Ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu vì có dấu hiệu là chảy máu âm đạo bất thường. Nếu được chẩn đoán sớm thì có thể chữa khỏi bệnh ung thư này bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung là gì?

Ung thư nội mạc tử cung là một dạng ung thư phát sinh từ tử cung. Tử cung là một cơ quan rỗng nằm trong vùng chậu, có hình quả lê và là nơi mà thai nhi phát triển trong suốt thai kỳ.

Ung thư nội mạc tử cung bắt đầu xảy ra ở lớp tế bào bao phủ bề mặt bên trong của tử cung (tế bào nội mạc tử cung hay niêm mạc tử cung). Ung thư nội mạc tử cung thường được gọi ngắn gọn là ung thư tử cung. Các bệnh ung thư khác cũng bắt đầu từ tử cung còn có sarcoma tử cung nhưng các bệnh này ít phổ biến hơn nhiều so với ung thư nội mạc tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung thường được phát hiện ngay ở giai đoạn đầu vì có dấu hiệu là chảy máu âm đạo bất thường. Nếu được chẩn đoán sớm thì có thể chữa khỏi bệnh ung thư này bằng cách phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Các triệu chứng

Một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung gồm có:

  • Chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Khí hư bất thường
  • Đau vùng chậu
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Khó tiểu hoặc đau đớn khi đi tiểu
  • Đau bụng dưới, lưng hoặc chân. Các triệu chứng này xảy ra khi ung thư lan đến các cơ quan khác của cơ thể
  • Sụt cân

Khi nào cần đi khám?

Khi có các dấu hiệu nêu trên hay bất cứ biểu hiện nào bất thường thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư nội mạc tử cung xảy ra do những thay đổi (đột biến) trong DNA của các tế bào mà ở đây là tế bào niêm mạc tử cung.

Đột biến biến các tế bào bình thường, khỏe mạnh thành các tế bào bất thường. Các tế bào khỏe mạnh phát triển và nhân lên ở một tốc độ nhất định rồi sau một thời gian sẽ chết đi. Tuy nhiên, các tế bào bị đột biến lại phát triển và nhân lên một cách mất kiểm soát và chúng cũng không chết đi theo chu kỳ giống như tế bào bình thường. Các tế bào bất thường này tích tụ lại tạo thành khối u. Sau đó, các tế bào ung thư trong khối u xâm lấn vùng mô lân cận và tách khỏi khối u ban đầu rồi lây lan (di căn) sang các nơi khác trong cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung gồm có:

  • Mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể: Buồng trứng tạo ra hai nội tiết tố (hormone) nữ chính là estrogen và progesterone. Sự mất cân bằng giữa các hormone này gây ra những thay đổi trong nội mạc tử cung. Một bệnh lý hay vấn đề làm tăng nồng độ estrogen nhưng lại không làm tăng nồng độ progesterone có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, ví dụ như sự rụng trứng không đều xảy ra do hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì và tiểu đường. Uống các loại thuốc nội tiết tố chỉ chứa estrogen mà không chứa progesterone sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Một loại khối u buồng trứng hiếm gặp tiết ra estrogen cũng có thể dẫn đến ung thư nội mạc tử cung.
  • Bắt đầu có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn: Bắt đầu có kinh ở độ tuổi sớm hơn bình thường (trước 12 tuổi) hoặc bắt đầu mãn kinh muộn hơn bình thường sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Lý do là bởi số năm có kinh nguyệt càng nhiều thì thời gian mà niêm mạc tử cung phải tiếp xúc với estrogen càng dài.
  • Chưa từng mang thai: Những phụ nữ chưa từng mang thai sẽ có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người đã từng mang thai ít nhất một lần.
  • Tuổi tác cao: Càng lớn tuổi thì nguy cơ ung thư nội mạc tử cung càng tăng. Ung thư nội mạc tử cung xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi sau mãn kinh.
  • Béo phì: Béo phì cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Nguyên nhân có thể xảy ra do lượng mỡ thừa trong cơ thể làm thay đổi sự cân bằng hormone.
  • Liệu pháp hormone điều trị ung thư vú: Dùng tamoxifen – một loại thuốc nội tiết tố để điều trị bệnh ung thư vú - có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Nếu đang dùng thuốc này thì hãy hỏi bác sĩ về nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì lợi ích của tamoxifen lớn hơn nhiều so với nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
  • Hội chứng Lynch: Hội chứng Lynch, hay còn được gọi là ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (hereditary nonpolyposis colorectal cancer - HNPCC), là một hội chứng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và các bệnh ung thư khác, gồm có cả ung thư nội mạc tử cung. Nguyên nhân gây hội chứng Lynch là do đột biến gen truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu một thành viên trong gia đình mắc hội chứng này thì cần đi khám và báo cho bác sĩ để làm các phương pháp xét nghiệm cần thiết. Nếu bản thân mắc hội chứng Lynch thì cần làm xét nghiệm tầm soát ung thư theo chỉ định.

Biện pháp chẩn đoán

Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung gồm có:

  • Khám lâm sàng: Trong khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra cẩn thận phần bên ngoài của bộ phận sinh dục (âm hộ) và sau đó đưa ngón tay vào trong âm đạo, đồng thời ấn tay kia lên thành bụng để đánh giá tử cung cùng với buồng trứng. Một dụng cụ gọi là mỏ vịt sẽ được đưa vào âm đạo. Dụng cụ này có tác dụng mở rộng âm đạo để bác sĩ có thể quan sát và tìm các dấu hiệu bất thường.
  • Siêu âm: Thường sẽ cần siêu âm qua đường âm đạo để kiểm tra độ dày và kết cấu của nội mạc tử cung cũng như là loại trừ các bệnh lý khác. Trong quy trình này, một đầu dò siêu âm thuôn dài được đưa vào âm đạo. Đầu dò này phát ra sóng âm thanh để thu hình ảnh video của tử cung. Phương pháp này giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường trong niêm mạc tử cung.
  • Nội soi buồng tử cung: Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa một thiết bị có đầu nhỏ hẹp, có gắn đèn và camera (ống nội soi tử cung) qua âm đạo và cổ tử cung vào trong tử cung. Hình ảnh hiển thị trên màn hình cho phép bác sĩ kiểm tra bên trong tử cung và nội mạc tử cung.
  • Sinh thiết: Dùng dụng cụ chuyên dụng lấy một mẫu mô từ niêm mạc tử cung và đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm. Quá trình sinh thiết nội mạc tử cung có thể được thực hiện mà không cần phải gây mê.
  • Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung: Nếu không thể lấy đủ mẫu mô trong quá trình sinh thiết hoặc nếu kết quả sinh thiết không rõ ràng thì có thể cần phải tiến hành thủ thuật nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung (D&C). Trong quá trình này, mô được nạo từ niêm mạc tử cung và kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.

Xác định giai đoạn ung thư nội mạc tử cung

Khi đã kết luận ung thư, bác sĩ sẽ tiếp tục xác định giai đoạn (mức độ lan rộng) của ung thư. Các phương pháp được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư gồm có chụp X-quang lồng ngực, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) và xét nghiệm máu. Đôi khi, giai đoạn ung thư chỉ có thể được xác định khi làm phẫu thuật điều trị.

Ung thư nội mạc tử cung được chia thành 4 giai đoạn, từ I đến IV. Ở giai đoạn I hay giai đoạn đầu, ung thư chưa phát triển ra bên ngoài tử cung. Sang đến giai đoạn IV, tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận, chẳng hạn như bàng quang và di căn đến các cơ quan khác ở xa trong cơ thể.

Điều trị ung thư nội mạc tử cung

Phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung thường là phẫu thuật cắt bỏ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Một lựa chọn khác là xạ trị. Các phương pháp điều trị bằng thuốc gồm có hóa trị và liệu pháp hormone để ngăn chặn các hormone mà tế bào ung thư cần. Ngoài ra còn có liệu pháp nhắm trúng đích - sử dụng thuốc tấn công các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư và liệu pháp miễn dịch để giúp hệ miễn dịch cơ thể chống lại ung thư.

Phẫu thuật

Các trường hợp ung thư nội mạc tử cung thường phải phẫu thuật để cắt bỏ tử cung cùng với ống dẫn trứng và buồng trứng. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn khả năng mang thai trong tương lai. Ngoài ra, một khi buồng trứng bị cắt bỏ thì sẽ ngay lập tức bước vào thời kỳ mãn kinh, cho dù chưa đến tuổi.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra khu vực xung quanh tử cung để tìm các dấu hiệu cho thấy tế bào ung thư đã lan rộng. Thường sẽ phải cắt hạch bạch huyết để làm xét nghiệm. Điều này giúp xác định giai đoạn ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm năng lượng phóng xạ mạnh, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định xạ trị để giảm nguy cơ tái phát ung thư sau phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị cũng thường được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và giúp cho việc loại bỏ được dễ dàng hơn.

Với những trường hợp không đủ sức khỏe để làm phẫu thuật thì xạ trị sẽ làm phương án điều trị thay thế.

Có hai dạng xạ trị là:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Máy xạ trị nhắm tia phóng xạ đến các vị trí có khối u.
  • Xạ trị áp sát hay xạ trị trong: Đưa nguồn chứa phóng xạ vào ngay bên cạnh khối u trong cơ thể. Nguồn phóng xạ sẽ được lấy ra sau một khoảng thời gian ngắn.

Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể chỉ cần điều trị bằng một loại thuốc hóa trị duy nhất hoặc phải kết hợp từ hai loại thuốc trở lên. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch. Những loại thuốc này đi vào máu và sau đó lan khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Hóa trị đôi khi được thực hiện sau khi phẫu thuật nếu có nguy cơ ung thư tái phát cao. Phương pháp này cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u và giúp loại bỏ hoàn toàn một cách dễ dàng hơn.

Hóa trị thường được chỉ định để điều trị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối hoặc các trường hợp ung thư tái phát và đã di căn ra ngoài tử cung.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone là phương pháp sử dụng các loại thuốc để làm giảm nồng độ hormone trong cơ thể. Các tế bào ung thư phải dựa vào những hormone này để phát triển nên khi nồng độ hormone giảm, chúng sẽ chết đi. Đây là một lựa chọn điều trị cho những trường hợp bị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã lan ra ngoài tử cung.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhắm mục tiêu và tấn công những điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những điểm yếu này, liệu pháp nhắm trúng đích có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị liệu để điều trị ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch chống lại ung thư. Hệ miễn dịch của cơ thể vốn có vai trò chống lại bệnh tật nhưng lại thường không thể tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này tạo ra protein “làm mù” các tế bào miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch hoạt động với cơ chế can thiệp vào quá trình sản xuất protein này. Đối với ung thư nội mạc tử cung, liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc nếu ung thư đã tiến triển sang giai đoạn cuối và các phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả.

Chăm sóc giảm nhẹ

Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp nhằm mục đích giảm đau và các triệu chứng khác của các bệnh hiểm nghèo, ví dụ như ung thư. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn, tư vấn người bệnh và người thân, bạn bè về các biện pháp chăm sóc cần thiết. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được thực hiện trong thời gian điều trị tích cực, chẳng hạn như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Việc kết hợp chăm sóc giảm nhẹ cùng với các phương pháp điều trị khác sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung thì nên:

  • Nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro của liệu pháp hormone thay thế sau khi mãn kinh: Nếu như đang cân nhắc dùng liệu pháp hormone thay thế để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh thì hãy nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích. Trừ khi đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung, việc chỉ bổ sung estrogen mà không có progesterone sau khi mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Dùng kết hợp cả estrogen và progestin có thể làm giảm nguy cơ này. Liệu pháp hormone thay thế còn có những rủi ro khác nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Uống thuốc tránh thai: Sử dụng thuốc tránh thai trong ít nhất một năm có thể làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tác dụng này có thể sẽ kéo dài trong vài năm sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có tác dụng phụ nên cần thận trọng.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nên hãy cố gắng đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu đang bị thừa cân, béo phì thì hãy thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để giảm lượng calo nạp vào và kết hợp thói quen tập thể dục thường xuyên để tăng lượng calo đốt cháy mỗi ngày.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U xơ tử cung

thông tin

Polyp tử cung

Polyp tử cung có kích thước đa dạng, từ chỉ vài mm cho đến vài cm hoặc lớn hơn.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Tử cung đôi

Tử cung đôi thường không biểu hiện triệu chứng. Vấn đề này thường được phát hiện ra khi khám phụ khoa định kỳ.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung gây đau, nhiều khi còn đau đớn dữ dội, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt. Vấn đề này còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, hiện nay đã có các phương pháp điều trị vấn đề này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây