Viêm đường mật nguyên phát

Viêm đường mật nguyên phát được coi là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh.

Viêm đường mật nguyên phát là gì?

Viêm đường mật nguyên phát (primary biliary cholangitis) hay còn được gọi là xơ gan mật tiên phát, là một bệnh mạn tính trong đó các ống dẫn mật trong gan bị phá hủy từ từ. Mật là chất dịch được tạo ra trong gan, có vai trò hỗ trợ tiêu hóa và giúp cơ thể loại bỏ cholesterol, độc tố và các hồng cầu bị hư hại.

Khi các ống dẫn mật bị hỏng, dịch mật có thể trào ngược trở lại trong gan và đôi khi dẫn đến hình thành sẹo không thể phục hồi trong mô gan. Tình trạng này được gọi là xơ gan.

Viêm đường mật nguyên phát được coi là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh. Khoa học cho rằng nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn như viêm đường mật nguyên phát là do sự kết hợp của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Bệnh này thường phát triển chậm. Có thể thể dùng thuốc để làm chậm quá trình tổn thương gan, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị từ sớm.

Triệu chứng

Hơn một nửa số trường hợp bị viêm đường mật nguyên phát không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào tại thời điểm chẩn đoán. Bệnh này đa phần được phát hiện sau khi làm xét nghiệm máu vì những lý do khác. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 5 đến 20 năm sau. Trong những trường hợp có triệu chứng tại thời điểm chẩn đoán thì tiên lượng thường kém hơn.

Một số dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm đường mật nguyên phát gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Da ngứa ngáy
  • Khô mắt và miệng
  • Các triệu chứng xuất hiện sau:
  • Đau vùng bụng trên bên phải
  • Lách to
  • Đau khớp xương hoặc cơ
  • Sưng phù bàn chân và mắt cá chân
  • Tích tụ dịch trong ổ bụng do suy gan (cổ trướng)
  • U vàng (những nốt nhỏ màu vàng hoặc thâm) nổi trên da ở quanh mắt, mí mắt hoặc nếp gấp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay và đầu gối
  • Vàng da và tròng trắng mắt
  • Sạm da (tăng sắc tố)
  • Xương yếu và giòn (loãng xương), có thể dẫn đến gãy xương
  • Nồng độ cholesterol trong máu cao
  • Tiêu chảy phân mỡ
  • Tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) với các triệu chứng như chán ăn, táo bón, da khô tái, sợ lạnh,  trí nhớ kém,…
  • Sụt cân

Nguyên nhân

Viêm đường mật nguyên phát và các bệnh tự miễn khác xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào trong cơ thể. Hiện khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân dẫn đến điều này.

Tình trạng viêm gan ở người bị viêm đường mật nguyên phát xảy ra khi các tế bào T (tế bào lympho T) - một loại bạch cầu - bắt đầu tập hợp trong gan. Bình thường, các tế bào miễn dịch này có chức năng phát hiện và chống lại vi trùng, chẳng hạn như vi khuẩn, virus. Nhưng đôi khi, chúng lại phá hủy nhầm các tế bào khỏe mạnh ở bề mặt các ống dẫn mật nhỏ trong gan và gây ra bệnh viêm đường mật nguyên phát.

Sau đó tình trạng viêm trong các ống dẫn mật này lan rộng và gây tổn hại các tế bào khác trong gan. Khi các tế bào chết đi, chúng bị thay thế bởi mô sẹo (sự xơ hóa) và dẫn đến xơ gan. Xơ gan là tình trạng mô gan khỏe mạnh trở thành mô sẹo và khiến gan không thể hoạt động một cách bình thường.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đường mật nguyên phát:

  • Giới tính: Hầu hết những người bị viêm đường mật nguyên phát là phụ nữ.
  • Tuổi tác: Viêm đường mật nguyên phát chủ yếu xảy ra ở những người từ 30 đến 60 tuổi.
  • Yếu tố di truyền: Nguy cơ bị viêm đường mật nguyên phát sẽ tăng cao nếu có một thành viên trong gia đình mắc bệnh này.
  • Các nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền kết hợp với một số yếu tố môi trường nhất định sẽ kích hoạt bệnh viêm đường mật nguyên phát. Các yếu tố môi trường này gồm có:
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng
  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại

Biện pháp chẩn đoán

Trước tiên bác sĩ sẽ lấy bệnh sử cá nhân và gia đình, sau đó hỏi về các triệu chứng.

Tiếp theo sẽ cần thực hiện các biện pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Xét nghiệm máu:
  • Đo nồng độ cholesterol: Hơn một nửa số trường hợp bị viêm đường mật nguyên phát có chỉ số lipid máu (mỡ máu) cao, bao gồm cả mức cholesterol toàn phần.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Phương pháp xét nghiệm máu này kiểm tra nồng độ các enzyme chỉ ra bệnh gan và tổn thương ống mật.
  • Xét nghiệm kháng thể để tìm các dấu hiệu của bệnh tự miễn: Xét nghiệm máu còn giúp phát hiện các kháng thể kháng ty thể (AMAs). Những kháng thể này hầu như không bao giờ có ở những người không bị viêm đường mật nguyên phát, kể cả những người bị các bệnh về gan khác. Vì vậy, nếu xét nghiệm AMA cho kết quả dương tính thì khả năng cao là đã bị viêm đường mật nguyên phát. Tuy nhiên, một số ít người bị bệnh này mà không có AMA.

Có thể không cần thiết phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, những phương pháp này sẽ giúp xác nhận chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra gan và đường mật gồm có:

  • Siêu âm: sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và đường mật.
  • Đo cộng hưởng từ đàn hồi (MRE): kết hợp cộng hưởng từ với sóng âm thanh để tạo ra bản đồ đàn hồi (elastogram) của các cơ quan nội tạng. Phương pháp này được sử dụng để phát hiện gan cứng – một dấu hiệu của bệnh xơ gan.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): đưa một ống mềm, dài xuống cổ họng và tiêm thuốc cản quang vào vị trí ống mật đổ dịch mật vào ruột non. Máy ảnh nhỏ gắn ở đầu ống nội soi sẽ cho thấy hình ảnh của đường mật. Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng có thể được kết hợp cùng hoặc thực hiện thay cho chụp cộng hưởng từ mật tụy. Tuy nhiên, phương pháp này xâm lấn hơn và còn đi kèm một số rủi ro, ví dụ như viêm tụy, nhiễm trùng túi mật hoặc đường mật, chảy máu. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ chụp cộng hưởng từ hiện nay mà phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng đã không còn được sử dụng nhiều nữa.

Nếu chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn thì có thể phải tiến hành sinh thiết gan. Bác sĩ đưa một cây kim mảnh qua đường rạch nhỏ trên da và lấy một mẫu mô gan nhỏ. Mẫu mô này được phân tích trong phòng thí nghiệm để xác nhận chẩn đoán hoặc xác định mức độ tiến triển (giai đoạn) của bệnh.

Điều trị

Điều trị bệnh

Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh viêm đường mật nguyên phát nhưng có nhiều loại thuốc để giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng:

  • Axit ursodeoxycholic (UDCA), còn được gọi là ursodiol: thường được sử dụng đầu tiên. Thuốc này có tác dụng hỗ trợ đưa dịch mật qua gan. UDCA không chữa khỏi viêm đường mật nguyên phát nhưng giúp cải thiện chức năng gan và giảm hình thành sẹo trong gan. Một số tác dụng phụ của UDCA gồm có tăng cân, rụng tóc và tiêu chảy.
  • Axit obeticholic: đây là loại thuốc mới nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA phê duyệt để điều trị bệnh viêm đường mật nguyên phát. Các nghiên cứu cho thấy rằng khi dùng một mình hoặc kết hợp với ursodiol trong thời gian 12 tháng, axit obeticholic sẽ giúp cải thiện chức năng gan.
  • Fibrate: Khi dùng chung với UDCA, fibrate giúp làm giảm tình trạng viêm gan và triệu chứng ngứa ngáy ở người bị viêm đường mật nguyên phát. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ về lợi ích lâu dài của thuốc này.
  • Các loại thuốc khác: Nhiều loại thuốc khác đã được sử dụng hoặc thử nghiệm trong điều trị viêm đường mật nguyên phát và cho ra nhiều kết quả khác nhau. Một số ví dụ gồm có methotrexate và colchicine.
  • Ghép gan: Khi các loại thuốc không còn kiểm soát được bệnh viêm đường mật nguyên phát và bắt đầu bị suy gan thì người bệnh sẽ cần phẫu thuật ghép gan để kéo dài thời gian sống. Gan của người bệnh sẽ được thay thế bằng gan khỏe mạnh từ người hiến tặng. Ghép gan mang lại kết quả rất tốt về lâu dài ở những người bị viêm đường mật nguyên phát. Tuy nhiên, đôi khi bệnh tái phát sau vài năm.

Điều trị triệu chứng

Ngoài các phương pháp kể trên, người bệnh có thể kết hợp thêm các biện pháp dưới đây để kiểm soát các triệu chứng viêm đường mật nguyên phát.

Giảm mệt mỏi

Viêm đường mật nguyên phát sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược. Một loại thuốc có tên là modafinil có thể giúp giảm triệu chứng này. Ngoài ra, người bệnh cũng cần ăn uống đủ chất và tập thể dục thường xuyên để giảm mệt mỏi.

Điều trị ngứa ngáy

  • Thuốc kháng histamine, ví dụ như diphenhydramine và loratadine. Những thuốc này có tác dụng giảm ngứa và nhờ đó giúp ngủ ngon giấc hơn.
  • Cholestyramine: là một loại thuốc dạng bột được trộn với thức ăn hoặc nước uống. Mặc dù cholestyramine có hiệu quả cao nhưng có nhược điểm là mùi vị khó chịu.
  • Rifampin: là một loại thuốc kháng sinh có thể điều trị ngứa với cơ chế là ngăn chặn phản ứng của não bộ với các chất hóa học gây ngứa trong máu.
  • Thuốc đối kháng opioid, ví dụ như naloxone và naltrexone: có tác dụng giúp giảm ngứa ngáy do bệnh gan. Giống như rifampin, loại thuốc này cũng giảm cảm giác ngứa bằng cách tác động đến não bộ.

Điều trị khô mắt và miệng

Nước mắt nhân tạo và nước bọt nhân tạo là những giải pháp giúp giảm tình trạng khô mắt và miệng do viêm đường mật nguyên phát. Những sản phẩm này có cả dạng kê đơn và không kê đơn. Ngoài ra, nhai kẹo cao su và ngậm kẹo cứng cũng sẽ kích thích tiết nhiều nước bọt hơn và giảm khô miệng.

Biến chứng

Khi gan bị tổn hại nghiêm trọng, bệnh viêm đường mật nguyên phát có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như:

  • Xơ gan: Xơ gan khiến gan khó hoạt động như bình thường và có thể dẫn đến suy gan. Điều này có nghĩa là bệnh viêm đường mật nguyên phát đã tiến triển sang giai đoạn cuối. Những người bị viêm đường mật nguyên phát và xơ gan có tiên lượng xấu và nguy cơ xảy ra các biến chứng khác cũng cao hơn.
  • Tăng áp tĩnh mạch cửa: Máu từ ruột, lá lách và tuyến tụy đi vào gan thông qua một mạch máu lớn được gọi là tĩnh mạch cửa. Khi mô sẹo do xơ gan gây cản trở sự lưu thông máu bình thường qua gan, máu sẽ chảy ngược trở lại. Điều này làm tăng áp lực bên trong tĩnh mạch cửa. Ngoài ra, vì máu không lưu thông bình thường qua gan nên thuốc và các chất độc sẽ không được lọc khỏi máu.
  • Lách to: Lá lách có thể bị to lên do các tế bào bạch cầu và tiểu cầu vì chất độc không được lọc ra khỏi máu như bình thường.
  • Sỏi mật và sỏi ống mật chủ: Khi dịch mật không thể chảy qua đường mật thì có thể sẽ cứng lại và tạo thành sỏi, gây đau đớn và nhiễm trùng.
  • Giãn tĩnh mạch: Khi sự lưu thông máu qua tĩnh mạch cửa bị chậm lại hoặc bị chặn thì máu có thể chảy ngược vào các mạch máu khác, thường là những mạch máu trong dạ dày và thực quản. Điều này làm tăng áp lực bên trong mạch máu, khiến cho các tĩnh mạch mỏng manh bị vỡ và dẫn đến chảy máu. Chảy máu ở phần trên của dạ dày hoặc thực quản là trường hợp khẩn cấp, có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp ngay lập tức.
  • Ung thư gan: Xơ gan làm tăng nguy cơ ung thư gan.
  • Loãng xương: Những người bị viêm đường mật nguyên phát có xương yếu, giòn và dễ gãy hơn.
  • Thiếu hụt vitamin: Việc thiếu dịch mật sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất béo và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E và K. Do đó, những người bị viêm đường mật nguyên phát thường bị thiếu hụt các vitamin này.
  • Suy giảm chức năng thần kinh (bệnh não gan): Một số người bị viêm đường mật nguyên phát kèm theo suy gan có những thay đổi về tính tình và có vấn đề về trí nhớ cũng như là khả năng tập trung.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh khác: Viêm đường mật nguyên phát có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa hoặc hệ miễn dịch, gồm có các vấn đề về tuyến giáp, xơ cứng bì hệ thống thể giới hạn (hội chứng CREST) ​​và viêm khớp dạng thấp.

Phòng ngừa biến chứng

Các biện pháp để ngăn ngừa một số biến chứng do viêm đường mật nguyên phát:

  • Tăng áp tĩnh mạch cửa: theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giãn tĩnh mạch ở những người bị bệnh gan.
  • Loãng xương: Tập thể dục đều đặn để tăng mật độ xương. Nếu bị loãng xương thì cần bổ sung canxi và vitamin D.
  • Thiếu hụt vitamin: Có thể bổ sung vitamin A, D, E và K để tăng lượng vitamin trong cơ thể.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm xơ đường mật nguyên phát

Ở hầu hết những người bị viêm xơ đường mật nguyên phát, bệnh tiến triển chậm nhưng cuối cùng có thể dẫn đến suy gan, nhiễm trùng tái đi tái lại và tạo thành khối u trong ống mật hoặc gan.

Suy buồng trứng nguyên phát

Suy buồng trứng nguyên phát thường bị nhầm với mãn kinh sớm nhưng thực chất đây là hai vấn đề khác nhau.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây