Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD) xảy ra khi axit dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản (ống nối miệng và dạ dày). Tình trạng này gây tổn hại niêm mạc thực quản.

Trào ngược axit dạ dày là hiện tượng mà rất nhiều người gặp phải. GERD được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Đa phần thì có thể kiểm soát các triệu chứng khó chịu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản bằng một số thay đổi về chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và dùng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, một số người phải dùng đến các loại thuốc mạnh hơn hoặc phẫu thuật để giảm bớt các triệu chứng.

Triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến của bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm có:

  • Cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị, kèm theo ợ chua, ợ nóng. Thường xảy ra sau khi ăn và nặng hơn khi đi ngủ vào ban đêm
  • Tức ngực
  • Khó nuốt
  • Thức ăn hoặc chất lỏng bị trào ngược
  • Cảm giác nghẹn vướng trong cổ họng

Nếu bị trào ngược axit vào ban đêm thì có thể còn gặp phải các triệu chứng như:

  • Ho mạn tính
  • Viêm thanh quản
  • Mặc mới bệnh hen suyễn hoặc tình trạng bệnh hiện tại trở nên nặng hơn
  • Giấc ngủ bị gián đoạn

Khi nào cần đi khám?

Cần đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu bị đau tức ngực, đặc biệt là khi còn đi kèm với khó thở, đau hàm hoặc đau cánh tay. Đây có thể là những dấu hiệu của cơn nhồi máu cơ tim chứ không phải chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Ngoài ra cũng nên đi khám nếu như:

  • Gặp phải các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nghiêm trọng hoặc thường xuyên
  • Phải dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng nhiều hơn 2 lần một tuần

Nguyên nhân

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra do thường xuyên bị trào ngược axit dạ dày.

Khi chúng ta nuốt, cơ vòng thực quản dưới (cơ hình vòng tròn nằm giữa thực quản và dạ dày) sẽ giãn ra để thức ăn và chất lỏng có thể đi vào dạ dày. Sau đó cơ này sẽ đóng lại.

Nếu cơ vòng thực quản dưới giãn ra bất thường hoặc bị suy yếu thì axit dạ dày – chất dịch có tác dụng tiêu hóa thức ăn - có thể trào ngược lên trên. Tình trạng axit trào ngược liên tục này sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản và gây viêm thường xuyên.

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản:

  • Béo phì
  • Thoát vị hoành (phình phần trên của dạ dày lên đến cơ hoành)
  • Mang thai
  • Bệnh mô liên kết, chẳng hạn như xơ cứng bì
  • Thức ăn di chuyển chậm từ dạ dày xuống ruột non

Các yếu tố có thể làm trầm trọng thêm tình trạng trào ngược axit gồm có:

  • Hút thuốc lá
  • Ăn nhiều bữa
  • Ăn khuya
  • Ăn một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thực phẩm dầu mỡ và đồ chiên
  • Uống một số loại đồ uống, chẳng hạn như rượu bia hoặc cà phê
  • Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin

Biến chứng

Theo thời gian, tình trạng viêm mạn tính trong thực quản do trào ngược axit có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Hẹp thực quản: tình trạng tổn thương thực quản dưới do axit dạ dày sẽ gây hình thành mô sẹo. Điều này sẽ thu hẹp đường dẫn thức ăn và dẫn đến khó nuốt.
  • Loét thực quản: axit dạ dày có thể phá hủy mô trong thực quản và tạo ra vết loét. Loét thực quản sẽ gây chảy máu, đau đớn và khó nuốt.
  • Những thay đổi tiền ung thư ở thực quản (Barrett thực quản): những tổn hại do axit dạ dày gây ra có thể dẫn đến những thay đổi tiền ung thư ở lớp mô niêm mạc thực quản. Những thay đổi này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản dựa trên các triệu chứng lâm sàng và bệnh sử.

Để xác nhận chẩn đoán hoặc để kiểm tra biến chứng, bác sĩ sẽ tiến hành những biện pháp sau:

  • Nội soi đại tràng: luồn một ống mềm, dài có gắn đèn và camera (ống nội soi) xuống cổ họng để quan sát bên trong thực quản và dạ dày. Nếu bị trào ngược axit thì hình ảnh nội soi có thể vẫn bình thường nhưng phương pháp này sẽ giúp phát hiện ra tình trạng viêm thực quản và các biến chứng khác. Nội soi cũng có thể được sử dụng để lấy mẫu mô (sinh thiết), sau đó đem đi phân tích để phát hiện các biến chứng như Barrett thực quản.
  • Thử nghiệm thăm dò acid ambulatory (pH): một thiết bị theo dõi được đặt trong thực quản để xác định xem hiện tượng trào ngược axit dạ dày diễn ra khi nào và kéo dài trong bao lâu. Thiết bị này kết nối với một máy tính nhỏ mà bệnh nhân đeo quanh eo hoặc đeo qua vai. Thiết bị thăm dò acid ambulatory có thể có dạng ống thông nhỏ, linh hoạt luồn qua mũi hoặc có dạng kẹp được đưa vào thực quản trong quá trình nội soi và sẽ đi ra ngoài qua phân sau khoảng 2 ngày.
  • Đo áp lực nhu động thực quản: phương pháp này đo sự co thắt của cơ trong thực quản khi nuốt cũng như là đo sự phối hợp và lực của cơ thực quản.
  • Chụp X-quang đường tiêu hóa trên có cản quang: người bệnh uống một loại chất lỏng có chứa thuốc cản quang. Thuốc cản quang bao phủ lớp niêm mạc bên trong đường tiêu hóa và hiện thị rõ trên ảnh X-quang. Điều này giúp bác sĩ có thể đánh giá tình trạng ở bên trong thực quản, dạ dày và phần trên của ruột. Ngoài ra, người bệnh có thể còn phải nuốt một viên barium để xem có bị chứng hẹp thực quản hay không. Vấn đề này sẽ gây cản trở việc nuốt.

Điều trị

Với những trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản nhẹ thì trước tiên bác sĩ thường hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt và dùng thuốc không kê đơn. Nếu như sau vài tuần mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì sẽ phải chuyển sang các loại thuốc kê đơn hoặc phẫu thuật.

Thuốc không kê đơn

Các loại thuốc không kê đơn để điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản gồm có:

  • Thuốc kháng axit: các loại thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày và giúp giảm cảm giác nóng rát nhanh chóng. Tuy nhiên, các thuốc này sẽ không thể chữa lành thực quản bị viêm do axit dạ dày. Việc lạm dụng một số thuốc kháng axit còn có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc vấn đề về thận.
  • Thuốc kháng histamin H2: các thuốc kháng histamine H2 như cimetidine (Tagamet HB), famotidine (Pepcid AC) và nizatidine (Axid AR) có tác dụng giảm sản xuất axit dạ dày. Những loại thuốc này không có hiệu quả nhanh như thuốc kháng axit nhưng lại giúp giảm đau lâu hơn và có thể làm giảm sự sản xuất axit từ dạ dày trong thời gian lên đến 12 tiếng. Thuốc kháng histamin H2 còn có các phiên bản mạnh hơn và được dùng theo đơn của bác sĩ.
  • Thuốc ức chế bơm proton: có tác dụng ngăn chặn sự sản xuất axit và chữa lành thực quản. Loại thuốc này có tác dụng mạnh hơn thuốc kháng histamin H2 và còn có tác dụng phục hồi mô thực quản bị tổn thương. Một số thuốc ức chế bơm proton không kê đơn gồm có lansoprazole và omeprazole.

Thuốc kê đơn

Các loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gồm có:

  • Thuốc kháng histamin H2 kê đơn: gồm có famotidine và nizatidine. Những thuốc này thường được dung nạp tốt nhưng việc sử dụng lâu dài có thể làm tăng nhẹ nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 và gãy xương.
  • Thuốc ức chế bơm proton kê đơn: gồm có esomeprazole, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole và dexlansoprazole. Mặc dù thường được dung nạp tốt nhưng những thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn và thiếu hụt vitamin B12. Việc sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương hông.
  • Thuốc giảm co thắt cơ vòng thực quản dưới: thuốc giảm co thắt cơ vòng thực quản dưới baclofen có thể làm dịu tình trạng trào ngược axit dạ dày bằng cách giảm tần suất giãn cơ vòng thực quản dưới. Các tác dụng phụ có thể gặp phải gồm có mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó ngủ, đau đầu hoặc táo bón.

Phẫu thuật

Đa số các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản đều có thể kiểm soát được bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc không có tác dụng hoặc không muốn phải sử dụng thuốc trong thời gian dài thì  bác sĩ có thể chỉ định các thủ thuật sau:

  • Phẫu thuật tạo nếp gấp đáy vị (phẫu thuật Nissen): gấp phần trên của dạ dày xung quanh cơ vòng thực quản dưới để thắt chặt cơ và ngăn sự trào ngược. Quy trình phẫu thuật này thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Có thể gấp một phần hoặc toàn bộ phần trên của dạ dày.
  • Phương pháp LINX: quấn một chiếc vòng được làm từ các hạt từ tính nhỏ bằng titan xung quanh phần giữa dạ dày và thực quản. Lực hút từ tính giữa các hạt sẽ giữ cho phần này đóng lại và ngăn axit trào ngược nhưng thức ăn vẫn có thể đi qua. Quá trình này được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
  • Phẫu thuật nội soi xuyên miệng TIF: đây là thủ thuật thắt chặt cơ vòng thực quản dưới bằng cách sử dụng dây buộc bằng polypropylene quấn một phần quanh phần dưới thực quản. Phương pháp này được thực hiện qua đường miệng với ống nội soi và không cần cắt rạch. Ưu điểm là thời gian phục hồi nhanh chóng và ít gây đau đớn. Với những trường hợp bị thoát vị hoành nặng thì TIF sẽ không phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể thực hiện được nếu kết hợp với phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Một số thay đổi trong thói quen sinh hoạt có thể làm giảm tần suất trào ngược axit, ví dụ như:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: mỡ thừa sẽ gây áp lực lên vùng bụng, chèn ép dạ dày và khiến axit trào ngược lên thực quản.
  • Bỏ thuốc lá: hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ vòng thực quản dưới.
  • Kê cao đầu giường: nếu thường xuyên bị trào ngược axit khi ngủ thì hãy thử kê đầu giường cao thêm từ 15 – 20cm. Nếu như không thể kê cao giường thì có thể kê thêm chăn đệm bên dưới để nâng nửa thân trên khi ngủ. Nếu chỉ kê thêm gối thì sẽ không hiệu quả.
  • Không nằm ngay sau bữa ăn: sau khi ăn nên ngồi thẳng ít nhất 3 tiếng rồi mới nằm hoặc đi ngủ.
  • Ăn chậm và nhai kỹ: đặt đũa xuống sau mỗi lần gắp thức ăn và nhai kỹ trước khi nuốt.
  • Tránh các loại thức ăn và đồ uống gây trào ngược axit, ví dụ như thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ chua, rượu bia, chocolate, bạc hà, tỏi, hành tây và đồ uống chứa caffeine.
  • Không mặc quần áo bó sát: áo quá bó và cạp quần quá chật sẽ gây áp lực lên bụng và cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến trào ngược axit.

Các biện pháp khác

Ngoài các loại thuốc và thủ thuật điều trị kể trên, một số biện pháp dưới đây cũng có thể hỗ trợ giảm nhẹ bớt các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản:

  • Thảo dược: cam thảo và hoa cúc có tác dụng cải thiện tình trạng trào ngược axit dạ dày. Các loại thảo dược cũng có tác dụng phụ và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào.
  • Liệu pháp thư giãn: Các biện pháp làm dịu căng thẳng và lo âu như thư giãn cơ có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trào ngược dịch mật

Viêm dạ dày do trào ngược dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây