Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Sỏi bàng quang là gì?

Sỏi bàng quang là những khối khoáng chất rắn trong bàng quang. Sỏi hình thành khi khoáng chất trong nước tiểu kết tinh và tích tụ lại. Điều này thường xảy ra do bàng quang không rỗng hoàn toàn khi đi tiểu (còn sót lại nước tiểu).

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Triệu chứng sỏi bàng quang

Đôi khi, sỏi bàng quang (kể cả sỏi lớn) không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi viên sỏi gây tổn thương thành bàng quang hoặc chặn dòng chảy nước tiểu thì người bệnh sẽ gặp phải các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Đau bụng dưới
  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều
  • Tiểu khó hoặc tiểu ngắt quãng
  • Nước tiểu có máu
  • Nước tiểu đục hoặc có màu sẫm bất thường

Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang thường hình thành sau một thời gian bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn, có nghĩa là còn sót lại nước tiểu trong bàng quang. Theo thời gian, nước tiểu trở nên cô đặc. Dần dần, các khoáng chất trong nước tiểu kết tinh thành tinh thể và tích tụ lại tạo thành sỏi.

Một số bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến sỏi bàng quang. Đôi khi, sỏi bàng quang là do các bệnh lý tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến khả năng giữ, chứa hoặc đào thải nước tiểu của bàng quang. Bất kỳ vật thể lạ nào có trong bàng quang cũng đều có thể gây hình thành sỏi bàng quang.

Các nguyên nhân gây sỏi bàng quang phổ biến nhất gồm có:

  • Phì đại tiền liệt tuyến: Phì đại tiền liệt tuyến (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính) có thể gây sỏi bàng quang ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể khiến nước tiểu không thể chảy ra ngoài mà ứ lại trong bàng quang.
  • Tổn thương dây thần kinh: Thông thường, các dây thần kinh truyền tín hiệu từ não bộ đến cơ bàng quang, làm cho các cơ này giãn ra để đào thải nước tiểu hoặc siết chặt để giữ nước tiểu. Khi những dây thần kinh này bị tổn thương, ví dụ như do đột quỵ, chấn thương tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác, bàng quang sẽ không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu. Tình trạng này được gọi là bàng quang thần kinh (neurogenic bladder).

Các nguyên nhân khác có thể gây sỏi bàng quang còn có:

  • Viêm: Viêm bàng quang, đôi khi do nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc xạ trị vùng chậu, có thể dẫn đến sỏi bàng quang.
  • Thiết bị y tế: Ống thông dẫn lưu bàng quang (ống mảnh được đưa qua niệu đạo để dẫn nước tiểu ra ngoài) cũng có thể gây hình thành sỏi bàng quang. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi có vật di chuyển từ những vị trí khác đến bàng quang, chẳng hạn như dụng cụ tránh thai hoặc stent đường tiết niệu. Các tinh thể khoáng chất có thể tích tụ trên bề mặt của các vật này và hình thành sỏi.
  • Sỏi thận: Sỏi thận khác với sỏi bàng quang. Hai loại sỏi này hình thành theo cách không giống nhau. Tuy nhiên, những viên sỏi thận nhỏ có thể di chuyển xuống niệu quản vào bàng quang và nếu không được đào thải ra ngoài, chúng có thể phát triển thành sỏi bàng quang.

Ai có nguy cơ bị sỏi bàng quang?

Nam giới, đặc biệt là những người trên 50 tuổi, có nguy cơ cao bị sỏi bàng quang.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ sỏi bàng quang:

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: Bất kỳ nguyên nhân nào gây cản trở dòng chảy nước tiểu từ bàng quang đến niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể) đều có thể dẫn đến hình thành sỏi bàng quang. Có nhiều nguyên nhân gây ra điều này nhưng phổ biến nhất là do phì đại tiền liệt tuyến.
  • Tổn thương thần kinh: Đột quỵ, chấn thương tủy sống, bệnh Parkinson, tiểu đường, thoát vị đĩa đệm và một số vấn đề khác có thể làm hỏng các dây thần kinh kiểm soát chức năng của bàng quang.

Càng có nhiều yếu tố nguy cơ thì nguy cơ hình thành sỏi bàng quang càng cao.

Biến chứng sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang không tự đào thải hoặc không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng dưới đây:

  • Các vấn đề về bàng quang mãn tính: Sỏi bàng quang không được điều trị có thể gây ra các vấn đề khi đi tiểu, chẳng hạn như đau buốt hoặc đi tiểu nhiều. Sỏi bàng quang cũng có thể kẹt ở vị trí giao giữa bàng quang - niệu đạo và chặn dòng chảy của nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn tái đi tái lại trong đường tiết niệu.

Phòng ngừa sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang thường là do một bệnh lý tiềm ẩn khó ngăn ngừa nhưng có thể giảm nguy cơ bị sỏi bàng quang bằng các cách dưới đây:

  • Đi khám định kỳ và bất cứ khi nào phát hiện dấu hiệu bất thường: Chẩn đoán và điều trị sớm phì đại tiền liệt tuyến và các bệnh tiết niệu khác có thể làm giảm nguy cơ sỏi bàng quang.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc, có thể giúp ngăn ngừa hình thành sỏi bàng quang vì việc tăng lượng nước sẽ làm loãng nước tiểu, có nghĩa là làm giảm nồng độ khoáng chất trong bàng quang. Lượng nước cần uống mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe và mức độ hoạt động.

Chẩn đoán sỏi bàng quang

Các biện pháp chẩn đoán sỏi bàng quang:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sờ nắn bụng dưới để kiểm tra xem bàng quang có bị to lên hay không hoặc thăm khám trực tràng để phát hiện phì đại tiền liệt tuyến. Người bệnh cần mô tả chi tiết các triệu chứng gặp phải cho bác sĩ.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu để phát hiện máu, vi khuẩn và khoáng chất kết tinh. Xét nghiệm nước tiểu còn giúp phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu – đây có thể là nguyên nhân hoặc biến chứng của sỏi bàng quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X và máy tính để thu hình ảnh chi tiết của các cơ quan bên trong cơ thể. Chụp CT có thể giúp phát hiện cả những viên sỏi có kích thước rất nhỏ. Đây là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác nhất để phát hiện sỏi bàng quang, bất kể là loại sọi nào.
  • Siêu âm: Đầu dò truyền sóng âm và thu sóng âm dội lại từ các cơ quan, cấu trúc trong cơ thể để tạo ra hình ảnh hiển thị trên màn hình.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang thận, niệu quản và bàng quang cũng là một biện pháp để chẩn đoán sỏi bàng quang. Tuy nhiên, một số loại sỏi không phát hiện được qua ảnh chụp X-quang thông thường.

Điều trị sỏi bàng quang

Uống nhiều nước có thể giúp đào thải các viên sỏi nhỏ ra ngoài. Tuy nhiên, vì sỏi bàng quang thường hình thành do bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn nên việc uống nhiều nước có thể sẽ không đủ để loại bỏ sỏi.

Hầu hết người bệnh vẫn phải trải qua các thủ thuật can thiệp lấy sỏi ra ngoài.

Nội soi tán sỏi bàng quang

Người bệnh sẽ được gây tê hoặc gây mê trước khi tiến hành tán sỏi. Sau đó, bác sĩ đưa ống nội soi vào bàng quang và sử dụng tia laser, sóng siêu âm hoặc các thiết bị khác để phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ rồi bơm rửa để lấy hết các mảnh sỏi ra khỏi bàng quang.

Mổ mở lấy sỏi bàng quang

Trong những trường hợp có sỏi bàng quang quá lớn và không thể làm vỡ bằng kỹ thuật nội soi tán sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định mổ mở để lấy sỏi ra khỏi bàng quang.

Nếu sỏi bàng quang là do tắc nghẽn niệu đạo hoặc phì đại tiền liệt tuyến thì sẽ phải xử lý sỏi bàng quang và đồng thời điều trị những vấn đề này, thường là bằng phương pháp phẫu thuật.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào của bàng quang. Bàng quang là cơ quan rỗng ở bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu.

Lộn bàng quang

Vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra chứng lộn bàng quang nhưng theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân một phần do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, xảy ra ở bàng quang. Viêm bàng quang là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây