Hẹp niệu đạo

Hẹp niệu đạo là tình trạng mô sẹo thu hẹp ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Điều này gây cản trở dòng chảy nước tiểu và có thể dẫn đến nhiều vấn đề ở đường tiết niệu, chẳng hạn như viêm và nhiễm trùng.

Triệu chứng hẹp niệu đạo

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng hẹp niệu đạo gồm có:

  • Dòng tiểu yếu, ngắt quãng
  • Tiểu không hết
  • Phun nước tiểu hoặc dòng đôi
  • Tiểu khó, phải rặn hoặc đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nguyên nhân gây hẹp niệu đạo

Sự hình thành mô sẹo gây hẹp niệu đạo có thể là do là các nguyên nhân như:

  • Các thủ thuật y tế đưa dụng cụ vào niệu đạo, chẳng hạn như ống nội soi
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Chấn thương hoặc tổn thương niệu đạo hoặc xương chậu
  • Phì đại tiền liệt tuyến
  • Từng phẫu thuật để thu nhỏ hay cắt bỏ tuyến tiền liệt phì đại
  • Ung thư niệu đạo hoặc ung thư tuyến tiền liệt
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Xạ trị

Nam giới có nguy cơ hẹp niệu đạo cao hơn nữ giới.

Chẩn đoán hẹp niệu đạo

Để chẩn đoán hẹp niệu đạo, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng. Ngoài ra sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây hẹp niệu đạo, vị trí bị thu hẹp và độ dài của đoạn niệu đạo bị hẹp:

  • Xét nghiệm nước tiểu: để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng, máu hoặc tế bào ung thư trong nước tiểu
  • Đo niệu dòng: đánh giá cường độ và lượng nước tiểu
  • Siêu âm niệu đạo: xác định độ dài của đoạn niệu đạo bị hẹp
  • Siêu âm vùng chậu: kiểm tra xem bàng quang có rỗng hoàn toàn sau khi đi tiểu hay không
  • Chụp cộng hưởng từ vùng chậu (MRI): kiểm tra xem xương chậu có ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng hẹp niệu đạo hay không
  • Chụp niệu đạo bàng quang ngược dòng: sử dụng hình ảnh X-quang để kiểm tra vấn đề về cấu trúc hoặc tổn thương ở niệu đạo cũng như là chiều dài và vị trí của đoạn niệu đạo bị thu hẹp
  • Nội soi bàng quang: đưa ồng nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để kiểm tra bên trong các cơ quan này

Điều trị hẹp niệu đạo

Không phải trường hợp hẹp niệu đạo nào cũng cần phải điều trị. Việc điều trị chỉ cần thiết nếu tình trạng hẹp niệu đạo gây ra triệu chứng và ảnh hưởng đến việc đi tiểu. Nếu điều trị, người bệnh sẽ cần tái khám thường xuyên trong ít nhất một năm để theo dõi xem vấn đề có tái phát và có phát sinh nhiễm trùng hay không.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Một số phương pháp để điều trị hẹp niệu đạo gồm có:

  • Đặt ống thông tiểu: Đưa một ống nhỏ, rỗng vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài. Đây thường là bước đầu tiên để khắc phục tình trạng nước tiểu bị ứ đọng do hẹp niệu đạo. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu như hẹp niệu đạo đi kèm nhiễm trùng. Người bệnh có thể tự đặt ống thông tiểu tại nhà nếu khi niệu đạo chỉ bị thu hẹp một đoạn ngắn.
  • Nong niệu đạo: Luồn một sợi dây kim loại mảnh qua niệu đạovào bàng quang. Đưa các que nong có kích thước tăng dần qua dây để nới rộng niệu đạo. Thủ thuật này là một lựa chọn điều trị cho trường hợp hẹp niệu đạo tái phát.
  • Phẫu thuật tạo hình niệu đạo: Cắt bỏ hoặc mở rộng đoạn niệu đạo bị hẹp, có thể kết hợp tái tạo mô xung quanh niệu đạo bằng cách sử dụng mô lấy từ các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như da hoặc miệng. Nguy cơ tái phát hẹp niệu đạo sau ca phẫu thuật thường rất thấp.
  • Nội soi cắt niệu đạo: Đưa ống nội soi vào niệu đạo và sau đó đưa các dụng cụ cần thiết qua ống nội soi để cắt bỏ phần niệu đạo bị hẹp hoặc phá hủy bằng tia laser. Thủ thuật này có ưu điểm là thời gian phục hồi nhanh hơn, ít để lại sẹo và nguy cơ nhiễm trùng thấp nhưng tình trạng hẹp niệu đạo có thể tái phát sau điều trị.
  • Đặt stent hoặc ống thông vĩnh viễn: Trong những trường hợp bị hẹp niệu đạo nghiêm trọng nhưng không muốn phẫu thuật, người bệnh có thể lựa chọn đặt stent vĩnh viễn để giữ cho lòng niệu đạo không bị thu hẹp hoặc đặt ống thông vĩnh viễn để dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang. Tuy nhiên, các thủ thuật này có một số nhược điểm, đó là nguy cơ kích ứng bàng quang, khó chịu và nhiễm trùng đường tiết niệu. Những người được điều trị bằng các phương pháp này cần được theo dõi sát sao. Đặt stent niệu đạo thường là giải pháp cuối cùng và ít khi được sử dụng.

Nói chung, phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng hẹp niệu đạo. Việc tiến hành phẫu thuật ngay từ sớm giúp làm giảm nguy cơ phải nội soi cắt niệu đạo nhiều lần trong trường hợp chứng hẹp niệu đạo tái phát.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urethral-stricture/symptoms-causes/syc-20362330

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư niệu quản

Người mắc ung thư niệu quản thường phải phẫu thuật để điều trị. Phương pháp điều trị ung thư niệu quản trong mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, mức độ xâm lấn cũng như là lựa chọn của người bệnh.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và/hoặc niệu đạo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây