Nhiễm trichomonas
Nhiễm trichomonas là gì?
Trichomonas là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do ký sinh trùng gây ra. Ở phụ nữ, nhiễm trichomonas thường có triệu chứng là dịch tiết âm đạo có mùi hôi, ngứa ngáy bộ phận sinh dục và tiểu buốt.
Nam giới bị nhiễm trichomonas thường không có triệu chứng. Phụ nữ mang thai bị bệnh này sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
Để ngăn ngừa tái nhiễm trichomonas thì bạn tình của người bệnh cũng nên xét nghiệm và điều trị. Phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc kháng sinh metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax). Biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh là sử dụng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục.
Dấu hiệu, triệu chứng
Nhiều phụ nữ và hầu hết nam giới bị nhiễm trichomonas đều không có triệu chứng, đặc biệt là trong thời gian đầu. Nếu có thì các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhiễm trichomonas ở phụ nữ thường là:
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi, màu trắng, xám, vàng hoặc xanh lá
- Bộ phận sinh dục mẩn đỏ, nóng rát và ngứa ngáy
- Đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục
Bệnh lây truyền qua đường tình dục này hiếm khi biểu hiện triệu chứng ở nam giới. Tuy nhiên, khi có thì các triệu chứng sẽ là:
- Kích ứng bên trong dương vật
- Nóng rát khi đi tiểu hoặc sau khi xuất tinh
- Tiết dịch từ dương vật
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường và nghi là bệnh lây truyền qua đường tình dục như dịch âm đạo có mùi hôi, bị đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
Nguyên nhân
Bệnh nhiễm trichomonas là do một loại ký sinh trùng có tên là Trichomonas vaginalis gây ra. Sinh vật đơn bào này lây từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi biểu hiện triệu chứng thường là từ 4 đến 28 ngày.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trichomonas gồm có:
- Có nhiều bạn tình
- Đã từng hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Từng bị nhiễm trichomonas trước đây
- Quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su
Biện pháp chẩn đoán
Bệnh trichomonas có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm dịch âm đạo (đối với phụ nữ) và xét nghiệm nước tiểu (đối với nam giới). Nếu phát hiện thấy thấy ký sinh trùng Trichomonas vaginalis dưới kính hiển vi thì không cần xét nghiệm thêm. Còn nếu không tìm thấy sự hiện diện của ký sinh trùng thì tiếp tục thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh và khuếch đại axit nucleic.
Điều trị
Phương pháp phổ biến nhất để điều trị bệnh trichomonas, ngay cả ở phụ nữ mang thai là dùng thuốc kháng sinh metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax) liều cao. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ kê metronidazole liều thấp hơn và dùng 2 lần/ngày trong thời gian 7 ngày.
Khi một người bị nhiễm trichomonas thì bạn tình cũng cần đi xét nghiệm và cùng điều trị nếu mắc. Cả hai phải ngừng quan hệ tình dục cho đến khi chữa khỏi hoàn toàn, thường mất khoảng một tuần.
Không uống rượu bia trong vòng 24 giờ sau khi uống metronidazole hoặc 72 giờ sau khi uống tinidazole vì rượu bia sẽ tương tác với thuốc và gây buồn nôn, nôn mửa nghiêm trọng.
Nên xét nghiệm lại sau từ 2 tuần đến 3 tháng kể từ khi điều trị để đảm bảo không bị tái nhiễm bệnh.
Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trichomonas có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.
Biến chứng
Phụ nữ mang thai bị nhiễm trichomonas có thể gặp phải các vấn đề như:
- Sinh non
- Con sinh ra bị thiếu cân
- Lây bệnh sang con khi sinh nở
Việc bị trichomonas còn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.
Phòng ngừa
Để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ nhiễm trichomonas và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác thì cách duy nhất là không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nếu vẫn quan hệ tình dục thì hãy sử dụng bao cao su đúng cách và đều đặn. Điều này sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ. Ngoài ra, không nên quan hệ tình dục với nhiều người và quan hệ với người chưa biết rõ tình trạng sức khỏe tình dục.
Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)
Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.
Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)
Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.
Nhiễm HPV
HPV thường lây truyền qua đường tình dục hoặc qua sự tiếp xúc da trực tiếp. Có thể bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung bằng cách tiêm vắc-xin.
Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận nặng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu có các triệu chứng nhiễm trùng thận đồng thời bị tiểu ra máu hoặc buồn nôn và nôn ói.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và ảnh hưởng đến bàng quang và/hoặc niệu đạo.
Ý kiến bạn đọc