Phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt thường tự khỏi nhưng các dạng nghiêm trọng có thể cần điều trị. Cách tốt nhất để giảm các triệu chứng phát ban nhiệt là làm mát da và ngăn tiết mồ hôi.

Phát ban nhiệt là gì?

Phát ban nhiệt - hay còn được gọi là rôm sảy, ban đỏ - là một vấn đề thường xảy ra khi thời tiết nóng ẩm. Không chỉ có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mà người lớn cũng có thể gặp phải vấn đề này.

Phát ban nhiệt xảy ra khi các lỗ chân lông (tuyến mồ hôi) bị tắc nghẽn và khiến cho mồ hôi bị giữ lại bên dưới da. Biểu hiện thường gặp là nổi mụn nước nhỏ trên bề mặt da nhưng đôi khi có thể xuất hiện các sẩn đỏ ở sâu bên dưới da. Một số dạng phát ban nhiệt còn có cảm giác như kim châm hoặc ngứa dữ dội.

Phát ban nhiệt thường tự khỏi nhưng các dạng nghiêm trọng có thể cần điều trị. Cách tốt nhất để giảm các triệu chứng phát ban nhiệt là làm mát da và ngăn tiết mồ hôi.

Triệu chứng phát ban nhiệt

Người lớn thường bị phát ban nhiệt ở các nếp gấp da và nơi quần áo cọ xát với cơ thể. Ở trẻ sơ sinh, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở cổ, vai và ngực nhưng cũng có thể xuất hiện ở nách, nếp gấp khuỷu tay và bẹn.

Các dạng phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt được phân loại theo độ sâu của vị trí bị tắc nghẽn trong tuyến mồ hôi. Mỗi dạng phát ban nhiệt có các biểu hiện, triệu chứng khác nhau.

  • Ban hạt kê hay rôm sảy kết tinh: đây là dạng phát ban nhiệt nhẹ nhất, xảy ra ở các tuyến mồ hôi nằm tại lớp ngoài cùng của da. Dạng này có biểu hiện là nổi mụn nước hoặc sẩn trong suốt, chứa dịch và dễ vỡ.
  • Ban kê đỏ hay rôm đỏ: các triệu chứng gồm có nổi sẩn đỏ, ngứa hoặc châm chích.
  • Ban kê mủ: xảy ra khi các bọng chứa dịch của dạng ban kê đỏ bị viêm và chứa mủ.
  • Ban kê sâu: dạng phát ban nhiệt ít gặp, xảy ra ở lớp hạ bì - lớp sâu bên dưới của da. Mồ hôi ứ đọng rò rỉ ra khỏi tuyến mồ hôi vào trong da, tạo thành những sẩn chắc, có màu da, bề mặt da sần sùi giống như da gà.

Khi nào cần đi khám?

Phát ban nhiệt thường có thể được khắc phục bằng cách làm mát da và tránh tiếp xúc với nguồn nhiệt. Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài liên tục vài ngày không đỡ, tình trạng phát ban ngày càng nặng hoặc nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như:

  • Tăng đau, sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh vùng da bị phát ban
  • Chảy mủ từ các tổn thương
  • Sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc bẹn
  • Sốt hoặc ớn lạnh

Nguyên nhân gây phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt xảy ra khi một số tuyến mồ hôi trong da bị bít tắc. Thay vì thoát ra ngoài, mồ hôi sẽ bị giữ lại bên dưới da, gây viêm và phát ban.

Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân khiến cho các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn nhưng tình trạng này có thể là do một số yếu tố góp phần gây ra như:

  • Các tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn toàn: Ở trẻ sơ sinh, các tuyến mồ hôi chua phát triển đầy đủ nên dễ bị vỡ hơn và khiến cho mồ hôi bị giữ lại bên dưới da. Phát ban nhiệt có thể xảy ra trong tuần đầu tiên sau khi trẻ ra đời, đặc biệt là những trẻ được chăm sóc trong lồng ấp, mặc quần áo quá ấm hoặc bị sốt.
  • Vùng khí hậu nhiệt đới: thời tiết nóng ẩm có thể gây phát ban nhiệt.
  • Hoạt động thể chất: Ở người trưởng thành, tập thể dục cường độ cao, làm việc nặng nhọc hoặc bất kỳ hoạt động nào khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi đều có thể dẫn đến phát ban nhiệt.
  • Quá nóng: Cơ thể quá nóng – có thể là do mặc quá nhiều quần áo hoặc ở trong môi trường nhiệt độ cao đều có thể gây phát ban nhiệt.
  • Nằm lâu trên giường: Phát ban nhiệt cũng có thể xảy ra ở những người phải nằm một chỗ trong thời gian dài, đặc biệt là khi còn bị sốt.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát ban nhiệt gồm có:

  • Tuổi tác: Trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị phát ban nhiệt nhất.
  • Đặc điểm khí hậu: Những người sống ở vùng khí hậu nhiệt đới thường dễ bị phát ban nhiệt hơn so với người ở vùng khí hậu ôn đới.
  • Hoạt động thể chất: Bất cứ điều gì khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là khi còn mặc đồ bằng chất liệu không thấm hút mồ hôi, đều có thể gây phát ban nhiệt.

Vấn đề phát sinh do phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt đa phần sẽ tự hết mà không phát sinh thêm bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, đôi khi phát ban nhiệt có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây ra mụn mủ viêm và ngứa.

Biện pháp chẩn đoán

Không cần thiết phải thực hiện bất cứ phương pháp xét nghiệm nào để chẩn đoán phát ban nhiệt. Bác sĩ có thể phát hiện vấn đề này khi quan sát các biểu hiện trên da.

Điều trị phát ban nhiệt

Khi bị phát ban nhiệt nhẹ thì chỉ cần tránh nóng và làm mát cơ thể là vấn đề sẽ dần dần tự hết. Có thể thử các biện pháp tự khắc phục tại nhà như sau:

  • Khi thời tiết nóng bức thì nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và chất liệu mỏng nhẹ để hạn chế ra mồ hôi và hơi ẩm có thể thoát khỏi da
  • Ở trong nhà, hạn chế ra ngoài trời nắng
  • Không để cơ thể bị nóng
  • Tắm bằng nước mát với xà phòng dịu nhẹ, không gây khô da. Sau khi tắm để da khô tự nhiên.
  • Sử dụng kem dưỡng da chứa thành phần calamine hoặc các thành phần làm dịu da khác
  • Chườm mát lên vùng da bị phát ban để giảm ngứa và kích ứng.
  • Tránh sử dụng các loại thuốc bôi có chứa thành phần dầu mỏ (petroleum) hoặc dầu khoáng (mineral oil) vì những thành phần này có thể gây bít tắc lỗ chân lông.

Tuy nhiên, nếu bị các dạng phát ban nhiệt nặng thì thường sẽ cần bôi thuốc mỡ lên da để giảm khó chịu và ngăn ngừa các vấn đề phát sinh. Các loại thuốc điều trị tại chỗ gồm có:

  • Kem dưỡng chứa calamine để làm giảm ngứa
  • Lanolin khan – thành phần có tác dụng ngăn ngừa tắc nghẽn tuyến mồ hôi và ngăn chặn sự hình thành các sẩn hay mụn nước mới
  • Steroid tại chỗ - thường được dùng cho những trường hợp phát ban nhiệt nghiêm trọng

Phòng ngừa phát ban nhiệt

Để tránh bị phát ban nhiệt thì cần:

  • Mặc đồ thoáng mát: vào mùa hè nên mặc quần áo bằng chất liệu mềm, nhẹ, thoáng khí và thấm hút mồ hôi ví dụ như cotton. Vào mùa đông, trẻ nhỏ chỉ cần mặc ấm giống như người lớn, không nên cho trẻ mặc quá nhiều.
  • Tránh mặc quần áo bó sát vì điều này có thể gây kích ứng da và khiến cho mồ hôi không thoát được ra ngoài.
  • Ở nơi mát mẻ: nếu không có việc gì cần thiết thì hạn chế ra ngoài khi trời nắng nóng. Nếu phải ra ngoài thì nên ở trong bóng râm bất cứ khi nào có thể.
  • Giữ cho phòng ngủ mát mẻ và thông thoáng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Suy buồng trứng nguyên phát

Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.

Viêm đường mật nguyên phát

Viêm đường mật nguyên phát được coi là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh.

Viêm xơ đường mật nguyên phát

Ở hầu hết những người bị viêm xơ đường mật nguyên phát, bệnh tiến triển chậm nhưng cuối cùng có thể dẫn đến suy gan, nhiễm trùng tái đi tái lại và tạo thành khối u trong ống mật hoặc gan.

Phát ban đa dạng do ánh sáng

Phát ban đa dạng do ánh sáng thường tự khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần điều trị và cũng không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu bị phát ban nghiêm trọng hoặc kéo dài dai dẳng thì có thể cần điều trị bằng thuốc.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây