Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư.

Barrett thực quản là gì?

Barrett thực quản là tình trạng lớp niêm mạc của thực quản (ống nối miệng với dạ dày) bị tổn thương do trào ngược axit, khiến lớp niêm mạc này dày lên và có màu đỏ.

Giữa thực quản và dạ dày là cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter – LES). Cơ này đóng vai trò là một chiếc van ngăn axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Theo thời gian, cơ vòng thực quản dưới có thể trở nên yếu và giãn ra, khiến cho axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên trên và dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Bệnh này thường có các triệu chứng như ợ chua, đau rát vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn), tức ngực và cảm giác vướng ở cổ họng. Ở một số người, trào ngược dạ dày thực quản còn gây ra những thay đổi trong các tế bào niêm mạc ở phần dưới của thực quản và dẫn đến Barrett thực quản.

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư (loạn sản). Nếu phát hiện có tế bào tiền ung thư thì cần phải điều trị ngay để ngăn ngừa ung thư thực quản.

Triệu chứng

Barrett thực quản thường xảy ra sau một thời gian dài bị trào ngược dạ dày thực quản và có các dấu hiệu, triệu chứng sau:

  • Thường xuyên ợ chua và trào ngược thức ăn, chất lỏng trong dạ dày
  • Khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ họng
  • Đau tức ngực
  • Cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị

Tuy nhiên, khoảng một nửa số người mắc bệnh Barrett thực quản không hề gặp bất kỳ triệu chứng nào của chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc nếu có thì cũng chỉ là những triệu chứng nhẹ.

Khi nào cần đi khám?

Nếu thường xuyên bị ợ chua, cảm giác nóng rát vùng thượng vị sau khi ăn hoặc có các triệu chứng khác của chứng trào ngược axit trong thời gian dài thì cần đi khám.

Đặc biệt, cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu như gặp các hiện tượng dưới đây:

  • Đau tức ngực - đây có thể là dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim
  • Khó nuốt
  • Nôn ra máu màu đỏ tươi hoặc lẫn các hạt li ti, màu nâu đen giống như bã cà phê
  • Đi ngoài phân đen hoặc có máu
  • Sụt cân không chủ đích

Nguyên nhân

Mặc dù đa số những người bị Barrett thực quản có tiền sử bị trào ngược dạ dày thực quản từ một thời gian dài nhưng nhiều người lại không hề có triệu chứng trào ngược.

Cho dù bệnh Barrett thực quản có kèm theo các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản hay không thì nguyên nhân gây bệnh vẫn là do axit dạ dày trào ngược vào thực quản, làm tổn thương mô thực quản và gây ra những thay đổi ở lớp niêm mạc.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị Barrett thực quản gồm có:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ bị Barrett thực quản sẽ cao hơn nếu như có tiền sử gia đình bị Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản.
  • Là nam giới: Nam giới có nguy cơ bị Barrett thực quản cao hơn phụ nữ.
  • Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với các chủng tộc khác.
  • Tuổi tác: Barrett thực quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở người trên 50 tuổi.
  • Ợ chua mạn tính và trào ngược dạ dày thực quản: Mặc dù không phải ai bị trào ngược dạ dày thực quản cũng đều mắc bệnh Barrett thực quản và không phải ai bị Barrett thực quản cũng từng mắc chứng trào ngược nhưng trào ngược dạ dày thực quản là một yếu tố nguy cơ chính, đặc biệt là những trường hợp mà các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc ức chế bơm proton (một loại thuốc giảm tiết axit dạ dày) hoặc những trường hợp phải dùng thuốc thường xuyên.
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì: Mỡ thừa ở vùng bụng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh Barrett thực quản.

Biến chứng

Những người bị Barrett thực quản sẽ dễ mắc bệnh ung thư thực quản hơn bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ này không quá cao, kể cả cả ở những người có thay đổi tiền ung thư ở tế bào thực quản. Trên thực tế, đa số những người bị Barrett thực quản đều không bị ung thư thực quản.

Biện pháp chẩn đoán

Nội soi là phương pháp chính để chẩn đoán Barrett thực quản.

Một ống dài có gắn camera và đèn chiếu sáng (ống nội soi) được đưa xuống cổ họng để kiểm tra các dấu hiệu bất thường ở thực quản. Bề mặt thực quản bình thường có màu hồng nhạt và bóng. Khi bị Barrett thực quản, mô chuyển sang màu đỏ và mịn như nhung.

Trong quá trình nội soi, bác sĩ lấy một mẫu mô từ thực quản (sinh thiết). Sau đó mẫu mô này được kiểm tra để xác định mức độ thay đổi.

Xác định mức độ thay đổi của mô

Mẫu mô được lấy từ thực quản sẽ được đem đi phân tích để xác định mức độ loạn sản trong tế bào thực quản:

  • Không có loạn sản: Bị Barrett thực quản nhưng không tìm thấy các thay đổi tiền ung thư trong tế bào.
  • Loạn sản độ thấp: Các tế bào có một số thay đổi tiền ung thư nhỏ.
  • Loạn sản độ cao: Các tế bào có nhiều thay đổi tiền ung thư. Loạn sản độ cao là bước cuối cùng trước khi các tế bào trở thành thành ung thư.

Tầm soát Barrett thực quản

Một số tổ chức y tế đưa ra khuyến nghị tầm soát Barrett thực quản định kỳ đối với những nam giới đã có các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ít nhất một lần/tuần và không đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton cũng như là những người có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Có tiền sử gia đình bị Barrett thực quản hoặc ung thư thực quản
  • Là nam giới
  • Người da trắng
  • Trên 50 tuổi
  • Hút thuốc lá
  • Có nhiều mỡ bụng

Mặc dù phụ nữ có nguy cơ mắc Barrett thực quản thấp hơn đáng kể so với nam giới nhưng cũng nên tầm soát nếu bị trào ngược dạ dày thực quản không thể kiểm soát bằng thuốc hoặc có các yếu tố nguy cơ khác nêu trên.

Điều trị

Việc điều trị Barrett thực quản phụ thuộc vào mức độ phát triển tế bào bất thường trong thực quản và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Không có loạn sản

Đối với các trường hợp không phát hiện loạn sản, bác sĩ sẽ chỉ định:

  • Nội soi định kỳ để theo dõi các tế bào trong thực quản: Nếu kết quả sinh thiết không cho thấy loạn sản thì người bệnh sẽ tái khám sau một năm và lúc này nếu không phát hiện thay đổi nào bất thường thì sẽ tái khám định kỳ 3 - 5 năm một lần.
  • Điều trị trào ngược dạ dày thực quản: Thuốc và thay đổi lối sống có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược. Nếu đã dùng thuốc mà không hiệu quả thì sẽ cần tiến hành các thủ thuật để điều trị thoát vị hoành hoặc để thắt chặt cơ vòng thực quản dưới nhằm ngăn axit dạ dày trào ngược. Các thủ thuật này thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi.

Loạn sản độ thấp

Loạn sản độ thấp được coi là giai đoạn đầu của những thay đổi tiền ung thư. Nếu phát hiện có loạn sản độ thấp thì người bệnh sẽ cần nội soi một lần nữa sau 6 tháng và tùy thuộc vào kết quả mà sau đó sẽ cần theo dõi định kỳ bằng nội soi mỗi 6 đến 12 tháng một lần.

Tuy nhiên, do nguy cơ ung thư thực quản nên nếu xác nhận có loạn sản thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau đây:

  • Loại bỏ bằng nội soi: Sử dụng ống nội soi để loại bỏ các tế bào bị tổn thương ở thực quản. Điều này giúp phát hiện chứng loạn sản và ung thư.
  • Đốt bằng sóng cao tần: Sử dụng nhiệt từ sóng cao tần (radio frequency) để phá hủy các mô bất thường ở thực quản. Phương pháp này có thể được thực hiện sau khi loại bỏ bằng nội soi.
  • Liệu pháp áp lạnh: Sử dụng ống nội soi để đưa chất lỏng hoặc khí lạnh vào các tế bào bất thường trong thực quản. Các tế bào được làm ấm lên và sau đó lại tiếp tục bị đóng băng. Quá trình lặp đi lặp lại như vậy sẽ phá hủy các tế bào bất thường.

Nếu phát hiện thực quản bị viêm nặng ở lần nội soi đầu tiên thì người bệnh sẽ cần nội soi một lần nữa sau 3 đến 4 tháng điều trị giảm axit dạ dày.

Loạn sản độ cao

Loạn sản độ cao là dấu hiệu báo trước ung thư thực quản. Vì lý do này nên bác sĩ sẽ chỉ định lọai bỏ bằng nội soi, đốt bằng sóng cao tần hoặc liệu pháp áp lạnh. Một phương pháp điều trị nữa là phẫu thuật, trong đó cắt bỏ phần thực quản bị tổn thương và nối phần còn lại với dạ dày.

Barrett thực quản có thể tái phát sau khi điều trị. Bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám cụ thể để theo dõi. Nếu sau phẫu thuật còn phải điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật thì người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc suốt đời để giảm axit dạ dày và giúp thực quản lành lại.

Biện pháp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Một số thay đổi trong lối sống và chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản và cũng có lợi cho bệnh Barrett thực quản:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tránh thực phẩm và đồ uống gây trào ngược axit, chẳng hạn như sô cô la, cà phê, rượu, đồ cay và bạc hà.
  • Không hút thuốc lá
  • Nâng cao đầu giường hoặc kê thêm gối ở bên dưới nửa thân trên khi ngủ

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây