Viêm cầu thận

Viêm cầu thận là tình trạng viêm xảy ra ở cầu thận - cấu trúc được tạo nên từ các mạch máu nhỏ trong thận. Những mạch máu có chức năng lọc máu để loại bỏ chất lỏng thừa và chất thải. Khi cầu thận bị hỏng, thận sẽ không thể hoạt động bình thường và tình trạng này có thể dẫn đến suy thận.

Viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận là tình trạng viêm các bộ lọc nhỏ trong thận. Bình thường, cầu thận có chức năng lọc chất lỏng thừa và chất thải trong máu, sau đó những chất này bị đào thải khỏi cơ thể theo nước tiểu. Viêm cầu thận có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hoặc dần dần (mạn tính).

Viêm cầu thận có thể là một bệnh lý độc lập hoặc là xảy ra do các bệnh khác, chẳng hạn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc tiểu đường. Tình trạng viêm nặng hoặc kéo dài ở cầu thận sẽ làm tổn thương thận. Việc điều trị tùy thuộc vào loại viêm cầu thận mắc phải.

Triệu chứng viêm cầu thận

Bệnh viêm cầu thận có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào dạng mạn tính hay cấp tính và nguyên nhân gây viêm. Viêm cầu thận mạn tính có thể không biểu hiện triệu chứng. Bệnh thường được tình cờ phát hiện khi làm xét nghiệm nước tiểu định kỳ hoặc xét nghiệm nước tiểu để khám các bệnh khác.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm cầu thận gồm có:

  • Nước tiểu có màu hồng hoặc màu nâu đỏ do có lẫn máu
  • Nước tiểu có bọt do có protein (protein niệu)
  • Tăng huyết áp
  • Giữ nước (phù nề) gây sưng thấy rõ ở mặt, bàn tay, bàn chân và chướng bụng
  • Đi tiểu ít hơn bình thường
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Chuột rút cơ
  • Mệt mỏi

Nguyên nhân gây viêm cầu thận

Nhiều nguyên nhân có thể gây viêm cầu thận. Đôi khi bệnh lý này di truyền trong gia đình và đôi khi không rõ nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các nguyên nhân gây viêm cầu thận phổ biến.

Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến viêm cầu thận, chẳng hạn như:

  • Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu: Viêm cầu thận có thể xảy ra sau từ 1 – 2 tuần kể từ khi khỏi nhiễm liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da do liên cầu khuẩn (bệnh chốc lở). Tình trạng viêm xảy ra khi các kháng thể chống lại vi khuẩn tích tụ trong cầu thận. Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu cao hơn so với người lớn nhưng lại nhanh khỏi bệnh hơn.
  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn là tình trạng nhiễm trùng lớp niêm mạc bên trong của các buồng tim và van tim. Hiện chưa rõ tình trạng viêm ở thận là do phản ứng của hệ miễn dịch đơn thuần hay do các yếu tố khác.
  • Nhiễm trùng thận do virus: Nhiễm virus ở thận, chẳng hạn như virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV), có thể gây viêm cầu thận và các mô thận khác.
  • HIV: Nhiễm HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) có thể dẫn đến viêm cầu thận và tổn thương thận tiến triển, ngay cả trước khi chuyển sang giai đoạn AIDS.

Bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là các bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công chính các mô khỏe mạnh của cơ thể. Các bệnh tự miễn có thể gây viêm cầu thận gồm có:

  • Lupus ban đỏ hệ thống: Là một bệnh lý viêm mạn tính, lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, gồm có da, khớp, thận, tế bào máu, tim và phổi.
  • Hội chứng Goodpasture (bệnh kháng thể): Xảy ra do hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại mô phổi và thận. Hội chứng hiếm gặp này có thể gây tổn thương thận tiến triển và vĩnh viễn.
  • Bệnh thận IgA: Immunoglobulin A (IgA) là một loại kháng thể và là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh. Bệnh thận IgA xảy ra khi IgA tích tụ trong các cầu thận. Tình trạng viêm và tổn thương thận do sự tích tụ IgA thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài vì không biểu hiện triệu chứng. Nếu có thì triệu chứng phổ biến nhất là tiểu ra máu.

Viêm mạch máu

Viêm mạch máu cũng có thể là nguyên nhân gây viêm cầu thận. Các loại viêm mạch có thể gây viêm cầu thận gồm có:

Viêm quanh động mạch: Dạng viêm mạch máu này xảy ra ở các mạch máu vừa và nhỏ ở nhiều bộ phận của cơ thể, gồm có thận, da, cơ, khớp và đường tiêu hóa.

U hạt với viêm đa mạch: Hay còn được gọi là u hạt Wegener, xảy ra ở các mạch máu vừa và nhỏ trong phổi, đường hô hấp trên và thận.

Tình trạng xơ cứng

Một số bệnh lý gây hình thành sẹo ở cầu thận có thể làm suy giảm chức năng thận, chẳng hạn như:

  • Cao huyết áp: Huyết áp tăng cao trong thời gian dài, được kiểm soát không tốt có thể gây hình thành sẹo và viêm cầu thận. Viêm cầu thận làm giảm khả năng điều hòa huyết áp của thận.
  • Bệnh thận đái tháo đường (bệnh thận do tiểu đường): Lượng đường trong máu cao cũng có thể góp phần gây sẹo ở cầu thận và làm tăng tốc độ máu chảy qua các đơn vị cấu trúc của thận (nephron).
  • Viêm cầu thận phân đoạn khu trú: Tình trạng sẹo hình thành rải rác ở một số cầu thận. Đây có thể là kết quả của một bệnh lý khác hoặc cũng có thể xảy ra mà không rõ nguyên nhân.

Các nguyên nhân khác

Trong một số trường hợp, viêm cầu thận mạn di truyền trong gia đình. Một dạng viêm cầu thận di truyền được gọi là hội chứng Alport còn đi kèm với tình trạng suy giảm thị lực và thính lực.

Viêm cầu thận có liên quan đến một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư dạ dày, ung thư phổi và bệnh bạch cầu lympho mạn tính.

Biến chứng của viêm cầu thận

Viêm cầu thận ảnh hưởng đến khả năng lọc máu của các đơn vị cấu trúc của thận (nephron). Điều này dẫn đến các vấn đề như:

  • Tích tụ chất thải hoặc chất độc trong máu
  • Thay đổi nồng độ các khoáng chất và chất dinh dưỡng trong cơ thể
  • Giảm hồng cầu
  • Giảm protein trong máu

Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh viêm cầu thận gồm có:

  • Suy thận cấp: Suy thận cấp là tình trạng suy giảm chức năng thận đột ngột, diễn biến nhanh chóng, thường xảy ra trong những trường hợp viêm cầu thận do nhiễm trùng. Sự tích tụ chất thải và chất lỏng thừa trong máu có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời bằng phương pháp lọc máu. Thông thường, chức năng thận sẽ phục hồi lại sau viêm thận cấp.
  • Bệnh thận mạn: Tình trạng viêm mạn tính dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng thận kéo dài. Bệnh thận mạn được định nghĩa là thận bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng trong 3 tháng trở lên. Bệnh thận mạn có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối. Ở giai đoạn này, người bệnh phải chạy thận hoặc phẫu thuật ghép thận.
  • Cao huyết áp: Tổn thương cầu thận do viêm hoặc sẹo có thể dẫn đến tăng huyết áp.
  • Thận hư: Hội chứng thận hư là tình trạng nồng độ protein trong nước tiểu quá cao và protein trong máu quá thấp. Những protein này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng chất lỏng và mức cholesterol. Protein trong máu giảm dẫn đến cholesterol cao, tăng huyết áp và sưng phù mặt, bàn tay, bàn chân và chướng bụng. Trong một số trường hợp, hội chứng thận hư có thể gây hình thành cục máu đông trong mạch máu của thận.

Phòng ngừa viêm cầu thận

Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn viêm cầu thận. Tuy nhiên, các cách dưới đây sẽ giúp giảm nguy cơ:

  • Điều trị kịp thời nhiễm liên cầu khuẩn.
  • Để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến một số dạng viêm cầu thận, chẳng hạn như HIV và viêm gan, hãy quan hệ tình dục an toàn và không tiêm chích ma túy.
  • Kiểm soát cao huyết áp, điều này giúp làm giảm nguy cơ tổn thương thận do cao huyết áp.
  • Kiểm soát đường huyết để phòng ngừa bệnh thận đái tháo đường.

Chẩn đoán viêm cầu thận

Viêm cầu thận có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm nếu bị bệnh cấp tính hoặc phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ hoặc khi khám theo dõi các bệnh mạn tính như tiểu đường. Các xét nghiệm để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán viêm cầu thận gồm có:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu giúp phát hiện các dấu hiệu của chức năng thận kém, chẳng hạn như có tế bào hồng cầu và protein trong nước tiểu hoặc tế bào bạch cầu – một dấu hiệu của tình trạng viêm. Một dấu hiệu nữa là lượng chất thải trong nước tiểu thấp hơn bình thường.
  • Xét nghiệm máu: Nồng độ chất thải trong máu cao hơn bình thường hoặc sự hiện diện của các kháng thể là những dấu hiệu cho thấy các bệnh tự miễn, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus hoặc lượng đường trong máu cao do bệnh tiểu đường.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Nếu phát hiện dấu hiệu của bệnh thận, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để tìm những bất thường về hình dạng hoặc kích thước của thận. Các phương pháp này có thể là chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Sinh thiết thận: Đưa một cây kim dài qua da vào thận để lấy một mẫu mô thận nhỏ và phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết được thực hiện để xác nhận chẩn đoán cũng như là để đánh giá mức độ và tính chất của tình trạng tổn thương mô.

Điều trị viêm cầu thận

Phương pháp điều trị viêm cầu thận được chỉ định và kết quả điều trị phụ thuộc vào:

  • Dạng viêm cầu thận (cấp tính hay mạn tính)
  • Nguyên nhân gây viêm cầu thận
  • Loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

Một số trường hợp viêm cầu thận cấp, đặc biệt là viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu viêm cầu thận là do một vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp, nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn thì sẽ phải điều trị nguyên nhân gốc rễ..

Nói chung, mục tiêu của quá trình điều trị là bảo vệ thận khỏi bị tổn thương thêm và bảo tồn chức năng thận.

Điều trị suy thận do viêm cầu thận

Suy thận là tình trạng chức năng thận bị suy giảm từ 85% trở lên. Suy thận cấp do viêm cầu thận nhiễm trùng thường được điều trị bằng phương pháp lọc máu, trong đó sử dụng một thiết bị ở bên ngoài hoặc màng bụng của chính bệnh nhân để lọc chất thải ra khỏi máu.

Khi suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu thường xuyên hoặc phẫu thuật ghép thận.

Điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sống

Nếu bị bệnh thận, người bệnh cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống và một số thói quen sống:

  • Giảm lượng muối để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tình trạng giữ nước, phù nề và tăng huyết áp
  • Ăn ít protein chất thải và kali để làm chậm quá trình tích tụ trong máu
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường
  • Bỏ thuốc lá nếu hút

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh không nguy hiểm và không lây. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị ngứa dữ dội hoặc tái phát thường xuyên, điều này làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Viêm thận lupus

Viêm thận lupus là tình trạng viêm thận do bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây ra.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây