Tiêm nhiều vắc-xin cùng một lúc có an toàn không?

Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm sớm để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để giảm số mũi tiêm thì hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phối hợp được sử dụng.

Tầm quan trọng của việc tiêm phòng sớm

Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, ung thư và thậm chí tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến nghị bố mẹ nên cho con đi tiêm phòng trước hai tuổi để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, rubella (bệnh sởi Đức), thủy đậu, viêm gan A, viêm gan B, bạch hầu, uốn ván, ho gà, nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib), bại liệt, cúm, virus rota và các bệnh do phế cầu khuẩn.

Trẻ em cần được tiêm phòng từ khi còn nhỏ vì đây là lúc trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do hệ miễn dịch còn yếu và một khi mắc bệnh thì cũng dễ xảy ra biến chứng hoặc tử vong hơn. Ngay từ khi sinh ra, trẻ đã có khả năng miễn dịch với một số bệnh vì được truyền các kháng thể từ mẹ trong thời gian mang thai và được cung cấp kháng thể trong sữa mẹ. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này chỉ kéo dài được vài tháng. Hầu hết trẻ sơ sinh đều không được truyền các kháng thể chống lại bệnh bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm gan B hoặc Hib từ mẹ. Đó là lý do tại sao cần phải cho trẻ đi tiêm chủng trước khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh.

Vắc-xin chứa các phiên bản vi trùng gây bệnh đã bị suy yếu hoặc đã chết. Những thành phần này của vắc-xin cùng với các phân tử và vi sinh vật khác kích hoạt đáp ứng miễn dịch được gọi là “kháng nguyên”. Trẻ phải tiếp xúc với hàng ngàn vi trùng và các kháng nguyên khác trong môi trường xung quanh ngay từ khi sinh ra. Sau khi sinh, hệ miễn dịch của trẻ đã sẵn sàng để phản ứng với nhiều kháng nguyên trong môi trường và các kháng nguyên có trong vắc-xin.

Có thể tiêm các loại vắc-xin cùng một lúc

Nhiều loại vắc-xin cần được tiêm sớm để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để giảm số mũi tiêm thì hiện nay đã có nhiều loại vắc-xin phối hợp được sử dụng. Vắc-xin phối hợp có chứa từ hai loại vắc-xin khác nhau trở lên trong cùng một lọ, nhờ đó mà có thể phòng ngừa được nhiều bệnh cùng lúc. Vắc-xin phối hợp đã bắt đầu được sử dụng từ giữa những năm 1940. Một số ví dụ về vắc-xin phối hợp là vắc-xin DTap (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà), vắc-xin IPV (chứa ba chủng virus bại liệt bất hoạt), vắc-xin MMR (phòng bệnh sởi, quai bị và rubella), vắc-xin DTap-Hib và vắc-xin Hib-Hep B.

Thông thường có thể tiêm nhiều hơn một mũi trong cùng một lần tiêm nhưng không tiêm ở cùng một bên tay hoặc chân. Ví dụ trẻ có thể được tiêm vắc-xin DTaP ở một cánh tay hoặc chân và vắc-xin IPV ở cánh tay hoặc chân bên kia.

Lợi ích của việc tiêm nhiều loại vắc-xin cùng lúc

Thứ nhất, trẻ cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe khi hệ miễn dịch còn non yếu trong những tháng đầu đời. Thứ hai, nếu tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc thì sẽ không phải đến bệnh viện hay trung tâm tiêm chủng nhiều lần. Điều này giúp bố mẹ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và trẻ cũng không phải chịu các tác dụng phụ như đau đớn, sưng tấy, sốt, mệt mỏi nhiều lần.

Tiêm nhiều loại vắc-xin cùng lúc đã được chứng minh là an toàn

Nghiên cứu khoa học cho thấy việc tiêm nhiều loại vắc-xin cùng lúc không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe về lâu dài nào. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá tác động của việc tiêm nhiều loại vắc-xin phối hợp khác nhau cùng lúc và trước khi một loại vắc-xin mới được cấp phép thì đều phải trải qua quá trình thử nghiệm sự tương tác với các loại vắc-xin khác cũng được tiêm trong cùng một độ tuổi. Tiêm vắc-xin phối hợp cũng cho hiệu quả tương đương với việc tiêm riêng lẻ các vắc-xin thành phần. Đôi khi, một số loại vắc-xin phối hợp có thể gây sốt và co giật do sốt. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng tạm thời và không gây ra bất kỳ tổn hại về lâu dài nào.

Tiêm chủng đúng lịch là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong các giai đoạn của quá trình phát triển

Ngay từ khi được sinh ra, trẻ đã phải tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn và virus hàng ngày. Mầm bệnh đến từ nhiều nguồn khác như như thực phẩm, các món đồ chơi và bề mặt xung quanh,  những người mà trẻ gặp gỡ,…. Khi bị cảm lạnh, trẻ sẽ tiếp xúc với số lượng tối đa lên đến 10 kháng nguyên và khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn, trẻ phải tiếp xúc với khoảng 25 đến 50 kháng nguyên. Mỗi loại vắc-xin trong lịch tiêm chủng cho trẻ nhỏ có chứa từ 1 - 69 kháng nguyên. Một đứa trẻ được tiêm đầy đủ tất cả các loại vắc-xin được khuyến nghị có thể tiếp xúc với số lượng lên đến 320 kháng nguyên từ vắc-xin trong khoảng thời gian từ khi sinh ra cho đến khi được 2 tuổi. 

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Vắc-xin phối hợp là gì? Có an toàn không?

Các loại vắc-xin phối hợp giúp giảm số mũi tiêm mà vẫn đem lại hiệu quả phòng ngừa một số bệnh nghiêm trọng giống như vắc-xin dạng riêng lẻ.

Những ai không nên tiêm vắc-xin?

Tiêm vắc-xin là cách hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không nên tiêm hoặc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm chủng.

U xơ tử cung

thông tin

Polyp tử cung

Polyp tử cung có kích thước đa dạng, từ chỉ vài mm cho đến vài cm hoặc lớn hơn.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây