Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng thường có thể điều trị thành công. Cần đi khám ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường nghi là ung thư tuyến tiền liệt.

Ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư bắt đầu xảy ra ở tế bào tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ chỉ có ở nam giới, nằm giữa bàng quang và dương vật, có chức năng sản xuất tinh dịch – chất dịch có chức năng bảo vệ, nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.

Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến. Nhiều loại ung thư tuyến tiền liệt tiến triển chậm và chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt nên không gây hại nghiêm trọng và chỉ cần điều trị tối thiểu hoặc thậm chí không cần điều trị nhưng một số loại lại có mức độ ác tính cao, có nghĩa là phát triển mạnh và lây lan nhanh chóng.

Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, khả năng điều trị thành công ung thư tuyến tiền liệt sẽ cao nhất khi bệnh được phát sớm ở giai đoạn ung thư vẫn còn giới hạn trong tuyến tiền liệt.

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt

Giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt thường không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào.

Nhưng khi ung thư tiến triển sang các giai đoạn sau thì sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Tiểu khó
  • Dòng tiểu yếu
  • Có máu trong nước tiểu
  • Máu trong tinh dịch
  • Đau nhức xương
  • Sụt cân
  • Rối loạn cương dương

Nguyên nhân gây ung thư tuyến tiền liệt

Chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy nhiên, ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu phát sinh khi các tế bào trong tuyến tiền liệt có sự thay đổi trong DNA. DNA chứa các thông tin chỉ dẫn hoạt động của tế bào. Những thay đổi này khiến cho các tế bào phát triển và phân chia nhanh hơn bình thường. Các tế bào bất thường vẫn tiếp tục sống trong khi các tế bào khác đã chết đi và chúng tập hợp lại tạo thành khối u. Khối u dần dần phát triển và xâm lấn vùng mô lân cận. Sau một thời gian, các tế bào bất thường tách ra khỏi khối u và lây lan (di căn) đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Tuổi cao: Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên khi có tuổi. Bệnh này xảy ra phổ biến nhất ở nam giới trên 50 tuổi.
  • Chủng tộc: Vì một số lý do mà người da đen có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với những chủng tộc khác. Ở người da đen, ung thư tuyến tiền liệt cũng thường có mức độ ác tính cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt sẽ tăng cao nếu có một người thân ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình mang gen làm tăng nguy cơ ung thư vú (BRCA1 hoặc BRCA2) hoặc có nhiều người trong gia đình bị ung thư vú cũng có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn bình thường.
  • Béo phì: Những người béo phì có nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh và ở những người béo phì, ung thư thường phát triển mạnh hơn và nguy cơ tái phát sau điều trị cũng cao hơn.

Biến chứng của ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt và các phương pháp điều trị ung thư có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Ung thư lan rộng trong cơ thể (di căn): Ung thư tuyến tiền liệt có thể lây lan đến các cơ quan lân cận, chẳng hạn như bàng quang hoặc tế bào ung thư di chuyển theo máu hoặc hệ bạch huyết đến xương hoặc các cơ quan khác ở xa trong cơ thể. Ung thư tuyến tiền liệt di căn đến xương sẽ gây đau nhức và xương yếu. Khi ung thư tuyến tiền liệt đã di căn đến các vùng khác của cơ thể, mặc dù ung thư vẫn đáp ứng với điều trị và vẫn có thể kiểm soát được nhưng sẽ không thể chữa khỏi được nữa.
  • Tiểu không tự chủ: Cả ung thư tuyến tiền liệt và các phương pháp điều trị ung thư đều có thể gây ra chứng tiểu không tự chủ (són tiểu). Việc điều trị chứng tiểu không tự chủ tùy thuộc vào loại tiểu không tự chủ, mức độ nghiêm trọng và khả năng cải thiện theo thời gian. Các lựa chọn điều trị gồm có dùng thuốc, ống thông tiểu và phẫu thuật.
  • Rối loạn cương dương: Rối loạn chức năng cương dương có thể là do ung thư tuyến tiền liệt hoặc do các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị bằng hormone. Rối loạn chức năng có thể được điều trị bằng thuốc, dụng cụ hỗ trợ cương cứng và phẫu thuật.

Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn ung thư tuyến tiền liệt nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ quả: Nên ăn nhiều loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt. Trái cây và rau củ chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe. Mặc dù hiện khoa học vẫn chưa chứng minh rằng chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau củ quả có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và điều này giúp phòng tránh nhiều bệnh tật.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất từ thực phẩm tự nhiên thay vì thực phẩm chức năng: Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc dùng thực phẩm chức năng giúp làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tốt nhất vẫn nên cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể từ các loại thực phẩm tự nhiên.
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích như cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm cân hoặc duy trì cân nặng và cải thiện tâm trạng. Cố gắng tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần. Nếu không quen vận động thì trước tiên cứ tập nhẹ nhàng và sau đó tăng dần cường độ, thời gian tập mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu cân nặng hiện tại đã ở mức khỏe mạnh thì hãy cố gắng duy trì bằng cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Nếu thừa cân hoặc béo phì thì cần giảm cân bằng cách tập thể dục và giảm lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày. Không nên giảm cân quá nhanh để tránh gây hại đến sức khỏe.
  • Dùng thuốc: Nếu có các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thì hãy cho bác sĩ biết khi đi khám. Bác sĩ có thể sẽ kê một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị để làm giảm nguy cơ. Một số nghiên cứu cho thấy rằng dùng thuốc ức chế 5-alpha reductase như Finasteride và dutasteride có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Những loại thuốc này được sử dụng để kiểm soát bệnh phì đại tiền liệt tuyến và rụng tóc. Tuy nhiên, một số bằng chứng lại chỉ ra rằng thuốc ức chế 5-alpha reductase có thể làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng hơn (ung thư tuyến tiền liệt grade cao). Do đó, không được tự ý dùng thuốc mà chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt cho những nam giới khỏe mạnh không có triệu chứng hiện còn đang gây nhiều tranh cãi. Theo một số tổ chức y tế, việc sàng lọc không mang lại nhiều lợi ích mà thậm chí còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc khám sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt nên dựa trên các yếu tố nguy cơ và lựa chọn của mỗi người.

Những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt có thể cân nhắc khám sàng lọc.

Các biện pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Khám trực tràng bằng tay: Bác sĩ đưa ngón tay có đeo găng và được bôi trơn vào trực tràng của bệnh nhân để kiểm tra tuyến tiền liệt. Nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về hình dạng, kích thước của tuyến tiền liệt hoặc có u cục, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để kiểm tra thêm.
  • Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA): Một mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay người bệnh và được phân tích để tìm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen – PSA) - một chất được sản xuất tự nhiên bởi tuyến tiền liệt. Một lượng nhỏ PSA trong máu là bình thường. Tuy nhiên, nếu nồng độ PSA cao hơn bình thường thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng, viêm, phì đại hoặc ung thư.

Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Nếu phát hiện bất thường trong quá trình sàng lọc, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh và thủ thuật dưới đây để xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt:

  • Siêu âm: Trong quá trình siêu âm qua trực tràng , một đầu dò nhỏ, dài được đưa vào trong trực tràng. Đầu dò phát ra sóng âm thanh và sau đó thu sóng âm dội lại từ các cấu trúc bên trong cơ thể. Những sóng âm này được chuyển thành hình ảnh hiển thị trên màn hình, cho phép kiểm tra tình trạng tuyến tiền liệt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định chụp MRI tuyến tiền liệt để có hình ảnh chi tiết hơn của cơ quan này. Hình ảnh MRI giúp bác sĩ xác định vị trí cần lấy mẫu mô trong tuyến tiền liệt.
  • Lấy mẫu mô tuyến tiền liệt (sinh thiết): Để kiểm tra xem có tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thủ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt, trong đó sử dụng một cây kim dài và mảnh đưa vào tuyến tiền liệt để lấy một mẫu mô nhỏ. Mẫu mô được đem đi phân tích để xác định xem có tế bào ung thư hay không. Thời gian thực hiện thủ thuật rất nhanh chóng và thường không gây đau.

Xác định phân độ ung thư tuyến tiền liệt

Khi kết quả sinh thiết cho thấy sự hiện diện của tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt, bước tiếp theo là xác định mức độ ác tính hay mức độ nguy hiểm (phân độ) của ung thư. Mẫu tế bào ung thư sẽ được phân tích để xác định mức độ khác biệt của các tế bào này so với tế bào khỏe mạnh. Phân độ (grade) càng cao thì ung thư càng nguy hiểm, tốc độ phát triển và lây lan trong cơ thể càng nhanh.

Các biện pháp được sử dụng để xác định phân độ ung thư gồm có:

  • Điểm Gleason: Thang điểm phổ biến nhất được sử dụng để đánh giá phân độ ung thư tuyến tiền liệt là điểm Gleason. Điểm Gleason có thể dao động trong khoảng từ 2 (ung thư không nguy hiểm) đến 10 (ung thư rất nguy hiểm) nhưng trên thực tế thì điểm Gleason rất hiếm khi dưới 6.
  • Điểm Gleason của hầu hết các mẫu sinh thiết tuyến tiền liệt đều nằm trong khoảng từ 6 đến 10. Điểm Gleason = 6 cho thấy ung thư tuyến tiền liệt phân độ thấp. Điểm Gleason = 7 có nghĩa là ung thư tuyến tiền liệt phân độ trung bình còn điểm Gleason từ 8 đến 10 có nghĩa là ung thư phân độ cao.
  • Kiểm tra bộ gen: Xét nghiệm gen phân tích các tế bào ung thư tuyến tiền liệt để xác định những đột biến gen hiện diện. Xét nghiệm này cung cấp thêm thông tin về tiên lượng. Tuy nhiên, xét nghiệm gen không được sử dụng phổ biến vì không phải trường hợp nào cũng cần phải xét nghiệm gen. Mặc dù việc tiến hành xét nghiệm gen là không bắt buộc đối với những trường hợp ung thư tuyến tiền liệt nhưng đôi khi, xét nghiệm này giúp bác sĩ có thêm thông tin để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, bước tiếp theo là xác định giai đoạn ung thư. Nếu nghi ngờ ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây:

  • Xạ hình xương
  • Siêu âm
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Không phải trường hợp nào cũng phải thực hiện tất cả các biện pháp này. Bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhất dựa trên tình trạng của mỗi bệnh nhân.

Bác sĩ sử dụng thông tin có được để xác định giai đoạn ung thư. Ung thư tuyến tiền liệt được chia thành 4 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, ung thư mới chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt và khi sang đến giai đoạn IV, ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt và di căn đến các khu vực khác của cơ thể.

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Phác đồ điều trị ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tốc độ phát triển của khối u, ung thư đã di căn hay chưa, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng như là những lợi ích và tác dụng phụ tiềm ẩn của quá trình điều trị.

Điều trị ung thư phân độ thấp

Ung thư tuyến tiền liệt phân độ (grade) thấp có thể chưa cần điều trị ngay và trong một số trường hợp, người bệnh hoàn toàn không phải điều trị mà chỉ cần theo dõi tích cực.

Trong quá trình theo dõi tích cực, người bệnh phải đi khám định kỳ để làm xét nghiệm máu, khám trực tràng và sinh thiết tuyến tiền liệt nhằm theo dõi sự tiến triển của bệnh ung thư. Nếu có dấu hiệu cho thấy bệnh đang tiến triển, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị như phẫu thuật hoặc xạ trị.

Theo dõi tích cực là một lựa chọn trong những trường hợp bệnh ung thư không gây triệu chứng, dự đoán khối u phát triển rất chậm và chỉ giới hạn trong một khu vực nhỏ của tuyến tiền liệt. Việc theo dõi tích cực cũng có thể được cân nhắc khi người bệnh ung thư còn có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác hoặc tuổi tác cao – những yếu tố gây khó khăn cho việc điều trị ung thư.

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Trong quá trình phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ cắt bỏ tuyến tiền liệt (cắt tuyến tiền liệt tận gốc), một phần mô xung quanh và một vài hạch bạch huyết.

Phẫu thuật là một giải pháp điều trị cho những trường hợp ung thư mới chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt nhưng đôi khi cũng được kết hợp với các phương pháp khác để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.

Ca phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ nội soi bằng robot hoặc mổ mở:

  • Mổ nội soi bằng robot:  Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt tuyến tiền liệt có sự hỗ trợ của robot, dụng cụ phẫu thuật được gắn vào các cánh tay robot. Bác sĩ điều khiển cánh tay robot di chuyển và thực hiện các thao tác phẫu thuật. Hầu hết các ca phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt đều được thực hiện bằng kỹ thuật này. Phẫu thuật nội soi bằng robot có ưu điểm là chỉ cần tạo một vài đường rạch nhỏ trên bụng, ít gây đau, hạn chế chảy máu, độ chính xác cao, bóc tách triệt để khối u và rút ngắn thời gian nằm viện sau phẫu thuật.
  • Mổ mở: Bác sĩ rạch một đường dài ở bụng dưới để tiếp cận và cắt bỏ tuyến tiền liệt. Hiện nay, kỹ thuạt mổ mở không còn được sử dụng phổ biến nhưng vẫn cần thiết trong một số trường hợp.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Hai loại xạ trị để điều trị ung thư tuyến tiền liệt là xạ trị bên trong và xạ trị chùm tia bên ngoài:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: Bệnh nhân nằm cố định trên bàn xạ và một thiết bị ở bên ngoài cơ thể phát ra chùm tia bức xạ nhắm đến khu vực có khối u. Một đợt xạ trị chùm tia bên ngoài thường kéo dài nhiều tuần và bệnh nhân phải điều trị khoảng năm ngày một tuần hoặc cũng có thể ngắn hơn nếu sử dụng liều bức xạ cao hơn.
    Xạ trị chùm tia bên ngoài là một lựa chọn điều trị cho những trường hợp ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt. Phương pháp này cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại nhằm ngăn chặn nguy cơ ung thư di căn hoặc tái phát. Đối với những trường hợp mà ung thư tuyến tiền liệt đãdi căn đến các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, phương pháp xạ trị có thể giúp làm chậm sự phát triển của ung thư và giảm các triệu chứng, chẳng hạn như đau đớn.
  • Xạ trị áp sát (cận xạ trị): Đây là phương pháp đưa nguồn bức xạ trực tiếp vào mô tuyến tiền liệt. Thông thường, bức xạ được phát ra từ các hạt có kích thước bằng hạt gạo. Những hạt này phát ra bức xạ liều thấp trong một thời gian dài. Nguồn bức xạ có thể được cấy vĩnh viễn vào cơ thể hoặc được lấy ra sau khi quá trình điều trị kết thúc. Xạ trị áp sát là một lựa chọn để điều trị ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp cả hai loại xạ trị.

Áp lạnh và điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao

Hai phương pháp không xâm lấn để điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Áp lạnh: Sử dụng nhiệt độ rất thấp để làm đông lạnh mô tuyến tiền liệt, sau đó để mô rã đông và lại tiếp tục làm lạnh. Chu kỳ đông lạnh rồi lại rã đông lặp đi lặp lại như vậy sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư và một phần mô khỏe mạnh xung quanh.
  • Điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU): Phương pháp này sử dụng năng lượng sóng siêu âm hội tụ để đốt nóng mô tuyến tiền liệt và tiêu diệt tế bào ung thư.

Những phương pháp điều trị này thường được sử dụng cho những trường hợp khối u tuyến tiền liệt có kích thước rất nhỏ và không thể phẫu thuật. Phương pháp áp lạnh và điều trị bằng công nghệ HIFU cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối nếu các phương pháp điều trị khác như xạ trị không có tác dụng.

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu về việc sử dụng liệu pháp áp lạnh hoặc HIFU để phá hủy một phần tuyến tiền liệt nhằm điều trị cho những trường hợp ung thư mới chỉ giới hạn trong tuyến tiền liệt. Phương pháp này được gọi là "liệu pháp điều trị tập trung", trong đó bác sĩ sẽ xác định khu vực có chứa các tế bào ung thư ác tính nhất trong tuyến tiền liệt và chỉ điều trị khu vực đó. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng liệu pháp điều trị tập trung giúp làm giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu phương pháp này có mang lại hiệu quả giống như phương pháp điều trị toàn bộ tuyến tiền liệt hay không.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone là phương pháp điều trị nhằm ngăn cơ thể sản xuất hormone testosterone. Tế bào ung thư tuyến tiền liệt dựa vào testosterone để phát triển. Khi không được cung cấp testosterone, các tế bào ung thư sẽ chết đi hoặc phát triển chậm hơn.

Các loại liệu pháp hormone để điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Thuốc ngăn cơ thể sản xuất testosterone: Một nhóm thuốc có tên là thuốc chủ vận và thuốc đối vận hormone GnRH (hormone giải phóng gonadotropin) có tác dụng ngăn chặn các tế bào của cơ thể nhận tín hiệu tạo ra testosterone. Kết quả là tinh hoàn ngừng sản xuất hormone testosterone.
  • Thuốc ngăn chặn testosterone tiếp cận tế bào ung thư: Nhóm thuốc này có tên là thuốc kháng androgen, thường được sử dụng kết hợp với thuốc chủ vận GnRH. Lý do là bởi thuốc chủ vận GnRH có thể tạm thời làm cho mức testosterone trong cơ thể tăng lên trước khi giảm xuống.
  • Phẫu thuật cắt tinh hoàn: Cắt tinh hoàn sẽ làm giảm lượng testosterone trong cơ thể một cách nhanh chóng và đáng kể. Tuy nhiên, không giống như các loại thuốc, phẫu thuật cắt tinh hoàn sẽ tạo ra sự thay đổi vĩnh viễn và không thể đảo ngược.

Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối nhằm thu nhỏ và làm chậm sự phát triển của khối u.

Liệu pháp hormone đôi khi được sử dụng trước khi xạ trị để điều trị ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Phương pháp này giúp thu nhỏ khối u và tăng hiệu quả của xạ trị.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào đang phát triển nhanh chóng trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa vào cơ thể qua tĩnh mạch ở cánh tay, qua đường uống hoặc kết hợp cả hai.

Hóa trị là một trong những lựa chọn để điều trị ung thư tuyến tiền liệt đã di căn sang các khu vực khác của cơ thể. Đây cũng là một giải pháp cho những trường hợp ung thư không đáp ứng với liệu pháp hormone.

Liệu pháp miễn dịch

Phương pháp này dựa vào hệ miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại ung thư. Hệ miễn dịch vốn có vai trò chống lại bệnh tật nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư bởi các tế bào ung thư có khả năng sản xuất ra các protein giúp chúng không bị phát hiện bởi các tế bào miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bằng cách can thiệp vào quá trình này.

Các loại liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:

  • Provenge (Sipuleucel-T): Phương pháp này giúp cho các tế bào miễn dịch có khả năng chống lại ung thư. Quá trình điều trị gồm nhiều bước. Trước tiên, máu của bệnh nhân được chạy qua một thiết bị trong một quá trình được gọi là phân tách máu (leukapheresis) để lấy một số tế bào miễn dịch. Các tế bào miễn dịch này được cho tiếp xúc với một loại protein nhằm mục đích kích thích và hình thành khả năng chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Sau đó, các tế bào miễn dịch đã được kích hoạt được đưa trở lại cơ thể người bệnh qua tĩnh mạch để chống lại tế bào ung thư. Phương pháp này là một giải pháp để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối không còn đáp ứng với liệu pháp hormone.
  • Sử dụng thuốc giúp các tế bào miễn dịch phát hiện tế bào ung thư: Thuốc điều trị miễn dịch giúp các tế bào của hệ miễn dịch xác định và tấn công các tế bào ung thư. Đây là một lựa chọn để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối không còn đáp ứng với liệu pháp hormone.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích sử dụng các loại thuốc có tác dụng nhắm đến các điểm bất thường của tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, thuốc nhắm trúng đích khiến cho các tế bào ung thư chết đi.

Liệu pháp nhắm trúng đích có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát nếu liệu pháp hormone không hiệu quả.

Một số loại thuốc nhắm trúng đích chỉ có hiệu quả đối với những tế bào ung thư mang một số đột biến gen nhất định. Tế bào ung thư sẽ được phân tích để xem liệu pháp nhắm trúng đích có tác dụng hay không và nên chọn loại thuốc nào.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostate-cancer/symptoms-causes/syc-20353087

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Phì đại tiền liệt tuyến (tăng sản tuyến tiền liệt lành tính)

Phì đại tiền liệt tuyến là một tình trạng lành tính (không phải ung thư), trong đó tuyến tiền liệt to lên. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới.

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm xảy ra ở tuyến tiền liệt, gây ra các triệu chứng như đau buốt hoặc tiểu khó, đau ở vùng bẹn, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục. Viêm tuyến tiền liệt có thể là do nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

U nang tuyến Bartholin

U nang và áp-xe tuyến Bartholin là những vấn đề phổ biến. Việc điều trị u nang tuyến Bartholin phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ nặng nhẹ của triệu chứng và có bị nhiễm trùng hay không.

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường diễn ra tương đối đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, những thay đổi về thể chất và cảm xúc mà mỗi người gặp phải là khác nhau, với mức độ từ nhẹ cho đến dữ dội, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây