Phì đại tiền liệt tuyến (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính)

Phì đại tiền liệt tuyến là một tình trạng lành tính (không phải ung thư), trong đó tuyến tiền liệt to lên. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới.

Phì đại tiền liệt tuyến là gì?

Phì đại tiền liệt tuyến hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (benign prostatic hyperplasia - BPH) là một vấn đề phổ biến ở nam giới khi có tuổi. Phì đại tiền liệt tuyến gây ra các triệu chứng khó chịu về tiết niệu, chẳng hạn như khó tiểu do tuyến liền liệt bị phì đại ngăn nước tiểu chảy ra khỏi bàng quang. Phì đại tiền liệt tuyến có thể ảnh hưởng đến thận, bàng quang và các bộ phận khác trong đường tiết niệu.

Có nhiều phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến, gồm có dùng thuốc, các thủ thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào các triệu chứng, kích thước tuyến tiền liệt, các bệnh lý khác nếu có và lựa chọn của người bệnh.

Triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến ở mỗi người là khác nhau nhưng các triệu chứng thường nặng dần theo thời gian. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của chứng phì đại tiền liệt tuyến gồm có:

  • Thường xuyên buồn tiểu gấp hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đi tiểu nhiều về đêm
  • Tiểu khó
  • Dòng tiểu yếu hoặc ngắt quãng
  • Nước tiểu chảy nhỏ giọt khi gần tiểu xong
  • Bàng quang không rỗng hoàn toàn khi đi tiểu, gây buồn tiểu dù vừa mới đi tiểu xong

Các dấu hiệu và triệu chứng ít gặp hơn:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Bí tiểu (không tiểu được)
  • Có máu trong nước tiểu

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng không phụ thuộc vào kích thước của tuyến tiền liệt. Một số nam giới dù tuyến tiền liệt chỉ bị phì đại nhẹ nhưng lại gặp phải các triệu chứng nặng trong khi một số khác lại gặp các triệu chứng nhẹ dù tuyến tiền liệt bị phì đại nghiêm trọng.

Ở một số người, các triệu chứng tự ổn định và thậm chí dần cải thiện theo thời gian.

Các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng về tiết niệu

Một số bệnh lý khác cũng có các triệu chứng tương tự như phì đại tiền liệt tuyến gồm có:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm tuyến tiền liệt
  • Hẹp niệu đạo
  • Sẹo ở cổ bàng quang do ca phẫu thuật trước dây
  • Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận
  • Các vấn đề ở dây thần kinh kiểm soát bàng quang
  • Ung thư tuyến tiền liệt hoặc ung thư bàng quang

Khi nào cần đi khám?

Nếu đang gặp phải vấn đề về tiết niệu thì nên đi khám. Ngay cả khi các triệu chứng không gây khó chịu hay ảnh hưởng đến cuộc sống thì vẫn phải xác định nguyên nhân. Nếu không được điều trị, các vấn đề về tiết niệu có thể dẫn đến tắc nghẽn đường tiết niệu và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Nếu không thể đi tiểu  thì phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây phì đại tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt nằm bên dưới bàng quang. Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi dương vật) chạy xuyên qua tuyến tiền liệt. Khi tuyến tiền liệt bị phì đại, cơ quan này sẽ cản trở dòng chảy nước tiểu.

Ở hầu hết nam giới, tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời nhưng ở nhiều người, sự phát triển này lại khiến cho tiền liệt tuyến tăng kích thước đến mức gây ra các triệu chứng về tiết niệu hoặc làm tắc nghẽn đáng kể dòng chảy nước tiểu.

Chưa rõ nguyên nhân chính xác gây phì đại tiền liệt tuyến nhưng có thể là do sự mất cân bằng hormone sinh dục khi nam giới trưởng thành.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến:

  • Tuổi tác: Phì đại tiền liệt tuyến hiếm khi gây ra triệu chứng ở nam giới dưới 40 tuổi. Khoảng 1/3 nam giới gặp phải các triệu chứng từ vừa đến nặng ở độ tuổi 60 và khoảng một nửa gặp phải triệu chứng ở độ tuổi 80.
  • Tiền sử gia đình: Việc có người thân ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như bố hoặc anh trai, mắc các vấn đề về tuyến tiền liệt sẽ làm tăng nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến.
  • Bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch: Các nghiên cứu cho thấy những nam giới bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và sử dụng thuốc chẹn beta có nguy cơ mắc phì đại tiền liệt tuyến cao hơn.
  • Cân nặng và lối sống: Béo phì làm tăng nguy cơ phì đại tiền liệt tuyến trong khi tập thể dục đều đặn có thể làm giảm nguy cơ.

Biến chứng của phì đại tiền liệt tuyến

Phì đại tiền liệt tuyến có thể gây ra các biến chứng như:

  • Bí tiểu (không thể đi tiểu hoặc tiểu không hết): Người bệnh có thể sẽ phải đặt ống thông tiểu vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Một số nam giới bị phì đại tiền liệt tuyến cần phải phẫu thuật để điều trị bí tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thường xuyên tiểu không hết bãi (bàng quang không rỗng hoàn toàn khi đi tiểu) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại thì người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt.
  • Sỏi bàng quang: Nguyên nhân gây hình thành sỏi thường là do bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu. Sỏi bàng quang có thể gây nhiễm trùng, kích ứng bàng quang, tiểu ra máu và cản trở dòng chảy nước tiểu.
  • Tổn thương bàng quang: Bàng quang không được làm rỗng hoàn toàn có thể bị giãn ra và suy yếu theo thời gian. Kết quả là thành của bàng quang không còn khả năng co bóp bình thường và điều này dẫn đến tiểu khó hoặc tiểu không hết bãi.
  • Hội chứng thận hư: Áp lực tăng lên trong bàng quang do bí tiểu có thể trực tiếp làm hỏng thận hoặc nhiễm trùng bàng quang lan đến thận.

Không phải nam giới nào bị phì đại tiền liệt tuyến cũng gặp phải các biến chứng này nhưng bí tiểu cấp tính và tổn thương thận có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Phì đại tiền liệt tuyến không làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Chẩn đoán phì đại tiền liệt tuyến

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hành khám lâm sàng. Các biện pháp để chẩn đoán phì đại tiền liệt tuyến gồm có:

  • Khám trực tràng bằng tay: Bác sĩ đưa ngón tay vào trực tràng của người bệnh để kiểm tra tuyến tiền liệt xem có bị phì đại hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự phì đại tiền liệt tuyến.
  • Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm có thể chỉ ra các vấn đề về thận.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen – PSA) là một chất được sản xuất trong tuyến tiền liệt. Lượng PSA tăng lên là một dấu hiệu của phì đại tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, lượng PSA cao hơn bình thường cũng có thể do một số thủ thuật y tế, nhiễm trùng, phẫu thuật hoặc ung thư tuyến tiền liệt.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số biện pháp kiểm tra khác để xác nhận phì đại tiền liệt tuyến và loại trừ các bệnh lý khác:

  • Đo niệu dòng đồ: Người bệnh đi tiểu vào một bình chứa gắn với một thiết bị đo cường độ và lượng nước tiểu. Kết quả đo giúp theo dõi xem tình trạng phì đại tiền liệt tuyến có cải thiện hay đang tiến triển nặng thêm.
  • Đo lượng nước tiểu tồn dư: Phương pháp này giúp kiểm tra khả năng làm rỗng hoàn toàn của bàng quang. Quá trình đo lượng nước tiểu tồn dư có thể được thực hiện bằng siêu âm hoặc bằng cách đưa một ống thông vào bàng quang sau khi bạn đi tiểu để dẫn lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang ra ngoài.
  • Nhật ký đi tiểu 24 giờ: Ghi lại tần suất và lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Phương pháp này đặc biệt cần thiết trong những trường hợp đi tiểu nhiều về đêm.

Đối với những trường hợp phức tạp, bác sĩ có thể sẽ chỉ định:

  • Siêu âm qua trực tràng: Đầu dò siêu âm được đưa vào trực tràng để giúp kiểm tra tuyến tiền liệt.
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt: Sử dụng một cây kim dài để lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt dưới sự hướng dẫn của siêu âm qua trực tràng. Kết quả phân tích mẫu mô giúp bác sĩ xác nhận hoặc loại trừ khả năng ung thư tuyến tiền liệt.
  • Đo niệu động học và áp lực bàng quang: Một ống thông được luồn qua niệu đạo vào bàng quang và bơm nước hoặc khí từ từ vào bàng quang. Sau đó, bác sĩ đo áp lực bàng quang và đánh giá hoạt động của các cơ bàng quang. Các phương pháp này thường chỉ được thực hiện trong những trường hợp nghi ngờ có vấn đề về thần kinh hoặc đã từng thực hiện các thủ thuật điều trị tuyến tiền liệt và vẫn còn triệu chứng.
  • Nội soi bàng quang: Một ống dài có gắn đèn và camera được đưa vào niệu đạo, cho phép bác sĩ quan sát bên trong niệu đạo và bàng quang. Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ trước khi nội soi.

Điều trị phì đại tiền liệt tuyến

Có rất nhiều phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến, gồm có dùng thuốc, các liệu pháp xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật. Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Kích thước của tuyến tiền liệt
  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống thì có thể chưa cần điều trị mà chỉ cần theo dõi các triệu chứng. Trong một số trường hợp, các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến tự thuyên giảm mà không cần điều trị.

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc là phương pháp phổ biến nhất để điều trị các triệu chứng phì đại tiền liệt tuyến từ nhẹ đến vừa. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có:

  • Thuốc chẹn alpha: Nhóm thuốc này làm giãn cơ cổ bàng quang và các cơ ở tuyến tiền liệt, giúp người bệnh đi tiểu dễ dàng hơn. Thuốc chẹn alpha, gồm có alfuzosin, doxazosin, tamsulosin và silodosin, thường có tác dụng nhanh chóng ở những nam giới có kích thước tuyến tiền liệt nhỏ. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc chẹn alpha là chóng mặt và xuất tinh ngược dòng (tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì chảy ra khỏi đầu dương vật).
  • Thuốc ức chế 5-alpha reductase: Những loại thuốc này có tác dụng thu nhỏ tuyến tiền liệt bằng cách ngăn chặn những thay đổi về nội tiết tố gây phì đại tuyến tiền liệt. Một số loại thuốc ức chế 5-alpha reductase như Finasteride và dutasteride có thể phải dùng đến 6 tháng mới có hiệu quả. Nhóm thuốc này cũng có thể gây tác dụng phụ là xuất tinh ngược dòng.
  • Kết hợp nhiều loại thuốc: Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chẹn alpha và thuốc ức chế 5-alpha reductase cùng một lúc nếu một trong hai loại thuốc không hiệu quả khi sử dụng đơn lẻ.
  • Tadalafil (Cialis): Đây là một loại thuốc điều trị rối loạn cương dương nhưng các nghiên cứu cho thấy tadalafil còn có tác dụng điều trị chứng phì đại tiền liệt tuyến.

Phẫu thuật và các liệu pháp điều trị xâm lấn tối thiểu

Phẫu thuật và các liệu pháp xâm lấn tối thiểu là giải pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến trong những trường hợp:

  • Có các triệu chứng ở mức độ vừa đến nặng
  • Các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc
  • Bị tắc nghẽn đường tiết niệu, sỏi bàng quang, tiểu ra máu hoặc có vấn đề về thận
  • Người bệnh muốn điều trị dứt điểm

Tuy nhiên, phẫu thuật và các liệu pháp xâm lấn tối thiểu lại không phù hợp với những trường hợp:

  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu và chưa điều trị khỏi
  • Hẹp niệu đạo
  • Có tiền sử xạ trị tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật đường tiết niệu
  • Có bệnh lý về thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng

Tất cả các thủ thuật được thực hiện ở tuyến tiền liệt đều có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn, chẳng hạn như:

  • Xuất tinh ngược dòng (tinh dịch chảy ngược vào bàng quang thay vì chảy ra ngoài qua dương vật khi xuất tinh)
  • Tiểu khó
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Chảy máu
  • Rối loạn cương dương
  • Tiểu không kiểm soát do kiểm soát bàng quang kém

Dưới đây là một số phương pháp phẫu thuật và liệu pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị phì đại tiền liệt tuyến.

Nội soi cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo

Ống nội soi được đưa vào niệu đạo cùng với dụng cụ phẫu thuật. Bác sĩ cắt bỏ toàn bộ mô tuyến tiền liệt thừa và chỉ giữ lại phần bên ngoài của tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị này có thể làm giảm các triệu chứng một cách nhanh chóng và hầu hết nam giới đều có thể đi tiểu bình thường ngay sau thủ thuật. Tuy nhiên, sau khi nội soi cắt tuyến tiền liệt, người bệnh có thể sẽ phải đặt ống thông tiểu tạm thời để dẫn lưu nước tiểu bàng quang.

Nội soi rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo

Tương tự như phương pháp nội soi cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo, một ống nội soi được đưa vào niệu đạo nhưng không cắt tuyến tiền liệt mà bác sĩ chỉ rạch 1 – 2 đường nhỏ trên tuyến tiền liệt nhằm giúp nước tiểu đi qua niệu đạo dễ dàng hơn. Phương pháp điều trị này là một lựa chọn cho những trường hợp có tuyến tiền liệt nhỏ hoặc phì đại mức độ nhẹ, đặc biệt là khi người bệnh còn có vấn đề sức khỏe khác và không thể làm phẫu thuật.

Liệu pháp nhiệt vi sóng qua niệu đạo (transurethral microwave thermotherapy – TUMT)

Bác sĩ đưa một điện cực đặc biệt qua niệu đạo vào khu vực tuyến tiền liệt của người bệnh. Năng lượng vi sóng từ điện cực sẽ phá hủy và thu nhỏ phần bên trong của tuyến tiền liệt bị phì đại, nhờ đó giúp cải thiện dòng chảy nước tiểu. Phương pháp này thường chỉ làm giảm một phần các triệu chứng và không mang lại kết quả tức thì. Liệu pháp nhiệt vi sóng qua niệu đạo thường chỉ được sử dụng cho những nam giới có kích thước tuyến tiền liệt nhỏ và có thể cần phải điều trị lặp lại.

Hủy tuyến tiền liệt bằng kim qua niệu đạo (transurethral needle ablation - TUNA)

Trong thủ thuật này, ống nội soi và một cây kim dài được đưa vào niệu đạo. Sóng vô tuyến đi qua kim, làm nóng và phá hủy mô tuyến tiền liệt thừa, nhờ đó giúp nước tiểu chảy ra niệu đạo dễ dàng hơn. Phương pháp này hiện không còn được sủ dụng phổ biến.

Liệu pháp laser

Laser năng lượng cao phá hủy hoặc cắt bỏ mô tuyến tiền liệt thừa. Phương pháp điều trị bằng laser giúp cải thiện các triệu chứng ngay lập tức và nguy cơ xảy ra tác dụng phụ thấp hơn so với phương pháp phẫu thuật không sử dụng laser. Liệu pháp laser là giải pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến cho những trường hợp đang dùng thuốc làm loãng máu và không thể thực hiện các thủ thuật xâm lấn khác.

Các liệu pháp laser chính để điều trị phì đại tiền liệt tuyến là:

  • Thủ thuật phá hủy tuyến tiền liệt: Các thủ thuật này phá hủy phần tuyến tiền liệt bị phì đại để cải thiện dòng chảy nước tiểu. Một số ví dụ gồm có: làm bốc hơi tuyến tiền liệt bằng ánh sáng có chọn lọc (photoselective vaporization of the prostate - PVP) và phá hủy tuyến tiền liệt bằng laser holmium (holmium laser ablation of the prostate - HoLAP). Người bệnh có thể sẽ gặp phải các triệu chứng khó chịu về tiết niệu sau khi trải qua các thủ thuật này nên đôi khi cần phải tiếp tục điều trị bằng một thủ thuật khác để cắt tuyến tiền liệt.
  • Thủ thuật bóc tách tuyến tiền liệt: Các thủ thuật bóc tách tuyến tiền liệt, chẳng hạn như bóc u phì đại tuyến tiền liệt bằng laser holmium (holmium laser enucleation of the prostate - HoLEP), nhằm mục đích loại bỏ toàn bộ phần mô tuyến tiền liệt đang gây cản trở dòng chảy nước tiểu và ngăn chặn sự phát triển mô thừa. Phần mô bị loại bỏ có thể được phân tích để tìm dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh lý khác. Các thủ thuật này cũng tương tự như cắt tuyến tiền liệt bằng kỹ thuật mổ mở.

Nâng niệu đạo tiền liệt tuyến (prostatic urethral lift - PUL)

Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó sử dụng que mảnh để ép gọn phần thùy bên của tuyến tiền liệt, nhờ đó mở rộng niệu đạo và giúp nước tiểu có thể chảy qua dễ dàng. Thủ thuật này có thể được chỉ định cho những trường hợp có các triệu chứng ở đường tiết niệu dưới. Phương pháp nâng niệu đạo tiền liệt tuyến có ưu điểm là ít gây ra các tác dụng phụ như rối loạn cương dương và vấn đề về khả năng xuất tinh hơn so với các thủ thuật xâm lấn khác như nội soi cắt tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo.

Nút mạch

Trong phương pháp điều trị này, nguồn cung cấp máu đến hoặc đi từ tuyến tiền liệt bị chặn một cách có chọn lọc, điều này làm giảm kích thước tuyến tiền liệt.

Mổ mở cắt tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật robot

Bác sĩ rạch một đường ở bụng dưới để tiếp cận và cắt bỏ mô tuyến tiền liệt. Cắt tuyến tiền liệt bằng kỹ thuật mổ mở thường được thực hiện trong những trường hợp tuyến tiền liệt có kích thước rất lớn, tổn thương bàng quang hoặc các yếu tố phức tạp khác. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân thường phải nằm viện một thời gian và có nguy cơ cao cần phải truyền máu.

Chăm sóc sau điều trị

Việc chăm sóc và theo dõi sau điều trị phụ thuộc vào từng phương pháp điều trị phì đại tiền liệt tuyến.

Nói chung, người bệnh nên hạn chế khuân vác nặng và các hoạt động cần gắng sức khác như tập thể dục cường độ cao trong 7 ngày nếu điều trị bằng laser, hủy tuyến tiền liệt bằng kim qua niệu đạo hoặc liệu pháp nhiệt vi sóng qua niệu đạo. Nếu mổ mở cắt tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật bằng robot thì người bệnh có thể sẽ phải hạn chế hoạt động trong vòng 6 tuần.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/benign-prostatic-hyperplasia/symptoms-causes/syc-20370087

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng thường có thể điều trị thành công. Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là ung thư tuyến tiền liệt.

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt, gây ra các triệu chứng như đau buốt hoặc tiểu khó, đau ở vùng bẹn, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục. Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây