Viêm da hoại thư

Viêm da hoại thư thường có dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện sẩn nhỏ, màu đỏ trên da, đôi khi trông giống như côn trùng đốt. Trong vòng vài ngày, vị trí nổi sẩn sẽ hình thành vết loét lớn và gây đau đớn.

Viêm da hoại thư là gì?

Viêm da hoại thư (pyoderma gangrenosum) là một bệnh hiếm gặp gây ra các vết loét lớn, đau đớn trên da, thường là ở chân.

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng có khả năng là do một dạng rối loạn miễn dịch. Những người đang mắc một số bệnh khác, chẳng hạn như bệnh viêm ruột hoặc viêm khớp, có nguy cơ cao bị viêm da hoại thư.

Vết loét do viêm da hoại thư có thể hình thành và tiến triển nhanh chóng. Mặc dù đa phần đều khỏi khi được điều trị nhưg các vết loét thường để lại sẹo và có thể tái phát.

Triệu chứng viêm da hoại thư

Viêm da hoại thư thường có dấu hiệu đầu tiên là xuất hiện sẩn nhỏ, màu đỏ trên da, đôi khi trông giống như côn trùng đốt. Trong vòng vài ngày, vị trí nổi sẩn sẽ hình thành vết loét lớn và gây đau đớn.

Vết loét thường xuất hiện trên chân nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Đôi khi, vết loét hình thành xung quanh vết mổ phẫu thuật. Nếu có nhiều vết loét cùng lúc, chúng có thể lan rộng và hợp nhất thành một vết loét lớn hơn.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy có vết loét đau đớn trên da, lâu lành hoặc ngày càng lan rộng.

Nguyên nhân gây viêm da hoại thư

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm da hoại thư. Tình trạng này không lây nhưng thường có liên quan đến các bệnh tự miễn như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn và viêm khớp. Bệnh viêm da hoại thư cũng có thể là do di truyền.

Khi bị viêm da hoại thư thì bất cứ tổn thương nào trên da, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết xước đều có thể gây hình thành vết loét mới.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm da hoại thư:

  • Tuổi tác và giới tính: Bệnh viêm da hoại thư có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào nhưng phổ biến nhất trong độ tuổi từ 20 đến 50.
  • Bị bệnh viêm ruột: Những người có bệnh ở đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn có nguy cơ viêm da hoại thư cao hơn.
  • Bị viêm khớp: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ viêm da hoại thư cao hơn.
  • Bị bệnh về máu: Những người bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, loạn sản tủy hoặc rối loạn sinh tủy có nguy cơ cao bị viêm da hoại thư.

Biến chứng của viêm da hoại thư

Các biến chứng có thể xảy ra khi bị viêm da hoại thư gồm có nhiễm trùng, sẹo, đau đớn dữ dội, trầm cảm và giảm khả năng vận động.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng. Không có phương pháp kiểm tra đơn lẻ nào có thể chẩn đoán chắc chắn viêm da hoại thư mà sẽ cần phải thực hiện nhiều xét nghiệm để loại trừ các vấn đề khác có biểu hiện tương tự, ví dụ như xét nghiệm máu, sinh thiết da và các xét nghiệm khác.

Điều trị viêm da hoại thư

Các phương pháp điều trị viêm da hoại thư đều nhằm mục đích giảm viêm, giảm đau đớn, thúc đẩy quá trình lành vết thương và kiểm soát các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra vấn đề. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có tình trạng sức khỏe, số lượng, kích thước, độ sâu và tốc độ phát triển của vết loét trên da.

Có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc uống, thuốc bôi hoặc thuốc tiêm nhưng cũng có nhiều trường hợp viêm da hoại thư phải nhập viện để điều trị. Ngay cả khi đã điều trị thành công thì vết loét mới vẫn có thể hình thành bất cứ lúc nào.

Dùng thuốc

  • Thuốc corticoid: Phương pháp phổ biến nhất để điều trị viêm da hoại thư là dùng corticoid (corticosteroid) hàng ngày. Corticoid có cả dạng bôi ngoài da, tiêm trực tiếp vào vết thương hoặc dạng viên uống (prednisone). Lưu ý, sử dụng corticoid trong thời gian dài hoặc liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, đối với các trường hợp cần điều trị lâu dài thì bác sĩ thường kê các loại thuốc không chứa steroid.
  • Thuốc không chứa steroid: Một loại thuốc không chứa steroid có hiệu quả trong điều trị viêm da hoại thư là cyclosporine. Ngoài ra còn có các lựa chọn khác như mycophenolate, immunoglobulins, dapsone, infliximab và tacrolimus - một loại thuốc ức chế calcineurin. Trong số này có loại được bôi trực tiếp lên vết thương, có loại tiêm và có cả loại thuốc uống.
  • Thuốc giảm đau: Viêm da hoại thư thường gây đau đớn, đặc biệt là khi thay băng nên sẽ cần dùng thuốc giảm đau.

Chăm sóc vết thương

Sau khi bôi thuốc, vết loét sẽ được che lại bằng băng ẩm. Người bệnh cần nâng cao khu vực có vết loét để giảm sưng phù. Cần thực hiện đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc vết thương tại nhà. Đây là điều rất quan trọng vì một số loại thuốc uống dùng để điều trị viêm da hoại thư có tác dụng ức chế miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Phẫu thuật

Vì tình trạng viêm da hoại thư có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi da có vết thương mới nên phẫu thuật cắt lọc mô không phải là giải pháp được khuyến nghị. Bất kỳ tổn thương nào trên da cũng đều có thể làm trầm trọng thêm các vết loét hiện có hoặc gây ra vết loét mới.

Nếu có vết loét quá lớn thì có thể tiến hành phẫu thuật ghép da để đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Trong quy trình phẫu thuật, bác sĩ lấy một mảng da ở vị trí khác trên cơ thể hoặc dùng vật liệu sinh học để ghép vào vết loét. Quy trình này chỉ được thực hiện sau khi vết thương đã hết viêm và vết loét bắt đầu lành lại.

Phòng ngừa viêm da hoại thư

Vì chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn viêm da hoại thư. Nhưng một khi đã bị bệnh này thì hãy cố gắng tránh làm da bị thương. Các tổn thương mới trên da, bao gồm cả vết thương do vô ý hay do phẫu thuật, đều có thể làm hình thành các vết loét mới. Ngoài ra nếu mắc các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây viêm da hoại thư thì cần kiểm soát tình trạng bệnh.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây