Viêm da cơ địa (bệnh chàm)

Hiện chưa có cách chữa trị bệnh viêm da cơ địa nhưng có nhiều biện pháp điều trị và chăm sóc da để giảm ngứa và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa (bệnh chàm hay eczema) là một vấn đề về da gây nổi mẩn, đỏ và ngứa. Bệnh này phổ biến ở trẻ em nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh mạn tính và thường bùng phát thành từng đợt. Viêm da cơ địa có thể đi kèm với bệnh hen phế quản hoặc viêm mũi dị ứng.

Hiện chưa có cách chữa trị bệnh viêm da cơ địa nhưng có nhiều biện pháp điều trị và chăm sóc da để giảm ngứa và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa ở mỗi người là khác nhau, gồm có:

  • Da khô, ngứa ngáy, thường  dữ dội nhất vào ban đêm
  • Các mảng da dày lên, nứt nẻ, đóng vảy, ửng đỏ ở mu bàn tay, bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, cổ, vùng trên ngực, mí mắt, bên trong khuỷu tay và đầu gối. Ở trẻ sơ sinh các triệu chứng còn xuất hiện ở mặt và da đầu
  • Nổi các mụn nhỏ, có thể chảy dịch và đóng vảy khi bị trầy xước

Viêm da cơ địa thường khởi phát trước 5 tuổi và có thể kéo dài đến độ tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành. Ở nhiều người, các triệu chứng bệnh bùng phát theo từng đợt và sau đó biến mất hoàn toàn trong một thời gian dài, có thể lên đến vài năm.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu có những biểu hiện dưới đây:

  • Các triệu chứng nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày
  • Bị nhiễm trùng da, với các dấu hiệu như có mủ hay đóng vảy vàng
  • Đã thử nhiều biện pháp điều trị nhưng tình trạng bệnh vẫn không đỡ
  • Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu bị phát ban, có dấu hiệu bị nhiễm trùng và sốt.

Nguyên nhân

Một làn da khỏe mạnh có vai trò giữ ẩm và bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, các chất gây kích ứng và dị ứng từ bên ngoài. Bệnh viêm da cơ địa thường xảy ra ở những người mang một biến thể gen ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ này của da. Điều này khiến cho làn da trở nên nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ môi trường, chất gây kích ứng và chất gây dị ứng.

Ở một số trẻ nhỏ, dị ứng thức phẩm có thể góp phần gây ra bệnh viêm da cơ địa.

Các yếu tố nguy cơ

Yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa là có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị viêm da cơ địa, dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn.

Các biến chứng

Bệnh viêm da cơ địa có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Hen suyễn và viêm mũi dị ứng: Nhiều người mắc phải những bệnh này sau khi bị viêm da cơ địa.
  • Viêm da thần kinh: Viêm da cơ địa có thể dẫn đến bệnh viêm da thần kinh với triệu chứng là có những mảng da ngứa. Càng gãi, những mảng da này càng ngứa dữ dội và dần dần người bệnh sẽ bắt đầu gãi do thói quen. Tình trạng này có thể làm cho vùng da tổn thương bị thâm và dày lên.
  • Nhiễm trùng da: Việc gãi nhiều sẽ làm cho da bị trầy xước và trợt loét. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và vi-rút, bao gồm cả vi-rút herpes simplex (HSV) – nguyên nhân gây ra mụn rộp.
  • Viêm da tay: Viêm da cơ địa có thể dẫn đến viêm da tay, gây đau đớn và ảnh hưởng nhiều đến những người mà đôi tay thường xuyên phải tiếp xúc với nước, xà phòng, chất tẩy rửa và chất khử trùng mạnh.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: Vấn đề về da này thường xảy ra ở những người bị viêm da cơ địa.
  • Gián đoạn giấc ngủ: Tình trạng ngứa ngáy do viêm da cơ địa sẽ gây khó ngủ và làm gián đoạn giấc ngủ.

Biện pháp phòng ngừa

Dưới đây là một số cách để giảm các đợt viêm da (các đợt bùng phát) và hạn chế khô da khi bị viêm da cơ địa:

  • Dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần một ngày: Bôi kem, thuốc mỡ hoặc lotion dưỡng ẩm sẽ giúp giữ độ ẩm bên trong da và ngăn da bị khô.
  • Xác định và tránh các tác nhân làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh: Một số yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da cơ địa gồm có mồ hôi, căng thẳng, béo phì, xà phòng, chất tẩy rửa, bụi và phấn hoa. Các yếu tố kích hoạt triệu chứng viêm da cơ địa bùng phát ở mỗi người là không giống nhau. Sau khi đã xác định được thì hãy cố gắng tránh xa những yếu tố này. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, triệu chứng bệnh có thể bị bùng phát sau khi ăn một số loại thực phẩm, ví dụ như trứng, sữa, đậu nành và bột mì.
  • Không tắm lâu: Thời gian mỗi lần tắm chỉ nên kéo dài 10 đến 15 phút và chỉ tắm bằng nước mát hoặc nước ấm, không tắm nước nóng.
  • Tắm bằng thuốc tẩy pha loãng: Học viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology) khuyến nghị việc tắm bằng thuốc tẩy trắng pha loãng (sodium hypochlorite – NaOCl, nồng độ 0.05 – 0.06%) để ngăn ngừa bùng phát triệu chứng viêm da cơ địa. Phương pháp này giúp giảm vi khuẩn trên da và các bệnh nhiễm trùng có liên quan. Pha 115 ml thuốc tẩy trắng với 150 lít nước ấm trong một bồn tắm hoặc chậu lớn. Ngâm từ cổ trở xuống hoặc chỉ những vùng da có triệu chứng trong khoảng 10 phút. Thực hiện không quá 2 lần một tuần.
  • Chỉ sử dụng xà phòng dịu nhẹ: Nên lựa chọn những loại xà phòng và sữa tắm dịu nhẹ. Các chất tẩy rửa mạnh sẽ làm mất đi lượng dầu và hàng rào bảo vệ tự nhiên của da, điều này sẽ dẫn đến khô da.
  • Thấm khô người sau khi tắm: Sau khi tắm, hãy nhẹ nhàng thấm khô da bằng khăn bông mềm và thoa kem dưỡng ngay khi da còn ẩm.

Biện pháp chẩn đoán

Không cần đến các phương pháp xét nghiệm phức tạp trong phòng thí nghiệm để phát hiện bệnh viêm da cơ địa. Bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh bằng cách kiểm tra da và đánh giá tiền sử bệnh. Đôi khi có thể cần thực hiện phương pháp test áp bì hoặc một số phương pháp khác để loại trừ các bệnh về da khác hoặc xác định các vấn đề đi kèm với viêm da cơ địa.

Phương pháp điều trị

Các triệu chứng viêm da cơ địa có thể kéo dài dai dẳng và cần thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau trong vài tháng hoặc vài năm để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất. Và ngay cả khi điều trị thành công thì các triệu chứng vẫn có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Điều quan trọng là phải phát hiện tình trạng bệnh sớm để có thể bắt đầu điều trị. Nếu đã dưỡng ẩm kỹ cho da và thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc da khác mà tình hình không cải thiện thì bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau đây:

Dùng thuốc

  • Thuốc trị ngứa và phục hồi da: Bác sĩ có thể kê corticoid tại chỗ (dạng kem hoặc thuốc mỡ). Bôi thuốc theo chỉ dẫn sau bước dưỡng ẩm. Việc lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra phản ứng phụ, ví dụ như làm mỏng da.
  • Ngoài ra, người bị viêm da cơ địa cũng có thể cần dùng các thuốc ức chế calcineurin, ví dụ như tacrolimus và pimecrolimus. Nhóm thuốc này thường được sử dụng ở trẻ trên 2 tuổi và người lớn để kiểm soát phản ứng da. Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn sau khi dưỡng ẩm da. Tránh để da tiếp xúc với ánh nắng khi sử dụng các loại thuốc này. Thuốc ức chế calcineurin có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
  • Kháng sinh: Bác sĩ có thể kê kháng sinh tại chỗ nếu da bị nhiễm trùng do vi khuẩn, có vết loét hoặc vết nứt. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc kháng sinh đường uống trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm trùng.
  • Corticoid đường uống: Những trường hợp viêm da cơ địa nặng thường phải điều trị bằng corticoid đường uống, chẳng hạn như prednisone. Những loại thuốc này có hiệu quả nhưng không thể sử dụng lâu dài vì có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
  • Thuốc sinh học để điều trị viêm da cơ địa nặng: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gần đây đã phê duyệt một loại thuốc sinh học dạng tiêm (kháng thể đơn dòng) có tên là Dupilumab (Dupixent). Thuốc này được sử dụng để điều trị cho những người bị viêm da cơ địa nặng không đáp ứng với các loại thuốc khác. Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Dupilumab an toàn nếu được sử dụng theo chỉ dẫn nhưng vì đây là một loại thuốc mới nên chưa có nhiều thông tin về tính hiệu quả và an toàn khi dùng thực tế. Hơn nữa, thuốc này có giá khá cao so với các loại thuốc điều trị viêm da cơ địa khác.

Các phương pháp trị liệu

  • Quấn ướt (​wet dressing): Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả, chuyên sâu cho những trường hợp viêm da cơ địa nặng, trong đó những vùng da tổn thương được bôi corticoid và đắp băng ướt. Đối với những trường hợp có vùng tổn thương lan rộng thì phương pháp này được thực hiện tại bệnh viện vì sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi nhiều chuyên môn hơn. Người bệnh có thể được hướng dẫn cách thực hiện và sau một vài lần thì có thể tự làm tại nhà.
  • Liệu pháp ánh sáng: Liệu pháp này được sử dụng cho những người đã sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ nhưng bệnh không thuyên giảm hoặc triệu chứng bùng phát trở lại chỉ một thời gian ngắn sau điều trị. Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu) đơn giản nhất là để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời tự nhiên một cách có kiểm soát. Ngoài ra còn có các phương pháp khác như sử dụng tia cực tím bước sóng A (UVA) nhân tạo và tia cực tím bước sóng B (UVB) dải hẹp, có thể chỉ thực hiện các phương pháp này hoặc kết hợp với thuốc.
    Mặc dù hiệu quả nhưng việc điều trị bằng liệu pháp ánh sáng trong thời gian dài có một số tác hại, ví dụ như gây lão hóa da sớm và tăng nguy cơ ung thư da. Vì những lý do này nên liệu pháp ánh sáng ít được sử dụng ở trẻ nhỏ và hoàn toàn không được dùng cho trẻ sơ sinh.
  • Thư giãn, liệu pháp hành vi và phản hồi sinh học: Những liệu pháp này có thể giúp giảm ngứa và giảm thói quen gãi ở người bệnh viêm da cơ địa.

Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh

Các phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh:

  • Xác định và tránh các chất gây kích ứng da
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với nhiệt độ quá cao
  • Dưỡng ẩm cho da bé bằng dầu, kem hoặc thuốc mỡ

Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu những biện pháp này không cải thiện được tình trạng bệnh hoặc da có dấu hiệu bị nhiễm trùng. Có thể sẽ phải dùng các loại thuốc kê đơn để kiểm soát triệu chứng hoặc để điều trị nhiễm trùng. Đôi khi sẽ phải dùng thuốc kháng histamine đường uống để giảm ngứa ngáy và giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn.

Các biện pháp điều trị khác

Dưới đây là một số biện pháp để giảm ngứa và làm dịu vùng da bị viêm:

  • Dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần một ngày: Có thể dùng các sản phảm dạng dầu, kem, thuốc mỡ hoặc lotion. Thường sẽ phải dùng thử nhiều loại để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất và có thể cần kết hợp nhiều sản phẩm với nhau. Đối với trẻ nhỏ thì bố mẹ có thể bôi thuốc mỡ vào buổi tối và kem vào ban ngày. Mặc dù thuốc mỡ gây nhờn dính nhưng thường ít bị châm chích hơn.
  • Bôi thuốc trị ngứa lên vùng da tổn thương: Kem hydrocortisone không kê đơn, nồng độ ít nhất 1% có thể tạm thời làm giảm ngứa. Bôi hydrocortisone sau bước dưỡng ẩm và dùng không quá 2 lần một ngày. Sử dụng kem dưỡng ẩm trước giúp hydrocortisone thẩm thấu vào da tốt hơn. Khi tình trạng đã đỡ thì nên giảm tần suất dùng hydrocortisone.
  • Uống thuốc chống dị ứng hoặc thuốc trị ngứa: Có thể dùng các loại thuốc dị ứng không kê đơn (thuốc kháng histamine), chẳng hạn như cetirizine hoặc fexofenadine. Nếu ngứa ngáy dữ dội thì dùng diphenhydramine. Thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ nên tốt nhất là uống trước khi đi ngủ.
  • Không gãi: Khi bị ngứa hãy cố gắng không gãi mà chỉ xoa hoặc vỗ nhẹ. Có thể băng vùng da bị ngứa lại để tránh gãi trong vô thức. Bố mẹ hãy cắt ngắn móng tay và đeo bao tay cho con khi đi ngủ để tránh trẻ gãi và làm trầy xước da.
  • Băng vùng da bị tổn thương: Che vùng da bị tổn thương bằng băng gạc sẽ giúp bảo vệ da và ngăn ngừa trầy xước.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước nóng sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ da tự nhiên, dẫn đến mất nước và khiến da bị khô, bong tróc. Do đó, chỉ nên tắm bằng nước ấm hoặc nước mát, có thể hòa thêm một ít baking soda hoặc bột yến mạch (yến mạch có tác dụng làm dịu da). Ngâm trong 10 đến 15 phút, sau đó thấm khô da và bôi kem dưỡng khi da còn ẩm.
  • Chọn xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ: Nên chọn những loại xà phòng, sữa tắm chứa nhiều thành phần chất béo, không chứa kiềm và chất tẩy rửa mạnh. Khi tắm cần dội nước kỹ để loại bỏ sạch xà phòng trên da.
  • Sử dụng máy tạo ẩm: Không khí trong nhà nóng, khô có thể khiến cho làn da nhạy cảm bị khô và làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa ngáy, bong tróc da. Máy tạo ẩm sẽ giúp tăng thêm độ ẩm trong không khí và ngăn ngừa những vấn đề này.
  • Chọn quần áo thoải mái: Nên mặc đồ bằng chất liệu trơn, rộng rãi, mát mẻ. Quần áo bó sát và bằng chất liệu thô ráp sẽ khiến da bị trầy xước và ngứa.
  • Giảm căng thẳng và lo âu: Căng thẳng và các cảm xúc tiêu cực có thể làm cho tình trạng viêm da cơ địa càng thêm nặng hơn. 

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu

Tiêm vắc-xin MenACWY vào các độ tuổi được khuyến nghị là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm màng não mô cầu.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây