Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã đôi khi sẽ tự khỏi nhưng đa phần thì đây là một vấn đề mạn tính và triệu chứng bùng phát thành từng đợt.

Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã là một dạng viêm da phổ biến chủ yếu xảy ra ở da đầu với biểu hiện là các mảng da hồng ban và bong tróc. Viêm da tiết bã cũng thường xảy ra ở cả những khu vực tiết nhiều dầu trên cơ thể, chẳng hạn như trán, hai bên mũi, quanh tai, mí mắt và ngực.

Triệu chứng viêm da tiết bã thường xuất hiện thành đợt, sau mỗi đợt sẽ khỏi một thời gian và quay trở lại. Làm sạch da hàng ngày bằng xà phòng và dầu gội dịu nhẹ có thể giúp giảm nhờn và tích tụ da chết.

Các triệu chứng

Các triệu chứng của viêm da tiết bã:

  • Các mảng da ửng đỏ, sần sùi, bong tróc vảy trắng ở những vùng da tiết nhiều dầu như da đầu, trán, giữa hai lông mày, hai bên cánh mũi, quanh tai, mí mắt, ngực, nách, vùng bẹn hoặc dưới vú. Những vùng có lông, tóc như đầu, lông mày, lông mi, râu, ria có các vảy da trắng.
  • Những vùng da có bệnh thường kèm theo cảm giác ngứa.

Các triệu chứng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi căng thẳng và thường bùng phát vào mùa lạnh, không khí hanh khô.

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ da liễu nếu nhận thấy da bong tróc nhiều và tình trạng kéo dài dai dẳng không đỡ dù đã thử các biện pháp tự điều trị.

Nguyên nhân

Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da tiết bã nhưng dạng viêm da này có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Một loại nấm men có tên là malassezia có trong bã nhờn của da
  • Phản ứng bất thường của hệ miễn dịch khiến cho da bong tróc

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da tiết bã:

  • Có vấn đề về thần kinh và tâm thần, chẳng hạn như bệnh Parkinson và trầm cảm
  • Hệ miễn dịch suy yếu do một số nguyên nhân, ví dụ như do dùng thuốc chống thải ghép sau ghép tạng, nhiễm HIV/AIDS, viêm tụy do rượu và một số bệnh ung thư
  • Trong thời gian phục hồi sau các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ có thể dựa trên các triệu chứng trên da để chẩn đoán bệnh viêm da tiết bã. Ngoài ra có thể tiến hành thêm thủ thuật sinh thiết da để phát hiện hoặc loại trừ các vấn đề cũng có triệu chứng tương tự như viêm da tiết bã, ví dụ như:

  • Bệnh vảy nến: Bệnh này cũng có triệu chứng da ửng đỏ, sần sùi và bong tróc vảy. Tuy nhiên, ở người bị vảy nến, các mảng da bị bệnh thường khô nứt nẻ, có thể gồ lên và bề mặt có màu trắng bạc.
  • Viêm da cơ địa (bệnh chàm): Dạng viêm da này có triệu chứng là da sần sùi, ửng đỏ, thô ráp và ngứa ngày, thường xảy ra ở các nếp gấp da, ví dụ như khuỷu tay, sau đầu gối hoặc ở mặt trước của cổ.
  • Lang ben: Bệnh này thường xảy ra ở thân trên nhưng da không bị đỏ như các mảng viêm da tiết bã.
  • Bệnh trứng cá đỏ (rosacea): Bệnh này thường xảy ra trên mặt, có triệu chứng là da đỏ bừng, nổi nhiều sẩn nhỏ, có thể chứa mủ, trông giống như mụn trứng cá nhưng không tróc vảy như viêm da tiết bã.

Điều trị viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã đôi khi sẽ tự khỏi nhưng đa phần thì đây là một vấn đề mạn tính và triệu chứng bùng phát thành từng đợt. Thông thường có thể kiểm soát dạng viêm da này bằng quy trình chăm sóc da phù hợp hàng ngày. Ban đầu có thể thử các biện pháp tự điều trị tại nhà và nếu không hiệu quả thì đi khám bác sĩ để được kê thuốc.

Các biện pháp tự điều trị tại nhà

Phương pháp điều trị viêm da tiết bã ở mỗi người là khác nhau vì còn tùy thuộc vào loại da, mức độ nghiêm trọng của tình trạng và vị trí của vùng da bị bệnh. Lưu ý, cho dù điều trị khỏi thì triệu chứng bệnh vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào. Có thể sẽ phải thử nhiều sản phẩm khác nhau để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất và cần kết hợp nhiều sản phẩm với nhau để tăng hiệu quả.

Gội đầu thường xuyên

Nếu viêm da tiết bã xảy ra ở da dầu và gây nhiều gàu thì cần dùng dầu gội trị gàu có chứa các thành phần hoạt tính như:

  • Pyrithione zinc
  • Selenium sulfide
  • Ketoconazole
  • Tar
  • Salicylic acid

Thời gian đầu hãy sử dụng các sản phẩm này hàng ngày và khi triệu chứng bắt đầu giảm dần thì có thể giảm xuống dùng 1 đến 3 lần/tuần. Dầu gội có chứa tar (hắc ín) có thể làm đổi màu tóc nên nếu đã nhuộm tóc hoặc tẩy tóc thì cần chọn những sản phẩm không chứa thành phần này.

Hiệu quả của dầu gội trị gàu có thể giảm dần sau một thời gian sử dụng nên để có hiệu quả lâu dài thì nên dùng xen kẽ 2 hoặc 3 loại dầu gội khác nhau. Sử dụng sản phẩm theo đúng hướng dẫn và để dầu gội trên tóc đủ thời gian quy định để các thành phần phát huy tác dụng. Có thể dùng dầu gội cho cả vùng quanh tai và ngực rồi xả sạch với nước.

Các biện pháp tự điều trị khác

Các biện pháp tự điều trị và chăm sóc da dưới đây có thể giúp kiểm soát bệnh viêm da tiết bã:

  • Làm mềm da và loại bỏ vảy gàu trên tóc: Thoa dầu dừa hoặc dầu ô liu lên khắp da đầu. Để nguyên trong ít nhất 60 phút, sau đó chải tóc và gội sạch.
  • Tắm và rửa mặt thường xuyên: Rửa kỹ với nước để loại bỏ hoàn toàn bọt xà phòng và sữa rửa mặt trên da. Không dùng các sản phẩm có chứa chất tẩy rửa mạnh.
  • Dưỡng ẩm da: Bôi kem dưỡng ngay khi da còn ẩm sau khi tắm và rửa mặt.
  • Sử dụng thuốc không kê đơn: Trước tiên có thể thử dùng corticoid tại chỗ nồng độ thấp bôi lên các vùng da bị bệnh, tránh để sản phẩm dính vào mắt. Nếu không hiệu quả thì thử chuyển sang dùng thuốc trị nấm ketoconazole.
  • Không dùng các sản phẩm tạo kiểu tóc: Ngừng sử dụng xịt tóc, gel và các sản phẩm tạo kiểu tóc khác trong thời gian điều trị viêm da tiết bã.
  • Tránh các sản phẩm dành cho da và tóc có chứa cồn: Cồn có thể khiến triệu chứng viêm da tiết bã bùng phát.
  • Mặc quần áo bằng vải cotton: Vải cotton có bề mặt mềm mại, thoáng khí và không gây kích ứng da.
  • Chăm sóc râu và ria thường xuyên: Ở nam giới, viêm da tiết bã thường xảy ra ở vùng có râu hoặc ria. Có thể thử dùng dầu gội dành riêng cho râu có chứa ketoconazole 1%. Ban đầu dùng hàng ngày và sau đó giảm xuống dùng mỗi tuần một lần. Nếu có thể thì nên cạo râu để cải thiện các triệu chứng.
  • Điều trị viêm da tiết bã ở trẻ nhỏ: Nếu trẻ nhỏ bị viêm da tiết bã ở da đầu thì bố mẹ cần gội đầu cho bé bằng dầu gội dịu nhẹ mỗi ngày một lần. Nhẹ nhàng loại bỏ vảy da bằng bàn chải mềm rồi xả sạch với nước. Nếu vẫn còn vảy da thì có thể thử cách ủ bằng dầu ô liu hoặc dầu dừa rồi gội sạch.

Điều trị bằng thuốc

Nếu các biện pháp tự điều trị tại nhà nêu trên không hiệu quả thì cần đi khám bác sĩ da liễu để được kê thuốc. Một số loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm da tiết bã:

  • Corticoid tại chỗ, ví dụ như hydrocortisone, fluocinolone, clobetasol và desonide. Đây là phương pháp hiệu quả để điều trị viêm da tiết bã nhưng chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn. Việc sử dụng liên tục trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ như mỏng da.
  • Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ, ví dụ như tacrolimus và pimecrolimus. Các loại thuốc này cũng cho hiệu quả tốt mà lại ít tác dụng phụ hơn so với corticoid. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA, dùng thuốc ức chế calcineurin lâu dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, tacrolimus và pimecrolimus có giá cao hơn so với các loại corticoid nồng độ thấp.
  • Thuốc kháng nấm dạng bôi: Tùy thuộc vào vị trí bị viêm da tiết bã và mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng nấm như ketoconazole hoặc ciclopirox.
  • Thuốc kháng nấm đường uống: Nếu đã dùng các sản phẩm dạng bôi mà tình trạng vẫn không cải thiện thì có thể sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống. Đây thường không phải là phương pháp được lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm da tiết bã do các tác dụng phụ tiềm ẩn và tương tác thuốc.

Các phương pháp điều trị khác

  • Tinh dầu tràm trà (tea tree oil): Có thể dùng tinh dầu tràm trà nguyên chất hoặc các sản phẩm có chứa thành phần này trên vùng da bị viêm da tiết bã. Lưu ý, tinh dầu tràm trà có thể gây ra phản ứng dị ứng nên cần thử trên vùng da trong cánh tay trước khi dùng cho mặt.
  • Viên uống dầu cá: Axit béo omega-3 trong dầu cá giúp làm giảm tình trạng da khô, bong tróc.
  • Lô hội: Thoa lô hội tươi hoặc sản phẩm dưỡng da gel lô gội lên vùng da bong tróc để làm mềm và cải thiện tạm thời triệu chứng viêm da tiết bã.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây