Bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là gì?
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối, hay còn được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối, xảy ra khi bệnh thận mạn tính (tình trạng mất dần chức năng thận) chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng nhất. Ở bệnh thận mạn giai đoạn cuối, thận không còn hoạt động như bình thường để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Thận có chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa từ máu, sau đó những chất này được bài tiết qua nước tiểu. Khi thận mất khả năng lọc, lượng chất lỏng, chất điện giải và chất thải gây hại sẽ tích tụ trong cơ thể.
Người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần phải chạy thận hoặc phẫu thuật ghép thận để duy trì sự sống. Nhưng người bệnh cũng có thể lựa chọn chăm sóc giảm nhẹ để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống trong khoảng thời gian còn lại.
Triệu chứng bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Giai đoạn đầu của bệnh thận mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng. Khi bệnh thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:
- Buồn nôn
- Nôn
- Ăn không ngon miệng
- Mệt mỏi và suy nhược
- Tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
- Tức ngực nếu chất lỏng tích tụ xung quanh niêm mạc tim
- Khó thở nếu chất lỏng tích tụ trong phổi
- Sưng phù bàn chân và mắt cá chân
- Tăng huyết áp khó kiểm soát
- Nhức đầu
- Khó ngủ
- Tinh thần không minh mẫn
- Co thắt cơ và chuột rút
- Ngứa ngáy dai dẳng
- Miệng có vị kim loại
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận thường không đặc hiệu, có nghĩa là giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác. Vì thận có thể tăng công suất hoạt động để bù đắp cho chức năng đã mất nên các triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi thận bị tổn thương không thể phục hồi.
Khi nào cần đi khám?
Đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh thận.
Đối với những người đang mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bác sĩ sẽ theo dõi chức năng thận bằng xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và đo huyết áp khi khám định kỳ.
Nguyên nhân gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Bệnh thận xảy ra khi thận bị tổn thương và chức năng thận suy giảm. Tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong vòng vài tháng hoặc vài năm. Bệnh thận có thể xảy ra do một bệnh lý khác gây ảnh hưởng đến thận và ở nhiều người, tình trạng tổn thương thận vẫn tiếp tục tiến triển ngay cả khi nguyên nhân gốc rễ đã được giải quyết.
Các bệnh lý và tình trạng có thể dẫn đến bệnh thận gồm có:
- Bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2
- Cao huyết áp
- Viêm cầu thận (tình trạng viêm xảy ra ở các đơn vị lọc của thận)
- Viêm thận kẽ (tình trạng viêm các ống thận và cấu trúc xung quanh)
- Bệnh thận đa nang hoặc các bệnh thận di truyền khác
- Tắc nghẽn kéo dài trong đường tiết niệu, điều này có thể xảy ra do các nguyên nhân như phì đại tiền liệt tuyến, sỏi thận và một số bệnh ung thư
- Trào ngược bàng quang – niệu quản (tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang qua niệu quản vào thận)
- Nhiễm trùng thận tái phát, hay còn được gọi là viêm thận bể thận
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể khiến cho bệnh thận mạn tính tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối nhanh hơn gồm có:
- Mắc bệnh tiểu đường và đường huyết không được kiểm soát tốt
- Bệnh thận ảnh hưởng đến cầu thận - các cấu trúc có chức năng lọc chất thải từ máu
- Bệnh thận đa nang
- Cao huyết áp
- Hút thuốc lá
- Một số chủng tộc như người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Châu Á, Đảo Thái Bình Dương và người thổ dân châu Mỹ
- Tiền sử gia đình bị suy thận
- Tuổi cao
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc gây hại cho thận
Biến chứng của bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Tổn thương thận một khi đã xảy ra thì sẽ không thể hồi phục được. Suy thận mạn có thể dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Giữ nước, gây phù nề ở tay và chân, tăng huyết áp hoặc phù phổi (tích tụ dịch trong phổi)
- Tăng kali máu (nồng độ kali trong máu tăng cao), điều này làm giảm khả năng hoạt động của tim và có thể đe dọa đến tính mạng
- Bệnh tim mạch
- Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
- Thiếu máu
- Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản
- Tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây khó tập trung, thay đổi tính tình hoặc co giật
- Đáp ứng miễn dịch suy giảm, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Viêm màng ngoài tim (tình trạng viêm lớp màng bao quanh tim)
- Các biến chứng thai kỳ ảnh hưởng đến cả người mẹ và thai nhi
- Suy dinh dưỡng
- Tổn thương thận không thể phục hồi (suy thận mạn giai đoạn cuối), cuối cùng người bệnh cần phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống
Phòng ngừa bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận bằng cách thực hiện lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh:
- Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý
- Tích cực vận động
- Hạn chế chất đạm (protein) và muối
- Có chế độ ăn uống cân bằng với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng
- Kiểm soát huyết áp
- Uống thuốc theo chỉ định
- Xét nghiệm cholesterol định kỳ
- Kiểm soát lượng đường trong máu
- Không hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên
Chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Để chẩn đoán bệnh thận mạn giai đoạn cuối, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cá nhân và gia đình. Tiếp theo người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng và khám thần kinh, cùng với các xét nghiệm và thủ thuật khác như:
- Xét nghiệm máu để đo lượng chất thải, chẳng hạn như creatinin và urê trong máu
- Xét nghiệm nước tiểu để đo nồng độ albumin – một loại protein trong nước tiểu
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để kiểm tra thận và tìm các dấu hiệu bất thường
- Lấy mẫu mô thận (sinh thiết) và quan sát dưới kính hiển vi để xác định loại bệnh thận và mức độ tổn thương thận
Một số xét nghiệm trong số này được thực hiện định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh thận.
Các giai đoạn của bệnh thận
Bệnh thận được chia thành 5 giai đoạn. Để xác định bệnh đang ở giai đoạn nào, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR). GFR đo lượng máu mà thận lọc mỗi phút, được tính bằng đơn vị mililit trên phút (mL/phút). GFR thấp có nghĩa là chức năng thận đã bị suy giảm.
Khi thận không còn khả năng thực hiện chức năng lọc máu để duy trì sự sống thì lúc này bệnh thận mạn đã chuyển sang giai đoạn cuối. Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là khi thận chỉ còn thực hiện được dưới 15% chức năng bình thường.
Khi xác định giai đoạn bệnh thận, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem nước tiểu có protein hay không.
Giai đoạn bệnh thận | GFR (mL/phút) | Chức năng thận |
Giai đoạn 1 | 90 trở lên | Chức năng thận vẫn bình thường |
Giai đoạn 2 | 60 đến 89 | Giảm chức năng thận nhẹ |
Giai đoạn 3a | 45 đến 59 | Giảm chức năng thận nhẹ đến vừa |
Giai đoạn 3b | 30 đến 44 | Giảm chức năng thận từ vừa đến nặng |
Giai đoạn 4 | 15 đến 29 | Giảm chức năng thận nặng |
Giai đoạn 5 | Dưới 15 | Suy thận |
Điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối gồm có:
- Phẫu thuật ghép thận
- Lọc máu
- Chăm sóc giảm nhẹ
Ghép thận
Ghép thận là quy trình phẫu thuật thay quả thận không còn hoạt động bình thường của người bệnh bằng thận khỏe mạnh từ người hiến tặng. Giống như lọc máu, ghép thận cũng là giải pháp dành cho những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Quá trình ghép thận cần rất nhiều thời gian. Trước tiên cần phải tìm người hiến thận phù hợp. Đó có thể là người còn sống hoặc người đã chết não. Khi đã tìm được người hiến thận, bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật để thay quả thận mới.
Sau đó, bệnh nhân sẽ phải nằm viện từ vài ngày đến một tuần và sau khi xuất viện sẽ phải tái khám thường xuyên để theo dõi quá trình hồi phục, chức năng thận và tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân phải dùng thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) để ngăn hệ miễn dịch tấn công quả thận mới cùng một số loại thuốc khác để giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng.
Sau khi ghép thận thành công, người bệnh sẽ không cần phải lọc máu nữa.
Lọc máu
Lọc máu là phương pháp điều trị nhằm loại bỏ chất lỏng thừa và các chất thải ra khỏi máu, ổn định mức điện giải và kiểm soát huyết áp thay cho thận.
Có hai phương pháp lọc máu là thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo.
Thẩm phân phúc mạc
Thẩm phân phúc mạc hay còn gọi là lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của bệnh nhân để lọc máu. Màng bụng là lớp thanh mạc bao phủ bề mặt bên trong khoang bụng và bề mặt ngoài của các cơ quan nội tạng. Trong quá trình thẩm phân phúc mạc, dịch lọc được đưa qua một ống thông vào một phần khoang bụng và sau một khoảng thời gian nhất định, dịch lọc được xả khỏi cơ thể, mang theo các chất thải.
Chạy thận nhân tạo
Trong quá trình chạy thận nhân tạo, một thiết bị ở bên ngoài cơ thể sẽ thực hiện thay nhiệm vụ của thận. Máu được đưa ra khỏi cơ thể vào trong thiết bị để lọc bỏ các chất thải độc hại, muối và chất lỏng thừa. Máu sau khi lọc sẽ được đưa trở lại vào cơ thể.
Để lọc máu thành công, người bệnh cần phải thay đổi lối sống và chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc giảm nhẹ
Nếu người bệnh quyết định không phẫu thuật ghép thận và cũng không lọc máu thì có thể chọn chăm sóc giảm nhẹ để kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hoặc người bệnh cũng có thể kết hợp chăm sóc giảm nhẹ với ghép thận hoặc lọc máu.
Nếu không lọc máu và ghép thận, tình trạng suy thận sẽ ngày càng tiến triển nặng và cuối cùng dẫn đến tử vong. Tử vong có thể xảy đến nhanh chóng hoặc sau khoảng thời gian vài tháng đến vài năm. Chăm sóc giảm nhẹ gồm có các biện pháp kiểm soát các triệu chứng và giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Chế độ ăn uống khi bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Là một phần của quá trình điều trị bệnh thận, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt để hỗ trợ thận và giảm bớt công việc mà cơ quan này phải thực hiện.
Dưới đây là một số lưu ý về chế độ ăn dành cho người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối:
- Hạn chế ăn muối: Giảm lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách sử dụng ít muối khi nấu ăn và hạn chế các loại đồ ăn chế biến sẵn có chứa nhiều muối như bim bim, phô mai mặn, đồ hộp…
- Chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp: Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, cam, khoai tây, cải bó xôi và cà chua. Thay vào đó nên chọn các loại thực phẩm chứa ít kali như táo, bắp cải, cà rốt, đậu cô ve, nho và dâu tây.
- Ăn ít protein: Ăn nhiều protein sẽ khiến cơ thể tạo ra nhiều chất thải vào máu và làm cho thận phải làm việc nhiều hơn. Do đó, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, trứng, sữa, phô mai và đậu. Ăn các loại thực phẩm ít protein như rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.
Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/end-stage-renal-disease/symptoms-causes/syc-20354532
Bệnh zona thần kinh
Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease) là một bệnh lý di truyền có đặc trưng là hình thành nhiều nang chứa dịch bên trong thận.
Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.
Bệnh thận IgA (bệnh Berger)
Không có cách chữa khỏi bệnh thận IgA nhưng một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Kiểm soát huyết áp ổn định và giảm cholesterol cũng là những điều cần thiết để ngăn ngừa biến chứng của bệnh thận IgA.
Ý kiến bạn đọc