Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Ví dụ, nhịp tim có thể giảm xuống 40 đến 60 nhịp mỗi phút trong khi ngủ và một số người, đặc biệt là người trẻ tuổi khỏe mạnh hay các vận động viên chuyên nghiệp, cũng có nhịp tim chậm hơn mức trung bình.

Nhịp tim chậm là gì?

Nhịp tim chậm (bradycardia) là tình trạng tim đập chậm hơn bình thường. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi không hoạt động là 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim chậm được định nghĩa là tim đập dưới 60 nhịp mỗi phút.

Nhịp tim chậm có thể là một vấn đề nghiêm trọng nếu tim đập quá chậm và không thể bơm đủ máu giàu oxy cho cơ thể. Nếu điều này xảy ra, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi không có sức lực và khó thở. Nhưng đôi khi nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng hay biến chứng nào.

Nhịp tim chậm không phải lúc nào cũng đáng lo ngại. Ví dụ, nhịp tim có thể giảm xuống 40 đến 60 nhịp mỗi phút trong khi ngủ và một số người, đặc biệt là người trẻ tuổi khỏe mạnh hay các vận động viên chuyên nghiệp, cũng có nhịp tim chậm hơn mức trung bình.

Có nhiều cách để điều trị nhịp tim chậm. Nếu nhịp tim chậm nghiêm trọng, người bệnh có thể phải cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim bình thường.

Triệu chứng nhịp tim chậm

Khi tim đập chậm, não và các cơ quan khác sẽ không được cung cấp đủ oxy. Điều này gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Tức ngực
  • Mơ hồ, giảm trí nhớ
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Nhanh mệt khi hoạt động thể chất
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Ngất xỉu hoặc xây xẩm, cảm giác như sắp ngất xỉu
  • Khó thở

Khi nào cần đi khám?

Các dấu hiệu và triệu chứng giống như nhịp tim chậm có thể là do nhiều bệnh lý khác gây ra nên khi nhận thấy những thay đổi bất thường thì cần phải đi khám để chẩn đoán chính xác vấn đề và điều trị kịp thời.

Nếu bản thân hoặc người xung quanh bị ngất xỉu, khó thở hoặc đau ngực kéo dài thì cần gọi cấp cứu hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Nguyên nhân gây nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể do:

  • Tổn thương mô tim do lão hóa
  • Tổn thương mô tim do bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Viêm cơ tim
  • Biến chứng sau phẫu thuật tim
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Mất cân bằng chất điện giải trong máu, chẳng hạn như kali hoặc canxi
  • Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (tình trạng ngừng thở lặp đi lặp lại trong khi ngủ)
  • Các bệnh lý do phản ứng viêm, chẳng hạn như sốt thấp khớp hoặc bệnh lupus
  • Một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc giảm đau opioid, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc điều trị bệnh tâm thần và thậm chí cả một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây nhịp tim chậm thì trước hết cần nắm được hoạt động của tim.

Tim gồm có bốn buồng, hai buồng trên (tâm nhĩ) và hai buồng dưới (tâm thất). Trong buồng trên bên phải của tim (tâm nhĩ phải) có một nhóm tế bào gọi là nút xoang. Đây là bộ phận điều hòa nhịp tim. Nút xoang tạo ra tín hiệu bắt đầu mỗi nhịp tim.

Nhịp tim chậm xảy ra khi các tín hiệu này chậm lại hoặc bị chặn.

Các vấn đề về nút xoang

Nhịp tim chậm thường bắt nguồn từ nút xoang. Ở một số người, các vấn đề về nút xoang như hội chứng suy nút xoang khiến cho tim đập không đều, lúc nhanh lúc chậm.

Block tim (block nhĩ thất)

Nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra nếu các tín hiệu điện của tim không di chuyển một cách bình thường từ tâm nhĩ đến tâm thất. Tình trạng này được gọi là block tim hay block nhĩ thất.

Block tim được chia thành 3 cấp độ:

  • Block tim độ 1: Ở cấp độ nhẹ nhất, tất cả các tín hiệu điện từ tâm nhĩ vẫn đến được tâm thất nhưng tín hiệu bị chậm lại. Block tim độ một hiếm khi có triệu chứng và thường không cần điều trị nếu không có vấn đề nào khác về tín hiệu điện của tim.
  • Block tim độ 2: Một số tín hiệu điện từ tâm nhĩ không đến được tâm thất. Điều này khiến cho tim đập chậm lại và đôi khi không đều.
  • Block tim độ 3: Tất cả các tín hiệu điện từ tâm nhĩ đều không đến được tâm thất. Khi điều này xảy ra, tâm thất thường vẫn tự đập nhưng ở tốc độ rất chậm.

Các yếu tố nguy cơ

Nhịp tim chậm thường xảy ra khi mô tim bị tổn thương do một số loại bệnh tim mạch. Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch đều có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim chậm, chẳng hạn như:

  • Tuổi cao
  • Cao huyết áp
  • Hút thuốc
  • Nghiện rượu
  • Sử dụng chất ma túy
  • Thường xuyên căng thẳng và lo âu

Thực hiện lối sống lành mạnh và điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến tim có thể làm giảm nguy cơ nhịp tim chậm và các bệnh tim mạch khác.

Biến chứng của nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể gây ra các biến chứng như:

  • Dễ ngất xỉu
  • Tim không có khả năng bơm đủ máu cho cơ thể (suy tim)
  • Ngừng tim đột ngột hoặc đột tử

Phòng ngừa nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm có thể là do một số loại thuốc gây ra, đặc biệt là khi dùng liều cao. Do đó phải dùng tất cả các loại thuốc đúng theo chỉ dẫn. Mặc dù không có cách nào ngăn ngừa nhịp tim chậm nhưng lối sống điều độ và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng tập thể dục cường độ vừa phải khoảng 30 phút mỗi ngày và 5 – 6 ngày/tuần.
  • Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch: Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, gồm nhiều rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc, axit béo omega-3, hạn chế chất béo, muối và đường.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol: Thay đổi lối sống, chế độ ăn và dùng thuốc theo chỉ định để kiểm soát tình trạng cao huyết áp hoặc cholesterol cao.
  • Uống rượu vừa phải: Nam giới khỏe mạnh dưới 65 tuổi chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn mỗi ngày trong khi phụ nữ và nam giới khỏe mạnh trên 65 tuổi chỉ nên uống tối đa 1 đơn vị cồn/ngày. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất. Lượng cồn này tương đương 270ml bia, 30ml rượu mạnh và 125ml rượu vang.
  • Không hút thuốc: Nếu hút thuốc thì hãy bỏ càng sớm càng tốt. Có thể thử các cách hỗ trợ cai thuốc lá như kiểm soát căng thẳng, uống nhiều nước, dùng miếng dán nicotine, nhai kẹo cao su nicotine,…
  • Không uống nhiều rượu: Nam giới khỏe mạnh dưới 65 tuổi không nên uống quá hai đơn vị cồn mỗi ngày, còn phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi không uống quá một đơn vị cồn/ngày. Lượng cồn này tương đương 1 chén rượu mạnh, ¾ lon bia 330ml hoặc 1 ly rượu vang 125ml.
  • Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng kéo dài hay đột ngột thay đổi cảm xúc sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim. Một số cách để giảm căng thẳng là tập thể dục thường xuyên, tập yoga, tham gia các hoạt động giải trí hay dành thời gian cho sở thích cá nhân…
  • Khám sức khỏe định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường. Khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh tim mạch thì cần phải đi khám ngay.

Theo dõi và điều trị bệnh tim mạch

Người đang mắc bệnh tim mạch cần thực hiện những điều sau đây để giảm nguy cơ nhịp tim chậm hoặc các loại rối loạn nhịp tim khác:

  • Tuân thủ điều trị: Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Khi khám ngay khi nhận thấy thay đổi: Nếu các triệu chứng thay đổi, trở nên nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới thì cần phải đi khám ngay.

Chẩn đoán nhịp tim chậm

Để chẩn đoán nhịp tim chậm , bác sĩ trước tiên sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử, tiến hành khám lâm sàng và nghe tim bằng ống nghe.

Sau đó sẽ cần thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng dưới đây để kiểm tra nhịp tim và phát hiện các bệnh ở tim gây nhịp tim chậm. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu để phát hiện các tình trạng gây ảnh hưởng đến nhịp tim, chẳng hạn như nhiễm trùng, suy giáp hoặc mất cân bằng điện giải.

Các biện pháp chẩn đoán nhịp tim chậm:

  • Điện tâm đồ (ECG hay EKG) là phương pháp chính được sử dụng để chẩn đoán nhịp tim chậm. Điện tâm đồ đo hoạt động điện của tim. Thiết bị đo gồm các điện cực được đặt trên ngực và đôi khi đặt ở cánh tay và chân của người bệnh. Các điện cực được nối với máy tính, nơi hiển thị kết quả. Điện tâm đồ cho biết tim đang đập bình thường, quá nhanh hay quá chậm. Vì phương pháp điện tâm đồ thông thường chỉ có thể phát hiện nhịp tim chậm khi điều này xảy ra trong quá trình đo nên trong những trường hợp mà nhịp tim chậm không thường xuyên xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các thiết bị điện tâm đồ di động:
  • Holter điện tâm đồ: Máy Holter là một thiết bị cỡ nhỏ mà người bệnh để trong túi hoặc đeo trên người. Thiết bị này ghi lại hoạt động của tim liên tục trong 24 giờ hoặc lâu hơn.
  • Máy ghi biến cố: Thiết bị này tương tự như máy Holter nhưng chỉ ghi lại hoạt động của tim vào một số thời điểm nhất định, mỗi lần chỉ vài phút. Máy ghi biến cố được đeo lâu hơn máy Holter, thường là 30 ngày. Người bệnh phải ấn nút trên máy khi cảm thấy có triệu chứng. Một số loại máy ghi biến cố tự động ghi lại khi phát hiện nhịp tim bất thường.

Điện tâm đồ có thể được thực hiện cùng với các phương pháp kiểm tra khác để đánh giá tác động của nhịp tim chậm đến cơ thể. Các phương pháp này gồm có:

  • Nghiệm pháp bàn nghiêng: Phương pháp này thường được thực hiện trong những trường hợp nhịp tim chậm gây ngất xỉu. Trong nghiệm pháp bàn nghiêng, người bệnh nằm thẳng trên một chiếc bàn đặc biệt và sau đó bàn được điều chỉnh nghiêng để mô phỏng tư thế đứng lên. Nghiệm pháp bàn nghiêng giúp kiểm tra xem sự thay đổi tư thế có gây ngất xỉu hay không.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Sử dụng phương pháp điện tâm đồ để theo dõi hoạt động của tim khi người bệnh đạp xe tại chỗ hoặc đi bộ trên máy chạy. Những người không thể hoặc khó vận động sẽ được tiêm thuốc làm tăng nhịp tim để mô phỏng tác động của việc vận động.

Ngoài ra có thể cần tiến hành nghiên cứu giấc ngủ (polysomnography) nếu bác sĩ nghi ngờ nhịp tim chậm có liên quan đến chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Điều trị nhịp tim chậm

Việc điều trị nhịp tim chậm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân khiến tim đập bất thường. Nếu như không có triệu chứng thì có thể không cần phải điều trị.

Các phương pháp điều trị nhịp tim chậm gồm có điều chỉnh thói quen sống, thay đổi loại thuốc đang dùng hoặc cấy máy tạo nhịp tim. Trong trường hợp nhịp tim chậm là do một bệnh lý gây ra, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc chứng ngưng thở khi ngủ thì cần phải điều trị bệnh lý đó để khôi phục nhịp tim lại bình thường.

Đổi thuốc

Nhiều loại thuốc, bao gồm cả một số loại được sử dụng để điều trị các bệnh tim mạch khác, có thể gây ra nhịp tim chậm. Khi đi khám, hãy cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn.

Nếu nguyên nhân gây nhịp tim chậm đúng là do thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định giảm liều hoặc đổi sang một loại thuốc tương tự.

Phẫu thuật

Nếu tình trạng nhịp tim chậm gây ra triệu chứng nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không có tác dụng thì sẽ phải cấy máy tạo nhịp tim để điều hòa nhịp tim. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện tử có kích thước nhỏ được cấy gần tim và chỉ hoạt động khi cần thiết. Khi tim đập quá chậm, máy sẽ phát ra tín hiệu điện đến tim để làm tăng tốc độ tim đập.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bradycardia/symptoms-causes/syc-20355474

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm da cơ địa (bệnh chàm)

Hiện chưa có cách chữa trị bệnh viêm da cơ địa nhưng có nhiều biện pháp điều trị và chăm sóc da để giảm ngứa và ngăn ngừa các đợt bùng phát mới.

Lichen chấm

Lichen chấm là một vấn đề lành tính, không gây ảnh hưởng về lâu dài đến da và cũng không có bất kỳ biến chứng nào. Tuy nhiên, các sẩn lichen chấm trên da có thể gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim đôi khi không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào và tình trạng nhịp tim bất thường chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám các bệnh khác.

Nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh là tình trạng nhịp tim tăng cao so với bình thường, điều này có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể chỉ là hiện tượng tăng nhịp tim tạm thời do tập thể dục hoặc trong những tình huống hồi hộp, căng thẳng. Nhịp tim nhanh cũng có thể là do rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây