Bỏng lạnh

Tình trạng bỏng lạnh xảy ra khi da và các mô mềm bên dưới bị đóng băng do tiếp xúc với không khí, chất lỏng hoặc các đồ vật rất lạnh.

Bỏng lạnh là gì?

Bỏng lạnh (frostbite) là một dạng tổn thương da và mô mềm bên dưới, xảy ra khi da tiếp xúc với nước hoặc các vật rất lạnh. Dấu hiệu đầu tiên là da trở nên rất lạnh và ửng đỏ, sau đó tê bì, cứng và chuyển màu trắng, nhợt nhạt. Bỏng lạnh thường xảy ra phổ biến nhất ở những vùng da tiếp xúc trực tiếp với lạnh như ngón tay, ngón chân, chóp mũi, tai, má và cằm nhưng cũng có thể xảy ra ở những khu vực được che phủ bởi quần áo hay găng tay.

Trước khi bị bỏng lạnh, da có thể trải qua một giai đoạn tổn thương nhẹ hơn và không làm hỏng da vĩnh viễn (frostnip). Có thể điều trị tổn thương ở giai đoạn này bằng các biện pháp sơ cứu, trong đó có bước làm ấm da. Tuy nhiên, một khi bị bỏng lạnh thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị y tế vì bỏng lạnh có thể làm tổn thương da, mô, cơ và xương. Các biến chứng có thể xảy ra khi bị bỏng lạnh nghiêm trọng gồm có nhiễm trùng và tổn thương dây thần kinh.

Dấu hiệu bỏng lạnh

Các dấu hiệu thường gặp khi bị bỏng lạnh gồm có:

  • Ban đầu, da rất lạnh và có cảm giác châm chích
  • Tê buốt, mất cảm giác
  • Da ửng đỏ, sau đó chuyển sang trắng bợt, trắng xanh hoặc xám
  • Bề mặt da cứng lại, có cảm giác như sáp
  • Cử động khó khăn do cứng khớp và cơ
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, da bị phồng rộp khi được làm ấm

Tình trạng bỏng lạnh xảy ra phổ biến nhất ở ngón tay, ngón chân, chóp mũi, tai, má và cằm. Do da bị mất cảm giác nên có thể nạn nhân không nhận ra mình bị bỏng lạnh.

Bỏng lạnh diễn ra qua 3 giai đoạn như sau:

  • Tê cóng: đây là một dạng bỏng lạnh nhẹ. Tiếp tục tiếp xúc với lạnh sẽ dẫn đến tê bì tại chỗ. Khi được làm ấm, da thường có cảm giác đau và châm chích. Giai đoạn này không gây tổn thương da vĩnh viễn.
  • Bỏng lạnh nông: dấu hiệu khi bị bỏng lạnh nông là da ửng đỏ, sau đó chuyển sang màu trắng xám hoặc nhợt nhạt. Da có thể bắt đầu cảm thấy ấm – đây là một dấu hiệu cho thấy da đang bị tổn thương nặng. Nếu lập tức làm ấm da ở giai đoạn này, bề mặt da có thể xuất hiện các đường màu đỏ tía đan xen giống như lưới. Ngoài ra còn có hiện tượng châm chích, nóng rát và sưng tấy. Vết phồng rộp chứa dịch có thể hình thành trong vòng từ 12 đến 36 tiếng sau khi làm ấm da trở lại.
  • Bỏng lạnh sâu (nghiêm trọng): trong trường hợp nghiêm trọng, bỏng lạnh có thể gây tổn thương tất cả các lớp của da, bao gồm cả các mô nằm bên dưới. Da chuyển sang màu trắng nhợt hoặc xám xanh, bị tê bì, mất hết cảm giác lạnh, kèm theo cảm giác đau nhức ở vùng tiếp xúc với lạnh. Các khớp hoặc cơ có thể không còn hoạt động. Các vết phồng rộp lớn hình thành trong vòng từ 24 đến 48 giờ sau khi làm ấm da. Sau đó, khu vực bị bỏng lạnh chuyển sang màu đen và cứng do chết mô.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Cần đến cơ sở y tế khi có những dấu hiệu như:

  • Các dấu hiệu của bỏng lạnh nông hoặc sâu
  • Tăng đau, sưng, đỏ hoặc chảy dịch ở khu vực bị bỏng lạnh
  • Sốt
  • Xuất hiện các triệu chứng mới, không rõ nguyên nhân

Cần đến ngay bệnh viện khi bị hạ thân nhiệt. Một số biểu hiện của hạ thân nhiệt gồm có:

  • Cảm giác lạnh, người run và rùng mình liên tục
  • Nổi da gà, môi thâm
  • Nói năng lắp bắp, không rõ ràng
  • Da nhợt nhạt
  • Đầu óc lú lẫn, không tỉnh táo
  • Buồn ngủ, mất thăng bằng và mất phối hợp cử động
  • Hạ thân nhiệt nghiêm trọng có thể gây giảm hoặc loạn nhịp tim

Nguyên nhân gây bỏng lạnh

Tình trạng bỏng lạnh xảy ra khi da và các mô mềm bên dưới bị đóng băng do tiếp xúc với không khí, chất lỏng hoặc các đồ vật rất lạnh.

Điều này thường xảy ra trong những trường hợp như:

  • Mặc không đủ ấm và tiếp xúc trong thời gian dài với thời tiết lạnh, đặc biệt là khi có tuyết, mưa, gió hoặc không khí ẩm. Nguy cơ bỏng lạnh sẽ gia tăng khi nhiệt độ không khí giảm xuống dưới -15 độ C, ngay cả khi tốc độ gió thấp. Trong điều kiện thời tiết -27 độ C trở xuống và có gió thì da có thể bị bỏng lạnh trong vòng chưa đầy 30 phút.
  • Chườm đá quá lâu
  • Tiếp xúc với chất hóa học hoặc kim loại lạnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bỏng lạnh

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bỏng lạnh gồm có:

  • Có vấn đề sức khỏe làm giảm khả năng cảm nhận hoặc phản ứng với lạnh, chẳng hạn như mất nước, đổ mồ hôi nhiều (tăng tiết mồ hôi), kiệt sức, tiểu đường và lưu thông máu kém ở tay chân
  • Đang uống thuốc điều trị cao huyết áp
  • Mắc bệnh động mạch ngoại vi - một tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến mạch máu
  • Bị hội chứng Raynaud - tình trạng mạch máu bị thu hẹp
  • Có vấn đề về tâm thần gây mất khả năng phán đoán và phản ứng với lạnh
  • Từng bị bỏng lạnh trước đây
  • Là trẻ sơ sinh hoặc người cao tuổi. Cả hai nhóm đối tượng này đều có khả năng sản sinh và duy trì thân nhiệt kém
  • Sống ở vùng núi cao (da ít được cung cấp oxy từ không khí hơn)
  • Lạm dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện ma túy
  • Hút thuốc lá

Biến chứng của bỏng lạnh

Các biến chứng của bỏng lạnh gồm có:

  • Tăng nhạy cảm với lạnh
  • Nguy cơ cao tiếp tục bị bỏng lạnh trong tương lai
  • Tê kéo dài ở vùng bị tổn thương
  • Ra nhiều mồ hôi (tăng tiết mồ hôi)
  • Thay đổi màu da vĩnh viễn
  • Hỏng hoặc mất móng
  • Cứng khớp (viêm khớp do bỏng lạnh)
  • Các vấn đề về tăng trưởng ở trẻ em (trong trường hợp bỏng lạnh làm hỏng đĩa sụn tăng trưởng của xương)
  • Nhiễm trùng
  • Uốn ván
  • Hoại thư – tình trạng phân hủy và chết mô do sự lưu thông máu đến vùng tổn thương bị gián đoạn - có thể dẫn đến phải cắt cụt chi
  • Hạ thân nhiệt

Biện pháp chẩn đoán

Bỏng lạnh thường được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng trên da và nguồn lạnh mà da đã tiếp xúc.

Ngoài ra có thể cần tiến hành thêm các biện pháp khác, chẳng hạn như chụp X-quang, xạ  hình xương hoặc cộng hưởng từ MRI để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng bỏng lạnh và kiểm tra xem xương hoặc cơ có bị ảnh hưởng hay không.

Điều trị bỏng lạnh

Sơ cứu khi bị bỏng lạnh

  • Lập tức ngừng tiếp xúc với tác nhân gây bỏng lạnh và di chuyển người bị bỏng lạnh đến nơi ấm áp.
  • Bảo vệ vùng da bị bỏng lạnh bằng cách quấn quần áo, khăn hoặc vải sạch để không bị tổn thương thêm
  • Nếu chỉ bị bỏng lạnh rất nhẹ thì có thể bắt đầu làm ấm và băng vùng tổn thương lại. Để làm ấm thì ngâm vùng bị bỏng lạnh vào nước 37 - 39°C, không được sử dụng nước nóng vì điều này sẽ gây tổn thương vùng mô vốn đang rất nhạy cảm.
  • Không chà xát lên vùng da tổn thương.
  • Không hơ vùng bị bỏng lạnh trên lửa hay lò sưởi vì lúc này da đang rất nhạy cảm và dễ bị bỏng.
  • Nếu bỏng lạnh ở chân thì không được giẫm châm xuống đất.

Các biện pháp điều trị

Có thể điều trị bỏng lạnh nhẹ bằng các biện pháp sơ cứu cơ bản tại nhà. Nếu bị bỏng lạnh nặng thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp thích hợp, ví dụ như làm ấm da, dùng thuốc, chăm sóc vết thương, phẫu thuật và các liệu pháp điều trị.

  • Làm ấm da: làm ấm lại khu vực bị bỏng lạnh bằng cách ngâm nước ấm trong 15 đến 30 phút. Da sẽ mềm trở lại và có thể có màu đỏ hoặc tím. Khi đã cảm thấy ấm lên thì cử động nhẹ nhàng bộ phận bị bỏng lạnh.
  • Uống thuốc giảm đau: do quá trình làm ấm sau bỏng lạnh có thể gây đau đớn nên bác sĩ có thể sẽ kê thuốc giảm đau.
  • Bảo vệ vùng tổn thương: sau khi da ấm trở lại, bác sĩ quấn lỏng vùng da đó bằng vải sạch hoặc băng vô trùng để bảo vệ vùng bị tổn thương. Nếu bị bỏng lạnh ở bàn tay hay bàn chân thì sẽ cần nâng cao tay/chân để giảm sưng.
  • Loại bỏ mô hoại tử: trong những trường hợp bị bỏng lạnh nghiêm trọng và chết mô thì sẽ cần cắt lọc mô hoại tử để da có thể lành lại. Đôi khi có thể phải đợi từ 1 đến 3 tháng sau khi bị bỏng lạnh mới tiến hành cắt lọc mô để xác định mô khỏe mạnh và mô hoại tử.
  • Thủy liệu pháp hoặc vật lý trị liệu: ngâm mình trong bồn tạo sóng (thủy liệu pháp) có thể giúp chữa lành vết thương bằng cách giữ cho da sạch và loại bỏ mô chết một cách tự nhiên. Ngoài ra, nạn nhân nên di chuyển nhẹ nhàng vùng bị bỏng lạnh.
  • Thuốc kháng sinh: nếu da bị phồng rộp và nhiễm trùng thì sẽ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh đường uống.
  • Thuốc chống đông máu: có thể cần tiêm một loại thuốc giúp khôi phục lưu thông máu (thuốc tiêu sợi huyết), chẳng hạn như chất kích hoạt plasminogen mô người (TPA). Các nghiên cứu được thực hiện ở những trường hợp bị bỏng lạnh nghiêm trọng cho thấy TPA làm giảm nguy cơ phải cắt cụt chi. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây chảy máu nhiều và thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp nghiêm trọng nhất. TPA cần được dùng trong vòng 24 giờ sau khi bị bỏng lạnh.
  • Chăm sóc vết thương: có thể thực hiện nhiều kỹ thuật chăm sóc vết thương khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
  • Phẫu thuật: những người bị bỏng lạnh nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật ngay lập tức để loại bỏ mô hoại tử hoặc cắt cụt chi.
  • Liệu pháp điều trị bằng oxy cao áp: đây là phương pháp cho người bệnh thở oxy tinh khiết trong phòng điều áp. Ở một số trường hợp, phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng bỏng lạnh nhưng cần nghiên cứu thêm để xác minh tính hiệu quả.

Chăm sóc da sau bỏng lạnh

Sau khi bị bỏng lạnh thì cần:

  • Dùng tất cả các loại thuốc, ví dụ như thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Đối với những trường hợp bỏng lạnh nhẹ thì có thẻ dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như ibuprofen để giảm đau và giảm viêm.
  • Nếu bị bỏng lạnh nông và da đã được làm ấm lại thì có thể bôi gel lô gội (aloe vera gel) vào vùng tổn thương nhiều lần trong ngày để làm dịu da và thúc đẩy quá trình phục hồi.
  • Tránh tiếp xúc với không khí lạnh và gió.
  • Tháo nhẫn và các loại trang sức, phụ kiện khác tiếp xúc với vùng bị bỏng lạnh. Cố gắng thực hiện này trước khi khu vực đó bị sưng lên.
  • Nếu bị bỏng lạnh ở bàn chân thì không được đi giẫm chân xuống sàn
  • Không chườm nóng trực tiếp hoặc chà xát khu vực bị bỏng lạnh.
  • Không làm vỡ các vết phồng rộp. Các vết phồng rộp có vai trò bảo vệ cho vùng da tổn thương. Do đó, không được chọc hay bóp mà cứ để vết phồng rộp tự vỡ.

Phòng ngừa bỏng lạnh

Bỏng lạnh là vấn đề hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để tránh bị bỏng lạnh thì cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Không ở lâu ngoài trời trong thời tiết lạnh, ẩm ướt hoặc có gió: mặc quần áo đủ ấm vào mùa đông và hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh. Khi nhiệt độ không khí quá thấp và nhiều gió thì những vùng cơ thể hở ra ngoài có thể bị bỏng lạnh chỉ trong vòng vài phút.
  • Mặc nhiều lớp quần áo ấm và rộng rãi: không khí giữa các lớp quần áo có tác dụng cách nhiệt chống lại cái lạnh. Khi trời quá lạnh, đặc biệt là khi có tuyết hoặc mưa thì nên mặc áo khoác không thấm nước ở bên ngoài. Khi quần áo bị ướt thì phải thay ngay, đặc biệt là găng tay, mũ và tất.
  • Đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay và bịt tai để bảo vệ da đầu, mặt và tay khỏi không khí lạnh.
  • Không chườm đá liên tục trong thời gian dài: Khi chườm đá, da có thể bị tê cóng và mất cảm giác lạnh sau vài phút. Nếu tiếp tục chườm thì có thể dẫn đến bỏng lạnh. Ngoài ra, không nên áp đá lạnh trực tiếp lên da mà nên bọc đá trong khăn sạch hoặc cho vào túi chườm.
  • Đeo găng tay dày khi phải tiếp xúc lâu với nước, kim loại hoặc chất hóa học lạnh.
  • Để ý các dấu hiệu bỏng lạnh: các dấu hiệu ban đầu của bỏng lạnh gồm có da ửng đỏ hoặc nhợt nhạt, châm chích và tê buốt. Khi có những dấu hiệu này thì phải ngừng tiếp xúc với lạnh ngay và thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách.
  • Không uống rượu nếu phải ở ngoài trong thời tiết lạnh: đồ uống có cồn khiến cơ thể mất nhiệt nhanh hơn.
  • Liên tục di chuyển: Tập thể dục giúp máu lưu thông và giữ ấm cơ thể.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nhau bong non

Nhau bong non thường xảy đến đột ngột và nếu không được điều trị thì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Nổi mề đay do lạnh

Các triệu chứng nổi mề đay do lạnh thường bắt đầu xuất hiện ngay sau khi da tiếp xúc với không khí, nước hoặc đồ lạnh.

Phì đại tiền liệt tuyến (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính)

Phì đại tiền liệt tuyến là một tình trạng lành tính (không phải ung thư), trong đó tuyến tiền liệt to lên. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây