Bệnh động mạch ngoại biên

Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên thường là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trên thành bên trong động mạch và gây cản trở sự lưu thông máu.

Bệnh động mạch ngoại biên là gì?

Bệnh động mạch ngoại biên (peripheral artery disease - PAD) là một bệnh lý về mạch máu phổ biến, trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến các chi.

Khi bị bệnh động mạch ngoại biên, chân hoặc tay (đa phần là chân) không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết và tình trạng này ra các triệu chứng như đau chân khi đi lại.

Bệnh động mạch ngoại biên cũng có thể xảy ra do sự tích tụ chất béo bên trong động mạch (xơ vữa động mạch). Tình trạng này làm hẹp lòng động mạch và giảm lưu lượng máu đến chân và đôi khi là cả lưu lượng máu dến tay.

Có nhiều cách để điều trị bệnh động mạch ngoại biên, trong đó có cả những thay đổi về lối sống như tập thể dục, ăn uống lành mạnh và bỏ thuốc lá.

Triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên

Nhiều người bị bệnh động mạch ngoại biên không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ nhưng một triệu chứng thường gặp của bệnh lý này là đau chân khi đi lại, được gọi là chứng khập khiễng (claudication).

Các triệu chứng của chứng khập khiễng gồm có đau cơ hoặc chuột rút ở chân hoặc tay khi hoạt động, chẳng hạn như đi bộ và biến mất sau khi nghỉ ngơi. Vị trí bị đau phụ thuộc vào vị trí của động mạch bị tắc hoặc hẹp nhưng thường xảy ra ở bắp chân.

Mức độ đau có thể dao động từ cảm giác hơi khó chịu cho đến đau nhức dữ dội đến mức không thể đi lại hay thực hiện các loại hoạt động thể chất khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của bệnh động mạch ngoại biên gồm có:

  • Chuột rút đau đớn ở một hoặc cả hai bên hông, đùi hoặc bắp chân sau một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang
  • Tê hoặc yếu cơ chân
  • Lạnh ở phần dưới cẳng chân hoặc bàn chân, triệu chứng này thường chỉ xảy ra ở một chân
  • Vết loét lâu lành ở ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân
  • Thay đổi màu sắc da chân
  • Rụng lông hoặc lông ở bàn chân và cẳng chân mọc chậm
  • Móng chân lâu dài
  • Da chân căng bóng
  • Không có mạch hoặc mạch yếu ở cẳng chân hoặc bàn chân
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Đau nhức hoặc chuột rút khi cử động cánh tay

Khi bệnh động mạch ngoại biên tiến triển, cơn đau thậm chí còn xảy ra cả khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm và có thể dữ dội đến mức làm gián đoạn giấc ngủ. Để thõng chân qua mép giường hoặc đi lại xung quanh nhà có thể tạm thời làm giảm cơn đau.

Khi nào cần đi khám?

Nếu bị đau chân, tê, chuột rút hoặc gặp các triệu chứng khác, đừng nên coi thường và nghĩ rằng đó là những hiện tượng bình thường của tuổi già mà hãy đi khám càng sớm càng tốt

Cho dù không có các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên thì cũng nên đi khám nếu như:

  • trên 65 tuổi
  • trên 50 tuổi và có tiền sử bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc lá
  • dưới 50 tuổi, mắc bệnh tiểu đường và có các yếu tố nguy cơ khác của bệnh động mạch ngoại biên, chẳng hạn như béo phì hoặc cao huyết áp

Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên

Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên thường là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trên thành bên trong động mạch và gây cản trở sự lưu thông máu.

Mặc dù các nghiên cứu về chứng xơ vữa động mạch thường tập trung vào tim nhưng tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ động mạch nào ở khắp cơ thể. Khi các động mạch cung cấp máu cho các chi bị xơ vữa thì sẽ dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên.

Đôi khi, nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên là do viêm mạch máu, chấn thương ở tay hoặc chân, cấu tạo bất thường của dây chằng/cơ hoặc tiếp xúc với bức xạ.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên gồm có:

  • Hút thuốc lá
  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI trên 30)
  • Cao huyết áp
  • Cholesterol cao
  • Lớn tuổi, nhất là người trên 65 tuổi hoặc trên 50 tuổi và có các yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch
  • Tiền sử gia đình bị bệnh động mạch ngoại biên, bệnh tim mạch hoặc đột quỵ
  • Nồng độ homocysteine cao - một loại axit amin giúp cơ thể tạo ra protein, hình thành và duy trì mô

Những người hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh động mạch ngoại biên cao nhất do những yếu tố này làm giảm lưu lượng máu.

Biến chứng của bệnh động mạch ngoại biên

Nếu nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên là do sự tích tụ mảng xơ vữa trong mạch máu thì người bệnh sẽ còn có nguy cơ:

  • Thiếu máu cục bộ chi trầm trọng: Tình trạng này có biểu hiện ban đầu là vết loét không lành, tổn thương hoặc nhiễm trùng bàn chân hoặc cẳng chân. Thiếu máu cục bộ chi trầm trọng xảy ra khi tổn thương hoặc nhiễm trùng tiến triển và gây chết mô, đôi khi cần phải phẫu thuật cắt cụt chi.
  • Đột quỵ và nhồi máu cơ tim: Chứng xơ vữa động mạch gây bệnh động mạch ngoại biên không chỉ xảy ra ở chân. Mảng xơ vữa cũng có thể tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho tim và não, khiến cho mạch máu bị hẹp tắc và dẫn đến đột quỵ hoạt nhồi máu cơ tim.

Phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên là duy trì lối sống lành mạnh, chẳng hạn như:

  • Không hút thuốc lá
  • Kiểm soát tốt đường huyết nếu mắc bệnh tiểu đường
  • Tập thể dục đều đặn. Cố gắng tập thể dục 30 đến 45 phút mỗi ngày
  • Kiểm soát mức cholesterol và huyết áp
  • Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa.
  • Duy trì cân nặng hợp lý

Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên

Một số phương pháp để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên:

  • Khám lâm sàng: Một số dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên có thể được phát hiện khi khám lâm sàng, chẳng hạn như mạch yếu hoặc không có mạch ở bên dưới đoạn động mạch bị thu hẹp, có tiếng thổi trong động mạch, vết thương chậm lành và huyết áp thấp trong động mạch ở chi bị ảnh hưởng.
  • Chỉ số mắt cá chân - cánh tay (ankle-brachial index - ABI): Đây là một bài kiểm tra được sử dụng phổ biến để chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. Cách tính ABI là chia huyết áp trong động mạch ở mắt cá chân cho huyết áp trong động mạch ở cánh tay. Để có chỉ số huyết áp, bác sĩ sử dụng máy đo huyết áp thông thường và một thiết bị siêu âm đặc biệt để đánh giá huyết áp cũng như là lưu lượng máu. Bệnh nhân có thể được yêu cầu đi bộ trên máy chạy để bác sĩ đo các chỉ số trước và ngay sau khi vận động nhằm đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng thu hẹp động mạch trong quá trình vận động.
  • Siêu âm: Các kỹ thuật siêu âm đặc biệt, chẳng hạn như siêu âm Doppler, sẽ giúp đánh giá sự lưu thông máu qua mạch máu và xác định các động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp.
  • Chụp mạch máu: Sử dụng thuốc cản quang tiêm vào mạch máu để kiểm tra dòng máu chảy qua động mạch. Sau khi tiêm thuốc cản quang, bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) hoặc chụp mạch cắt lớp vi tính (CT) để quan sát sự lưu thông máu. Chụp mạch máu thông thường là một thủ thuật xâm lấn, trong đó đưa một ống thông qua động mạch ở bẹn đến khu vực cần kiểm tra và tiêm thuốc cản quang. Nếu phát hiện mạch máu bị hẹp tắc, bác sĩ có thể tiến hành điều trị ngay tại thời điểm chẩn đoán. Phương pháp điều trị thường là nong mạch bằng bóng hoặc sử dụng thuốc để cải thiện lưu thông máu.
  • Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu để đo nồng độ cholesterol, triglyceride và phát hiện bệnh tiểu đường.

Điều trị bệnh động mạch ngoại biên

Các phương pháp điều trị bệnh động mạch ngoại biên có hai mục đích chính:

  • Kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như đau chân, để bệnh nhân có thể vận động và sinh hoạt bình thường
  • Ngăn chặn sự tiến triển của chứng xơ vữa động mạch trên toàn cơ thể để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Có thể đạt được những điều này bằng cách thay đổi lối sống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của bệnh động mạch ngoại biên. Đối với những người hút thuốc lá, bỏ thuốc là điều vô cùng cần thiết để giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, thường xuyên đi bộ hoặc tập các bài tập thể dục khác cũng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng.

Nếu bệnh động mạch ngoại biên gây triệu chứng thì bệnh nhân sẽ cần thêm các phương pháp điều trị khác. Bác sĩ có thể kê thuốc để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm huyết áp và cholesterol, đồng thời kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác.

Điều trị bằng thuốc

  • Thuốc hạ cholesterol máu: Bệnh nhân có thể cần dùng statin - một nhóm thuốc giảm cholesterol trong máu - để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Những người bị bệnh động mạch ngoại biên cần giảm nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) hay còn gọi là cholesterol xấu xuống dưới 100 mg/dL hoặc 2,6  mmol/L. Nếu còn có các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đặc biệt là mắc bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc lá thì phải duy trì nồng độ LDL cholesterol ở mức thấp hơn nữa.
  • Thuốc điều trị cao huyết áp: Những người bị cao huyết áp cần dùng các thuốc giảm huyết áp. Cần giữ huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Đây là mức huyết áp cần duy trì đối với những người bị bệnh mạch vành, tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính. Đạt được huyết áp 130/80 mmHg cũng là điều cần thiết đối với người khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên và người khỏe mạnh dưới 65 tuổi có ít nhất 10% nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới.
  • Thuốc kiểm soát đường huyết: Kiểm soát lượng đường trong máu là điều đặc biệt quan trọng đối với những người bị tiểu đường. Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thuốc chống đông máu: Vì bệnh động mạch ngoại biên làm giảm lưu lượng máu đến các chi nên một trong những mục đích của việc điều trị là cải thiện lưu lượng máu. Bác sĩ có thể sẽ kê aspirin liều thấp dùng hàng ngày hoặc một loại thuốc chống đông khác, chẳng hạn như clopidogrel.
  • Thuốc làm giảm triệu chứng: Một trong những loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh động mạch ngoại biên là cilostazol. Thuốc này có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến các chi bằng cách giữ cho máu loãng và làm giãn mạch máu. Đặc biệt, cilostazol giúp điều trị triệu chứng đau chân ở những người bị bệnh động mạch ngoại biên. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm có nhức đầu và tiêu chảy. Một lựa chọn thay thế cho cilostazol là pentoxifylline. Thuốc này ít khi gây tác dụng phụ nhưng hiệu quả thường không cao như cilostazol.

Nong mạch và phẫu thuật

Trong một số trường hợp, bệnh động mạch ngoại biên cần được điều trị bằng thủ thuật nong mạch hoặc phẫu thuật:

  • Nong mạch: Trong thủ thuật này, một ống thông được luồn qua mạch máu đến động mạch bị thu hẹp. Quả bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông được bơm phồng để ép các mảng xơ vữa vào thành động mạch, nhờ đó mở rộng lòng động mạch và đồng thời làm giãn động mạch để cải thiện lưu thông máu. Sau khi mở rộng lòng động mạch, bác sĩ đặt một ống lưới nhỏ (stent) vào động mạch để giữ cho động mạch không bị hẹp trở lại. Thủ thuật này cũng được sử dụng để mở rộng động mạch tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ lấy một đoạn mạch máu từ một vị trí khác trên cơ thể hoặc sử dụng mạch máu nhân tạo ghép ở gần đoạn động mạch bị tắc để máu chảy vòng qua vị trí tắc nghẽn và lưu thông một cách bình thường.
  • Tiêm thuốc tiêu sợi huyết: Nếu có cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch, bác sĩ sẽ tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào động mạch để làm vỡ cục máu đông.

Lối sống và chế độ ăn uống

Người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, đặc biệt là phải bỏ thuốc lá. Một số cách để ổn định và cải thiện tình trạng bệnh động mạch ngoại biên:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá góp phần gây co thắt và làm tổn thương các động mạch. Đây cũng là một yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc và làm trầm trọng thêm bệnh động mạch ngoại biên. Đối với những người hút thuốc thì cai thuốc là một trong những điều quan trọng nhất cần làm để giảm nguy cơ biến chứng.
  • Tập thể dục: Đây là một phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh động mạch ngoại biên. Mức độ hiệu quả của chế độ điều trị được đánh giá qua khả năng đi lại mà không bị đau. Tập thể dục thường xuyên và đúng cách giúp tạo điều kiện cho các cơ sử dụng oxy hiệu quả hơn.
  • Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm tốt cho tim mạch, ít chất béo bão hòa sẽ giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol, đồng thời làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Tránh một số loại thuốc điều trị cảm lạnh: Thuốc điều trị cảm lạnh không kê đơn có chứa pseudoephedrine gây co mạch và có thể làm tăng các triệu chứng bệnh động mạch ngoại biên.

Chăm sóc chân

Ngoài những thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống kể trên, người bệnh cần chú ý chăm sóc đôi chân. Những người bị bệnh động mạch ngoại biên, đặc biệt là người mắc bệnh tiểu đường, có nguy cơ loét và chậm lành vết thương ở chân.

Giảm lưu lượng máu đến chân sẽ gây cản trở quá trình lành vết thương và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, người bệnh cần chú ý những điều dưới đây để tránh xảy ra biến chứng ở chân do bệnh động mạch ngoại biên:

  • Rửa chân hàng ngày, sau đó lau khô kỹ và dưỡng ẩm để da chân bị khô, nứt nẻ và nhiễm trùng. Tuy nhiên, không nên bôi kem dưỡng ẩm ở kẽ ngón chân để tránh tạo điều kiện cho nấm phát triển.
  • Mang giày vừa chân và tất dày bằng chất liệu thấm hút hơi ẩm tốt.
  • Điều trị ngay khi phát hiện chân bị nhiễn trùng do nấm, chẳng hạn như bệnh nấm da chân.
  • Cẩn thận khi cắt tỉa móng chân.
  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày xem có vết thương hay không.
  • Không tự xử lý chai chân tại nhà
  • Đi khám ngay khi nhận thấy chân có vết loét hoặc vết thương lâu lành.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây