Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Nhiễm nấm âm đạo là gì?

Nhiễm nấm âm đạo hay viêm âm đạo do nấm là một dạng viêm âm đạo gây kích ứng, khí hư bất thường và ngứa ngáy dữ dội ở vùng kín.

Theo thống kê, cứ 4 phụ nữ lại có 3 người từng bị nhiễm nấm âm đạo vào một thời điểm nào đó trong đời. Ở nhiều phụ nữ, vấn đề này còn tái đi tái lại nhiều lần.

Nhiễm nấm âm đạo không phải là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STD/STI). Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm nấm âm đạo sẽ tăng lên khi bắt đầu quan hệ tình dục. Cũng có một số bằng chứng cho thấy rằng tình trạng nhiễm nấm có thể lây lan từ miệng người này sang bộ phận sinh dục của người kia khi quan hệ tình dục bằng miệng.

Bệnh nhiễm nấm âm đạo có thể được điều trị bằng các loại thuốc trị nấm. Nếu bị nhiễm nấm tái phát (4 lần trở lên trong vòng một năm) thì sẽ cần điều trị bằng liệu trình dài hơn và sau đó có thể phải tiếp tục dùng thuốc để phòng ngừa.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu, triệu chứng viêm âm đạo do nấm có thể từ nhẹ đến vừa, gồm có:

  • Ngứa ngáy và kích ứng ở âm đạo và âm hộ
  • Cảm giác nóng rát, đặc biệt là khi quan hệ tình dục và khi đi tiểu
  • Âm hộ sưng đỏ
  • Đau nhức âm đạo
  • Khí hư đặc, màu trắng đục, không mùi và vón cục như óc đậu
  • Khí hư loãng như nước

Nhiễm nấm âm đạo phức tạp

Tình trạng nhiễm nấm âm đạo được coi là phức tạp nếu:

  • Có các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như mẩn đỏ, sưng và ngứa ngáy dữ dội trên diện rộng dẫn đến rách, nứt hoặc lở loét
  • Bị nhiễm nấm 4 lần trở lên trong một năm
  • Bị nhiễm một loại nấm hiếm gặp
  • Xảy ra khi mang thai
  • Xảy ra do bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Xảy ra do hệ miễn dịch bị suy yếu khi dùng một số loại thuốc hoặc mắc các bệnh, ví dụ như nhiễm HIV/AIDS

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ phụ khoa nếu:

  • Đây là lần đầu tiên có các triệu chứng nhiễm nấm âm đạo
  • Không biết có phải là nhiễm nấm âm đạo hay không
  • Các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng thuốc bôi trị nấm
  • Còn có các biểu hiện bất thường khác

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Trong âm đạo luôn có sự tồn tại của vi khuẩn và nấm men, trong đó có nấm Candida. Chúng tồn tại ở thế cân bằng. Một số chủng vi khuẩn có lợi (lactobacillus) có vai trò kiểm soát sự phát triển của nấm men.

Tuy nhiên, đôi khi sự cân bằng này lại bị phá vỡ. Sự phát triển quá mức của nấm Candida hoặc sự xâm nhập của nấm vào các lớp tế bào ở sâu bên dưới sẽ gây ra nhiễm nấm âm đạo.

Sự phát triển quá mức của nấm men có thể do:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật tự nhiên trong âm đạo
  • Mang thai
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Suy giảm hệ miễn dịch
  • Uống thuốc tránh thai hoặc sử dụng liệu pháp hormone làm tăng nồng độ estrogen

Candida albicans là chủng nấm phổ biến nhất gây nhiễm nấm âm đạo nhưng vấn đề này còn có thể là do các chủng nấm Candida khác khó điều trị hơn gây ra. Vì thế mà trong những trường hợp này thì thường sẽ cần dùng các loại thuốc trị nấm mạnh hơn.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo gồm có:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Nhiễm nấm âm đạo thường xảy ra ở những phụ nữ đang phải uống thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh phổ rộng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau trong cơ thể, bao gồm cả những vi khuẩn có lợi trong âm đạo. Điều này dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm men.
  • Tăng nồng độ estrogen: Nhiễm nấm âm đạo là vấn đề thường gặp ở những phụ nữ có nồng độ estrogen cao, chẳng hạn như phụ nữ mang thai, những người đang dùng thuốc tránh thai estrogen liều cao hoặc đang sử dụng liệu pháp thay thế estrogen.
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát: Những phụ nữ bị tiểu đường và mức đường huyết ở mức cao không được kiểm soát có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo cao hơn.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Những phụ nữ có khả năng miễn dịch thấp, chẳng hạn như những người đang điều trị bằng corticosteroid hoặc nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo cao hơn so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán nhiễm nấm âm đạo, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về bệnh sử, gồm có những lần bị viêm âm đạo trước đây hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Khám lâm sàng: kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Tiếp theo, bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung.
  • Soi tươi dịch âm đạo: lấy mẫu dịch âm đạo và quan sát dưới kính hiển vi nhằm xác định loại nấm gây viêm âm đạo. Việc xác định loại nấm sẽ giúp kê đúng thuốc điều trị, đặc biệt là các trường hợp nhiễm nấm tái phát.

Điều trị

Việc điều trị nhiễm nấm âm đạo sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất tái phát.

Đối với các trường hợp nhẹ đến vừa và tái phát không thường xuyên thì có thể điều trị bằng các biện pháp như:

  • Dùng thuốc trị nấm tại chỗ ngắn hạn: Thường chỉ cần dùng thuốc trị nấm tại chỗ trong 3 đến 7 ngày là sẽ điều trị khỏi nhiễm nấm âm đạo. Thuốc trị nấm tại chỗ có dạng kem bôi, thuốc mỡ hoặc viên đặt âm đạo, ví dụ như miconazole và terconazole. Một số thuốc trị nấm có thể mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ nhưng một số loại được bán theo đơn.
  • Thuốc đường uống đơn liều: Bác sĩ có thể sẽ kê một liều thuốc trị nấm fluconazole để uống một lần duy nhất. Thuốc này chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng hơn thì có thể phải dùng hai liều cách nhau 3 ngày.

Hãy đi khám nếu đã dùng các phương pháp này nhưng không cải thiện được triệu chứng hoặc nếu triệu chứng quay trở lại trong vòng 2 tháng.

Với những trường hợp nhiễm nấm âm đạo nghiêm trọng hoặc bị nhiễm nấm tái đi tái lại thường xuyên thì sẽ cần điều trị bằng những phương pháp dưới đây:

  • Dùng thuốc trị nấm tại chỗ dài hạn: Dùng thuốc trị nấm tại chỗ hàng ngày trong thời gian lên đến 2 tuần, sau đó giảm xuống một lần một tuần trong 6 tháng tiếp theo.
  • Thuốc đường uống đa liều: Uống 2 đến 3 liều thuốc trị nấm. Phương pháp không dành cho phụ nữ mang thai.
  • Axit boric: Bác sĩ có thể sẽ kê axit boric. Thuốc này có dạng viên nang được đưa vào âm đạo. Axit boric có thể gây tử vong nếu dùng qua đường uống và chỉ được sử dụng để điều trị cho các trường hợp nhiễm trùng nấm men kháng lại các loại thuốc trị nấm thông thường.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ nhiễm nấm âm đạo thì nên mặc quần lót bằng chất liệu vải cotton thoáng khí và không mặc quần bó sát.

Ngoài ra, nên tránh:

  • Thụt rửa vì việc này sẽ loại bỏ một số vi khuẩn có lợi trong âm đạo và làm mất cân bằng hệ vi sinh vật
  • Các sản phẩm dùng cho vùng kín có mùi thơm, ví dụ như xịt khử mùi, băng vệ sinh, tampon,…
  • Tắm nước quá nóng
  • Sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, chẳng hạn như khi cảm cúm thông thường hoặc các bệnh do nhiễm virus
  • Mặc quần ẩm ướt, ví dụ như đồ bơi và đồ tập thể dục trong thời gian dài

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Nhiễm trichomonas

Nhiều phụ nữ và hầu hết nam giới bị nhiễm trichomonas đều không có triệu chứng, đặc biệt là trong thời gian đầu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây