạo bằng cách dùng que thử. Độ pH âm đạo từ 4.5 trở lên là dấu hiệu cho thấy đã bị nhiễm khuẩn âm đạo.

Điều trị

Có thể điều trị nhiễm khuẩn âm đạo bằng các loại thuốc sau:

  • Metronidazole: Thuốc này có cả dạng viên uống và dạng gel bôi trực tiếp vào âm đạo. Để tránh bị đau dạ dày, đau bụng và buồn nôn khi sử dụng thuốc thì không được uống bia rượu trong thời gian điều trị và ít nhất 1 ngày sau khi hoàn thành điều trị. Đọc kỹ hướng dẫn đi kèm.
  • Clindamycin: Đây là một loại thuốc bôi. Clindamycin có thể làm hỏng bao cao su latex trong thời gian điều trị và ít nhất 3 ngày sau khi ngừng sử dụng thuốc.
  • Tinidazole: Thuốc này có dạng uống. Tinidazole cũng có thể gây đau bụng và buồn nôn giống như metronidazole đường uống nên không được uống bia rượu trong thời gian điều trị và ít nhất 3 ngày sau khi kết thúc điều trị.

Nói chung, khi quan hệ tình dục với một phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo thì nam giới sẽ không cần điều trị nhưng đối với quan hệ tình dục đồng tính nữ thì có thể cả hai đều phải điều trị. Phụ nữ mang thai khi nhận thấy các dấu hiệu viêm âm đạo thì cần đi khám ngay và điều trị để tránh bị sinh non hoặc con sinh ra bị thiếu cân.

Phải sử dụng thuốc đủ liều và đủ thời gian mà bác sĩ chỉ định, ngay cả khi không còn triệu chứng. Ngừng điều trị giữa chừng sẽ làm tăng nguy cơ tái phát và khiến vi khuẩn có khả năng kháng thuốc.

Vấn đề tái phát

Nhiễm khuẩn âm đạo thường tái phát trong vòng 3 đến 12 tháng cho dù đã điều trị. Các nhà nghiên cứu vấn đang tìm phương pháp điều trị nhiễm khuẩn âm đạo tái phát. Nếu các triệu chứng xuất hiện lại chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi kết thúc điều trị thì cần đi khám để bác sĩ kê thuốc. Một giải pháp là dùng metronidazole lâu dài.

Ngoài nên cần cố gắng tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi và duy trì môi trường cân bằng trong âm đạo bằng cách ăn sữa chua và các loại thực phẩm khác có chứa vi khuẩn Lactobacillus như kim chi hay bánh mì làm bằng bột chua (sourdough).

Biến chứng

Nhiễm khuẩn âm đạo thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng nhưng đôi khi, vấn đề này có thể dẫn đến:

  • Sinh non: Ở phụ nữ mang thai, nhiễm khuẩn âm đạo có thể gây sinh non và trẻ sinh ra bị nhẹ cân.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bị nhiễm khuẩn âm đạo sẽ khiến phụ nữ dễ bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hơn, chẳng hạn như HIV, herpes sinh dục, chlamydia hoặc bệnh lậu. Ở những người bị nhiễm HIV, nhiễm khuẩn âm đạo còn làm tăng khả năng lây truyền virus sang bạn tình.
  • Nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật phụ khoa: Bị nhiễm khuẩn âm đạo có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng sau các thủ thuật như cắt tử cung hoặc nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C).
  • Bệnh viêm vùng chậu: Viêm âm đạo do vi khuẩn đôi khi có thể dẫn đến bệnh viêm vùng chậu – tình trạng nhiễm trùng tử cung và ống dẫn trứng, có thể làm tăng nguy cơ vô sinh.

Phòng ngừa

Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn âm đạo thì cần:

  • Tránh gây kích ứng âm đạo: Sử dụng xà phòng tắm dịu nhẹ, không dùng các sản phẩm xịt thơm và dùng băng vệ sinh, tampon không mùi.
  • Không thụt rửa: Hàng ngày chỉ cần tắm bình thường là đủ để làm sạch vùng kín. Thụt rửa thường xuyên sẽ phá vỡ sự cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo và dễ bị viêm nhiễm. Một khi đã bị viêm thì thụt rửa sẽ không thể điều trị được vấn đề.
  • Tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Sử dụng bao cao su khi quan hệ và hạn chế số lượng bạn tình để giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và viêm âm đạo do vi khuẩn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Nhiễm trichomonas

Nhiều phụ nữ và hầu hết nam giới bị nhiễm trichomonas đều không có triệu chứng, đặc biệt là trong thời gian đầu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây