Tăng tiết mồ hôi

Hầu hết mọi người đều ra mồ hôi khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, ở trong môi trường có nhiệt độ cao hay rơi vào tình huống lo âu, căng thẳng. Khi bị chứng tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra lớn hơn nhiều so với bình thường.

Tăng tiết mồ hôi là gì?

Tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) là tình trạng ra mồ hôi nhiều bất thường, ngay cả khi nhiệt độ không cao hoặc không vận động thể chất. Lượng mồ hôi có thể nhiều đến mức thấm ướt quần áo hoặc chảy thành dòng trên cơ thể. Ngoài gây ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường hàng ngày, tăng tiết mồ hôi còn có thể gây lo lắng và tự ti.

Phương pháp điều trị chứng tăng tiết mồ hôi ban đầu thường là dùng thuốc giảm tiết mồ hôi. Nếu không hiệu quả thì sẽ phải thử sang các loại thuốc và liệu pháp điều trị khác. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ tuyến mồ hôi hoặc để ngắt kết nối các hạch thần kinh khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi.

Triệu chứng tăng tiết mồ hôi

Hầu hết mọi người đều ra mồ hôi khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, ở trong môi trường có nhiệt độ cao hay rơi vào tình huống lo âu, căng thẳng. Khi bị chứng tăng tiết mồ hôi, lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra lớn hơn nhiều so với bình thường.

Hiện tượng ra nhiều mồ hôi thường xảy ra ở bàn tay, bàn chân, nách hoặc mặt, ít nhất một lần mỗi tuần và thường là vào ban ngày. Tình trạng này thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể.

Khi nào cần đi khám?

Đôi khi, đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng.

Cần đi khám khi:

  • Tình trạng đổ mồ hôi ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày hoặc gây lo âu, mất tự tin
  • Đột nhiên bắt đầu ra nhiều mồ hôi hơn bình thường
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm mà không rõ nguyên nhân

Phải đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu tình trạng ra nhiều mồ hôi nhiều kèm theo triệu chứng choáng váng, đau tức ngực, khó thở hoặc buồn nôn.

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi

Ra mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thần kinh sẽ tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Hiện tượng ra mồ hôi, đặc biệt là ở lòng bàn tay, cũng thường xảy ra khi căng thẳng, lo lắng.

Dạng tăng tiết mồ hôi phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát (cơ bản). Ở dạng này, các dây thần kinh có chức năng truyền tín hiệu đến các tuyến mồ hôi trở nên hoạt động quá mức dù không được kích hoạt bởi hoạt động thể chất hay sự gia tăng nhiệt độ. Khi căng thẳng hoặc lo lắng, tình trạng này có thể còn trở nên nặng hơn. Tăng tiết mồ hôi khu trú nguyên phát thường xảy ra ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và mặt.

Chưa rõ nguyên nhân nào gây ra dạng tăng tiết mồ hôi này nhưng có thể một phần là do yếu tố di truyền.

Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi do một bệnh lý nào đó thì được gọi là chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát. Đây là dạng ít phổ biến hơn và thường gây đổ mồ hôi toàn thân. Các bệnh lý có thể dẫn đến tăng tiết mồ hôi thứ phát gồm có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh
  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Đường huyết thấp
  • Một số loại ung thư
  • Nhồi máu cơ tim
  • Rối loạn hệ thần kinh
  • Nhiễm trùng

Một số loại thuốc cũng có thể gây đổ nhiều mồ hôi, ví dụ như thuốc điều trị đau nửa đầu, thuốc trị tiểu đường, trầm cảm,… và việc đột ngột dừng một số loại thuốc cũng gây ra hiện tượng tương tự, ví dụ như thuốc giảm đau nhóm opioid.

Các vấn đề có thể phát sinh do tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi có thể dẫn đến những vấn đề như:

  • Nhiễm trùng: những người ra nhiều mồ hôi dễ bị nhiễm trùng da hơn.
  • Ảnh hưởng tâm lý: tình trạng bàn tay lúc nào cũng nhiều mồ hôi hoặc áo quần ướt đẫm khiến nhiều người cảm thấy tự ti, xấu hổ.

Biện pháp chẩn đoán

Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng. Sau đó sẽ cần tiến hành một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân tiềm ẩn của vấn đề.

Xét nghiệm

Có thể cần xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc các xét nghiệm khác để kiểm tra xem tình trạng đổ mồ hôi nhiều có phải là do bệnh lý nào hay không, chẳng hạn như tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).

Các phương pháp kiểm tra khác

Đôi khi sẽ cần thực hiện một số biện pháp kiểm tra khác để xác định khu vực bị ra nhiều mồ hôi và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Các biện pháp này gồm có thử nghiệm i-ốt – tinh bột, đo độ dẫn điện của da và test mồ hôi điều nhiệt (thermoregulatory sweat test).

Điều trị tăng tiết mồ hôi

Nếu chứng tăng tiết mồ hôi là do một vấn đề sức khỏe thì cần phải điều trị vấn đề đó. Nếu không tìm được nguyên nhân thì việc điều trị sẽ tập trung vào mục đích kiểm soát tình trạng ra quá nhiều mồ hôi. Đôi khi cần phải kết hợp nhiều phương pháp điều trị lại với nhau. Và ngay cả khi tình trạng tăng tiết mồ hôi được cải thiện sau điều trị thì vẫn có thể tái phát.

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng tăng tiết mồ hôi gồm có:

  • Thuốc giảm tiết mồ hôi kê đơn: Bác sĩ thường sẽ kê thuốc giảm tiết mồ hôi chứa nhôm clorua (aluminum chloride). Loại thuốc này thường được bôi lên vùng da ra nhiều mồ hôi trước khi đi ngủ và rửa sạch vào sáng hôm sau. Loại thuốc này có thể gây kích ứng da và mắt nên phải cẩn thận khi bôi để thuốc không dính vào mắt.
  • Các loại thuốc bôi kê đơn khác: Thuốc kê đơn có chứa glycopyrrolate có thể giúp cải thiện tình trạng tăng tiết mồ hôi xảy ra ở đầu và mặt.
  • Thuốc ức chế thần kinh: Một số loại thuốc uống có tác dụng ngăn cản sự dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp làm giảm sự tiết mồ hôi. Các tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có khô miệng, mờ mắt và các vấn đề về bàng quang.
  • Thuốc chống trầm cảm; Một số loại thuốc điều trị trầm cảm cũng có thể làm giảm tiết mồ hôi. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn giúp giảm lo âu, căng thẳng – nguyên nhân làm trầm trọng thêm chứng tăng tiết mồ hôi.
  • Tiêm Botulinum toxin: Tiêm các loại Botulinum toxin (ví dụ như Botox, Myobloc,…) có thể tạm thời ức chế các dây thần kinh gây đổ mồ hôi. Da sẽ được chườm đá hoặc gây mê trước khi tiêm và mỗi một vùng cần điều trị sẽ phải tiêm nhiều lần. Hiệu quả thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng và sau đó sẽ phải tiếp tục tiêm. Phương pháp điều trị này có thể gây đau nhức, bầm tím, sưng tấy và chảy máu tại vị trí tiêm. Ngoài ra, một số người còn bị yếu cơ tạm thời sau khi tiêm Botulinum toxin.

Phẫu thuật và các liệu pháp điều trị

Ngoài dùng thuốc, chứng tăng tiết mồ hôi còn có thể được điều trị bằng các liệu pháp điều trị và phẫu thuật:

  • Liệu pháp vi sóng: Một thiết bị phát ra năng lượng vi sóng được đặt lên da để phá hủy các tuyến mồ hôi. Một liệu trình thường gồm có 2 buổi, mỗi buổi kéo dài 20 đến 30 phút, cách nhau 3 tháng. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là thay đổi cảm giác da và hơi khó chịu. Ngoài ra, liệu pháp này khá tốn kém và không được ứng dụng phổ biến.
  • Cắt tuyến mồ hôi: Nếu tình trạng ra nhiều mồ hôi chỉ xảy ra ở nách thì có thể điều trị bằng cách phẫu thuật cắt tuyến mồ hôi. Hiện nay có một kỹ thuật xâm lấn tối thiểu gọi là nạo hút tuyến mồ hôi nách để điều trị tăng tiết mồ hôi và hôi nách.
  • Cắt hạch giao cảm: trong thủ thuật này, bác sĩ cắt, đốt hoặc kẹp các dây thần kinh tủy sống kiểm soát sự tiết mồ hôi ở tay. Thủ thuật cắt hạch giao cảm có thể giảm tiết mồ hôi ở lòng bàn tay nhưng đôi khi lại dẫn đến ra nhiều mồ hôi ở các vùng khác trên cơ thể (đổ mồ hôi bù trừ). Phương pháp điều trị này không phù hợp với trường hợp bị tăng tiết mồ hôi ở đầu và cổ. Một kỹ thuật biến thể của thủ thuật cắt hạch giao cảm là làm gián đoạn các tín hiệu thần kinh mà không cắt bỏ hạch thần kinh.

Các biện pháp khắc phục khác

Có thể thử các cách dưới đây để đối phó với chứng tăng tiết mồ hôi và mùi cơ thể:

  • Sử dụng sản phẩm giảm tiết mồ hôi: các sản phẩm giảm tiết mồ hôi không kê đơn có chứa các hợp chất gốc nhôm có tác dụng tạm thời bít lỗ chân lông. Điều này làm giảm lượng mồ hôi tiết ra bề mặt da. Các sản phẩm này có thể điều trị chứng tăng tiết mồ hôi nhẹ.
  • Bôi chất làm se: bôi các sản phẩm không kê đơn có chứa axit tannic lên vùng bị ra nhiều mồ hôi có thể cải thiện vấn đề.
  • Tắm rửa hàng ngày: tắm thường xuyên giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn trên da. Lau khô người thật kỹ, đặc biệt là ở các kẽ ngón chân và vùng dưới cánh tay.
  • Chọn giày và tất làm bằng chất liệu tự nhiên: giày và tất làm bằng chất liệu tự nhiên, chẳng hạn như da và cotton, thường thoáng khí hơn và giúp giảm mồ hôi chân. Nếu phải vận động nhiều thì nên chọn tất thể thao bằng chất liệu hút ẩm.
  • Thay tất thường xuyên: thay tất 1 – 2 lần một ngày, rửa và lau khô chân trước khi đi tất mới. Có thể sử dụng bột khử mùi hôi chân để thấm mồ hôi và ngăn mùi khó chịu.
  • Đi chân trần: khi ngồi làm việc, nếu có thể thì nên tháo giày và đi dép. Khi về đến nhà nên đi chân trần để giảm ra mồ hôi.
  • Chọn quần áo phù hợp với hoạt động: nên mặc đồ bằng chất liệu vải tự nhiên, chẳng hạn như cotton để da được thoáng khí và thấm hút mồ hôi.
  • Thử các biện pháp thư giãn: các biện pháp thư giãn như yoga, thiền và phản hồi sinh học (biofeedback) giúp kiểm soát căng thẳng và giảm đổ mồ hôi.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

U thần kinh nội tiết tuyến tụy

Việc điều trị u thần kinh nội tiết tuyến tụy sẽ tùy thuộc vào loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh, mức độ lan rộng và đặc điểm của bệnh ung thư cũng như là tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã đôi khi sẽ tự khỏi nhưng đa phần thì đây là một vấn đề mạn tính và triệu chứng bùng phát thành từng đợt.

Dày sừng tiết bã

Dày sừng tiết bã là vấn đề lành tính và không lây, không cần điều trị nhưng có thể lựa chọn loại bỏ nếu thường xuyên bị kích ứng do cọ xát với quần áo hoặc gây ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây