Giải đáp một số thắc mắc về vắc-xin

Hệ miễn dịch của trẻ có thể chống lại hầu hết các loại mầm bệnh nhưng có một số bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch không thể xử lý. Đó là lý do tại sao cần phải tiêm vắc-xin để tăng cường chức năng của hệ miễn dịch.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều lựa chọn tiêm phòng cho con theo đúng những gì khuyến nghị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thắc mắc về vắc-xin và hiện tại có quá nhiều nguồn thông tin khác nhau mà không phải thông tin nào cũng chính xác. Tìm hiểu thật kỹ là điều rất quan trọng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến sức khoẻ. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp một số điều cơ bản mà mỗi người cần hiểu về vắc-xin.

Cơ chế hoạt động của vắc-xin là ngăn ngừa bệnh tật

Mặc dù khả năng trẻ nhỏ mắc các bệnh như sởi, ho gà hay một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác chỉ ở mức thấp trong suốt cuộc đời nhưng một khi mắc phải thì có thể sẽ gây hậu quả nguy hiểm và thậm chí là dẫn đến tử vong. Do đó, tiêm vắc-xin là điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Vắc-xin tăng cường hệ miễn dịch

Miễn dịch là cách cơ thể chống lại bệnh tật. Khi mới sinh, hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ nên nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm trùng sẽ cao hơn. Tiêm vắc-xin giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ bằng cách tác động đến cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể để hình thành khả năng miễn dịch đối với bệnh tật một cách an toàn.

Trẻ nhỏ phải tiếp xúc với hàng ngàn vi trùng mỗi ngày trong đồ ăn, thức uống, không khí, những thứ mà trẻ đưa vào miệng hoặc đụng chạm ngoài da.

Hệ miễn dịch của trẻ có thể chống lại hầu hết các loại mầm bệnh nhưng có một số bệnh nguy hiểm mà hệ miễn dịch không thể xử lý. Đó là lý do tại sao cần phải tiêm vắc-xin để tăng cường chức năng của hệ miễn dịch. 

Vắc-xin sử dụng một lượng rất nhỏ kháng nguyên để giúp hệ miễn dịch nhận biết và học cách chống lại các bệnh nghiêm trọng. Kháng nguyên là một phần của vi trùng và chính là yếu tố kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động. Hay nói cách khác, việc mắc bệnh và tiêm vắc-xin đều sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi căn bệnh đó trong tương lai. Nhưng điểm khác biệt là khi mắc bệnh, cơ thể sẽ ở thế bị động và phải trải qua căn bệnh đó một lần thì mới hình thành nên cơ chế bảo vệ còn việc tiêm phòng sẽ giúp chủ động tạo sự bảo vệ và không bao giờ bị mắc bệnh.

Tìm hiểu thêm về cách vắc-xin tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể và các dạng miễn dịch khác nhau. 

Thành phần của vắc-xin

Tất cả các thành phần của vắc-xin đều đóng những vai trò quan trọng trong việc tạo ra vắc-xin, kích hoạt cơ thể hình thành khả năng miễn dịch và đảm bảo sự an toàn cũng như là hiệu quả của sản phẩm. Một số thành phần trong vắc-xin gồm có:

  • Chất bổ trợ: giúp tăng cường phản ứng của cơ thể với vắc-xin. Thành phần này cũng có trong các loại thuốc khác như thuốc kháng axit, aspirin đệm, …
  • Chất ổn định: giúp giữ cho vắc-xin hiệu quả sau khi được sản xuất. Thành phần này cũng có trong các sản phẩm thạch rau câu  và có cả trong cơ thể một cách tự nhiên.
  • Formaldehyde: được sử dụng để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất vắc-xin. Formaldehyde cũng là một chất có tự nhiên trong cơ thể (lượng nhiều hơn so với vắc-xin). Ngoài ra, chất này còn có cả ở trong môi trường, chất bảo quản và các sản phẩm gia dụng.
  • Thimerosal: cũng được sử dụng trong quá trình sản xuất nhưng hiện nay không còn được dùng nữa, ngoại trừ vắc-xin cúm đa liều.

Tính an toàn của vắc-xin

Tính an toàn của vắc-xin hiện là điều khiến nhiều bậc cha mẹ cảm thấy quan ngại khi quyết định đưa con đi tiêm chủng. Thậm chí ở nhiều nơi trên thế giới còn có các phong trào chống vắc-xin do quan điểm rằng việc tiêm vắc-xin có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.

Tuy nhiên, trên thực tế thì mỗi loại vắc-xin đều phải trải qua quy trình thử nghiệm vô cùng nghiêm ngặt gồm có nhiều bước nhằm đảm bảo tính an toàn trước và sau khi chính thức được đưa vào sử dụng.

Trước khi một loại vắc-xin được tiêm cho mọi người, quá trình thử nghiệm được giám sát chặt chẽ trong phòng thí nghiệm và có thể phải mất vài năm để đảm bảo rằng loại vắc-xin đó an toàn và hiệu quả. Sau khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, giai đoạn thử nghiệm trên người sẽ bắt đầu và có thể phải mất thêm vài năm nữa trước khi các nghiên cứu lâm sàng hoàn tất và vắc-xin được cấp phép.

Sau khi được cấp phép, việc sử dụng vắc-xin sẽ tiếp tục được giám sát nhằm phát hiện và xử lý bất kỳ vấn đề nào phát sinh.

Các tác dụng phụ của vắc-xin

Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin cũng có thể gây ra các tác dụng phụ sau khi tiêm như sốt nhẹ, đau và tấy đỏ tại vị trí tiêm. Đây đều là những hiện tượng bình thường và đa phần sẽ tự biến mất trong vòng một vài ngày. Rất hiếm khi xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và kéo dài.

Vắc-xin phối hợp và tiêm nhiều loại vắc-xin một lúc

Tiêm vắc-xin dạng phối hợp hoặc tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc là điều an toàn và có ưu điểm là giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiều bệnh chỉ sau một lần đi tiêm.

Tiêm nhiều mũi cùng một lúc giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời giúp trẻ nhỏ không phải trải qua các tác dụng phụ nhiều lần.

Mặc dù vắc-xin có tác dụng phụ nhưng việc không tiêm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Điều này không chỉ gây hại cho trẻ mà còn khiến những người khác tiếp xúc với trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Tại sao nên cho trẻ đi tiêm chủng?

Vắc-xin có thể ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm đã từng gây tử vong hoặc gây hại cho nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Nếu không có vắc-xin, trẻ nhỏ sẽ có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh nghiêm trọng, gây tàn tật và thậm chí là tử vong do các bệnh như sởi và ho gà.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

  • Tiêm phòng là một cách hiệu quả cao, an toàn và dễ dàng để bảo vệ sức khỏe của cả gia đình.
  • Tiêm phòng đúng lịch cho trẻ là điều cần thiết vì sẽ giúp hình thành khả năng miễn dịch trước khi trẻ tiếp xúc với các bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Các loại vắc-xin đều được thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả đối với độ tuổi được khuyến nghị.

Điều gì xảy ra nếu không tiêm chủng theo khuyến nghị

Các bậc cha mẹ nếu chưa hiểu rõ về lịch tiêm chủng hoặc thắc mắc tại sao phải tuân theo đúng lịch thì có thể tham khảo bài viết về 6 lý do tại sao nên tiêm chủng đúng lịch cho trẻ.

Có thể phải mất vài tuần để vắc-xin giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại bệnh tật và một số loại vắc-xin còn phải tiêm nhiều mũi để đem lại hiệu quả cao nhất. Nếu như đợi đến khi trẻ có nguy cơ tiếp xúc với các mầm bệnh mới đưa đi tiêm, ví dụ như khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, đi du lịch nước ngoài hoặc trong thời gian bùng phát dịch bệnh thì sẽ không có đủ thời gian để vắc-xin phát huy tác dụng.

Trẻ nhỏ có thể tiếp xúc với mầm bệnh từ bất kỳ người nào hoặc địa điểm nào, ví dụ như: 

  • Bố mẹ
  • Anh chị em
  • Khách đến nhà
  • Thú nuôi
  • Những đứa trẻ khác
  • Những người vừa trở về từ vùng có dịch bệnh hoặc nước ngoài
  • Khu vui chơi
  • Bệnh viện
  • Nhà trẻ

Cần làm gì nếu không tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ số mũi?

Trẻ có thể bị lây bệnh từ những người không có bất kỳ triệu chứng nào nên đôi khi sẽ không thể biết được nguồn gốc gây bệnh là từ đâu. 

Nếu quyết định không tiêm vắc-xin cho con hoặc chưa tiêm đủ số mũi thì bố mẹ cần:

  • Thông báo cho trường học, cơ sở trông trẻ và những người chăm sóc khác về tình trạng tiêm chủng của con.
  • Khi đến khám tại phòng khám hoặc bệnh viện thì cần thông báo cho nhân viên y tế rằng trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ để bác sĩ xem xét khả năng mắc bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, từ đó có thể đưa ra hướng điều trị chính xác càng sớm càng tốt.
  • Cho con ở nhà trong thời gian bùng phát dịch bệnh để con không bị lây bệnh, đặc biệt là những trẻ còn quá nhỏ và chưa được tiêm phòng đầy đủ.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là tình trạng mà chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây