Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm bàng quang kẽ là gì?

Viêm bàng quang kẽ là một bệnh lý mãn tính gây tăng áp lực bàng quang, đau bàng quang và đôi khi còn gây đau vùng chậu. Triệu chứng có nhiều mức độ, từ chỉ khó chịu nhẹ cho đến đau đớn dữ dội.

Bàng quang là một cơ quan rỗng, được cấu tạo nên từ các cơ, có chức năng chứa nước tiểu. Bàng quang giãn nở theo lượng nước tiểu và khi đầy, cơ quan này sẽ phát tín hiệu báo cho não bộ thông qua các dây thần kinh vùng chậu. Điều này tạo ra cảm giác buồn tiểu.

Khi bị bệnh viêm bàng quang kẽ, những tín hiệu này bị lẫn lộn với nhau và khiến cho người bệnh buồn tiểu thường xuyên hơn và lượng nước tiểu ít hơn bình thường.

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Triệu chứng viêm bàng quang kẽ

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang kẽ mà mỗi người gặp phải là khác nhau. Các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian và bùng phát theo đợt do tác động của các yếu tố như kinh nguyệt, ngồi lâu, căng thẳng, tập thể dục và hoạt động tình dục.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm bàng quang kẽ gồm có:

  • Đau ở vùng giữa âm đạo và hậu môn ở phụ nữ
  • Đau ở khu vực giữa bìu và hậu môn ở nam giới
  • Đau vùng chậu mãn tính
  • Buồn tiểu gấp liên tục
  • Đi tiểu thường xuyên, lượng nước tiểu ít, xảy ra cả ngày lẫn đêm (có thể lên đến 60 lần một ngày)
  • Đau hoặc khó chịu khi bàng quang đầy và thuyên giảm sau khi đi tiểu
  • Đau khi quan hệ tình dục

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau và nhiều người không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng viêm bàng quang kẽ có phần giống với nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính nhưng viêm bàng quang kẽ thường không phải do nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ càng trầm trọng hơn nếu như viêm bàng quang kẽ và nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra đồng thời.

Khi nào cần đi khám?

Nếu bị đau bàng quang kéo dài hoặc thường xuyên buồn tiểu gấp và đi tiểu nhiều thì cần phải đi khám ngay.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang kẽ

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây viêm bàng quang kẽ nhưng tình trạng này có thể là do nhiều yếu tố góp phần gây ra. Ví dụ, nhiều người bị viêm bàng quang kẽ có khiếm khuyết ở lớp niêm mạc bảo vệ (biểu mô) của bàng quang. Khi lớp biểu mô không toàn vẹn, các chất độc hại trong nước tiểu có thể rò rỉ qua và gây kích thích thành bàng quang.

Mặc dù chưa được kiểm chứng nhưng viêm bàng quang kẽ cũng có thể là do các nguyên nhân khác như phản ứng tự miễn, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm bàng quang kẽ

Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ viêm bàng quang kẽ:

  • Giới tính: Tỷ lệ viêm bàng quang kẽ ở phụ nữ cao hơn nam giới. Các triệu chứng giống như viêm bàng quang kẽ ở nam giới có thể là do viêm tuyến tiền liệt.
  • Tuổi tác: Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở những người trên 30 tuổi.
  • Đau mãn tính. Viêm bàng quang kẽ có thể xảy ra đồng thời với các bệnh lý gây đau mãn tính khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc đau cơ xơ hóa.

Biến chứng của viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Giảm dung tích bàng quang. Viêm bàng quang kẽ có thể gây cứng thành bàng quang và khiến bàng quang chứa được ít nước tiểu hơn.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Thường xuyên bị đau đớn và đi tiểu nhiều sẽ gây gián đoạn sinh hoạt, công việc và các hoạt động hàng ngày khác.
  • Cảm xúc khi quan hệ tình dục: Thường xuyên buồn tiểu và đau đớn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảm xúc khi quan hệ tình dục.
  • Vấn đề về tinh thần: Tình trạng đau đớn mãn tính và gián đoạn giấc ngủ do viêm bàng quang kẽ có thể gây căng thẳng tinh thần và thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Chẩn đoán viêm bàng quang kẽ

Các biện pháp để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ gồm có:

  • Khai thác bệnh sử và triệu chứng: Bệnh nhân cần nói rõ về bệnh sử và các triệu chứng mà mình gặp phải cho bác sĩ. Nên theo dõi và ghi lại lượng nước uống cũng như là lượng nước tiểu trong vài ngày trước khi đi khám. Những thông tin này sẽ giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán.
  • Khám phụ khoa (ở phụ nữ): Bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung, sau đó sờ nắn vùng bụng của người bệnh để đánh giá các cơ quan bên trong vùng chậu. Ngoài ra bác sĩ sẽ còn kiểm tra cả hậu môn và trực tràng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Nội soi bàng quang: Bác sĩ đưa một ống dài, nhỏ có gắn camera và đèn qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát lớp niêm mạc của bàng quang. Bác sĩ cũng có thể sẽ bơm chất lỏng vào bàng quang để đo dung tích bàng quang. Bệnh nhân có thể sẽ được gây mê để không cảm thấy khó chịu.
  • Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang có gây mê, bác sĩ có thể sẽ lấy mẫu mô bàng quang và niệu đạo để phân tích dưới kính hiển vi. Điều này giúp phát hiện ung thư bàng quang và các nguyên nhân hiếm gặp khác gây đau bàng quang.
  • Xét nghiệm tế bào học nước tiểu: Phân tích tế bào trong mẫu nước tiểu để loại trừ hoặc phát hiện ung thư.
  • Kiểm tra độ nhạy kali: Đưa lần lượt nước và kali clorua vào bàng quang. Sau đó, người bệnh cho biết mức độ đau đớn và buồn tiểu trên thang điểm từ 0 đến 5. Nếu cảm thấy đau hoặc buồn tiểu nhiều hơn khi bơm dung dịch kali thì có thể đã bị viêm bàng quang kẽ. Người có bàng quang bình thường sẽ không cảm nhận thấy sự khác biệt khi bơm kali clorua và nước.

Điều trị viêm bàng quang kẽ

Không có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng có nhiều phương pháp để làm giảm các triệu chứng bệnh. Người bệnh có thể sẽ phải thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất với mình hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể giúp làm giảm đau vùng chậu do căng cơ, cứng mô liên kết hoặc các bất thường ở cơ sàn chậu.

Thuốc đường uống

Một số loại thuốc đường uống có thể giúp cải thiện các triệu chứng của viêm bàng quang kẽ:

  • Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen natri để giảm đau.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline hoặc imipramine để thả lỏng bàng quang và ngăn chặn cơn đau.
  • Thuốc kháng histamine, chẳng hạn như loratadine để làm giảm triệu chứng buồn tiểu gấp, đi tiểu nhiều và các triệu chứng khác.
  • Pentosan polysulfate natri: Đây là loại thuốc đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt đặc biệt để điều trị viêm bàng quang kẽ. Thuốc này có tác dụng phục hồi bề mặt bên trong của bàng quang và bảo vệ thành bàng quang khỏi các chất có thể gây kích ứng trong nước tiểu. Có thể sẽ phải dùng thuốc từ 2 đến 4 tháng mới bắt đầu thấy hiệu quả và 6 tháng để giảm tần suất đi tiểu một cách rõ rệt. Pentosan polysulfate natri có thể gây ra vấn đề về mắt nên người bệnh có thể sẽ cần phải khám mắt trước khi bắt đầu sử dụng và tái khám định kỳ để theo dõi trong thời gian điều trị.

Kích thích thần kinh

Các phương pháp kích thích thần kinh để điều trị viêm bàng quang kẽ:

  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da: Trong phương pháp kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (transcutaneous electrical nerve stimulation – TENS), các xung điện nhẹ được truyền qua da, giúp giảm đau vùng chậu và đôi khi còn có thể giảm tần suất đi tiểu. Phương pháp TENS có thể hỗ trợ làm tăng lưu lượng máu đến bàng quang. Điều này giúp tăng cường các cơ kiểm soát bàng quang hoặc kích hoạt giải phóng các chất ngăn chặn cảm giác đau. Các điện cực phát ra xung điện được đặt ở thắt lưng hoặc ngay phía trên vùng mu. Thời gian và tần suất điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.
  • Kích thích dây thần kinh cùng: Các dây thần kinh cùng là con đường truyền dẫn tín hiệu chính giữa tủy sống và các dây thần kinh trong bàng quang. Kích thích các dây thần kinh này có thể giúp làm giảm triệu chứng buồn tiểu gấp của viêm bàng quang kẽ. Trong phương pháp kích thích thần kinh xương cùng, một dây kim loại mảnh đặt gần dây thần kinh xương cùng sẽ truyền xung điện đến bàng quang, tương tự như cơ chế của máy tạo nhịp tim. Nếu các triệu chứng thuyên giảm khi điều trị bằng phương pháp này, người bệnh có thể cân nhắc phẫu thuật cấy ghép thiết bị kích thích thần kinh vĩnh viễn vào cơ thể. Phương pháp này không giúp giảm đau do viêm bàng quang kẽ nhưng có thể cải thiện triệu chứng buồn tiểu gấp và tiểu nhiều.

Làm giãn nở bàng quang

Nhiều người nhận thấy các triệu chứng viêm bàng quang kẽ tạm thời cải thiện sau khi nội soi bàng quang kết hợp làm giãn nở bàng quang. Làm giãn nở bàng quang là thủ thuật bơm nước vào bàng quang để làm cho thành bàng quang căng lên. Nếu các triệu chứng có cải thiện lâu dài thì có thể lặp lại phương pháp này nhiều lần.

Botulinum toxin A (Botox) có thể được tiêm vào thành bàng quang trong quá trình làm giãn nở bàng quang. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này có thể gây ra một vấn đề không mong muốn là bàng quang không rỗng hoàn toàn khi đi tiểu. Bệnh nhân có thể cần phải tự đặt ống thông tiểu (đưa một ống thông bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài) sau khi thực hiện phương pháp này.

Đưa thuốc vào bàng quang

Một ống thông nhỏ và dài được đưa qua niệu đạo vào bàng quang và bơm thuốc dimethyl sulfoxide (còn được gọi là DMSO) qua ống thông này.

Thuốc này đôi khi được trộn với các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc gây tê tại chỗ và để trong bàng quang khoảng 15 phút. Sau đó bệnh nhân đi tiểu để đào thải dung dịch thuốc ra ngoài.

Bệnh nhân có thể sẽ phải điều trị hàng tuần trong 6 đến 8 tuần và sau đó điều trị duy trì nếu cần. Tần suất điều trị duy trì thường là vài tuần một lần và thời gian có thể lên đến một năm.

Phương pháp điều trị này có thể sử dụng các loại thuốc khác thay cho dimethyl sulfoxide, chẳng hạn như dung dịch có chứa lidocain, natri bicarbonat và pentosan hoặc heparin.

Phẫu thuật

Các bác sĩ hiếm khi chỉ định phẫu thuật để điều trị viêm bàng quang kẽ vì việc cắt bỏ bàng quang không làm giảm đau và còn có thể dẫn đến các biến chứng khác.

Nếu như bệnh nhân bị đau đớn dữ dội hoặc bàng quang chứa được quá ít nước tiểu thì có thể tiến hành phẫu thuật nhưng điều này thường chỉ được thực hiện sau khi đã thử hết các phương pháp khác và các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Các lựa chọn phẫu thuật gồm có:

  • Đốt mô bằng điện: Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, trong đó đưa dụng cụ qua niệu đạo vào bàng quang để đốt cháy các vết loét do viêm bàng quang kẽ.
  • Cắt bỏ vết loét: Đây cũng là một phương pháp xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ đưa các dụng cụ cần thiết qua niệu đạo vào bàng quang để cắt bỏ các vết loét.
  • Tăng kích thước bàng quang: Trong thủ thuật này, bác sĩ ghép một phần ruột vào bàng quang để làm tăng dung tích bàng quang. Tuy nhiên, chỉ có rất ít trường hợp cần phải điều trị bằng phương pháp này. Phương pháp tăng kích thước bàng quang không giúp giảm đau và có nhược điểm là người bệnh có thể cần phải dùng ống thông tiểu nhiều lần trong ngày để làm rỗng bàng quang hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị khác

Ngoài các biện pháp can thiệp y tế, người bị viêm bàng quang kẽ có thể làm giảm các triệu chứng bệnh bằng các cách dưới đây:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Kiêng hoàn toàn hoặc hạn chế các loại thực phẩm gây kích thích bàng quang để giảm bớt các triệu chứng khó chịu của bệnh viêm bàng quang kẽ.
    Một số loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang phổ biến là nước có ga, mọi đồ ăn và thức uống chứa caffeine (bao gồm cả sô cô la), trái cây họ cam quýt, cà chua, dưa muối, đồ uống có cồn, đồ cay và thực phẩm giàu vitamin C. Các chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.
    Nếu nghi ngờ một loại thực phẩm nào đó gây kích thích bàng quang thì hãy thử loại bỏ thực phẩm đó ra khỏi chế độ ăn uống và sau đó ăn lại dần dần để xem các triệu chứng có thay đổi hay không.
  • Rèn luyện bàng quang: Để rèn luyện bàng quang, người bệnh phải đi tiểu vào đúng giờ quy định hàng ngày chứ không phải đợi đến khi buồn tiểu mới đi. Ban đầu hãy đi tiểu cách 30 phút một lần, bất kể có buồn hay không và sau đó tăng dần thời gian giữa mỗi lần đi.
    Trong quá trình rèn luyện bàng quang, người bệnh có thể học cách kiểm soát cơn buồn tiểu gấp bằng cách sử dụng các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như hít thở chậm và sâu hoặc làm một việc khác để không còn nghĩ đến cảm giác buồn tiểu nữa.

Bên cạnh đó cũng có thể thử các cách khác như:

  • Mặc quần áo rộng rãi: Không đeo thắt lưng và mặc quần cạp chật để tránh chèn ép lên bụng
  • Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm bàng quang kẽ
  • Bỏ thuốc lá nếu hút: Hút thuốc lá có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau đớn và hút thuốc còn góp phần làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
  • Tập thể dục: Các bài tập giãn cơ đơn giản cũng có thể giúp giảm thiểu các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, xảy ra ở bàng quang. Viêm bàng quang là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ.

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư phát sinh từ các tế bào của bàng quang. Bàng quang là cơ quan rỗng ở bụng dưới có chức năng chứa nước tiểu.

Lộn bàng quang

Vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra chứng lộn bàng quang nhưng theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân một phần do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây