Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc không lây và không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là một dạng viêm da với biểu hiện đặc trưng là da nổi ban đỏ và ngứa khi tiếp xúc trực tiếp với một số chất nhất định. Viêm da tiếp xúc không lây và không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Có nhiều tác nhân khác nhau có thể kích hoạt các triệu chứng viêm da tiếp xúc, ví dụ như xà phòng, mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang sức và thực vật.

Để điều trị viêm da tiếp xúc thì người bệnh sẽ cần phải xác định và tránh các tác nhân gây ra phản ứng da. Chỉ cần tránh được những tác nhân này thì các triệu chứng thường tự hết sau từ vài ngày đến vài tuần. Trong thời gian đó thì có thể làm dịu da bằng cách chườm mát, thoa thuốc trị ngứa và một số biện pháp chăm sóc da khác.

Triệu chứng viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc thường xảy ra ở những vùng cơ thể tiếp xúc trực tiếp với chất gây phản ứng da, ví dụ như ở bàn tay khi chạm vào loài thực vật gây dị ứng, quanh cổ do đeo trang sức hoặc cổ tay do cọ xát với dây đeo đồng hồ. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc và có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần.

Các triệu chứng thường gặp của viêm da tiếp xúc gồm có:

  • Da nổi ban đỏ
  • Ngứa ngáy, có thể ngứa dữ dội
  • Da khô, nứt nẻ, bong tróc
  • Nổi sẩn và phồng rộp, đôi khi còn rỉ dịch và đóng vảy
  • Sưng tấy, nóng rát hoặc đau nhức

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ khi có những biểu hiện dưới đây:

  • Các triệu chứng trên da gây khó chịu đến mức mất ngủ và gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
  • Các triệu chứng xảy đến đột ngột, đau đớn, nghiêm trọng hoặc lan rộng
  • Các triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến vẻ ngoài
  • Các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 3 tuần
  • Các triệu chứng xảy ra ở mặt hoặc bộ phận sinh dục

Cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt trong các trường hợp sau:

  • Có dấu hiệu bị nhiễm trùng, ví dụ như sốt và chảy mủ từ mụn nước.
  • Đau mắt, đau rát bên trong mũi hoặc khó thở, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy đã hít phải chất gây dị ứng.
  • Viêm da tiếp xúc gây tổn thương niêm mạc miệng và đường tiêu hóa

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc xảy ra do sự tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc chất gây dị ứng. Có vô số chất gây kích ứng và dị ứng khác nhau, một số trong đó có thể gây ra cả hai loại viêm da tiếp xúc (viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng).

Viêm da tiếp xúc kích ứng là loại phổ biến nhất. Đây là dạng phản ứng da không phải dị ứng, xảy ra khi một chất gây tổn hại lớp bảo vệ bên ngoài của làn da.

Ở một số người, da phản ứng mạnh với chất gây kích ứng chỉ sau một lần tiếp xúc trong khi ở một số khác, các triệu chứng lại phát triển dần dần sau nhiều lần tiếp xúc. Đôi khi, cơ thể sẽ hình thành khả năng thích ứng theo thời gian và sau một vài lần thì không còn phản ứng với chất đó nữa hoặc chỉ xảy ra phản ứng nhẹ.

Một số chất gây kích ứng thường gặp gồm có:

  • Dung môi
  • Cồn
  • Thuốc tẩy trắng và các chất tẩy rửa
  • Dầu gội đầu và các sản phẩm tạo kiểu tóc
  • Các chất trong không khí, chẳng hạn như mùn cưa hoặc bụi
  • Thực vật
  • Phân bón và thuốc trừ sâu

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi một chất gây dị ứng kích hoạt đáp ứng miễn dịch trên da. Dạng viêm da tiếp xúc này thường xảy ra ở khu vực tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng nhưng phản ứng da cũng có thể được kích hoạt bởi một tác nhân đi vào bên trong cơ thể, ví dụ như thực phẩm, hương liệu, thuốc hoặc các thủ thuật y tế (viêm da tiếp xúc toàn thân).

Các chất gây dị ứng mạnh, ví dụ như độc của các loài cây có thể gây ra phản ứng da chỉ sau một lần tiếp xúc. Các chất gây dị ứng yếu hơn có thể phải tiếp xúc nhiều lần trong thời gian dài mới gây ra triệu chứng. Khi bị dị ứng với một chất nào đó thì ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng.

Một số chất gây dị ứng phổ biến gồm có:

  • Niken – kim loại màu trắng bạc được dùng làm trang sức, đầu khóa thắt lưng và nhiều vật dụng khác
  • Thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc kháng histamin đường uống
  • Các loài thực vật và chiết xuất từ thực vật
  • Formaldehyde – được sử dụng trong chất bảo quản, chất khử trùng và quần áo
  • Các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như lăn khử mùi, sữa tắm, thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm và sơn móng tay
  • Các chất trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa và thuốc diệt côn trùng dạng xịt
  • Các sản phẩm gây ra phản ứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (viêm da tiếp xúc do dị ứng ánh sáng), chẳng hạn như một số loại kem chống nắng và viên uống chống nắng

Trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm da tiếp xúc do những chất gây dị ứng/kích ứng này và ngoài ra còn có thể là do tiếp xúc với bỉm, tã, khăn ướt, kem chống nắng, khuy bấm hay thuốc nhuộm trong quần áo,…

Các yếu tố nguy cơ

Một số ngành nghề dễ bị viêm da tiếp xúc:

  • Nhân viên y tế
  • Thợ kim khí
  • Công nhân xây dựng
  • Thợ làm tóc và chuyên viên thẩm mỹ
  • Thợ cơ khí
  • Người lặn biển hoặc bơi lội (lớp cao su trong mặt nạ hoặc kính bảo hộ có thể gây kích ứng da)
  • Người thường xuyên phải tiếp xúc với chất tẩy rửa
  • Nông dân
  • Đầu bếp và những người tiếp xúc với thực phẩm hàng ngày

Biến chứng của viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu gãi nhiều ở vùng da bị bệnh, khiến cho da lở loét và chảy dịch. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn hoặc nấm phát triển, gây ra nhiễm trùng.

Biện pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm da tiếp xúc và xác định nguyên nhân, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và thăm khám da.

Thường sẽ cần tiến hành phương pháp test áp bì để xem các triệu chứng trên da có phải do dị ứng hay không. Phương pháp này thường được thực hiện trong những trường hợp không rõ nguyên nhân gây ra triệu chứng hoặc khi triệu chứng tái phát thường xuyên.

Trong quá trình test áp bì, một lượng nhỏ các chất gây dị ứng phổ biến được bôi lên các miếng dán, sau đó đặt lên da và giữ nguyên từ 2 đến 3 ngày. Trong khoảng thời gian này, người bệnh cần giữ cho da luôn khô ráo.

Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra phản ứng của da bên dưới các miếng dán và xác định xem có cần kiểm tra thêm hay không.

Điều trị viêm da tiếp xúc

Các biện pháp tự khắc phục

Để giảm ngứa và làm dịu vùng da bị viêm thì có thể thử các phương pháp sau:

  • Tránh chất kích ứng hoặc chất gây dị ứng: trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và cố gắng tránh xa. Ví dụ, nếu bị dị ứng với niken thì cần tránh đeo các loại trang sức làm bằng chất liệu này hoặc quết một lớp sơn móng tay trong lên mặt trong của vòng tay, nhẫn để ngăn ngừa phản ứng da.
  • Bôi thuốc trị ngứa hoặc kem dưỡng ẩm lên vùng da bị viêm: các loại thuốc bôi da có chứa hydrocortisone nồng độ ít nhất 1% có thể tạm thời làm dịu cảm giác ngứa. Ngoài ra có thể bôi thuốc mỡ steroid 1 – 2 lần một ngày trong 2 đến 4 tuần hoặc thử dùng kem dưỡng ẩm có thành phần calamine.
  • Uống thuốc trị ngứa: thuốc kháng histamin hoặc corticoid đường uống không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine có thể làm giảm tình trạng ngứa dữ dội.
  • Chườm mát: nhúng một miếng gạc hoặc khăn sạch vào nước mát rồi đặt lên vùng da bị viêm để làm dịu da trong 15 đến 30 phút. Lặp lại vài lần một ngày.
  • Không gãi: dù viêm da tiếp xúc gây ngứa nhưng hãy cố gắng không gãi. Gãi sẽ làm tổn thương da và khiến cho tình trạng càng thêm nặng hơn. Nếu hay gãi trong vô thức thì hãy cắt ngắn móng tay và băng vùng da bị ngứa lại.
  • Ngâm nước mát: có thể hòa thêm một ít baking soda hoặc bột yến mạch để làm dịu da.
  • Bảo vệ tay: rửa sạch tay bằng xà phòng dịu nhẹ và lau khô nhẹ nhàng. Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm cho bàn tay.  Đeo găng tay khi phải tiếp xúc với các chất có khả năng gây kích ứng/dị ứng.

Dùng thuốc

Nếu đã thực hiện hết các biện pháp kể trên mà tình trạng viêm da tiếp xúc không có cải thiện thì sẽ cần đi khám để bác sĩ kê thuốc. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Steroid tại chỗ: có tác dụng làm dịu triệu chứng viêm da tiếp xúc. Có thể bôi 1 hoặc 2 lần một ngày trong 2 đến 4 tuần. Không nên dùng liên tục trong thời gian dài.
  • Thuốc uống: trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê corticoid đường uống để giảm viêm, thuốc kháng histamin để giảm ngứa hoặc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc

Để tránh bùng phát triệu chứng viêm da tiếp xúc thì cần:

  • Tránh xa các chất kích ứng và chất gây dị ứng: cố gắng xác định và tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng da.
  • Rửa sạch da: có thể loại bỏ hầu hết chất gây kích ứng/dị ứng nếu rửa sạch da ngay sau khi tiếp xúc với các chất này. Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không có mùi thơm và rửa kỹ lại bằng nước ấm. Ngoài ra, cần giặt quần áo và các vật dụng khác đã tiếp xúc với chất gây dị ứng.
  • Mặc quần áo và găng tay bảo hộ: đeo khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay và các vật dụng khác sẽ giúp bảo vệ da khỏi các chất gây kích ứng, ví dụ như chất tẩy rửa.
  • Ngăn cách da với các vật dụng bằng kim loại: ví dụ, dán một miếng băng keo ở mặt bên trong của khuy quần nếu bị dị ứng với kim loại.
  • Bôi kem hoặc gel bảo vệ da: những sản phẩm này giúp tạo một lớp bảo vệ cho làn da. Ví dụ, kem bôi da có chứa bentoquatam có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm phản ứng da với urushiol – chất độc có trong một số loài cây, ví dụ như cây thường xuân độc.
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm: thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm có thể giúp phục hồi lớp hàng rào bảo vệ tự nhiên của da và giữ cho da luôn mềm mại.
  • Thương xuyên tắm và tỉa lông cho vật nuôi: các chất gây dị ứng từ thực vật, chẳng hạn như phấn hoa có thể bám vào lông vật nuôi và sau đó lây sang người.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây