Bỏng: Nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và điều trị

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần. Nhưng khi bị bỏng nặng thì phải đến ngay cơ sở y tế.

Bỏng là gì?

Bỏng là tổn thương mô do nhiệt, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bức xạ, tiếp xúc với hóa chất hoặc điện. Mức độ bỏng được phân loại dựa trên độ sâu của vùng tổn thương và phần trăm diện tích vùng bị bỏng do với toàn bộ cơ thể. Có nhiều mức độ bỏng, từ chỉ là vết thương nhẹ ngoài da cho đến một vấn đề nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng và cần được can thiệp khẩn cấp.

Việc điều trị bỏng tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Bỏng nắng và bỏng nước nóng nhẹ thường có thể điều trị được tại nhà. Các trường hợp bỏng sâu hoặc lan rộng cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức để can thiệp điều trị kịp thời. Một số trường hợp cần theo dõi trong suốt một thời gian dài sau điều trị.

Biểu hiện

Các biểu hiện khi bị bỏng ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào độ sâu của vùng bị tổn thương. Đôi khi có thể phải sau 1 hoặc 2 ngày thì các các dấu hiệu, triệu chứng bỏng nặng mới xuất hiện:

  • Bỏng độ 1: vết bỏng nhẹ chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài của da (lớp biểu bì), gây đỏ và rát.
  • Bỏng độ 2: tổn thương cả lớp biểu bì và lớp thứ hai của da (lớp trung bì), gây sưng tấy, da đỏ, trắng hoặc lốm đốm. Vị trí bỏng phồng rộp và có thể bị đau rát dữ dội. Vết bỏng sâu độ hai thường để lại sẹo.
  • Bỏng độ 3: gây tổn thương đến lớp mỡ dưới da. Vùng bị bỏng chuyển màu đen, nâu hoặc trắng. Bỏng độ 3 có thể phá hủy dây thần kinh, gây tê bì và mất cảm giác đau đớn.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Cần đến ngay cơ sở y tế khi:

  • Các vết bỏng bao phủ kín bàn tay, bàn chân, mặt, bẹn, mông, trên một khớp lớn hoặc một vùng rộng trên cơ thể
  • Vết bỏng sâu, có nghĩa là gây tổn thương đến tất cả các lớp của da hoặc thậm chí là cả các lớp mô sâu bên dưới
  • Vết bỏng có các mảng màu đen, nâu hoặc trắng
  • Bỏng do hóa chất hoặc điện
  • Khó thở hoặc bỏng trong đường thở
  • Có các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như chảy dịch từ vết thương, tăng đau, đỏ và sưng
  • Vết bỏng hoặc vết phồng rộp lớn hoặc không lành sau 2 tuần
  • Xuất hiện các triệu chứng mới không rõ nguyên nhân

Khi có người bị bỏng nặng hãy đưa ngay đến bệnh viện gần nhất hoặc thực hiện các biện pháp sơ cứu đúng cách trong khi chờ nhân viên y tế.

Nguyên nhân

Bỏng có thể là do:

  • Lửa
  • Chất lỏng hoặc hơi nóng
  • Tiếp xúc với kim loại, thủy tinh hoặc các chất liệu có nhiệt độ cao khác
  • Điện
  • Bức xạ, chẳng hạn như bức xạ từ tia X
  • Ánh nắng mặt trời hoặc các nguồn tia cực tím khác, chẳng hạn như giường nhuộm da
  • Các loại hóa chất, ví dụ như axit mạnh, dung dịch kiềm, dung môi pha sơn hoặc xăng

Biến chứng

Vết bỏng sâu hoặc bỏng lan rộng có thể dẫn đến những vấn đề như:

  • Nhiễm trùng, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu
  • Mất dịch, bao gồm cả giảm thể tích máu
  • Nhiệt độ cơ thể giảm xuống mức thấp nguy hiểm (hạ thân nhiệt)
  • Các vấn đề về hô hấp do hít phải khí nóng hoặc khói
  • Để lại sẹo, có thể khiến cho vùng bị bỏng trở nên biến dạng
  • Các vấn đề về xương và khớp, ví dụ như do mô sẹo hình thành khiến cho da, cơ hoặc gân bị co rút

Biện pháp chẩn đoán

Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá độ sâu và tỷ lệ phần trăm của vùng bị bỏng so với toàn cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra các tổn thương khác và có thể cần thực hiện một số biện pháp chẩn đoán, ví dụ như chụp X-quang.

Các phương pháp điều trị khi bị bỏng

Xử lý bỏng nhẹ tại nhà

Nếu chỉ bị bỏng nhẹ thì có thể điều trị tại nhà. Các vết bỏng ngoài da thường lành lại trong vòng vài tuần.

Khi bị bỏng nhẹ thì hãy làm theo các bước sau đây:

  • Làm mát vết bỏng: ngâm vùng bị bỏng vào nước mát hoặc chườm mát cho đến khi cảm giác đau rát dịu đi. Lưu ý, không sử dụng đá. Chườm đá trực tiếp lên vết bỏng có thể khiến mô càng tổn thương nặng thêm.
  • Tháo nhẫn và các vật dụng khác đang chạm lên vết bỏng: cố gắng thực hiện một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng trước khi vùng bị bỏng sưng lên.
  • Không làm vỡ vết phồng rộp: vết phồng rộp chứa chất dịch bảo vệ vết bỏng khỏi nhiễm trùng. Khi vết phồng rộp bị vỡ, hãy rửa vùng da đó bằng nước sạch và sau đó bôi thuốc mỡ kháng sinh. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu mẩn đỏ thì hãy ngừng sử dụng thuốc mỡ.
  • Bôi kem dưỡng da: khi vết bỏng đã nguội và bớt rát thì có thể bôi các loại kem dưỡng da dịu nhẹ, ví dụ như gel lô hội để tránh bị khô da và giúp cho da lành lại nhanh hơn.
  • Băng vết bỏng: băng vết bỏng bằng băng gạc vô trùng (không dùng bông). Lưu ý quấn lỏng để tránh gây áp lực lên vùng da đang bị tổn thương. Điều này giúp bảo vệ vết bỏng và giảm đau.
  • Uống thuốc giảm đau: các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, naproxen sodium hoặc acetaminophen sẽ giúp làm giảm cảm giác đau rát ở vị trí bị bỏng.
  • Cân nhắc tiêm vắc-xin ngừa uốn ván: các bác sĩ khuyến nghị mỗi người nên tiêm phòng uốn ván 10 năm một lần.

Điều trị bỏng nặng

Đối với các trường hợp bỏng nặng, sau khi sơ cứu và đánh giá vết thương thì phương pháp điều trị có thể sẽ là dùng thuốc, băng vết thương hoặc phẫu thuật. Mục tiêu của các phương pháp điều trị là kiểm soát cơn đau, loại bỏ mô hoại tử, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ hình thành sẹo và phục hồi chức năng.

Những người bị bỏng quá nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật ghép da để che đi vết thương lớn và sau đó được theo dõi, chăm sóc trong suốt nhiều tháng bằng các phương pháp khác nhau, chẳng hạn như vật lý trị liệu.

Dùng thuốc

Sau khi sơ cứu vết bỏng lớn, bác sĩ thường sẽ chỉ định các loại thuốc dưới đây để hỗ trợ quá trình lành vết thương:

  • Bù nước và điện giải: có thể cần phải truyền dịch tĩnh mạch để ngăn ngừa mất nước và suy tạng.
  • Thuốc giảm đau và an thần: trong quá trình lành lại, vết bỏng có thể gây đau đớn dữ dội và cần sử dụng đến các loại thuốc giảm đau. Đôi khi sẽ phải sử dụng morphin và thuốc an thần, đặc biệt là khi thay băng.
  • Thuốc bôi: người bị bỏng có thể phải sử dụng nhiều loại thuốc bôi để giúp vết thương lành lại một cách nhanh chóng, chẳng hạn như bacitracin và bạc sulfadiazine. Những loại thuốc kháng sinh này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Băng vết thương để bảo vệ vết thương không bị nhiễm trùng và cọ xát.
  • Thuốc kháng sinh: nếu vết bỏng bị nhiễm trùng thì sẽ cần dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch
  • Tiêm phòng uốn ván: những người bị bỏng nặng có thể cần tiêm vắc-xin phòng uốn ván.

Vật lý trị liệu và vận động trị liệu

Nếu bị bỏng rộng, đặc biệt là khi vết bỏng nằm ở vị trí có khớp xương thì có thể bệnh nhân sẽ cần tập các bài tập vật lý trị liệu. Những bài tập này giúp kéo căng da để các khớp có thể cử động một cách linh hoạt, đồng thời cải thiện sức mạnh và sự phối hợp của các cơ. Vận động trị liệu sẽ giúp ích cho những người đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày do bị bỏng.

