Hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Vấn đề này thường không biểu hiện triệu chứng trong suốt nhiều năm và mãi đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì các dấu hiệu và triệu chứng mới xuất hiện.

Hẹp van động mạch chủ là gì?

Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ của tim không thể mở hoàn toàn, điều này gây cản trở sự lưu thông máu từ tim qua động mạch chủ. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất, có nhiệm vụ mang máu từ tim đi khắp cơ thể.

Việc điều trị hẹp van động mạch chủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Người bệnh có thể phải phẫu thuật để sửa hoặc thay van động mạch chủ. Nếu không điều trị, tình trạng  hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Vấn đề này thường không biểu hiện triệu chứng trong suốt nhiều năm và mãi đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì các dấu hiệu và triệu chứng mới xuất hiện.

Các dấu hiệu và triệu chứn thường gặp của hẹp van động mạch chủ gồm có:

  • Nghe thấy âm thanh bất thường (tiếng thổi ở tim) qua ống nghe
  • Đau ngực (đau thắt ngực) hay ngực có cảm giác bị chèn ép khi vận động
  • Cảm giác chóng mặt hoặc ngất khi vận động
  • Khó thở, đặc biệt là khi vận động
  • Mệt mỏi, đặc biệt là khi gắng sức
  • Tim đập nhanh, mạnh (đánh trống ngực)
  • Chán ăn và tăng trưởng kém (chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ)

Hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến suy tim. Một số triệu chứng của suy tim gồm có mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh hoặc không đều, sưng phù ở bàn chân và chướng bụng.

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này thì phải đi khám càng sớm càng tốt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hẹp van động mạch chủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm.

Nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ

Tim gồm có bốn van có chức năng giữ cho máu lưu thông đúng hướng. Các van này gồm có van hai lá (van nhĩ thất trái) van ba lá (van nhĩ thất phải), van động mạch phổi và van động mạch chủ. Mỗi van có các lá van đóng mở một lần vào mỗi nhịp tim. Ở một số người, các van này không thể mở hay đóng một cách bình thường. Khi một van không mở hoặc đóng hoàn toàn, sự lưu thông máu sẽ bị giảm hoặc bị tắc nghẽn.

Ở những người bị hẹp van động mạch chủ, van động mạch chủ nằm giữa buồng tim dưới bên trái (tâm thất trái) và động mạch chủ không mở hoàn toàn, điều này khiến cho máu không thể chảy từ tim vào động mạch chủ một cách bình thường.

Khi van động mạch chủ bị hẹp, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu vào động mạch chủ và đi khắp cơ thể. Điều này dần dần khiến cho tâm thất trái dày lên và to ra. Khi phải làm việc nhiều trong một thời gian dài, cơ tim sẽ trở nên suy yếu và cuối cùng dẫn đến suy tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác.

Các nguyên nhân gây hẹp van động mạch chủ gồm có:

  • Dị tật tim bẩm sinh: Một số người sinh ra với van động mạch chủ chỉ có hai lá van (van động mạch chủ hai lá) thay vì ba như bình thường. Mặc dù hiếm gặp nhưng ở một số người, van động mạch chủ chỉ có một lá van hoặc có đến bốn lá van.
  • Những người có dị tật tim bẩm sinh như van động mạch chủ hai lá cần đi khám thường xuyên để theo dõi. Dị tật van tim có thể không gây ra bất kỳ vấn đề gì khi còn nhỏ và đến tận khi trưởng thành các vấn đề mới phát sinh. Nếu phát hiện van động mạch chủ bị hẹp hoặc rò rỉ thì có thể sẽ phải phẫu thuật sửa hoặc thay van.
  • Tích tụ canxi trên van động mạch chủ: Canxi là một khoáng chất có trong máu. Khi máu liên tục chảy qua van động mạch chủ, cặn canxi có thể tích tụ trên van (vôi hóa van tim) và gây hẹp van động mạch chủ. Hẹp van động mạch chủ do tuổi già và do sự tích tụ canxi thường bắt đầu biểu hiện triệu chứng khi người bệnh ở độ tuổi 70 hoặc 80. Tuy nhiên, ở một số người, đặc biệt là những người bị dị tật van động mạch chủ bẩm sinh, tình trạng tích tụ canxi gây cứng van ngay từ khi còn trẻ.
  • Sự tích tụ canxi ở van tim không phải do ăn nhiều canxi hay uống bổ sung canxi.
  • Sốt thấp khớp: Đây là một biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn, có thể dẫn đến hình thành mô sẹo trên van động mạch chủ. Mô sẹo có thể thu hẹp van động mạch chủ hoặc khiến cho bề mặt van trở nên gồ ghề và tạo điều kiện cho sự tích tụ cặn canxi. Sốt thấp khớp có thể làm hỏng nhiều van tim và theo nhiều cách khác nhau.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp van động mạch chủ:

  • Tuổi cao
  • Một số bệnh tim bẩm sinh, chẳng hạn như van động mạch chủ hai lá
  • Tiền sử nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim
  • Có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, chẳng hạn như tiểu đường, cholesterol cao và cao huyết áp
  • Bệnh thận mãn tính
  • Tiền sử xạ trị vùng ngực

Biến chứng của hẹp van động mạch chủ

Hẹp van động mạch chủ có thể gây ra các biến chứng như:

  • Suy tim
  • Đột quỵ
  • Cục máu đông
  • Chảy máu
  • Cấn đề về nhịp tim (rối loạn nhịp tim)
  • Nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như viêm nội tâm mạc
  • Tử vong

Phòng ngừa hẹp van động mạch chủ

Một số cách để phòng ngừa hẹp van động mạch chủ:

  • Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sốt thấp khớp: Cần đi khám ngay khi cảm thấy bị đau rát họng bất thường. Viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị có thể gây sốt thấp khớp. Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời, viêm họng liên cầu khuẩn thường có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc kháng sinh. Sốt thấp khớp chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ và thanh niên.
  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, gồm có cao huyết áp, béo phì và mức cholesterol cao. Những yếu tố này có liên quan đến hẹp van động mạch chủ nên những người bị hẹp van động mạch chủ cần kiểm soát cân nặng, huyết áp và mức cholesterol để phòng ngừa bệnh mạch vành.
  • Chăm sóc răng và nướu: Tình trạng viêm nướu (lợi) có thể dẫn đến viêm nội tâm mạc. Viêm nội tâm mạc có thể làm hẹp động mạch và làm nặng thêm tình trạng hẹp van động mạch chủ.

Những người bị hẹp van động mạch chủ nên hạn chế các hoạt động cần gắng sức để tim không phải làm việc quá sức.

Chẩn đoán hẹp van động mạch chủ

Để chẩn đoán hở van động mạch chủ, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gặp phải, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, sau đó tiến hành khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ nghe tim bằng ống nghe và nếu nghe thấy âm thanh bất thường (tiếng thổi ở tim) thì đó có thể là dấu hiệu của hẹp van động mạch chủ.

Dưới đây là một số biện pháp để xác nhận hoặc loại trừ chứng hẹp van động mạch chủ, đồng thời giúp xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

  • Siêu âm tim: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tim. Bác sĩ đặt đầu dò siêu âm lên da, đầu dò phát ra chùm sóng siêu âm đi qua thành ngực đến tim. Sóng âm thanh dội lại từ tim và được thu lại vào đầu dò, sau đó tín hiệu âm thanh được máy tính chuyển đổi thành hình ảnh hiển thị trên màn hình. Siêu âm tim cho phép đánh giá sự lưu thông máu qua tim và van tim, giúp phát hiện cơ tim bị suy yếu cũng như là mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp van động mạch chủ. Nếu cần kiểm tra van động mạch chủ kỹ hơn, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp siêu âm tim qua thực quả, trong đó một ống dài có chứa đầu dò siêu âm được đưa ra cổ họng xuống thực quản.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Đây là một kỹ thuật không xâm lấn giúp phát hiện và ghi lại hoạt động điện của tim bằng cách sử dụng các cảm biến nhỏ (điện cực) gắn vào ngực, cánh tay và đôi khi cả ở chân của người bệnh. Điện tâm đồ giúp phát hiện buồng tim giãn, bệnh tim mạch và nhịp tim bất thường.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Chụp X-quang lồng ngực giúp bác sĩ kiểm tra cơ tim có bị giãn nở hay không – đây là một vấn đề có thể xảy ra khi bị hẹp van động mạch chủ. Hình ảnh X-quang còn giúp phát hiện tình trạng phình động mạch chủ và tích tụ canxi trên van động mạch chủ.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Bác sĩ theo dõi điện tim trong khi người bệnh hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ hoặc đạp xe tại chỗ để xem người bệnh có các dấu hiệu của hẹp van động mạch chủ trong khi vận động hay không. Nghiệm pháp gắng sức giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp van động mạch chủ. Đối với những người không thể vận động, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc có tác dụng làm tăng nhịp tim để mô phỏng tác động của việc vận động lên tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Chụp CT tim là một kỹ thuật chụp X-quang đặc biệt cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của tim. Chụp CT tim giúp bác sĩ biết được kích thước của động mạch chủ và đánh giá van động mạch chủ một cách kỹ lưỡng hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: MRI tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của tim. Phương pháp này cho biết mức độ nghiêm trọng của tình trạng hẹp van động mạch chủ và đánh giá kích thước của động mạch chủ.
  • Thông tim. Phương pháp này không được sử dụng phổ biến để chẩn đoán hẹp van động mạch chủ nhưng có thể được thực hiện nếu bác sĩ chưa thể đưa ra kết luận về vấn đề gặp phải hay mức độ nghiêm trọng của tình trạng sau khi thực hiện các biện pháp chẩn đoán khác. Thông tim cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật sửa hoặc thay van động mạch chủ để kiểm tra xem các động mạch mang máu đến cơ tim (động mạch vành) có bị tắc nghẽn hay không.
    Trong quá trình thông tim, bác sĩ luồn một ống thông nhỏ qua mạch máu ở cánh tay hoặc bẹn của người bệnh và dẫn ống thông đến động mạch trong tim. Nếu cần thiết, thuốc cản quang sẽ được bơm qua ống thông vào động mạch để làm cho động mạch hiển thị rõ ràng hơn trên ảnh chụp X-quang (chụp mạch vành). Chụp mạch vành cung cấp hình ảnh chi tiết của các động mạch tim và giúp đánh giá chức năng tim. Trong quá trình chụp mạch vành, bác sĩ có thể đo áp lực bên trong các buồng tim.

Điều trị hẹp van động mạch chủ

Việc điều trị hẹp van động mạch chủ phụ thuộc vào các triệu chứng mà người bệnh gặp phải và mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, người bệnh có thể chỉ cần tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh và thực hiện một số thay đổi về lối sống để ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Tùy vào các triệu chứng gặp phải mà bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.

Phẫu thuật

Một số trường hợp hẹp van động mạch chủ phải phẫu thuật để sửa hoặc thay van động mạch chủ, ngay cả khi không có triệu chứng. Phẫu thuật điều trị hẹp van động mạch chủ có thể được thực hiện cùng lúc với các loại phẫu thuật tim khác.

Ca phẫu thuật để sửa hoặc thay van động mạch chủ thường được thực hiện qua một đường rạch ở ngực (phẫu thuật tim hở) nhưng cũng có các kỹ thuật ít xâm lấn hơn, chẳng hạn như thay van động mạch chủ qua đường ống thông (transcatheter aortic valve replacement - TAVR).

Các giải pháp để điều trị hẹp van động mạch chủ gồm có:

  • Sửa van động mạch chủ: Để sửa van động mạch chủ, bác sĩ sẽ tách các lá van bị dính liền. Tuy nhiên, đây không phải phương pháp phổ biến để điều trị hẹp van động mạch chủ. Nói chung, phần lớn các trường hợp hẹp van động mạch chủ đều cần phải thay van.
  • Nong van động mạch chủ bằng bóng: Thủ thuật này thường được sử dụng để điều trị hẹp van động mạch chủ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở người lớn, van động mạch chủ thường bị hẹp trở lại sau khi nong nên phương pháp này chỉ dành cho những trường hợp có sức khỏe quá yếu, không thể phẫu thuật tim hở hoặc những người đang chờ thay van vì những người này thường cần thêm các thủ thuật khác để điều trị van động mạch chủ bị hẹp. Trong quá trình nong van động mạch chủ bằng bóng, một ống thông được đưa vào động mạch ở cánh tay hoặc bẹn và luồn đến van động mạch chủ. Khi vào đúng vị trí, quả bóng gắn ở đầu ống thông được bơm phồng để mở rộng van. Sau đó, bóng được xì hơi và lấy ra ngoài cùng ống thông.
  • Thay van động mạch chủ: Hầu hết những người bị hẹp van động mạch chủ đều phải thay van. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học hoặc van sinh học (van làm từ mô tim của người hiến tặng hoặc mô tim đã qua xử lý của bò, lợn).
  • Van tim sinh học thường bị hỏng sau một thời gian và phải thay thế. Nếu sử dụng van cơ học, người bệnh sẽ phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn hình thành cục máu đông. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ nói rõ về ưu điểm và nhược điểm của từng loại van.
  • Thay van động mạch chủ qua đường ống thông (transcatheter aortic valve replacement - TAVR): Thủ thuật ít xâm lấn này là một lựa chọn điều trị cho những trường hợp có nguy cơ xảy ra biến chứng nếu phẫu thuật thay van động mạch chủ theo phương pháp thông thường.
    Trong quá trình thay van động mạch chủ qua đường ống thông, một ống thông được đưa vào động mạch ở chân hoặc ngực và luồn đến tim. Sau đó, van thay thế sẽ được đưa vào qua ống thông và dẫn đến tim. Van động mạch chủ được nong rộng bằng bóng hoặc sử dụng các loại van có khả năng tự giãn nở. Sau khi thay van xong, ống thông được rút ra khỏi mạch máu. Thủ thuật này cũng được sử dụng để thay van tim sinh học bị hỏng.

Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Người bệnh cần phải tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra cần thực hiện một số thay đổi về chế độ ăn uống và lối sống có lợi cho sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều thực phẩm tốt cho tim mạch: Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi, sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo, thịt gia cầm, cá và ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn ít đường và muối.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu đã có cân nặng hợp lý thì hãy cố gắng duy trì. Nếu bị thừa cân hoặc béo phì thì cần giảm cân bằng cách tăng lượng calo đốt cháy và giảm lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày. Trao đổi với bác sĩ về mức cân nặng cần đạt được và duy trì cũng như là các cách giảm cân lành mạnh, bền vững.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Mỗi ngày nên tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh khoảng 30 phút và thực hiện đều đặn 5 – 7 ngày/tuần. Bên cạnh đó cần tích cực vận động trong suốt cả ngày và giảm thời gian ngồi hoặc nằm.
  • Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng là điều khó tránh khỏi nhưng hãy cố gắng hạn chế căng thẳng một cách tối đa và thực hiện các cách để thư giãn, chẳng hạn như các hoạt động giải trí, ngồi thiền, tập thể dục, yoga hay dành thời gian cho sở thích cá nhân.
  • Không hút thuốc lá: Nếu đang hút thuốc thì hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt và tránh xa khói thuốc.
  • Kiểm soát huyết áp: Điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Hẹp van động mạch chủ và mang thai

Những phụ nữ bị hẹp van động mạch chủ cần nói chuyện với bác sĩ trước khi mang thai. Bác sĩ sẽ cho biết những loại thuốc an toàn có thể dùng trong thai kỳ và liệu có cần tiến hành thủ thuật điều trị hẹp van động mạch chủ trước khi mang thai hay không. Người bệnh sẽ được theo dõi sát sao trong suốt thời gian mang thai. Những phụ nữ bị hẹp van động mạch chủ nghiêm trọng không nên mang thai để tránh xảy ra biến chứng.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/aortic-stenosis/symptoms-causes/syc-20353139

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hẹp động mạch thận

Hẹp động mạch thận là tình trạng một hoặc nhiều động mạch mang máu đến thận bị thu hẹp. Điều này gây cản trở sự lưu thông máu đến thận và do đó khiến cơ quan này không được cung cấp oxy. Thận cần được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu. Giảm lưu lượng máu đến thận sẽ gây tổn thương mô thận và làm tăng huyết áp khắp cơ thể.

Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng phồng lên ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim xuống qua ngực và bụng.

Phình động mạch não

Chứng phình động mạch não xảy ra do thành động mạch bị mỏng đi. Túi phình thường hình thành ở ngã ba hay các nhánh trong động mạch vì thành mạch máu ở những vị trí này thường yếu hơn.

Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực thường tiến triển chậm và không có triệu chứng nên khó phát hiện. Không phải trường hợp phình động mạch chủ ngực nào cũng bị vỡ túi phình.

Lóc tách động mạch chủ

Rất khó phát hiện lóc tách động mạch chủ nếu chỉ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng vì các triệu chứng lóc tách động mạch chủ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây