U nang tuyến Bartholin
U nang tuyến Bartholin là gì?
Tuyến Bartholin là hai tuyến nhỏ nằm ở hai bên cửa âm đạo và có chức năng tiết ra chất dịch bôi trơn âm đạo.
Đôi khi các tuyến này bị tắc nghẽn, khiến cho chất dịch chảy ngược vào bên trong thay vì thoát ra ngoài. Kết quả là hình thành nên u nang. U nang tuyến Bartholin thường không đau nhưng nếu chất dịch bên trong u nang bị nhiễm trùng thì sẽ tích tụ mủ và vùng mô bao quanh bị viêm, dẫn đến áp-xe tuyến Bartholin.
U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.
Đôi khi chỉ cần điều trị tại nhà nhưng một số trường hợp sẽ phải làm tiểu thuật dẫn lưu u nang. Nếu bị nhiễm trùng thì cần phải uống thuốc kháng sinh để điều trị.
Dấu hiệu, triệu chứng
Nếu u nang tuyến Bartholin có kích thước nhỏ và không bị nhiễm trùng thì thường sẽ không thể phát hiện ra. Khi u nang phát triển to lên thì có thể sẽ sờ thấy khối u ở gần cửa âm đạo. U nang tuyến Bartholin đa phần không gây đau.
Tình trạng nhiễm trùng u nang tuyến Bartholin có thể xảy ra trong vòng vài ngày. Lúc này sẽ có các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Có khối u sưng đau gần cửa âm đạo
- Cảm giác khó chịu khi đi bộ hoặc ngồi
- Đau khi quan hệ tình dục
- Sốt
U nang hoặc áp xe tuyến Bartholin thường chỉ xảy ra ở một bên của cửa âm đạo.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám bác sĩ nếu phát hiện thấy có khối u đau đớn gần cửa âm đạo và đã thử các biện pháp tự khắc phục như ngâm nước ấm mà vẫn không đỡ sau 2 - 3 ngày. Nếu cảm thấy đau đớn dữ dội thì hãy đi khám ngay lập tức.
Cũng phải đi khám ngay nếu phát hiện có khối u mới gần cửa âm đạo và đã trên 40 tuổi. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ung thư.
Nguyên nhân
U nang tuyến Bartholin hình thành là do chất dịch chảy ngược vào bên trong tuyến thay vì chảy ra ngoài. Điều này xảy ra khi các ống dẫn dịch bị tắc nghẽn và nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng hoặc tổn thương.
U nang tuyến Bartholin có thể bị nhiễm trùng và tạo thành ổ áp-xe. Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng, ví dụ như Escherichia coli (E. coli) và vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, chlamydia...).
Biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán u nang tuyến Bartholin thì bác sĩ sẽ:
- Hỏi về bệnh sử
- Khám lâm sàng
- Lấy mẫu dịch tiết từ âm đạo hoặc cổ tử cung để làm xét nghiệm kiểm tra xem có bị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hay không
- Sinh thiết để kiểm tra xem có sự hiện diện tế bào ung thư hay không đối với những phụ nữ đã mãn kinh hoặc trên 40 tuổi
Nếu nghi ngờ ung thư thì sẽ cần thực hiện thêm một số biện pháp khác để xác nhận.
Điều trị
Thường thì u nang tuyến Bartholin không cần điều trị, đặc biệt là khi u nang không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Nếu nếu cần thì việc điều trị sẽ tùy thuộc vào kích thước của u nang, mức độ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.
Các lựa chọn điều trị gồm có:
- Ngâm nước ấm: Ngâm thân dưới trong nước ấm nhiều lần trong ngày trong 3 – 4 ngày sẽ giúp làm cho u nang nhỏ tự vỡ ra, chảy hết dịch bên trong và lành lại.
- Phẫu thuật dẫn lưu: Với những trường hợp u nang tuyến Bartholin có kích thước lớn hoặc bị nhiễm trùng thì sẽ cần làm tiểu phẫu dẫn lưu. Quá trình này có thể được thực hiện khi gây tê tại chỗ hoặc dùng thuốc an thần. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở vị trí có u nang và sau đó đặt một ống cao su nhỏ vào vết rạch để dẫn dịch bên trong chảy ra ngoài. Ống này sẽ được giữ nguyên trong thời gian lên đến 6 tuần để giữ cho vết thương thông thoáng và loại bỏ hoàn toàn dịch mủ.
- Dùng thuốc kháng sinh: Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu u nang bị nhiễm trùng hoặc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, nếu ổ áp-xe được dẫn lưu đúng cách thì có thể không cần dùng thuốc kháng sinh.
- Thủ thuật khâu lộn túi (marsupialization): Nếu u nang tái phát nhiều lần thì sẽ cần tiến hành thủ thuật khâu lộn túi. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở vị trí có u nang và khâu cố định mép đường rạch sang hai bên để tạo ra một lỗ mở dài khoảng 6mm. Sau đó đặt ống dẫn lưu trong vòng ngày để dẫn chất dịch trong u nang ra ngoài và ngăn vấn đề tiếp tục tái phát.
Nếu đã thực hiện các biện pháp nêu trên nhưng không hiệu quả thì có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến Bartholin. Ca phẫu thuật này thường được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân.
Các biện pháp tự khắc phục
Đôi khi, ngâm thân dưới trong nước ấm vài lần một ngày và thực hiện vài ngày liên tục sẽ giúp xử lý u nang hoặc áp-xe tuyến Bartholin cỡ nhỏ.
Sau khi phẫu thuật để điều trị u nang bị nhiễm trùng cũng nên ngâm trong nước ấm để giữ cho vết thương luôn sạch sẽ, giảm bớt cảm giác đau đớn, khó chịu và thúc đẩy sự thoát dịch. Nếu cần thì có thể uống thuốc giảm đau.
Biến chứng
U nang và áp-xe tuyến Bartholin có thể tái phát và phải tiếp tục điều trị.
Phòng ngừa
Không có cách nào để ngăn ngừa sự hình thành u nang tuyến Bartholin. Tuy nhiên, quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và thói quen vệ sinh vùng kín cẩn thận hàng ngày sẽ giúp ngăn u nang bị nhiễm trùng và hình thành ổ áp-xe.
Bệnh cơ tuyến tử cung
Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một bệnh phụ khoa mà rất nhiều phụ nữ gặp phải nhưng đa phần đều chỉ có ít hoặc không gây triệu chứng và vô hại. Phần lớn u nang buồng trứng đều tự biến mất trong vòng vài tháng mà không cần điều trị.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Các dấu hiệu, triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang thường xuất hiện vào kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong độ tuổi dậy thì nhưng đôi khi, các triệu chứng xuất hiện muộn hơn và chỉ biểu hiện rõ khi tăng cân đáng kể.
Viêm tuyến giáp sau sinh
Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tụy hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu vì bệnh này thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tế bào ung thư đã lây lan sang các cơ quan khác của cơ thể.
Ý kiến bạn đọc