Phẫu thuật và các thủ thuật hỗ trợ phục hồi

Có thể cần thực hiện các thủ thuật dưới đây:

  • Đặt ống nội khí quản: khi bị bỏng ở mặt hoặc cổ, cổ họng có thể sưng lên và khiến bệnh nhân hô hấp khó khăn. Trong những trường hợp khả thi, bác sĩ sẽ luồn một ống rỗng xuống khí quản để duy trì nguồn oxy cung cấp cho phổi.
  • Đặt sonde dạ dày: dành cho những trường hợp bị bỏng nghiêm trọng và không thể ăn uống bình thường. Đây là phương pháp luồn một ống dẫn thức ăn qua mũi xuống thẳng dạ dày.
  • Cắt vảy: nếu vết bỏng đóng vảy và bao phủ hoàn toàn xung quanh chân hoặc tay thì sự lưu thông máu có thể sẽ bị gián đoạn. Vảy hình thành quanh ngực có thể gây khó thở. Với những trường hơp này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt rạch vảy để giảm bớt áp lực lên các mạch máu.
  • Ghép da: là một quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ tách một mảng da khỏe mạnh từ vị trí khác trên cơ thể và ghép vào vùng bị bỏng sâu. Đôi khi, da của người hiến tặng có thể được sử dụng tạm thời.
  • Phẫu thuật thẩm mỹ: phẫu thuật thẩm mỹ (tái tạo) có thể xóa hoặc làm giảm sẹo bỏng và giúp cải thiện sự linh hoạt của các khớp bị ảnh hưởng bởi sẹo.

Cho dù bỏng nhẹ hay nặng thì cũng cần sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm đều đặn sau khi vết thương lành lại để giảm nguy cơ thâm sẹo.

Phòng ngừa bỏng

Để giảm nguy cơ bị bỏng thì cần chú ý những điều dưới đây:

  • Không được để đồ ăn đang nấu trên bếp mà không có người trông coi
  • Xoay tay cầm của nồi về phía bên trong của bếp
  • Không bế trẻ nhỏ khi đang nấu nướng
  • Để các đồ vật, chất lỏng nóng ngoài tầm với của trẻ
  • Để các thiết bị điện tránh xa nước
  • Kiểm tra nhiệt độ của đồ ăn trước khi cho trẻ ăn. Không hâm nóng bình sữa của trẻ trong lò vi sóng.
  • Mặc quần áo gọn gàng khi nấu nướng để tránh bị bắt lửa
  • Không để trẻ nhỏ đến gần với các nguồn nhiệt như bếp, lò nướng, lò sưởi, ấm đun nước…
  • Rút phích cắm của bàn là và các thiết bị tương tự khi không sử dụng. Để những đồ vật này ngoài tầm với của trẻ nhỏ.
  • Che các ổ cắm điện trong nhà bằng nắp che ổ cắm và để gọn dây điện của các thiết bị
  • Không hút thuốc lá gần các vật dụng dễ bắt lửa như ghế sofa, chăn đệm, rèm cửa.
  • Lắp thiết bị báo cháy trong nhà và thường xuyên kiểm tra
  • Để bình cứu hóa ở tất cả các tầng trong nhà
  • Luôn đeo kính và mặc quần áo bảo vệ khi sử dụng hóa chất
  • Để hóa chất, bật lửa và diêm ngoài tầm với của trẻ em. Không sử dụng các loại bật lửa có hình dạng giống như đồ chơi.
  • Luôn thử nhiệt độ của nước trước khi tắm cho trẻ
  • Chú ý khi rót nước sôi và bưng bê đồ ăn, thức uống nóng

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ngứa: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngứa có thể chỉ xảy ra ở một vùng da nhỏ hoặc lan rộng ra toàn bộ cơ thể. Tùy vào nguyên nhân mà vùng da bị ngứa có thể còn xuất hiện các triệu chứng khác.

Hăm tã ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Hăm tã khiến cho trẻ khó chịu, khóc quấy nhưng đây là vấn đề có thể xử lý đơn giản bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như thay tã thường xuyên hơn, giữ cho da luôn khô ráo và dùng một số loại thuốc bôi ngoài da.

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Cước tay chân: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cước là một phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với môi trường lạnh. Đây là một hiện tượng bình tường xảy ra vào mùa đông.

Các nguyên nhân khiến nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu bình thường có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào lượng nước uống. Tuy nhiên, nếu nước tiểu chuyển màu đỏ, xanh lam, xanh lục, nâu sẫm hay trắng đục thì đó lại là dấu hiệu của những vấn đề bất thường với sức khỏe.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây