Viêm tuyến giáp sau sinh

Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.

Viêm tuyến giáp sau sinh là gì?

Viêm tuyến giáp sau sinh là một tình trạng không phổ biến trong đó tuyến giáp bị viêm trong vòng một năm đầu tiên sau khi sinh con. Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở phía trước của cổ.

Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này thường khó nhận biết vì các triệu chứng bị nhầm với những thay đổi cảm xúc thường gặp sau sinh hoặc rối loạn tâm trạng sau sinh.

Ở hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp trở lại bình thường trong vòng 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Nhưng cũng có một số trường hợp gặp phải biến chứng vĩnh viễn.

Triệu chứng

Khi bị viêm tuyến giáp sau sinh, người bệnh có thể sẽ trải qua hai giai đoạn (hai pha). Trong giai đoạn đầu, tình trạng viêm và sự giải phóng hormone tuyến giáp gây ra các triệu chứng nhẹ tương tự như bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), gồm có:

  • Lo âu, bồn chồn
  • Hay cáu gắt
  • Tim đập nhanh hay đánh trống ngực
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Chịu nóng kém, ra nhiều mồ hôi
  • Mệt mỏi
  • Run đầu ngón tay
  • Mất ngủ

Những triệu chứng này thường xuất hiện từ 1 đến 4 tháng sau khi sinh và kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Sau đó, khi các tế bào tuyến giáp bị suy giảm thì người bệnh lại gặp các triệu chứng tương tự như chứng suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém), gồm có:

  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chịu lạnh kém
  • Táo bón
  • Da khô
  • Tăng cân
  • Phiền muộn

Những triệu chứng này thường bắt đầu từ 4 đến 6 tuần sau khi các triệu chứng pha cường giáp biến mất và có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

Tuy nhiên, một số phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh chỉ gặp các triệu chứng cường giáp hoặc chỉ triệu chứng suy giáp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây viêm tuyến giáp sau sinh hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, những phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh thường có nồng độ kháng thể kháng enzyme Thyroid Peroxidase (anti-thyroid antibodies) cao trong thời kỳ đầu mang thai và sau khi sinh. Do đó, những phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh có khả năng đã mắc bệnh tuyến giáp tự miễn tiềm ẩn từ trước và sau khi sinh thì bệnh bùng phát do sự biến động chức năng miễn dịch. Tình trạng này rất giống với bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto – tình trạng mà hệ miễn dịch tấn công tuyến giáp.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tuyến giáp sau sinh:

  • Bị các bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 1
  • Có tiền sử viêm tuyến giáp sau sinh
  • Nồng độ kháng thể kháng enzyme Thyroid Peroxidase cao
  • Từng bị các vấn đề về tuyến giáp trước đây
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến giáp

Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa viêm tuyến giáp sau sinh và trầm cảm sau sinh. Do đó, những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh thường cũng phải  xét nghiệm chức năng tuyến giáp.

Biện pháp chẩn đoán

Ở những phụ nữ có các dấu hiệu của viêm tuyến giáp sau sinh, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra chức năng tuyến giáp bằng cách làm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (thyroid-stimulating hormone - TSH) và nồng độ hormone tuyến giáp thyroxine.

Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao sẽ cần làm xét nghiệm chức năng tuyến giáp sau khi sinh được 3 và 6 tháng, cho dù có biểu hiện bất thường hay không.

Nếu xét nghiệm cho kết quả bất thường thì sẽ phải làm xét nghiệm lại trong vòng từ 1 đến 2 tuần.

Những người đã được chẩn đoán bị viêm tuyến giáp sau sinh sẽ cần làm xét nghiệm định kỳ hàng năm để xem có bị suy giáp hay không.

Điều trị

Vì chức năng tuyến giáp thường sẽ trở lại bình thường trong vòng 1 năm nên hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh đều không cần điều trị trong pha cường giáp hay suy giáp. Tuy nhiên sẽ phải xét nghiệm máu từ 4 đến 8 tuần một lần để theo dõi hoạt động của tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết tình trạng bất thường có tự hết hay không và phát hiện sớm nếu tiến triển thành bệnh suy giáp.

Nếu pha cường giáp có các triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc chẹn beta – loại thuốccó tác dụng ngăn chặn tác động của hormone tuyến giáp lên cơ thể. Thuốc chẹn beta thường không được sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú nhưng có thể dùng propranolol vì nồng độ thuốc này trong sữa mẹ không quá cao như các thuốc chẹn beta khác.

Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng trong pha suy giáp thì cần điều trị bằng hormone tuyến giáp trong 6 đến 12 tháng. Người bệnh sẽ sử dụng levothyroxine (một loại hormone tuyến giáp tổng hợp) hàng ngày.

Sau khi ngừng thuốc sẽ cần làm xét nghiệm để theo dõi xem có tiến triển thành bệnh suy giáp hay không. Thường sẽ phải xét nghiệm máu sau 6 tuần, 3 tháng và nếu kết quả vẫn bình thường thì về sau chỉ cần xét nghiệm mỗi năm một lần.

Biến chứng

Ở hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp đều sẽ trở lại bình thường trong vòng 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, một số người lại không thể hồi phục sau pha suy giáp (tuyến giáp không sản xuất đủ một số hormone quan trọng) và tình trạng này trở thành bệnh mãn tính.

Phòng ngừa

Không có cách nào có thể ngăn ngừa được viêm tuyến giáp sau sinh nhưng sản phụ nên chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt để có thể hồi phục một cách hoàn toàn sau khi sinh nở. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần thì đừng bỏ qua và cho rằng đó là hiện tượng bình thường sau khi sinh mà hãy đi khám. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị viêm tuyến giáp sau sinh càng phải cẩn thận hơn nữa.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt, gây ra các triệu chứng như đau buốt hoặc tiểu khó, đau ở vùng bẹn, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục. Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo có thể là do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vì thế nên việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể.

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn)

Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra do sự phát triển quá mức của một số loại vi khuẩn vốn tồn tại trong âm đạo.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây