Suy buồng trứng nguyên phát

Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.

Suy buồng trứng nguyên phát là gì?

Suy buồng trứng nguyên phát hay còn được gọi là suy buồng trứng sớm xảy ra khi buồng trứng ngừng hoạt động bình thường trước tuổi 40. Khi điều này xảy ra, buồng trứng không thể sản xuất đủ lượng hormone estrogen và cũng không còn rụng trứng đều đặn. Tình trạng này thường dẫn đến vô sinh.

Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau. Những phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát có thể vẫn còn kinh nguyệt trong nhiều năm, chỉ có điều sẽ không đều và thậm chí vẫn còn khả năng mang thai. Nhưng những người bị mãn kinh sớm sẽ ngừng kinh nguyệt và không thể mang thai được nữa.

Những phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát nên bổ sung estrogen để ngăn ngừa một số biến chứng xảy ra do nồng độ estrogen thấp, chẳng hạn như loãng xương.

Triệu chứng

Các biểu hiện, triệu chứng của suy buồng trứng nguyên phát cũng tương tự như thời kỳ mãn kinh hoặc thiếu hụt estrogen, gồm có:

  • Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh nguyệt, có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc xảy ra sau khi mang thai hoặc sau khi ngừng thuốc tránh thai
  • Khó thụ thai
  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Khô âm đạo
  • Khô mắt
  • Cảm giác mệt mỏi, khó chịu
  • Khó tập trung
  • Giảm ham muốn tình dục

Khi nào cần đi khám?

Nếu đã không có kinh nguyệt từ 3 tháng liên tiếp trở lên thì nên đi khám để xác định nguyên nhân. Phụ nữ có thể bị mất kinh nguyệt vì một số lý do như mang thai, căng thẳng, thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen tập thể dục nhưng tốt nhất vẫn nên đi khám bác sĩ nếu nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt có sự thay đổi bất thường.

Ngay cả khi không còn ý định sinh nở và không quan tâm đến việc không có kinh nguyệt thì vẫn nên đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Nồng độ estrogen thấp có thể dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Nguyên nhân

Suy buồng trứng nguyên phát có thể là do:

  • Các khiếm khuyết trong bộ nhiễm sắc thể: Một số rối loạn di truyền có thể là nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm, ví dụ như hội chứng Turner thể khảm (phụ nữ chỉ có một nhiễm sắc thể X bình thường trong khi nhiễm sắc thể X còn lại có vấn đề) hoặc hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy (tình trạng các nhiễm sắc thể X dễ vỡ và gãy).
  • Do độc tố: Hóa trị và xạ trị là những nguyên nhân phổ biến gây suy buồng trứng do độc tố. Những phương pháp điều trị ung thư này có thể làm hỏng vật liệu di truyền trong tế bào. Các chất độc khác như khói thuốc lá, hóa chất, thuốc trừ sâu và virus cũng có thể đẩy nhanh quá trình suy buồng trứng.
  • Phản ứng của hệ miễn dịch với mô buồng trứng (bệnh tự miễn): Ở dạng hiếm gặp này, hệ miễn dịch trong cơ thể tạo ra các kháng thể chống lại mô buồng trứng, gây hại cho các nang trứng và làm hỏng trứng. Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra các bệnh tự miễn nhưng việc tiếp xúc với virus là một trong các khả năng.
  • Yếu tố không xác định: Nguyên nhân gây suy buồng trứng nguyên phát thường không được xác định rõ (vô căn). Đôi khi dù đã làm nhiều xét nghiệm nhưng vẫn không thể tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Ai có nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát gồm có:

  • Tuổi tác cao: Nguy cơ bị suy buồng trứng nguyên phát sẽ tăng lên khi phụ nữ bước vào độ tuổi từ 35 đến 40. Mặc dù hiếm nhưng vấn đề này cũng có thể xảy ra trước 30 tuổi và thậm chí là ở độ tuổi thanh thiếu niên.
  • Tiền sử gia đình: Có người thân trong gia đình bị suy buồng trứng nguyên phát sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Từng phẫu thuật buồng trứng: Các ca phẫu thuật tác động đến buồng trứng có thể làm tăng nguy cơ suy buồng trứng nguyên phát.

Biến chứng

Các biến chứng của suy buồng trứng nguyên phát gồm có:

  • Vô sinh: Không còn khả năng mang thai là một biến chứng của suy buồng trứng nguyên phát. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, phụ nữ vẫn có thể mang thai cho đến khi buồng trứng ngừng rụng trứng hoàn toàn.
  • Loãng xương: Hormone estrogen giúp duy trì xương chắc khỏe. Nồng độ estrogen thấp sẽ khiến cho xương yếu và giòn (loãng xương) nên dễ gãy hơn.
  • Trầm cảm, lo âu: Nguy cơ vô sinh và các biến chứng khác do nồng độ estrogen thấp khiến một số phụ nữ trở nên trầm cảm, căng thẳng và lo âu.
  • Bệnh tim mạch: Nồng độ estrogen sụt giảm quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Biện pháp chẩn đoán

Hầu hết phụ nữ khi bị suy buồng trứng nguyên phát đều chỉ gặp phải một vài dấu hiệu và bác sĩ thường chủ yếu dựa trên dấu hiệu kinh nguyệt thất thường hoặc khó thụ thai để xác định vấn đề này. Bác sĩ sẽ hỏi về chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất độc hại, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị và phẫu thuật buồng trứng trước đây. Sau đó sẽ khám lâm sàng, bao gồm cả bước khám phụ khoa. Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm các biện pháp xét nghiệm dưới đây:

  • Thử thai: Dùng que thử thai hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra xem nguyên nhân gây mất kinh nguyệt có phải là do mang thai hay không.
  • Xét nghiệm đo nồng độ hormone: Kiểm tra nồng độ một số loại hormone trong máu, gồm có hormone kích thích nang trứng (FSH), estradiol (một loại estrogen) và prolactin (một loại hormone kích thích tiết sữa).
  • Một số gen hoặc khiếm khuyết di truyền: Có thể cần làm xét nghiệm karyotype (nhiễm sắc thể đồ) để tìm những bất thường trong bộ nhiễm sắc thể và xét nghiệm ADN để tìm ra đột biến trong gen FMR1 – một gen có liên quan đến hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy.

Điều trị

Các phương pháp điều trị suy buồng trứng nguyên phát thường nhằm mục đích khắc phục các vấn đề phát sinh do sự thiếu hụt estrogen. Các phương pháp này gồm có:

  • Liệu pháp estrogen: Liệu pháp estrogen có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và làm giảm tình trạng bốc hỏa cũng như là các triệu chứng khác do nồng độ estrogen thấp. Những phụ nữ từng phẫu thuật cắt tử cung chỉ cần dùng estrogen nhưng những người vẫn còn tử cung estrogen sẽ cần bổ sung thêm cả hormone progesterone để bảo vệ niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) khỏi những thay đổi tiền ung thư có thể xảy ra do chỉ dùng estrogen. Sự kết hợp của các hormone này có thể giúp phụ nữ có kinh nguyệt trở lại nhưng sẽ không phục hồi được chức năng buồng trứng. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu mà có thể duy trì liệu pháp hormone cho đến 50 hoặc 51 tuổi - độ tuổi mãn kinh tự nhiên. Ở phụ nữ lớn tuổi, việc sử dụng liệu pháp estrogen và progestin trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư vú. Tuy nhiên, ở phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng nguyên phát thì những lợi ích mà liệu pháp hormone mang lại sẽ nhiều hơn rủi ro.
  • Bổ sung canxi và vitamin D: Cả hai chất dinh dưỡng này đều có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa loãng xương, đặc biệt là ở những người mà chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ hoặc không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Có thể sẽ cần kiểm tra mật độ xương trước khi bắt đầu bổ sung canxi. Đối với những phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi, các chuyên gia khuyến nghị bổ sung khoảng 1.000 miligam (mg) canxi mỗi ngày thông qua chế độ ăn hoặc dùng viên uống còn đối với phụ nữ ngoài 50 tuổi thì tăng lên 1.200 mg canxi một ngày. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về liều lượng vitamin D cần cung cấp cho cơ thể hàng ngày. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành thì ban đầu nên bổ sung 600 đến 800 IU (đơn vị quốc tế) mỗi ngày, có thể bằng các loại thực phẩm hoặc dùng viên uống bổ sung. Nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ vitamin D trong máu thấp thì sẽ cần dùng liều cao hơn.

Điều trị vô sinh

Hiện chưa có phương pháp điều trị nào có thể khôi phục khả năng sinh sản cho những phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát. Những cặp vợ chồng bị vô sinh mà nguyên nhân là do người vợ bị suy buồng trứng có thể cân nhắc phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng trứng hiến tặng. Quy trình thực hiện gồm có lấy trứng từ người hiến tặng và cho thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong phòng thí nghiệm. Sau đó, trứng đã thụ tinh (phôi) sẽ được đưa vào tử cung của người vợ để mang thai.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu hiếm khi biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối cũng ít gây triệu chứng và các triệu chứng cũng không đặc hiệu, có nghĩa là giống như nhiều vấn đề sức khỏe lành tính phổ biến, ví dụ như u nang buồng trứng.

Hội chứng quá kích buồng trứng

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể xảy ra ở những phụ nữ trải qua quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc kích thích rụng trứng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây