Ung thư niệu quản

Người mắc ung thư niệu quản thường phải phẫu thuật để điều trị. Phương pháp điều trị ung thư niệu quản trong mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, mức độ xâm lấn cũng như là lựa chọn của người bệnh.

Ung thư niệu quản là gì?

Ung thư niệu quản là bệnh ung thư xảy ra do sự phát triển bất thường của các tế bào niêm mạc niệu quản. Niệu quản là một phần của đường tiết niệu, có chức năng dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Ung thư niệu quản không phổ biến, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi và những người từng điều trị ung thư bàng quang.

Ung thư niệu quản có liên quan mật thiết đến ung thư bàng quang vì các tế bào niêm mạc niệu quản cũng giống như các tế bào niêm mạc bàng quang. Người mắc ung thư niệu quản có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn nhiều so với bình thường nên một khi đã được chẩn đoán ung thư niệu quản thì nên tầm soát ung thư bàng quang định kỳ.

Phương pháp điều trị ung thư niệu quản thường là phẫu thuật. Tùy từng ca bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch.

Triệu chứng ung thư niệu quản

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư niệu quản gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Đau lưng
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều hoặc thường xuyên buồn tiểu gấp
  • Khó tiểu hoặc tiểu ngập ngừng
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi

Nguyên nhân gây ung thư niệu quản

Chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư niệu quản.

Tuy nhiên, ung thư niệu quản xảy ra khi các tế bào ở bề mặt bên trong của niệu quản có những thay đổi (đột biến) trong DNA. DNA chứa thông tin chỉ dẫn các hoạt động của tế bào. Những thay đổi này khiến cho các tế bào phân chia nhanh chóng và tiếp tục sống thay vì chết đi khi kết thúc vòng đời giống như các tế bào bình thường. Các tế bào bất thường tích tụ lại tạo nên khối u gây tắc nghẽn niệu quản và sau đó lan sang các khu vực khác của cơ thể (di căn).

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư niệu quản gồm có:

  • Tuổi cao: Nguy cơ mắc ung thư niệu quản tăng dần theo tuổi tác. Bệnh này chủ yếu được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi 70 và 80.
  • Tiền sử ung thư bàng quang hoặc ung thư thận: Những người mắc ung thư bàng quang hoặc ung thư thận có nguy cơ ung thư niệu quản cao hơn.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư niệu quản và cả các bệnh ung thư đường tiết niệu khác, gồm có ung thư thận và ung thư bàng quang.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư: Hội chứng Lynch, hay còn được gọi là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hereditary nonpolyposis colorectal cancer), làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và các bệnh ung thư khác, trong đó có cả ung thư niệu quản. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư nên trao đổi với bác sĩ về việc làm xét nghiệm di truyền để xác định nguy cơ mắc hội chứng Lynch và các bệnh ung thư di truyền khác.

Chẩn đoán ung thư niệu quản

Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư niệu quản gồm có:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng, sau đó khám lâm sàng để hiểu rõ hơn về vấn đề mà người bệnh đang gặp phải.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá phạm vi lây lan (giai đoạn) ung thư niệu quản. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh gồm có chụp thận tĩnh mạch (intravenous pyelogram – IVP) hoặc chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu (CT hệ tiết niệu). Trong những trường hợp không thể chụp CT, người bệnh có thể sẽ phải chụp cộng hưởng từ hệ tiết niệu.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu giúp phát hiện sự hiện diện các tế bào bất thường trong nước tiểu – một dấu hiệu có thể chỉ ra ung thư niệu quản.
  • Nội soi niệu quản: Đưa một ống dài, hẹp có gắn đèn và máy ảnh vào niệu đạo, qua bàng quang và vào niệu quản. Nội soi niệu quản giúp bác sĩ quan sát bên trong niệu quản và có thể lấy mẫu mô nhỏ trong quá trình nội soi để phân tích (sinh thiết). Mẫu mô sẽ được kiểm tra cẩn thận để tìm sự hiện diện của tế bào ung thư hoặc đột biến gen liên quan đến bệnh ung thư.
  • Các biện pháp kiểm tra bàng quang: Bác sĩ có thể tiến hành nội soi bàng quang hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra bên trong bàng quang và tìm các dấu hiệu ung thư. Những người mắc ung thư niệu quản có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang. Ung thư bàng quang có thể xảy ra cùng lúc với ung thư niệu quản hoặc phát sinh sau điều trị.

Điều trị ung thư niệu quản

Người mắc ung thư niệu quản thường phải phẫu thuật để điều trị. Phương pháp điều trị ung thư niệu quản trong mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, mức độ xâm lấn cũng như là lựa chọn của người bệnh.

Phẫu thuật

Phương pháp điều trị ưu tiên đối với các trường hợp ung thư niệu quả là phẫu thuật để loại bỏ khối u và một phần mô khỏe mạnh. Mức độ phải cắt bỏ trong ca phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh.

Đối với những trường hợp ung thư niệu quản được phát hiện ở giai đoạn đầu thì có thể chỉ cần cắt bỏ một phần niệu quản nhưng nếu ung thư niệu quản đã tiến triển sang các giai đoạn sau thì có thể sẽ phải cắt bỏ phần niệu quản có khối u, bên thận bị ảnh hưởng và một phần bàng quang.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp điều trị sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị đôi khi được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và giúp loại bỏ khối u dễ dàng hơn trong quá trình phẫu thuật. Hóa trị liệu cũng có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

Đối với các trường hợp ung thư niệu quản giai đoạn cuối, hóa trị là giải pháp để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị dựa vào hệ miễn dịch để chống lại ung thư. Hệ miễn dịch vốn có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư bởi tế bào ung thư có khả năng tạo ra các protein giúp chúng không bị các tế bào miễn dịch phát hiện. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bằng cách can thiệp vào quá trình này.

Liệu pháp miễn dịch là một lựa chọn điều trị ung thư niệu quản giai đoạn cuối – khi mà bệnh đã không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Tái khám

Sau điều trị, người bệnh cần tái khám định kỳ theo lịch để theo dõi xem ung thư có tái phát hay không. Mục đích của các buổi tái khám còn là để tầm soát ung thư bàng quang vì những người mắc ung thư niệu quản có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang.

Tần suất tái khám phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng người. Thông thường, người bệnh phải tái khám vài tháng một lần trong một năm đầu tiên sau điều trị và nếu không có gì bất thường thì có thể giảm tần suất tái khám.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ureteral-cancer/symptoms-causes/syc-20360721

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây