Viêm mạch máu

Viêm mạch máu có thể do nhiễm trùng hoặc do thuốc gây ra. Viêm mạch máu có thể chỉ là một vấn đề nhỏ với các triệu chứng biểu hiện trên da nhưng cũng có thể là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như tim và thận.

Viêm mạch máu là gì?

Viêm mạch liên quan đến tình trạng viêm xảy ra ở thành các mạch máu. Viêm có thể làm cho thành mạch máu dày lên và thu hẹp lòng mạch. Điều này ảnh hưởng đến lưu thông máu, làm giảm lưu lượng máu đến các mô và dẫn đến tổn thương các cơ quan trong cơ thể.

Có nhiều loại viêm mạch và hầu hết đều hiếm gặp. Viêm mạch máu có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều cơ quan cùng lúc. Tình trạng viêm mạch có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mạch máu nhưng một số nhóm tuổi có nguy cơ cao hơn. Một số loại viêm mạch máu tự khỏi mà không cần điều trị nhưng đa số đều cần điều trị bằng thuốc để kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa các triệu chứng bùng phát.

Các loại viêm mạch máu

Các loại viêm mạch máu chính gồm có:

  • Bệnh Behcet
  • Bệnh Buerger
  • Hội chứng Churg - Strauss
  • Chứng Cryoglobulinemia
  • Viêm động mạch tế bào khổng lồ
  • U hạt với viêm đa mạch
  • Ban xuất huyết Henoch-Schonlein
  • Bệnh Kawasaki
  • Viêm động mạch Takayasu

Triệu chứng viêm mạch máu

Các dấu hiệu và triệu chứng chung của hầu hết các loại viêm mạch máu gồm có:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Đau nhức toàn thân

Tùy thuộc vào bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm mạch máu mà người bệnh sẽ còn gặp các triệu chứng khác như:

  • Hệ tiêu hóa: Nếu viêm mạch ảnh hưởng đến dạ dày hoặc ruột thì người bệnh thường bị đau sau khi ăn. Dạ dày, ruột có thể bị loét và thủng, dẫn đến đại tiện ra máu.
  • Tai: Chóng mặt, ù tai và mất thính lực đột ngột.
  • Mắt: Triệu chứng viêm mạch ở mắt thường là đỏ, ngứa hoặc nóng rát. Viêm động mạch tế bào khổng lồ có thể gây song thị và mù tạm thời hoặc vĩnh viễn ở một hoặc cả hai mắt. Đây đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
  • Bàn tay hoặc bàn chân: Một số loại viêm mạch gây tê hoặc yếu cơ ở bàn tay hoặc bàn chân. Lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể bị sưng phù hoặc cứng.
  • Phổi: Viêm mạch ảnh hưởng đến phổi có thể gây khó thở hoặc thậm chí ho ra máu.
  • Da: Viêm mạch có thể gây xuất huyết dưới da với các biểu hiện là da nổi những chấm nhỏ màu đỏ. Viêm mạch cũng có thể gây nổi cục hoặc vết loét trên da.

Cần đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Một số loại viêm mạch máu tiến triển nhanh chóng nên cần phải phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm mạch máu

Vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây viêm mạch máu. Một số loại viêm mạch có liên quan đến cấu tạo gen, trong khi một số khác lại là do hệ miễn dịch tấn công các tế bào mạch máu. Các yếu tố có thể gây ra phản ứng miễn dịch này gồm có:

  • Các bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm gan B và viêm gan C
  • Bệnh ung thư máu
  • Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống và xơ cứng bì
  • Phản ứng với một số loại thuốc

Các yếu tố nguy cơ

Viêm mạch máu có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu có các yếu tố sau đây:

  • Tuổi tác: Viêm động mạch tế bào khổng lồ hiếm khi xảy ra trước 50 tuổi trong khi bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Bệnh Behcet, u hạt với viêm đa mạch và bệnh Kawasaki là những loại viêm mạch máu có thể di truyền.
  • Hút thuốc và sử dụng ma túy: Sử dụng cocaine có thể làm tăng nguy cơ viêm mạch máu. Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Buerger, đặc biệt là ở nam giới dưới 45 tuổi.
  • Một số loại thuốc: Tình trạng viêm mạch máu đôi khi được kích hoạt bởi các loại thuốc như hydralazine, allopurinol, minocycline và propylthiouracil.
  • Nhiễm trùng: Mắc bệnh viêm gan B hoặc viêm gan C có thể làm tăng nguy cơ viêm mạch máu.
  • Các bệnh tự miễn: Những người mắc các bệnh tự miễn (bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào của cơ thể) như lupus, viêm khớp dạng thấp và xơ cứng bì có nguy cơ cao bị viêm mạch máu.
  • Giới tính: Viêm động mạch tế bào khổng lồ xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ trong khi bệnh Buerger lại chủ yếu xảy ra ở nam giới.

Biến chứng của viêm mạch máu

Các biến chứng của viêm mạch máu tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Một số biến chứng là do tác dụng phụ của các loại thuốc được dùng để điều trị viêm mạch máu. Các biến chứng phổ biến của viêm mạch máu gồm có:

  • Tổn thương các cơ quan nội tạng: Một số loại viêm mạch nghiêm trọng có thể gây tổn thương các cơ quan chính trong cơ thể.
  • Hình thành cục máu đông và phình động mạch: Cục máu đông có thể hình thành trong mạch máu bị viêm và gây cản trở lưu thông máu. Đôi khi, thành mạch máu bị viêm sẽ trở nên suy yếu và phình lên, gây ra chứng phình động mạch.
  • Giảm thị lực hoặc mù lòa: Biến chứng này có thể xảy ra nếu bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ không được điều trị.
  • Nhiễm trùng: Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mạch máu có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và điều này khiến cho người bệnh dễ bị nhiễm trùng.

Chẩn đoán viêm mạch máu

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và tiến hành thăm khám lâm sàng, sau đó chỉ định các xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán viêm mạch máu hoặc tìm ra các bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự như viêm mạch. Các biện pháp thường được sử dụng để chẩn đoán viêm mạch máu gồm có:

  • Xét nghiệm máu: giúp phát hiện các dấu hiệu của phản ứng viêm, chẳng hạn như nồng độ protein phản ứng C cao trong máu. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) sẽ cho biết số lượng hồng cầu trong máu. Các xét nghiệm máu tìm kháng thể, chẳng hạn như xét nghiệm kháng thể kháng bào tương của bạch cầu đoạn trung tính (ANCA) có thể giúp chẩn đoán viêm mạch.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn có thể giúp xác định mạch máu bị viêm và cơ quan bị ảnh hưởng, ngoài ra còn giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để phát hiện viêm mạch máu gồm có chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
  • Chụp X-quang mạch máu (chụp mạch máu): Trong thủ thuật này, một ống thông mềm (giống như một chiếc ống hút nhỏ) được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch lớn. Sau đó, bác sĩ bơm thuốc cản quang vào ống thông và chụp X-quang khi thuốc cản quang chảy qua động mạch hoặc tĩnh mạch. Thuốc cản quang hiển thị rõ trên ảnh chụp X-quang và cho thấy tình trạng các mạch máu.
  • Sinh thiết: Đây là một thủ tục xâm lấn, trong đó bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ từ vị trí có dấu hiệu viêm mạch máu. Mẫu mô sau đó được mang đi phân tích để tìm các dấu hiệu của viêm mạch.

Điều trị viêm mạch máu

Mục đích chính của việc điều trị là kiểm soát tình trạng viêm và các bệnh lý gây viêm mạch.

Dùng thuốc

Corticoid, chẳng hạn như prednisone, là nhóm thuốc phổ biến nhất được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm mạch máu.

Corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là khi dùng trong thời gian dài. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là tăng cân, tiểu đường và loãng xương. Đối với những trường hợp cần dùng corticoid lâu dài, bác sĩ sẽ kê liều thấp nhất có thể.

Corticoid có thể được dùng kèm các loại thuốc khác như methotrexate, azathioprine, mycophenolate, cyclophosphamide, tocilizumab hoặc rituximab để kiểm soát tình trạng viêm hiệu quả hơn và để có thể giảm liều corticoid sớm hơn. Loại thuốc cần sử dụng tùy thuộc vào loại viêm mạch máu, mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, các cơ quan bị ảnh hưởng và các bệnh lý khác đang mắc.

Phẫu thuật

Đôi khi, viêm mạch máu gây phình động mạch – tình trạng mà một đoạn của động mạch bị phồng lên do thành mạch bị suy yếu và mỏng đi. Túi phình có thể bị vỡ và gây chảy máu đe dọa đến tính mạng. Do đó, những trường hợp phình động mạch có thể phải phẫu thuật để ngăn ngừa vỡ túi phình. Những trường hợp bị tắc nghẽn động mạch cũng có thể phải phẫu thuật để khôi phục lưu thông máu bình thường và ngăn ngừa tổn thương các cơ quan.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vasculitis/symptoms-causes/syc-20363435

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm động mạch tế bào khổng lồ

Viêm động mạch tế bào khổng lồ xảy ra khi lớp niêm mạc hay nội mạc của động mạch bị viêm, khiến cho động mạch sưng lên và lòng mạch máu bị thu hẹp lại. Điều này làm giảm lượng máu mang oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng đến các cơ quan trong cơ thể.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Viêm cổ tử cung

Cổ tử cung có vai trò như một hàng rào chắn ngăn vi khuẩn và virus xâm nhập vào tử cung. Khi cổ tử cung bị viêm thì nhiễm trùng sẽ xâm nhập vào bên trong tử cung.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây