Dày sừng quang hóa

Rất khó phân biệt giữa các dấu hiệu ung thư da và thay đổi lành tính trên da. Vì vậy, nếu nhận thấy da có bất kỳ thay đổi bất thường nào thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Dày sừng quang hóa là gì?

Dày sừng quang hóa hay dày sừng ánh sáng (actinic keratosis) là một vấn đề về da với biểu hiện là da sần sùi, đóng vảy sau nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này thường xảy ra trên mặt, môi, tai, cẳng tay, da đầu, cổ hoặc mu bàn tay.

Dày sừng quang hóa xảy ra từ từ theo thời gian và triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi ngoài 40. Có thể giảm nguy cơ bị vấn đề về da này bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và bảo vệ da khỏi tia cực tím (tia UV).

Nếu không được điều trị, nguy cơ dày sừng quang hóa tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy (một loại ung thư da) là khoảng 5 đến 10%.

Triệu chứng

Dày sừng quang hóa có nhiều dạng khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Các mảng da thô ráp, khô và đóng vảy, thường có đường kính dưới 3cm
  • Các mảng da dày, hơi nhô lên, có màu hồng, đỏ hoặc nâu đen, đôi khi cứng và trông như mụn cóc
  • Các vùng da tổn thương bị ngứa, rát, chảy máu hoặc đóng vảy
  • Xuất hiện các mảng da tổn thương mới ở những khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như đầu, cổ, bàn tay và cánh tay

Khi nào cần đi khám?

Rất khó phân biệt giữa các dấu hiệu ung thư da và thay đổi lành tính trên da. Vì vậy, nếu nhận thấy da có bất kỳ thay đổi bất thường nào thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi các sẩn hoặc mảng da đóng vảy không tự biến mất, ngày càng lan rộng hoặc chảy máu.

Nguyên nhân

Dày sừng quang hóa là do sự tiếp xúc thường xuyên hoặc cường độ cao với tia UV từ mặt trời hoặc giường nhuộm da.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị dày sừng quang hóa nhưng nguy cơ tăng cao ở những người:

  • có tóc đỏ hoặc vàng và mắt xanh hoặc sáng màu
  • thường xuyên tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc từng bị cháy nắng
  • có tàn nhang hoặc dễ bị cháy nắng khi đi ngoài trời
  • trên 40 tuổi
  • sống ở những nơi có nhiều nắng
  • thường xuyên phải làm việc ngoài trời
  • có hệ miễn dịch suy yếu

Biến chứng

Nếu được điều trị sớm, dày sừng quang hóa có thể được chữa khỏi. Nhưng nếu không được điều trị thì một số vùng da dày sừng quang hóa có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư da này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu được phát hiện và chữa trị sớm.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện dày sừng quang hóa khi quan sát các dấu hiệu trên da. Nếu còn nghi ngờ, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số biện pháp chẩn đoán, chẳng hạn như sinh thiết da. Trong quá trình sinh thiết da, bác sĩ lấy một mẫu da nhỏ để phân tích trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết thường được thực hiện sau khi tiêm thuốc tê.

Nên tái khám mỗi năm một lần sau khi điều trị dày sừng quang hóa để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư da.

Điều trị dày sừng quang hóa

Dày sừng quang hóa đôi khi tự khỏi nhưng có thể tái phát sau một thời gian tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Không thể dự đoán dày sừng quang hóa có tiến triển thành ung thư da hay không, vì vậy nên vùng da tổn thương thường được loại bỏ để phòng ngừa.

Dùng thuốc

Đối với các trường hợp dày sừng quang hóa có nhiều vùng da tổn thương, bác sĩ có thể kê thuốc bôi như fluorouracil, imiquimod, ingenol mebutate hoặc diclofenac. Những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ là mẩn đỏ, da khô tróc vảy hoặc cảm giác nóng nát trong vài tuần.

Các liệu pháp điều trị

Có nhiều liệu pháp được sử dụng để loại bỏ các vùng da bị dày sừng quang hóa:

  • Liệu pháp đông lạnh: có thể loại bỏ các vùng da dày sừng quang hóa bằng cách làm đông lạnh mô da với nitơ lỏng. Bác sĩ bôi nitơ lỏng lên vùng da bị tổn thương, điều này sẽ khiến cho da phồng rộp hoặc bong tróc. Khi da lành lại, các tế bào bị hỏng sẽ bong ra và được thay bằng tế bào da mới. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Mỗi lần thực hiện chỉ mất vài phút. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có nổi mụn nước, để lại sẹo, thay đổi kết cấu da, nhiễm trùng và thay đổi màu da ở vùng điều trị.
  • Nạo: trong quy trình này, bác sĩ sử dụng thiết bị chuyên dụng để loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Sau khi nạo có thể thực hiện thêm phương pháp đốt điện, trong đó sử dụng một dụng cụ có hình dạng như cây bút để cắt và phá hủy mô bằng dòng điện. Phương pháp này được thực hiện sau khi gây tê tại chỗ. Các tác dụng phụ gồm có nhiễm trùng, sẹo và thay đổi màu da ở vùng điều trị.
  • Liệu pháp laser: liệu pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi để điều trị dày sừng quang hóa. Bác sĩ sử dụng thiết bị laser xâm lấn để phá hủy mảng da bị dày sừng và tạo điều kiện cho da mới thay thế. Một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra là để lại sẹo và đổi màu ở vùng điều trị.
  • Liệu pháp quang động: bôi một loại dung dịch hóa chất nhạy cảm với ánh sáng lên vùng da bị dày sừng và sau đó chiếu ánh sáng lên để phá hủy lớp da bên trên. Vùng da được điều trị có thể ửng đỏ, sưng tấy và nóng rát.

Biện pháp phòng ngừa

Bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là điều cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển và tái phát dày sừng quang hóa.

Các biện pháp bảo vệ da khỏi ánh nắng:

  • Hạn chế đi ngoài trời nắng: không nên ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và không phơi nắng quá lâu.
  • Sử dụng kem chống nắng: luôn bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài, ngay cả những ngày nhiều mây. Nên dùng kem chống nắng kháng nước, phổ rộng với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30. Bôi kem chống nắng trên tất cả các vùng da lộ ra ngoài và sử dụng son dưỡng có chỉ số SPF cho môi. Bôi kem chống nắng ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài và bôi lại sau mỗi 2 tiếng hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc ra mồ hôi. Không bôi kem chống nắng cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Chỉ nên mặc quần áo dài, đội mũ cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp với nắng.
  • Che chắn kỹ cho da: để tăng cường sự bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời thì hãy mặc quần áo dài, đeo kính râm, khẩu trang và đội mũ rộng vành khi đi ngoài trời.
  • Không nằm giường nhuộm da: việc tiếp xúc với tia cực tím từ giường nhuộm da cũng có thể gây tổn thương da tương tự như ánh nắng mặt trời.
  • Kiểm tra da thường xuyên: Nên đi khám bác sĩ da liễu định kỳ và đi khám ngay khi nhận thấy có sự thay đổi bất thường, ví dụ như có nốt ruồi hoặc vết bớt mới và ngày càng to ra. Nên thường xuyên tự mình kiểm tra da mặt, cổ, tai, da đầu, bên trên cũng như là bên dưới của cánh tay và bàn tay.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông xảy ra do sự tích tụ keratin (chất sừng) - một loại protein cứng có vai trò bảo vệ da khỏi các chất độc hại và nhiễm trùng. Keratin tích tụ gây bít tắc các nang lông, khiến cho da trở nên sần sùi, thô ráp.

Dày sừng tiết bã

Dày sừng tiết bã là vấn đề lành tính và không lây, không cần điều trị nhưng có thể lựa chọn loại bỏ nếu thường xuyên bị kích ứng do cọ xát với quần áo hoặc gây ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây