Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Bệnh cơ tuyến tử cung là gì?

Cơ tuyến tử cung (adenomyosis) là tình trạng mà các mô bình thường hình thành ở bề mặt bên trong của tử cung (mô niêm mạc tử cung) lại phát triển vào trong lớp thành cơ của tử cung. Các mô này tiếp tục hoạt động bình thường, chúng vẫn dày lên, bong ra và chảy máu vào kỳ kinh nguyệt hàng tháng nhưng vì không thể thoát ra ngoài như mô niêm mạc tử cung bình thường nên chúng tích tụ lại, khiến tử cung to lên, gây đau đớn và kinh nguyệt ra nhiều.

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh. Ở những phụ nữ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng thì có thể giảm nhẹ bằng các biện pháp can thiệp nội tiết tố hoặc phẫu thuật cắt bỏ tử cung để chữa dứt điểm.

Các triệu chứng

Đôi khi, bệnh cơ tuyến tử cung không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào hoặc chỉ gây các triệu chứng khó chịu nhẹ. Nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài
  • Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu dữ dội, quặn thắt trong kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Đau khi quan hệ tình dục

Khi bị cơ tuyến tử cung, tử cung có thể to lên. Mặc dù không thể phát hiện được điều này từ bên ngoài nhưng sẽ cảm nhận thấy vùng bụng dưới bị đau tức, khó chịu.

Khi nào cần đi khám?

Nếu kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài hoặc đau bụng dữ dội vào kỳ kinh và gây cản trở các hoạt động thường ngày thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa ngay.

Nguyên nhân

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng đã có nhiều giả thuyết được đưa ra, ví dụ như:

  • Mô phát triển xâm lấn: Một số chuyên gia cho rằng các tế bào niêm mạc từ bề mặt của tử cung xâm lấn vào lớp cơ của thành tử cung. Đường rạch tử cung trong các ca phẫu thuật như mổ lấy thai hay cắt u xơ có thể tạo điều kiện cho các tế bào niêm mạc tử cung phát triển vào trong thành tử cung.
  • Hình thành từ khi còn trong bụng mẹ: Theo một số ý kiến, mô niêm mạc tử cung tích tụ trong thành tử cung ngay từ khi cơ quan này được hình thành ở giai đoạn bào thai.
  • Viêm tử cung do sinh nở: Một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa bệnh cơ tuyến tử cung và việc sinh nở. Viêm niêm mạc tử cung sau khi sinh có thể phá vỡ ranh giới bình thường của các tế bào niêm mạc tử cung.
  • Tế bào gốc: Một giả thuyết gần đây cho rằng các tế bào gốc do tủy xương tạo ra có thể xâm nhập vào lớp cơ của tử cung, trở thành tế bào niêm mạc và gây ra bệnh cơ tuyến tử cung.

Bất kể bệnh cơ tuyến tử cung phát sinh như thế nào thì cũng chịu sự tác động của lượng estrogen trong cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ tuyến tử cung gồm có:

  • Trước đây từng phẫu thuật tử cung, chẳng hạn như sinh mổ, cắt u xơ hoặc nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C)
  • Từng sinh con
  • Ở độ tuổi trung niên

Hầu hết các trường hợp cơ tuyến tử cung đều xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 40 và 50. Nguyên nhân có thể là do khi sang đến độ tuổi này, cơ thể phụ nữ đã phải tiếp xúc với estrogen trong thời gian dài. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cơ tuyến tử cung ở phụ nữ trẻ đang ngày càng tăng.

Biến chứng

Bệnh cơ tuyến tử cung gây chảy máu nhiều và kéo dài vào kỳ kinh nguyệt, dẫn đến thiếu máu mãn tính, gây mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe khác.

Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng các cơn đau và tình trạng ra máu quá nhiều do cơ tuyến tử cung sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Biện pháp chẩn đoán

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cơ tuyến tử cung cũng tương tự như nhiều bệnh lý khác ở tử cung, ví dụ như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung hay polyp tử cung. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán.

Để kết luận cơ tuyến tử cung thì bác sĩ sẽ cần loại trừ các nguyên nhân khác.

Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh cơ tuyến tử cung dựa trên:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng
  • Phát hiện thấy tử cung to ra khi khám phụ khoa
  • Hình ảnh siêu âm tử cung
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tử cung

Thường sẽ cần lấy một mẫu mô từ tử cung để làm xét nghiệm (sinh thiết nội mạc tử cung) và kiểm tra xem có vấn đề nào khác nghiêm trọng hơn hay không. Tuy nhiên, không thể xác nhận chẩn đoán cơ tuyến tử cung bằng phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh vùng chậu như siêu âm và chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho thấy các dấu hiệu của cơ tuyến tử cung nhưng cách duy nhất để xác nhận là kiểm tra tử cung sau khi cắt bỏ.

Điều trị

Bệnh cơ tuyến tử cung thường tự khỏi sau khi mãn kinh nên tùy theo mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và độ tuổi mà sẽ quyết định xem có cần phải điều trị hay không.

Các phương pháp điều trị cơ tuyến tử cung gồm có:

  • Dùng thuốc chống viêm: có thể dùng các loại thuốc chống viêm, chẳng hạn như ibuprofen để kiểm soát cơn đau do cơ tuyến tử cung. Bắt đầu sử dụng thuốc chống viêm từ 1 đến 2 ngày trước khi có kinh nguyệt và tiếp tục uống thuốc trong suốt kỳ kinh sẽ giúp làm giảm lượng máu và giảm đau.
  • Thuốc nội tiết tố: thuốc tránh thai kết hợp (chứa cả estrogen và progestin – dạng tổng hợp cả progesterone), miếng dán hoặc vòng tránh thai âm đạo chứa nội tiết tố có thể làm giảm triệu chứng ra máu nhiều và đau do cơ tuyến tử cung. Các biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, chẳng hạn như vòng tránh thai tử cung hoặc thuốc tránh thai hàng ngày có thể tạm thời làm ngừng chu kỳ kinh nguyệt và cũng giúp cải thiện các triệu chứng.
  • Phẫu thuật cắt tử cung: nếu bệnh cơ tuyến tử cung gây đau đớn dữ dội và đã thử hết các phương pháp khác nhưng đều không có tác dụng thì có thể phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Với những trường hợp cơ tuyến tử cung thì thường không cần phải cắt bỏ cả buồng trứng.

Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà

Để giảm triệu chứng đau vùng chậu và đau bụng do cơ tuyến tử cung thì có thể thử các cách sau:

  • Ngâm mình trong nước ấm.
  • Chườm nóng trên bụng.
  • Uống thuốc chống viêm không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hay naproxen

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh xơ cứng bì

Có nhiều dạng xơ cứng bì khác nhau. Ở một số người, bệnh này chỉ ảnh hưởng đến da trong khi ở một số khác, bệnh xơ cứng bì còn xảy ra ở các cấu trúc bên trong trong cơ thể, chẳng hạn như mạch máu, cơ quan nội tạng và đường tiêu hóa.

U xơ tử cung

thông tin

Polyp tử cung

Polyp tử cung có kích thước đa dạng, từ chỉ vài mm cho đến vài cm hoặc lớn hơn.

Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu vì có dấu hiệu là chảy máu âm đạo bất thường. Nếu được chẩn đoán sớm thì có thể chữa khỏi bệnh ung thư này bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Tử cung đôi

Tử cung đôi thường không biểu hiện triệu chứng. Vấn đề này thường được phát hiện ra khi khám phụ khoa định kỳ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây