Viêm nang lông

Viêm nang lông không phải vấn đề nguy hiểm nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, đau và còn ảnh hưởng đến vẻ ngoài. Viêm nang lông nặng có thể để lại sẹo và rụng lông/tóc vĩnh viễn.

Viêm nang lông là gì?

Viêm nang lông hay viêm lỗ chân lông là một vấn đề về da phổ biến, xảy ra ở các nang lông. Nguyên nhân thường là do nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Ban đầu, các nang lông bị viêm trông giống như sẩn đỏ nhỏ hoặc mụn đầu trắng. Sau đó tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng, biến thành vết loét và đóng vảy.

Đây không phải vấn đề nguy hiểm nhưng có thể gây ngứa ngáy, khó chịu, đau và còn ảnh hưởng đến vẻ ngoài. Viêm nang lông nặng có thể để lại sẹo và rụng lông/tóc vĩnh viễn.

Ở các trường hợp nhẹ, viêm nang lông có thể được khắc phục bằng một số biện pháp chăm sóc da và thường khỏi sau vài ngày. Những trường hợp nghiêm trọng hoặc tái đi tái lại nhiều lần sẽ cần đi khám bác sĩ da liễu để được kê thuốc.

Dấu hiệu, triệu chứng viêm nang lông

Các dấu hiệu của viêm nang lông gồm có:

  • Các cụm sẩn nhỏ màu hồng hoặc mụn đầu trắng xung quanh nang lông, khiến cho bề mặt da sần sùi
  • Xuất hiện mụn nước, sau đó vỡ ra và đóng vảy
  • Da ngứa ngáy, rát
  • Đau, da trở nên nhạy cảm
  • Nổi sẩn lớn hoặc cục bên dưới da

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ da liễu nếu tình trạng ngày càng lan rộng hoặc vấn đề không khỏi sau một vài ngày. Có thể cần điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng nấm để kiểm soát tình trạng viêm.

Các dạng viêm nang lông

Có hai mức độ viêm nang lông là viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu. Viêm nang lông nông là dạng chỉ xảy ra ở một phần của nang lông còn dạng sâu xảy ra ở toàn bộ nang lông và thường nghiêm trọng hơn.

Các dạng viêm nang lông nông gồm có:

  • Viêm nang lông do vi khuẩn: loại viêm nang lông này có biểu hiện là nổi các sẩn nhỏ màu trắng chứa mủ và ngứa. Viêm nang lông do vi khuẩn xảy ra khi các nang lông bị nhiễm vi khuẩn, thường là Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu). Đây là một loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trên da nhưng chúng thường chỉ gây ra vấn đề khi xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở.
  • Viêm nang lông do tắm bể nước nóng: hay còn gọi là viêm nang lông do trực khuẩn, loại viêm nang lông này gây nổi các sẩn đỏ, tròn, ngứa từ 1 đến 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân gây viêm nang lông do tắm bể nước nóng là vi khuẩn pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh). Vi khuẩn này có mặt ở nhiều nơi, bao gồm cả bồn tắm nước nóng và hồ bơi nước nóng. Đây là những nơi có nồng độ clo và độ pH không tốt cho da.
  • Viêm nang lông do lông mọc ngược: còn được gọi là viêm nang lông do dao cạo, đây là tình trạng kích ứng da xảy ra do sợi lông mọc hướng vào bên trong nang lông thay vì hướng lên bề mặt da. Dạng viêm nang lông này chủ yếu xảy ra ở nam giới khi cạo râu quá sát và thường là ở vùng mặt, cổ. Phụ nữ tẩy lông vùng bikini cũng có thể bị viêm nang lông do lông mọc ngược ở vùng bẹn. Tình trạng này có thể để lại sẹo lồi sẫm màu.
  • Viêm nang lông do nấm Pityrosporum: dạng viêm nang lông này gây nổi mụn mủ mãn tính, đỏ, ngứa ở lưng và ngực, đôi khi còn ở cổ, vai, bắp tay và mặt. Nguyên nhân là do nhiễm nấm Pityrosporum – một loại nấm men.

Các dạng viêm nang lông sâu gồm có:

  • Viêm nang lông ở cằm: dạng này xảy ra ở những nam giới cạo râu.
  • Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: dạng này thường xảy ra do dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài để trị mụn trứng cá.
  • Nhọt và hậu bối: xảy ra khi các nang lông bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu ở sâu bên trong. Nhọt thường xuất hiện đột ngột và là những sẩn chứa mủ đơn lẻ, có màu hồng đỏ và gây đau đớn. Khi có nhiều nhọt cùng xuất hiện và tạo thành cụm thì được gọi là hậu bối.
  • Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan: dạng này chủ yếu xảy ra ở những người nhiễm HIV/AIDS. Các dấu hiệu thường là ngứa dữ dội, nổi nhiều sẩn và mụn mủ ở các nang lông trên mặt và phần trên cơ thể, vấn đề kéo dài dai dẳng hoặc tái đi tái lại nhiều lần. Sau khi lành, vùng da bị viêm nang lông thường bị thâm (tăng sắc tố). Nguyên nhân gây viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan hiện vẫn chưa được xác định rõ.

Nguyên nhân gây viêm nang lông

Viêm nang lông xảy ra do các nang lông bị nhiễm trùng mà thủ phạm phổ biến nhất là vi khuẩn Staphylococcus aureus (vi khuẩn tụ cầu). Viêm nang lông cũng có thể do virus, nấm hoặc do lông mọc ngược.

Da đầu là vùng có mật độ nang lông (nang tóc) dày đặc nhất nhưng nang lông có ở khắp mọi nơi trên cơ thể, ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, môi và niêm mạc.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm nang lông

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm nang lông nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ, ví dụ như:

  • Có vấn đề sức khỏe làm suy giảm khả năng miễn dịch, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu mạn tính và HIV/AIDS
  • Bị mụn trứng cá hoặc viêm da
  • Đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như steroid hoặc kháng sinh dài hạn để trị mụn trứng cá
  • Là nam giới, cạo râu va có râu/tóc xoăn
  • Thường xuyên mặc đồ bằng chất liệu gây bí, chẳng hạn như quần áo da, găng tay hoặc ủng cao su
  • Thường xuyên ngâm mình trong bể nước nóng
  • Gây tổn thương nang lông do cạo, tẩy lông hoặc mặc quần áo chật

Biến chứng của viêm nang lông

Viêm nang lông có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Viêm tái phát hoặc lan rộng
  • Nhọt dưới da
  • Tổn thương da vĩnh viễn, chẳng hạn như sẹo hoặc thâm
  • Hỏng các nang lông và rụng lông vĩnh viễn

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm nang lông bằng cách kiểm tra da và lấy bệnh sử. Sau đó có thể cần phải tiến hành soi da bằng kính hiển vi.

Nếu các phương pháp điều trị ban đầu không có hiệu quả thì bác sĩ sẽ lấy mẫu da hoặc lông bị nhiễm trùng và đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề. Ngoài ra, đôi khi còn phải tiến hành sinh thiết da để loại trừ các vấn đề khác.

Điều trị viêm nang lông

Việc điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng cũng như là các biện pháp khác đã thử trước đó. Nếu như chỉ bị viêm nang lông nhẹ thì có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp chăm sóc da. Còn nếu nặng thì có thể phải dùng thuốc và các liệu pháp như triệt lông bằng laser. Cần lưu ý là ngay cả khi đã điều trị khỏi thì vấn đề vẫn có thể quay trở lại.

Các biện pháp chăm sóc da

Các trường hợp viêm nang lông nhẹ thường có thể tự điều trị được tại nhà. Các biện pháp sau đây có thể giúp giảm ngứa ngáy, khó chịu, tăng tốc độ chữa tổn thương da và ngăn nhiễm trùng lan rộng:

  • Chườm ấm: đắp một chiếc khăn sạch nhúng nước ấm lên vùng da bị viêm nang lông vài lần một ngày để giảm khó chịu và tan mủ nếu như hình thành mụn mủ hoặc nhọt nhỏ ở nang lông. Nên nhúng khăn trong nước muối loãng (1 thìa cà phê muối pha với 2 cốc nước).
  • Bôi thuốc kháng sinh không kê đơn để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Bôi kem dưỡng da: kem dưỡng da chứa thành phần làm dịu hoặc hydrocortisone không kê đơn có thể giúp giảm ngứa
  • Làm sạch vùng da bị viêm nang lông: nhẹ nhàng làm sạch vùng da bị viêm nang lông hai lần một ngày bằng xà phòng diệt khuẩn. Mỗi lần đều phải sử dụng khăn sạch và không dùng chung khăn với người khác. Giặt khăn và quần áo bằng nước nóng và xà phòng để diệt khuẩn.
  • Ngừng cạo râu/cạo lông: hãy ngừng cạo râu hay cạo lông vì hầu hết các trường hợp viêm nang lông do lông mọc ngược đều tự khỏi trong vòng vài tuần sau khi ngừng cạo.

Điều trị bằng thuốc

Các trường hợp viêm nang lông nặng có thể phải điều trị bằng các loại thuốc dưới đây:

  • Kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống để kiểm soát nhiễm trùng: đối với các trường hợp viêm nhẹ, bác sĩ thường chỉ kê kháng sinh tại chỗ. Thuốc kháng sinh đường uống rất ít khi được sử dụng để điều trị viêm nang lông. Tuy nhiên, đối với trường hợp viêm  nặng hoặc tái phát nhiều lần thì có thể phải dùng kháng sinh đường uống.
  • Thuốc kháng nấm: đối với các trường hợp mà nguyên nhân gây viêm nang lông là do nhiễm nấm thì cần điều trị bằng thuốc kháng nấm. Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị dạng viêm nang lông này.
  • Thuốc chống viêm: nếu bị viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan nhẹ thì có thể dùng steroid bôi tại chỗ để giảm ngứa. Ở những người nhiễm HIV/AIDS, các triệu chứng của dạng viêm nang lông này thường sẽ cải thiện khi dùng đều đặn thuốc kháng virus ARV.

Các phương pháp điều trị khác

  • Tiểu phẫu: nếu có nhọt lớn hoặc cục nhọt thì bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ để loại bỏ mủ bên trong. Phương pháp này giúp giảm đau, tăng tốc độ phục hồi da và giảm nguy cơ hình thành sẹo. Sau đó, vùng được điều trị sẽ được băng lại bằng gạc vô trùng để bảo vệ vết thương và để thấm nốt mủ.
  • Triệt lông bằng laser: nếu đã thử các phương pháp khác nhưng tình trạng viêm nang lông vẫn không đỡ thì có thể cần phải triệt lông bằng laser. Phương pháp này hơi tốn kém và thường phải thực hiện nhiều lần. Laser phá hủy vĩnh viễn các nang lông, từ đó làm giảm mật độ lông ở vùng điều trị. Tuy nhiên, một số vấn đề không mong muốn có thể xảy ra là thâm, sẹo và phồng rộp.

Phòng ngừa viêm nang lông

Có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ tái phát viêm nang lông bằng những biện pháp sau:

  • Không mặc quần áo chật để tránh tạo ma sát giữa da và quần áo.
  • Phơi khô găng tay cao su sau mỗi lần sử dụng: sau mỗi lần sử dụng găng tay cao su nên lộn trái, rửa sạch bằng xà phòng và nước, sau đó lau hoặc phơi khô.
  • Cẩn thận khi cạo râu và cạo lông: nếu cạo râu hay cạo lông thì cần lưu ý những điều dưới đây để hạn chế gây tổn thương da và giảm nguy cơ viêm nang lông:
  • Không cạo quá thường xuyên
  • Rửa sạch da bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn trước khi cạo
  • Sử dụng khăn mặt sạch hoặc miếng rửa mặt chà nhẹ trên da theo chuyển động tròn để làm cho các sợi lông nằm ẩn trong nang lông nhô lên bề mặt da
  • Thoa kem cạo râu trước khi cạo
  • Cạo xuôi theo hướng mọc của lông. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu thì việc cạo ngược hướng mọc của lông lại giúp giảm nguy cơ viêm lỗ chân lông. Tốt nhất nên tự mình thử và chọn cách thực hiện phù hợp nhất
  • Không cạo quá sát và không kéo căng da
  • Sử dụng lưỡi dao sắc và rửa sạch bằng nước ấm sau mỗi lần cạo
  • Bôi kem dưỡng ẩm da sau khi cạo
  • Không dùng chung dao cạo, khăn tắm và khăn mặt với người khác
  • Cân nhắc tẩy lông hoặc sử dụng các phương pháp khác. tuy nhiên, các phương pháp này cũng có thể gây kích ứng da nên cần cẩn thận.
  • Vệ sinh bồn tắm thường xuyên: nếu bạn có bồn tắm hay hồ bơi tại nhà thì cần phải vệ sinh thường xuyên để tránh vi khuẩn hoặc nấm tích tụ.
  • Dùng thuốc ngăn ngừa: tùy thuộc vào tình trạng và tần suất tái phát mà bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Dày sừng nang lông

Dày sừng nang lông xảy ra do sự tích tụ keratin (chất sừng) - một loại protein cứng có vai trò bảo vệ da khỏi các chất độc hại và nhiễm trùng. Keratin tích tụ gây bít tắc các nang lông, khiến cho da trở nên sần sùi, thô ráp.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Nhiễm nấm âm đạo (viêm âm đạo do nấm)

Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo là do một chủng nấm men có tên là Candida albicans. Do đó mà tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng nấm men hay nhiễm nấm Candida.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây