Vắc-xin phòng cúm

Cúm là một bệnh phổ biến và có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng cách tiêm vắc-xin hàng năm.

Tại sao nên tiêm phòng cúm?

Các lý do nên tiêm vắc-xin phòng cúm:

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh cúm ở trẻ nhỏ và người lớn
  • Giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn bị cúm.
  • Tránh gây gián đoạn việc học tập và làm việc do cúm.
  • Giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc ở những người đang mắc các bệnh mạn tính.
  • Tránh lây lan bệnh sang người khác, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi – độ tuổi chưa thể tiêm phòng cúm.

Lịch tiêm vắc-xin

Nên bắt đầu tiêm vắc-xin phòng cúm từ 6 tháng tuổi và tiêm nhắc lại đình kỳ hàng năm vào mùa cúm. Một số trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi có thể cần tiêm 2 liều để đạt được hiệu quả cao nhất. Mùa cúm thay đổi theo từng năm nhưng tiêm vào bất cứ thời điểm nào cũng đều sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh.

Đối với những trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi được tiêm phòng cúm lần đầu tiên và những trẻ mới chỉ tiêm một mũi trước đây thì nên tiêm hai mũi. Nếu trước đây trẻ đã được tiêm 2 mũi vắc-xin phòng cúm (vào bất kỳ độ tuổi nào) thì chỉ cần tiêm 1 mũi vào mùa sau.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC khuyến nghị mỗi người nên tiêm phòng cúm hàng năm. Phụ nữ nên tiêm vào mỗi lần mang thai để bảo vệ cả mẹ và con khỏi bệnh cúm.

Có những loại vắc-xin phòng cúm nào?

Vắc-xin cúm dạng tiêm được sử dụng cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra còn có vắc-xin cúm dạng xịt mũi, có thể dùng cho người từ 2 đến 49 tuổi. Tuy nhiên, một số người có bệnh lý tiềm ẩn không nên sử dụng dạng vắc-xin này. Bác sĩ sẽ tư vấn loại vắc-xin ngừa cúm phù hợp nhất.

Đang mang thai có nên tiêm vắc-xin cúm không?

Ở phụ nữ mang thai, việc tiêm vắc-xin phòng cúm lại càng cần thiết. Những thay đổi về chức năng miễn dịch, tim và phổi trong thai kỳ sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng khi bị cúm và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. CDC khuyến nghị phụ nữ nên tiêm phòng cúm vào mỗi lần mang thai. Có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ. Việc tiêm vắc-xin không chỉ có ích cho mẹ mà còn giúp bảo vệ em bé sau khi sinh không bị cúm cùng các biến chứng liên quan. Kháng thể mà cơ thể người mẹ tạo ra sau khi tiêm vắc-xin sẽ được truyền sang cho thai nhi trong thai kỳ.

Tính an toàn của vắc-xin cúm

Vắc-xin phòng cúm rất an toàn. Trước khi được sử dụng rộng rãi, mỗi loại vắc-xin đều phải trải qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn. Trong lịch sử vài chục năm kể từ khi vắc-xin cúm ra đời cho đến nay, gần như chưa có bất cứ trường hợp nào xảy ra vấn đề nghiêm trọng sau khi tiêm.

Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, vắc-xin cũng đi kèm với một số tác dụng phụ nhưng đa phần chỉ rất nhẹ và tự hết trong vòng vài ngày.

Các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin

Một số tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm phòng cúm:

  • Đau nhức, mẩn đỏ và sưng tấy tại vị trí tiêm
  • Nhức đầu
  • Sốt
  • Buồn nôn
  • Đau cơ

Các tác dụng phụ của vắc-xin ngừa cúm dạng xịt mũi:

  • Sổ mũi
  • Thở khò khè
  • Đau đầu
  • Nôn mửa
  • Đau cơ

Nếu có thì những hiện tượng này thường bắt đầu xảy ra ngay sau khi tiêm hoặc xịt vắc-xin và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.

Tại sao cần tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm?

Virus gây bệnh cúm thay đổi liên tục nên mỗi năm vắc-xin được lại nghiên cứu và sản xuất mới để bảo vệ khỏi các chủng virus có khả năng gây bệnh cao nhất trong năm đó. Ngoài ra, hiệu quả của vắc-xin phòng cúm sẽ mất dần theo thời gian. Mặc dù sau khi tiêm, cơ thể sẽ được bảo vệ trong suốt mùa cúm nhưng sẽ phải tiêm lại vào mùa cúm tiếp theo.

Nguyên nhân gây bệnh cúm

Cúm hay cảm cúm là một bệnh do virus influenza gây ra. Virus này xâm nhập vào mũi, đường hô hấp trên, cổ họng và phổi. Bệnh cúm rất dễ lây và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc một số bệnh mạn tính như hen suyễn và tiểu đường.

Các triệu chứng cúm

Các triệu chứng của bệnh cúm gồm có:

  • Sốt (không phải ai bị cúm cũng gặp triệu chứng này)
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Ho
  • Hắt hơi liên tục
  • Đau rát họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ
  • Mệt mỏi
  • Nôn mửa và/hoặc tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em hơn là người lớn)

Hầu hết những người bị cúm sẽ khỏi bệnh trong vài ngày đến hai tuần.

Biến chứng của bệnh cúm

Có hàng triệu trẻ em mắc bệnh cúm và hàng nghìn trẻ em phải nhập viện mỗi năm. Những trẻ dưới 5 tuổi (nhất là dưới 2 tuổi) và trẻ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh não hoặc thần kinh là những đối tượng có nguy cơ cao phải nhập viện do cúm.

Ở những người có nguy cơ cao, bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi, dẫn đến phải nhập viện điều trị và thậm chí tử vong.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh thay đổi theo từng mùa cúm.

Bệnh cúm lây lan như thế nào?

Virus cúm lây lan chủ yếu qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Một người cũng có thể bị lây cúm khi chạm vào bề mặt hoặc đồ vật dính virus và sau đó đưa tay lên miệng, mũi hoặc mắt.

Người bị cúm có thể lây bệnh cho người khác từ một ngày trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cho đến 5 - 7 ngày sau khi khỏi bệnh. Trẻ nhỏ và những người bị bệnh nặng sẽ lâu khỏi hơn.

Tiêm vắc-xin cúm có gây bệnh cúm không?

Vắc-xin cúm không gây ra bệnh cúm. Vắc-xin cúm (dạng tiêm) hiện được sản xuất theo hai cách là:

  • Sử dụng virus cúm đã bị “bất hoạt” (bị tiêu diệt) và do đó sẽ không gây bệnh cho người được tiêm
  • Chỉ sử dụng một gen duy nhất từ ​​virus cúm thay vì toàn bộ virus để tạo ra đáp ứng miễn dịch mà không gây bệnh.

Tiêm vắc-xin sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm. Tuy nhiên, việc tiêm phòng đôi khi có thể gây ra các phản ứng phụ nhẹ giống với triệu chứng cúm, ví dụ như đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, sốt. Có thể phải sau khoảng 2 tuần kể từ khi tiêm vắc-xin thì cơ thể mới hình thành khả năng miễn dịch chống lại virus cúm.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu

Thủy đậu là một bệnh do virus varicella zoster gây ra, với triệu chứng đặc trưng là phát ban kèm theo ngứa, nổi mụn nước và sốt.

Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu

Tiêm đủ 5 mũi vắc-xin DTaP và một mũi nhắc lại với vắc-xin Tdap là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Vắc-xin phòng viêm gan A

Tiêm đủ 2 liều vắc-xin là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm gan A.

Vắc-xin phòng viêm gan B

Tiêm đủ ba liều vắc-xin viêm gan B cho trẻ là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Vắc-xin phòng bệnh sởi

Tiêm đủ hai liều vắc-xin MMR cho trẻ em là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh sởi, quai bị và rubella.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây