Ung thư trực tràng

Trước đây, những người mắc bệnh ung thư trực tràng thường không sống được lâu, ngay cả khi được điều trị tích cực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học mà tỷ lệ sống sót khi mắc bệnh ung thư trực tràng đã tăng lên đáng kể.

Ung thư trực tràng là gì?

Ung thư trực tràng là bệnh ung thư bắt đầu ở các tế bào trong trực tràng. Trực tràng là phần cuối cùng của đại tràng (ruột già).

Ung thư trực tràng và ung thư đại tràng thường được gọi chung là ung thư đại trực tràng.

Mặc dù ung thư trực tràng và đại tràng có nhiều điểm giống nhau nhưng phương pháp điều trị lại khá khác nhau. Lý do chủ yếu là bởi trực tràng nằm trong không gian chật hẹp, sát với các cơ quan và cấu trúc khác. Điều này gây khó khăn cho việc phẫu thuật cắt bỏ khối u trong trực tràng.

Trước đây, những người mắc bệnh ung thư trực tràng thường không sống được lâu, ngay cả khi được điều trị tích cực. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học mà tỷ lệ sống sót khi mắc bệnh ung thư trực tràng đã tăng lên đáng kể.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng gồm có:

  • Buồn đi ngoài thường xuyên, cảm giác đi ngoài không hết
  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài
  • Phân sẫm màu hoặc có lẫn máu
  • Phân dẹt và nhỏ
  • Đau quặn bụng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu kể trên hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.

Nguyên nhân

Ung thư trực tràng bắt đầu khi các tế bào khỏe mạnh của trực tràng có những thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA chứa các chỉ dẫn cho hoạt động của tế bào.

Những thay đổi trong DNA khiến cho các tế bào phát triển một cách mất kiểm soát và tiếp tục sống thay vì chết đi giống như các tế bào bình thường. Các tế bào bất thường này tích tụ lại và hình thành khối u. Theo thời gian, các tế bào ung thư sẽ xâm lấn và phá hủy vùng mô khỏe mạnh lân cận. Tiếp theo, chúng tách ra khỏi khối u và di chuyển (di căn) đến các bộ phận khác của cơ thể.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra các đột biến dẫn đến ung thư trong tế bào.

Các đột biến gen di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng

Một số đột biến gen di truyền từ bố mẹ sang con sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các trường hợp ung thư trực tràng có liên quan đến những đột biến gen này.

Hai rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng gồm có:

  • Hội chứng Lynch: còn được gọi là ung thư đại trực tràng di truyền có polyp (hereditary nonpolyposis colorectal cancer - HNPCC), hội chứng Lynch làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và một số bệnh ung thư khác. Những người mắc hội chứng Lynch thường bị ung thư đại trực tràng trước 50 tuổi.
  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (familial adenomatous polyposis - FAP): FAP là một chứng rối loạn hiếm gặp mà người bệnh có hàng ngàn polyp trong niêm mạc đại tràng và trực tràng. Những người bị bệnh này và không được điều trị sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng hoặc ung thư trực tràng trước 40 tuổi.

Xét nghiệm di truyền có thể phát hiện những bệnh này và các rối loạn khác cũng làm tăn nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng gồm có:

  • Tuổi tác cao: Ung thư đại trực tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh ung thư này đều là người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư đại trực tràng ở những người dưới 50 tuổi đang ngày càng tăng và nguyên nhân có thể là do yếu tố về môi trường, lối sống.
  • Có tiền sử ung thư hoặc polyp đại trực tràng: Nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng cao nếu đã từng bị ung thư trực tràng, ung thư đại tràng hoặc polyp.
  • Bệnh viêm ruột: Các bệnh lý viêm mạn tính ở đại tràng và trực tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Các rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng: Một số rối loạn di truyền qua các thế hệ trong gia đình có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ví dụ như hội chứng FAP và Lynch.
  • Tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng: Những người có thành viên ruột thịt trong gia đình bị ung thư đại trực tràng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình.
  • Ăn quá ít rau: Chế độ ăn uống quá ít rau củ và nhiều thịt đỏ, đặc biệt là thường xuyên ăn thịt cháy, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Lười vận động: Những người ít vận động sẽ có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn. Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
  • Bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và mức đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Béo phì: Người thừa cân, béo phì có nguy cơ ung thư đại trực tràng cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
  • Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư đại trực tràng.
  • Uống rượu: Thường xuyên uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Từng xạ trị: Từng xạ trị nhắm vào vùng bụng để điều trị các bệnh ung thư khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
  • Chủng tộc: Những người gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn so với các chủng tộc khác.

Phòng ngừa ung thư trực tràng

Để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng thì nên:

  • Tầm soát ung thư định kỳ: Việc tầm soát định kỳ sẽ giúp phát hiện polyp tiền ung thư ở đại tràng và trực tràng để xử lý kịp thời, nhờ đó có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư, mỗi phương pháp đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp nhất.
  • Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nếu như không quen vận động thì ban đầu có thể chỉ tập nhẹ nhàng trong thời gian ngắn rồi tăng dần thời lượng, cường độ tập lên.
  • Ăn nhiều loại trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt: Trái cây, rau củ tươi và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa – các chất này đều đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư. Nên ăn đa dạng các loại trái cây và rau củ để cung cấp đầy đủ các vitamin và chất dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu đang ở mức cân nặng hợp lý thì hãy cố gắng duy trì bằng cách tập thể dục đều đặn và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Nếu đang bị thừa cân, béo phì thì cần giảm cân từ từ bằng cách tăng cường tập luyện và giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu đang hút thuốc thì hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt.
  • Uống rượu bia ở mức độ vừa phải: Chỉ nên tiêu thụ rượu bia một cách có chừng mực. Giới hạn đối với nam giới là 2 đơn vị uống còn với nữ là 1 đơn vị uống mỗi ngày. 1 đơn vị uống tương đương 14 gram cồn, lượng cồn này có trong 355 ml bia, 150ml rượu vang và 45 ml rượu mạnh.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp để chẩn đoán ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng có thể được phát hiện trong quá trình tầm soát ung thư đại trực tràng hoặc khi đi khám do có dấu hiệu bất thường. Các phương pháp được sử dụng để xác nhận chẩn đoán gồm có:

  • Nội soi đại tràng: sử dụng một ống dài có gắn máy quay đưa qua trực tràng để quan sát bên trong đại tràng và trực tràng. Nếu phát hiện polyp thì có thể cắt bỏ ngay trong khi nội soi.
  • Sinh thiết: nếu phát hiện thấy có khu vực đáng ngờ trong quá trình nội soi thì bác sĩ sẽ đưa dụng cụ sinh thiết qua ống nội soi và lấy mẫu mô. Mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích xem có tế bào ung thư hay không và gen nào trong tế bào ung thư là bất thường. Bác sĩ sử dụng các thông tin này để dự đoán tiên lượng và đưa ra phương pháp điều trị.

Các biện pháp để xác định giai đoạn ung thư

Bước tiếp theo sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư trực tràng là xác định giai đoạn của bệnh. Bước này giúp bác sĩ đưa ra tiên lượng và phác đồ điều trị.

Các biện pháp được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): cho biết số lượng một số loại tế bào nhất định trong máu, ví dụ như hồng cầu. Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu) là một dấu hiệu cho thấy khối u đang gây mất máu. Số lượng bạch cầu cao là một dấu hiệu của nhiễm trùng, điều này có thể xảy ra khi khối u phát triển xuyên qua thành trực tràng.
  • Xét nghiệm máu để đo chức năng của các cơ quan: Bảng chuyển hóa toàn diện (comprehensive metabolic panel - CMP) là một xét nghiệm máu đo nồng độ các chất hóa học khác nhau trong máu. Nồng độ bất thường của một số chất hóa học này có thể là dấu hiệu cho thấy ung thư đã di căn đến gan hoặc có vấn đề ở các cơ quan khác, chẳng hạn như thận.
  • Xét nghiệm CEA: Khối u có thể tạo ra các chất được gọi là chất chỉ điểm ung thư. Một trong các chất này là CEA hay kháng nguyên carcinoembryonic (carcinoembryonic antigen). Nồng độ CEA của những người bị ung thư đại trực tràng thường ở mức cao hơn bình thường. Xét nghiệm CEA đặc biệt hữu ích trong việc theo dõi đáp ứng điều trị.
  • Chụp CT lồng ngực: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp kiểm tra xem ung thư trực tràng đã di căn đến các cơ quan khác, chẳng hạn như gan và phổi hay chưa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng chậu: Chụp MRI vùng chậu cung cấp hình ảnh chi tiết của các cơ, cơ quan và mô khác xung quanh khối u trong trực tràng. Phương pháp này còn cho thấy các hạch bạch huyết gần trực tràng và các lớp mô khác nhau trong thành trực tràng.

Bác sĩ sử dụng kết quả của các phương pháp này để xác định giai đoạn ung thư. Bệnh ung thư trực tràng được chia thành 5 giai đoạn, biểu thị bằng chữ số La Mã từ 0 đến IV. Các giai đoạn đầu là khi ung thư mới chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong trực tràng. Đến giai đoạn IV, ung thư đã lan sang các vùng khác của cơ thể (di căn).

Điều trị

Phác đồ điều trị ung thư trực tràng thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì có thể phẫu thuật để loại bỏ khối u. Các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị, có thể được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát sau này.

Trong những trường hợp mà việc cắt bỏ khối u có thể gây tổn thương các cơ quan và cấu trúc lân cận thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng hóa trị kết hợp xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) trước khi phẫu thuật. Phương pháp điều trị kết hợp này giúp thu nhỏ khối u đề việc loại bỏ được dễ dàng hơn trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật

Mục đích của việc phẫu thuật là loại bỏ các tế bào ung thư. Quy trình phẫu thuật được thực hiện sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh, chẳng hạn như vị trí khối u và giai đoạn ung thư, mức độ xâm lấn của tế bào ung thư và tình trạng sức khỏe người bệnh.

Các quy trình để điều trị ung thư trực tràng gồm có:

  • Cắt bỏ khối u trong trực tràng: Nếu khối u có kích thước rất nhỏ thì có thể loại bỏ bằng kỹ thuật nội soi đại tràng hoặc cắt khối u tại chỗ qua đường hậu môn. Các dụng cụ phẫu thuật được đưa qua ống nội soi để cắt bỏ khối u và một vùng mô khỏe mạnh xung quanh. Đây là một giải pháp cho các trường hợp khối u nhỏ và tế bào ung thư chưa di căn đến các hạch bạch huyết lân cận. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy tế bào ung thư hoạt động mạnh hoặc có khả năng đã lan đến các hạch bạch huyết thì có thể phải tiếp tục phẫu thuật.
  • Cắt toàn bộ hoặc một phần trực tràng: Nếu khối u có kích thước lớn và nằm xa ống hậu môn thì có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật cắt trước thấp, trong đó cắt đi toàn bộ hoặc một phần trực tràng. Mô và các hạch bạch huyết lân cận cũng được cắt bỏ. Thủ thuật này giữ lại ống hậu môn để chất thải đi ra khỏi cơ thể một cách bình thường. Cách thực hiện ca phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí của khối u. Nếu khối u nằm ở phần trên của trực tràng thì phần đó sẽ bị cắt bỏ và đại tràng được nối với phần trực tràng còn lại (nối đại tràng – trực tràng). Nếu khối u nằm ở phần dưới của trực tràng thì sẽ phải cắt toàn bộ trực tràng và sau đó nối đại tràng với hậu môn (nối đại tràng - ống hậu môn).
  • Cắt trực tràng và hậu môn: Nếu khối u trực tràng nằm gần hậu môn thì việc cắt bỏ hoàn toàn khối u sẽ gây tổn thương các cơ kiểm soát nhu động ruột. Lựa chọn điều trị trong những trường hợp này là phẫu thuật cắt trực tràng qua đường bụng - tầng sinh môn (abdominoperineal resection – APR), trong đó cắt bỏ đi trực tràng, hậu môn, một phần đại tràng cũng như là các mô và hạch bạch huyết lân cận. Sau đó, bác sĩ tạo một lỗ mở trên bụng và nối với phần đại tràng còn lại (mở hậu môn nhân tạo). Chất thải sẽ đi ra ngoài qua lỗ mở này và được đựng trong một chiếc túi gắn bên ngoài.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại hóa chất để phá hủy tế bào ung thư. Đối với ung thư trực tràng, hóa trị có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại.

Có thể tiến hành hóa trị kết hợp với xạ trị (hóa xạ trị đồng thời) trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u kích thước lớn và giúp cho việc loại bỏ trong quá trình phẫu thuật được dễ dàng hơn.

Hóa trị cũng là một giải pháp để giảm nhẹ các triệu chứng ung thư trực tràng cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc ung thư đã di căn sang các vùng khác của cơ thể.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng năng lượng từ các chùm tia phóng xạ, chẳng hạn như tia X và proton để phá hủy tế bào ung thư. Khi điều trị ung thư trực tràng, xạ trị thường được kết hợp với hóa trị, điều này khiến cho các tế bào ung thư dễ bị phá hủy bởi năng lượng phóng xạ hơn. Xạ trị có thể được tiến hành sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u.

Với những ca bệnh không thể phẫu thuật thì xạ trị là một giải pháp điều trị để giảm các triệu chứng, chẳng hạn như đau đớn.

Hóa xạ trị đồng thời

Hóa xạ trị đồng thời (chemoradiotherapy) là phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị để làm cho tế bào ung thư dễ bị tia phóng xạ tiêu diệt hơn. Sự kết hợp này thường được sử dụng cho các trường hợp khối u có kích thước lớn và những trường hợp có nguy cơ tái phát ung thư cao sau phẫu thuật.

Hóa xạ trị đồng thời có thể được thực hiện:

  • Trước phẫu thuật: để thu nhỏ khối u và giảm bớt mức độ xâm lấn của ca phẫu thuật. Đôi khi, phương pháp hóa xạ trị đồng thời giúp giữ lại ống hậu môn để chất thải có thể ra khỏi cơ thể một cách bình thường sau phẫu thuật.
  • Sau phẫu thuật: Nếu phẫu thuật là phương pháp điều trị bước đầu thì sau đó có thể hóa xạ trị đồng thời để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
  • Làm phương pháp điều trị chính: Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp hóa xạ trị đồng thời để kiểm soát sự phát triển của ung thư cho những trường hợp ung thư giai đoạn cuối hoặc không thể phẫu thuật.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích tập trung vào các điểm bất thường cụ thể trong tế bào ung thư. Bằng cách tác động đến những điểm bất thường này, thuốc nhắm trúng đích sẽ khiến các tế bào ung thư chết đi.

Liệu pháp nhắm trúng đích thường dành cho những người bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối và thường được kết hợp với phương pháp hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại ung thư. Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật bằng cách tấn công các mầm bệnh nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này sản xuất ra các protein giúp chúng không bị tế bào miễn dịch phát hiện. Liệu pháp miễn dịch có cơ chế là can thiệp vào quá trình này. Liệu pháp miễn dịch thường được dành cho các trường hợp ung thư trực tràng giai đoạn cuối.

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp tập trung vào mục đích giảm đau đớn và các triệu chứng khác của các bệnh nghiêm trọng, ví dụ như ung thư. Phương pháp này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và gia đình.

Quá trình chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã qua đào tạo chuyên môn. Chăm sóc giảm nhẹ thường được kết hợp với các phương pháp điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành sau âm đạo (sa trực tràng)

Sinh con và các hoạt động khác gây áp lực lên các mô vùng chậu có thể dẫn đến sa thành sau âm đạo. Nếu chỉ bị sa nhẹ thì thường không biểu hiện triệu chứng.

Viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn nhất định, thường là C. difficile phát triển nhanh chóng và lấn át các vi khuẩn khác.

Polyp đại tràng

Bất kỳ ai cũng có thể bị polyp đại tràng nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người ngoài 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá, có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng xảy ra khi axit dạ dày ăn mòn bề mặt bên trong của dạ dày hoặc ruột non. Axit có thể tạo ra các vết loét gây đau và chảy máu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây