Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt, gây ra các triệu chứng như đau buốt hoặc tiểu khó, đau ở vùng bẹn, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục. Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng.

Tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang và là một phần trong hệ sinh dục của nam giới. Tuyến tiền liệt bao quanh phần trên cùng của niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể). Tuyến tiền liệt và các tuyến sinh dục khác có chức năng sản xuất tinh dịch - chất lỏng bao vệ, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

Các loại viêm tuyến tiền liệt

Có 4 loại viêm tuyến tiền liệt:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: một dạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt do vi khuẩn, thường có các triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn: tình trạng nhiễm trùng tuyến tiền liệt kéo dài dai dẳng hoặc tái đi tái lại theo đợt, gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với viêm tuyến tiền liệt cấp tính

Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do nhiễm trùng (hội chứng đau vùng chậu mãn tính): gây đau vùng chậu kéo dài dai dẳng hoặc thành từng đợt, người bệnh có các triệu chứng về tiết niệu nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: tuyến tiền liệt bị viêm nhưng không gây triệu chứng

Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt

Mỗi loại viêm tuyến tiền liệt có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau buốt hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Khó tiểu, nước tiểu nhỏ giọt hoặc tiểu ngập ngừng, ngắt quãng
  • Đi tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
  • Buồn tiểu gấp
  • Nước tiểu đục
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau ở bụng, bẹn hoặc thắt lưng
  • Đau ở vùng giữa bìu và trực tràng (đáy chậu)
  • Cảm giác đau nhức hoặc khó chịu ở dương vật hoặc tinh hoàn
  • Đau khi xuất tinh
  • Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ và các triệu chứng giống cúm khác (thường xảy ra trong những trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn)

Khi nào cần đi khám?

Nhiều vấn đề và bệnh lý cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng giống như viêm tuyến tiền liệt nên điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.

Đến ngay cơ sở y tế nếu gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây:

  • Không tiểu được
  • Đau buốt hoặc tiểu khó, kèm theo sốt
  • Có máu trong nước tiểu
  • Đau dữ dội ở vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục

Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt

Mỗi một loại viêm tuyến tiền liệt là do nguyên nhân khác nhau gây ra:

  • Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: thường do các chủng vi khuẩn thông thường gây ra. Nhiễm trùng có thể lây lan từ các bộ phận khác của hệ tiết niệu hoặc hệ sinh dục đến tuyến tiền liệt.
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn: nguyên nhân thường giống với viêm tuyến tiền liệt cấp tính. Tuyến tiền liệt có thể bị viêm mãn tính nếu tình trạng nhiễm trùng cấp tính không được điều trị dứt điểm (không tiêu diệt được hết vi khuẩn).
  • Viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do nhiễm trùng (hội chứng đau vùng chậu mãn tính): chưa rõ nguyên nhân gây ra. Nghiên cứu cho thấy rằng loại viêm tuyến tiền liệt này có thể là do nhiều yếu tố góp phần gây nên, ví dụ như từng bị nhiễm trùng trước đó, rối loạn chức năng hệ thần kinh, rối loạn chức năng hệ miễn dịch, căng thẳng tâm lý hoặc rối loạn nội tiết tố.

Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: không rõ nguyên nhân, thường được phát hiện khi khám các bệnh lý khác và không cần điều trị.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt nói chung:

  • Trẻ tuổi hoặc độ tuổi trung niên
  • Có tiền sử viêm tuyến tiền liệt
  • Nhiễm trùng ở hệ tiết niệu hoặc hệ sinh dục
  • Nhiễm HIV/AIDS
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Sinh thiết tuyến tiền liệt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do nhiễm trùng hay hội chứng đau vùng chậu mãn tính:

  • Căng thẳng tâm lý kéo dài
  • Tổn thương dây thần kinh ở vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương

Biến chứng của viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc mãn tính có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Nhiễm trùng máu
  • Viêm mào tinh hoàn
  • Áp xe tuyến tiền liệt
  • Nhiễm trùng lan đến phần trên của xương chậu hoặc phần dưới của xương sống

Ngoài ra, viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do nhiễm trùng còn có thể gây ra các biến chứng như:

  • Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý
  • Rối loạn chức năng tình dục, chẳng hạn như rối loạn cương dương
  • Những thay đổi trong tinh trùng và tinh dịch, có thể dẫn đến vô sinh

Chưa có bằng chứng nào cho thấy viêm tuyến tiền liệt có thể dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tìm hiểu liệu tình trạng viêm mãn tính ở tuyến tiền liệt có phải là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư hay không.

Chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt

Có rất nhiều bệnh lý cũng gây ra các triệu chứng tương tự như viêm tuyến tiền liệt. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng và bệnh sử, đồng thời chỉ định một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Xét nghiệm chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng

Các xét nghiệm để chẩn đoán để viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng:

  • Khám trực tràng bằng tay: Bác sĩ dùng ngón tay kiểm tra bên trong trực tràng của người bệnh để phát hiện các dấu hiệu viêm ở tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn và xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng và các vấn đề khác ở tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm mẫu dịch: Bác sĩ nhẹ nhàng xoa bóp tuyến tiền liệt trong quá trình khám trực tràng để tuyến tiền liệt tiết dịch vào niệu đạo. Sau đó lấy mẫu nước tiểu để phân tích tìm sự hiện diện của vi khuẩn.

Các biện pháp chẩn đoán khác

Nếu các xét nghiệm trên không cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng thì sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chẩn đoán khác:

  • Đo niệu động học: Đánh giá khả năng giữ và giải phóng nước tiểu của bàng quang và niệu đạo. Phương pháp đo niệu động học giúp xác định đặc điểm của các vấn đề về tiết niệu và nguồn gốc của vấn đề.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chẩn đoán có thể được chỉ định để xác định các bất thường ở tuyến tiền liệt như khối u hoặc các vấn đề khác ở vùng chậu có thể góp phần gây đau.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt

Việc điều trị phụ thuộc vào loại viêm tuyến tiền liệt và các triệu chứng.

Điều trị nhiễm trùng

Đối với viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoặc mãn tính do vi khuẩn, người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Những trường hợp viêm tuyến tiền liệt cấp tính có thể cần điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch trong thời gian ngắn. Toàn bộ quá trình điều trị bằng kháng sinh thường kéo dài từ 4 đến 6 tuần hoặc lâu hơn. Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn và giảm nguy cơ viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn.

Điều trị các triệu chứng tiết niệu

Người bệnh có thể cần dùng thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ cổ bàng quang và các cơ nơi tuyến tiền liệt giao với bàng quang. Phương pháp điều trị này có thể làm giảm các triệu chứng về tiết niệu, chẳng hạn như tiểu buốt hoặc tiểu khó. Mặc dù thuốc này thường được kê cho những nam giới bị viêm tuyến tiền liệt mãn tính không do nhiễm trùng nhưng cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng tiết niệu trong những trường hợp viêm do nhiễm vi khuẩn.

Giảm đau

Dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen để làm dịu các cơn đau do viêm tuyến tiền liệt. Nếu đau dữ dội thì có thể phải dùng đến các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.

Các phương pháp điều trị khác

Các biện pháp dưới đây có thể giúp làm dịu một số triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt:

  • Ngâm vùng sinh dục trong nước ấm (tắm sitz) hoặc sử dụng túi chườm để giảm đau, khó chịu.
  • Hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn rượu bia, caffeine và thức ăn cay hoặc chua để tránh gây kích thích bàng quang.
  • Uống nhiều nước để tăng lượng nước tiểu và giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang.

Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostatitis/symptoms-causes/syc-20355766

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng thường có thể điều trị thành công. Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là ung thư tuyến tiền liệt.

Phì đại tiền liệt tuyến (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính)

Phì đại tiền liệt tuyến là một tình trạng lành tính (không phải ung thư), trong đó tuyến tiền liệt to lên. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới.

Viêm tuyến giáp sau sinh

Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây