Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trào ngược bàng quang – niệu quản là gì?

Trào ngược bàng quang - niệu quản (vesicoureteral reflux) là tình trạng nước tiểu chảy từ bàng quang ngược lên niệu quản (ống nối thận với bàng quang). Thông thường, nước tiểu chảy từ thận qua niệu quản xuống bàng quang và sau đó chảy qua niệu đạo ra bên ngoài cơ thể.

Trào ngược bàng quang - niệu quản thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng rối loạn này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến tổn thương thận.

Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát ở trẻ thường tự khỏi nhưng có thể phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để ngăn ngừa tổn thương thận.

Triệu chứng trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản thường đi kèm nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải lúc nào cũng có dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt nhưng các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Cảm giác buồn tiểu gấp dữ dội, kéo dài
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu mỗi lần chỉ rất ít (tiểu rắt)
  • Nước tiểu đục
  • Sốt
  • Đau ở vùng hạ sườn hoặc bụng

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề khó chẩn đoán ở trẻ nhỏ vì trẻ thường có các dấu hiệu và triệu chứng không đặc hiệu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng đường tiết niệu thường có các biểu hiện như:

  • Sốt không rõ nguyên nhân
  • Bú kém
  • Quấy khóc
  • Khi trẻ lớn lên, trào ngược bàng quang - niệu quản không được điều trị có thể dẫn đến các vấn dề như:
  • Đái dầm
  • Táo bón hoặc đại tiện không tự chủ
  • Cao huyết áp
  • Protein niệu (có protein trong nước tiểu)

Một dấu hiệu khác của trào ngược bàng quang - niệu quản là thận ứ nước (tình trạng thận phình to do ứ đọng nước tiểu). Tình trạng này có thể được phát hiện khi siêu âm thai.

Khi nào cần đi khám?

Bố mẹ hoặc người chăm sóc cần đưa trẻ đi khám nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu như:

  • Trẻ đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc thường xuyên vội vã vào nhà vệ sinh
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đau bụng hoặc hạ sườn

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ:

  • dưới 3 tháng tuổi và thân nhiệt khi đo ở trực tràng từ 38 độ C (100.4 độ F) trở lên
  • từ 3 tháng tuổi trở lên, sốt cao trên 38 độ C và có các dấu hiệu như mệt mỏi, bỏ ăn
  • ăn uống kém hoặc có những thay đổi về tính tình

Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang – niệu quản

Hệ tiết niệu gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tất cả các cơ quan này đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Niệu quản có chức năng dẫn nước tiểu được tạo ra ở thận xuống bàng quang. Nước tiểu được chứa trong bàng quang và sau đó chảy qua niệu đạo ra ngoài cơ thể.

Trào ngược bàng quang - niệu quản được chia thành hai loại là trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát và trào ngược bàng quang - niệu quản thứ phát:

  • Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát: Dạng trào ngược bàng quang - niệu quản này xảy ra khi trẻ có khiếm khuyết ở van ngăn nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản. Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát là loại phổ biến nhất.
    Sau một vài năm, khi cơ thể trẻ phát triển, niệu quản sẽ dài và thẳng ra, chức năng của van bàng quang – niệu quản sẽ cải thiện và tình trạng trào ngược nước tiểu sẽ tự hết. Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát thường có tính gia đình, có nghĩa là có thể do di truyền nhưng nguyên nhân chính xác gây khiếm khuyết ở van bàng quang – niệu quản vẫn chưa được xác định rõ.
  • Trào ngược bàng quang - niệu quản thứ phát: Nguyên nhân dẫn đến dạng trào ngược bàng quang - niệu quản này thường là do bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu, do tắc nghẽn hoặc hỏng cơ bàng quang hoặc tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ trào ngược bàng quang - niệu quản:

  • Rối loạn chức năng bàng quang và ruột: Ở những trẻ bị rối loạn chức năng bàng quang và ruột, nước tiểu và phân bị ứ lại, gây nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại, điều này có thể góp phần dẫn đến trào ngược bàng quang - niệu quản.
  • Chủng tộc: Trẻ em da trắng có nguy cơ bị trào ngược bàng quang - niệu quản cao hơn so với các chủng tộc khác.
  • Giới tính: Nói chung, trẻ em gái có nguy cơ trào ngược bàng quang - niệu quản cao hơn nhiều so với trẻ em trai. Tuy nhiên, chứng trào ngược bàng quang - niệu quản bẩm sinh lại phổ biến hơn ở các bé trai.
  • Tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 2 tuổi trở xuống có nguy cơ trào ngược bàng quang - niệu quản cao hơn so với trẻ trên 2 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát có tính gia đình. Những trẻ có bố mẹ bị trào ngược bàng quang - niệu quản sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn. Anh chị em ruột của trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, những trẻ có tiền sử gia đình trào ngược bàng quang - niệu quản nên được khám tầm soát để phát hiện sớm vấn đề.

Biến chứng của trào ngược bàng quang – niệu quản

Tổn thương thận là mối quan tâm hàng đầu khi bị trào ngược bàng quang - niệu quản. Tình trạng trào ngược càng nặng thì nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng càng cao.

Một số biến chứng có thể xảy ra gồm có:

  • Sẹo thận: Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến hình thành sẹo, điều này gây tổn thương vĩnh viễn đến mô thận. Sẹo lan rộng có thể dẫn đến cao huyết áp và suy thận.
  • Cao huyết áp: Vì thận có chức năng loại bỏ chất thải khỏi máu nên tình trạng tổn thương thận sẽ dẫn đến tích tụ chất thải trong máu và điều này có thể làm tăng huyết áp.
  • Suy thận: Sự hình thành sẹo sẽ dần dần làm suy giảm chức năng lọc máu của thận. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến suy thận. Suy thận có thể xảy ra nhanh chóng (suy thận cấp tính) hoặc tiến triển từ từ theo thời gian (suy thận mạn tính).

Chẩn đoán trào ngược bàng quang – niệu quản

Biện pháp chính để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là xét nghiệm nước tiểu. Ngoài ra có thể còn phải thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như:

  • Siêu âm thận và bàng quang: Sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của thận và bàng quang. Siêu âm giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc của các cơ quan này. Siêu âm được thực hiện định kỳ trong thời kỳ mang thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện các vấn đề bất thường, chẳng hạn như thận bị phình to - một dấu hiệu của chứng trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát.
  • Chụp niệu đạo bàng - quang ngược dòng: Sử dụng chùm tia X để tạo hình ảnh của bàng quang khi chứa đầy nước tiểu và khi đi tiểu để phát hiện những bất thường. Trong quá trình chụp X-quang, trẻ được đặt nằm ngửa trên bàn chụp để kỹ thuật viên đưa ống thông qua niệu đạo và vào bàng quang của trẻ. Sau khi thuốc cản quang được bơm vào bàng quang qua ống thông, kỹ thuật viên sẽ tiến hành chụp X-quang ở nhiều góc khác nhau. Sau đó, ống thông được rút ra để trẻ có thể đi tiểu và tiếp tục chụp X-quang bàng quang và niệu đạo trong quá trình đi tiểu để xem đường tiết niệu có hoạt động bình thường hay không. Quá trình chụp X-quang có thể gây cảm giác hơi khó chịu khi đặt ống thông tiểu hoặc cảm giác bàng quang đầy và muốn đi tiểu sau khi bơm thuốc cản quang và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Xạ hình: Phương pháp này sử dụng đồng vị phóng xạ để phát hiện bệnh. Đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể qua ống thông, sau đó thiết bị chụp xạ hình phát hiện đồng vị phóng xạ và cho biết đường tiết niệu có đang hoạt động bình thường hay không. Một số vấn đề có thể phát sinh trong quá trình chụp xạ hình là khó chịu khi đặt ống thông và khi đi tiểu.

Sau khi xác nhận vấn đề, bác sĩ sẽ xác định mức độ trào ngược bàng quang – niệu quản. Trào ngược bàng quang – niệu quản được chia thành 5 cấp độ, trong đó cấp độ I là những trường hợp nước tiểu chỉ trào ngược lên niệu quản còn cấp độ nặng nhất, cấp độ V là những trường hợp thận bị ứ nước nghiêm trọng và xoắn niệu quản.

Điều trị trào ngược bàng quang – niệu quản

Việc điều trị chứng trào ngược bàng quang - niệu quản phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Trào ngược bàng quang - niệu quản nguyên phát mức độ nhẹ có thể tự khỏi sau vài năm. Trong thời gian này, trẻ cần được đưa đi khám định kỳ để theo dõi.

Đối với những trường hợp trào ngược bàng quang - niệu quản nghiêm trọng, các lựa chọn điều trị gồm có:

Dùng thuốc

Tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu cần được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lan đến thận. Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc kháng sinh liều thấp hơn so với liều điều trị.

Trong thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám định kỳ theo lịch hẹn. Trẻ sẽ được xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng đột phá – tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra dù đang điều trị bằng kháng sinh - và chụp X-quang để kiểm tra xem trẻ có bị trào ngược bàng quang - niệu quản không.

Phẫu thuật

Trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản có thể cần phải phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết ở van bàng quang niệu quản.

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị trào ngược bàng quang - niệu quản gồm có:

  • Mổ mở: Sau khi trẻ được gây mê toàn thân, bác sĩ rạch một đường ở bụng dưới để tiếp cận và chỉnh sửa van bàng quang - niệu quản. Sau ca phẫu thuật, trẻ thường phải nằm viện vài ngày và đặt ống thông tiểu để dẫn lưu nước tiểu bàng quang. Nhìn chung, tình trạng trào ngược bàng quang - niệu quản thường sẽ hết sau ca phẫu thuật mà không cần can thiệp gì thêm.
  • Phẫu thuật nội soi bằng robot: Tương tự như kỹ thuật mổ mở, ca phẫu thuật nội soi bằng robot cũng nhằm mục đích sửa van bàng quang - niệu quản nhưng chỉ cần rạch một vài đường nhỏ thay vì đường rạch dài. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot là vết mổ nhỏ hơn và ít gây co thắt bàng quang hơn so với mổ mở. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi bằng robot có tỷ lệ thành công không cao như kỹ thuật mổ mở. Ca phẫu thuật nội soi bằng robot còn mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại, người bệnh nhanh được xuất viện về nhà hơn so với mổ mở.
  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo để quan sát bên trong bàng quang của trẻ và sau đó tiêm một chất làm phồng vùng mô xung quanh đoạn niệu quản có vấn đề để giữ cho van bàng quang – niệu quản đóng lại và ngăn trào ngược nước tiểu. Phương pháp phẫu thuật này có mức độ xâm lấn ít hơn so với mổ mở và ít rủi ro hơn nhưng tỷ lệ thành công có thể không cao bằng. Khi phẫu thuật nội soi, trẻ cũng được gây mê toàn thân nhưng đa số đều có thể về nhà ngay trong ngày.

Các phương pháp giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra đồng thời với chứng trào ngược bàng quang - niệu quản và có thể gây đau đớn. Bố mẹ có thể thực hiện các cách dưới đây để giảm nhẹ các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu cho trẻ trong thời gian dùng thuốc kháng sinh:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc. Uống nước làm loãng nước tiểu và có thể giúp loại bỏ vi khuẩn.
  • Chườm ấm: Hơi ấm có thể giúp làm dịu cảm giác đau tức. Có thể dùng túi chườm hoặc dùng máy sấy làm ấm khăn bông và đắp lên bụng của trẻ. Chú ý kiểm tra nhiệt độ của khăn trước khi chườm để tránh gây bỏng da.

Nếu rối loạn chức năng bàng quang và ruột góp phần gây ra chứng trào ngược bàng quang - niệu quản thì cần rèn cho trẻ đại tiện đều đặn và tiểu tiện thường xuyên trong ngày, chẳng hạn như cách 2 giờ một lần.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vesicoureteral-reflux/diagnosis-treatment/drc-20378824

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Sa thành trước âm đạo (sa bàng quang)

Sa thành trước âm đạo là vấn đề có thể điều trị được. Đối với các trường hợp bị sa nhẹ hoặc sa mức độ vừa thì chỉ cần điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật.

Trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ và có thể ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng dùng thuốc và các biện pháp điều trị khác có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.

Sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang nhỏ thường tự hết mà không cần điều trị nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ. Nếu không được điều trị, sỏi bàng quang có thể dẫn đến nhiễm trùng và các biến chứng khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây