Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Hội chứng Sweet là gì?

Hội chứng Sweet, hay còn được gọi là bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính có sốt cấp tính, là một bệnh về da không phổ biến. Bệnh này gây sốt và phát ban da đau đớn, các triệu chứng xảy ra chủ yếu trên cánh tay, mặt và cổ.

Hiện nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Sweet vẫn chưa được xác định rõ nhưng đôi khi, bệnh này được kích hoạt bởi nhiễm trùng, các bệnh lý khác hoặc thuốc. Hội chứng Sweet cũng có thể xảy ra khi mắc một số loại ung thư.

Phương pháp phổ biến nhất để điều trị hội chứng Sweet là dùng các loại thuốc corticoid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisone. Các triệu chứng thường biến mất chỉ sau vài ngày điều trị nhưng có thể sẽ tái phát.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Sweet gồm có:

  • Sốt
  • Nổi các sẩn màu đỏ, đau đớn trên cánh tay, mặt, cổ hoặc lưng
  • Các sẩn to lên nhanh chóng và lan rộng tạo thành cụm gây đau đớn, đường kính có thế lên đến vài cm

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu phát hiện thấy có những sẩn đỏ, đau đớn trên da và tăng kích thước nhanh chóng.

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu hoặc các bệnh ung thư khác như ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng. Hội chứng Sweet cũng có thể xảy ra do phản ứng với thuốc, mà phổ biến nhất là loại thuốc kích thích sản xuất bạch cầu.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù hội chứng Sweet không phổ biến nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, ví dụ như:

  • Giới tính: Nói chung, phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng Sweet cao hơn nam giới.
  • Tuổi tác: Mặc dù người lớn tuổi và thậm chí trẻ sơ sinh đều có thể bị hội chứng Sweet nhưng bệnh này chủ yếu xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 60.
  • Ung thư: Hội chứng Sweet đôi khi có liên quan đến ung thư, thường là bệnh bạch cầu nhưng cũng có thể là ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng.
  • Các vấn đề sức khỏe khác: Hội chứng Sweet có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiều người nhận thấy các triệu chứng giống như cúm trước khi các sẩn đỏ xuất hiện. Hội chứng Sweet cũng có thể liên quan đến bệnh viêm ruột.
  • Mang thai: Một số phụ nữ bị hội chứng Sweet trong thời gian mang thai.
  • Nhạy cảm với thuốc: Hội chứng Sweet có thể là do phản ứng với một số loại thuốc, ví dụ như azathioprine, yếu tố kích thích tăng sinh dòng bạch cầu hạt nội sinh (G-CSF), thuốc kháng sinh và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Các biến chứng

Các tổn thương da do hội chứng Sweet có nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, cần cẩn thận chăm sóc vùng da bị tổn thương theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong trường hợp hội chứng Sweet có liên quan đến bệnh ung thư thì các sẩn đỏ trên da có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ da liễu có thể chẩn đoán hội chứng Sweet khi quan sát các triệu chứng trên da. Tuy nhiên, có thể cần phải xét nghiệm máu và sinh thiết để xác nhận chẩn đoán:

  • Xét nghiệm máu: lấy một mẫu máu nhỏ và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Phương pháp này giúp phát hiện số lượng bạch cầu cao bất thường và một số rối loạn về máu.
  • Sinh thiết da: bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ ở vùng da bị tổn thương để kiểm tra dưới kính hiển vi xem có những biểu hiện đặc trưng của hội chứng Sweet hay không.

Phương pháp điều trị

Hội chứng Sweet có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, dùng thuốc có thể đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Loại thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh này là corticosteroid:

  • Thuốc uống: Corticosteroid đường uống, chẳng hạn như prednisone, thường cho hiệu quả rất cao nhưng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương pháp điều trị cần thiết, trừ khi chỉ có một vài vùng da tổn thương nhỏ. Việc sử dụng corticosteroid đường uống trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng cân, mất ngủ và loãng xương.
  • Kem bôi hoặc thuốc mỡ: Corticosteroid tại chỗ được bôi trực tiếp lên vùng da có triệu chứng. Tác dụng phụ là có thể khiến da mỏng đi.
  • Corticosteroid dạng tiêm: Một lựa chọn khác là tiêm một lượng nhỏ corticosteroid vào ngay vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, cách này thường không phù hợp đối với những trường hợp có triệu chứng lan rộng.

Người bệnh sẽ cần dùng thuốc trong vài tuần để ngăn ngừa tái phát. Đối với những trường hợp không thể dùng corticosteroid lâu dài thì bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc khác như:

  • Dapsone
  • Kali iotua
  • Colchicine 

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân nào gây tăng cân trong thời kỳ mãn kinh và cách khắc phục

Dễ tăng cân và khó giảm cân khi bước vào thời kỳ mãn kinh là điều mà rất nhiều phụ nữ gặp phải.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây