Ung thư thực quản

Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản là bệnh ung thư xảy ra trong thực quản - ống dài, rỗng nối từ cổ họng đến dạ dày. Thực quản có vai trò đưa thức ăn sau khi nhai xuống dạ dày để tiêu hóa.

Ung thư thực quản thường bắt đầu phát sinh trong các tế bào ở bề mặt bên trong thực quản và có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo thực quản. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới cao hơn nữ giới.

Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến thứ 6 trong số các ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh ở mỗi quốc gia là khác nhau. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản là hút thuốc lá, uống nhiều rượu, béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh.

Dấu hiệu, triệu chứng

Ung thư thực quản giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng.

Khi có thì các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thực quản thường là:

  • Khó nuốt, đau khi nuốt
  • Sụt cân không chủ đích
  • Đau rát họng
  • Đau tức ngực
  • Thường xuyên khó tiêu, ợ hơi, ợ chua
  • Ho kéo dài dai dẳng, khàn giọng
  • Nôn, ho ra máu

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh Barrett thực quản - một tình trạng tiền ung thư do trào ngược axit dạ dày mạn tính - thì nguy cơ bị ung thư thực quản sẽ cao hơn. Nhưng người mắc bệnh này cần theo dõi sát sao các triệu chứng và tầm soát ung thư thực quản định kỳ để phát hiện bệnh từ sớm.

Nguyên nhân

Ung thư thực quản xảy ra khi DNA của các tế bào trong thực quản có những thay đổi (đột biến). Những thay đổi này làm cho các tế bào phát triển và phân chia một cách mất kiểm soát. Chúng không chết đi theo chu kỳ tự nhiên giống như tế bào bình thường mà tích tụ lại tạo thành khối u trong thực quản. Sau đó chúng xâm lấn các cấu trúc lân cận và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các loại ung thư thực quản

Ung thư thực quản được phân loại dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh và phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư thực quản mắc phải. Các loại ung thư thực quản gồm có:

  • Ung thư biểu mô tuyến: bắt đầu trong các tế bào của tuyến tiết dịch nhầy trong thực quản. Ung thư biểu mô tuyến xảy ra chủ yếu ở phần dưới của thực quản.
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: xảy ra ở tế bào vảy - những tế bào dẹt nằm trên bề mặt của thực quản. Ung thư biểu mô tế bào vảy xảy ra chủ yếu ở phần trên và phần giữa của thực quản. Đây là loại ung thư thực quản phổ biến nhất trên toàn thế giới.
  • Các loại ung thư thực quản khác: Một số loại ung thư thực quản hiếm gặp gồm có ung thư biểu mô tế bào nhỏ, sarcoma, u lympho, ung thư hắc tố và ung thư nguyên bào nuôi.

Các yếu tố nguy cơ

Tình trạng kích ứng mạn tính xảy ra ở thực quản có thể góp phần tạo ra những thay đổi dẫn đến ung thư thực quản. Một số yếu tố gây kích ứng và làm tăng nguy cơ ung thư thực quản gồm có:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Hút thuốc lá
  • Bệnh Barrett thực quản ( những thay đổi tiền ung thư trong các tế bào thực quản)
  • Bị béo phì
  • Uống nhiều rượu
  • Trào ngược dịch mật
  • Khó nuốt do cơ vòng thực quản không giãn (chứng co thắt tâm vị)
  • Thường xuyên uống đồ quá nóng
  • Ăn ít trái cây và rau củ
  • Xạ trị ở vùng ngực hoặc bụng trên

Biến chứng

Khi bệnh tiến triển nặng, ung thư thực quản có thể gây ra các biến chứng như:

  • Tắc nghẽn thực quản: Khối u có thể khiến thức ăn và đồ uống khó đi qua thực quản.
  • Đau đớn: Ung thư thực quản giai đoạn cuối sẽ khiến người bệnh thường xuyên bị đau đớn.
  • Chảy máu trong thực quản: Tình trạng chảy máu có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột và nghiêm trọng.

Biện pháp chẩn đoán

Các biện pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư thực quản gồm có:

  • Chụp X-quang đường tiêu hóa có cản quang: Trong phương pháp chẩn đoán hình ảnh này, người bệnh được cho uống một loại dung dịch chứa baryt (barium) hoặc chất tương phản tan trong nước rồi sau đó chụp X-quang. Baryt phủ lên bề mặt bên trong thực quản và hiển thị trên ảnh chụp X-quang, nhờ đó sẽ cho thấy các bất thường.
  • Nội soi thực quản: Trong quá trình nội soi, bác sĩ đưa một ống mềm dài có gắn máy quay qua cổ họng xuống thực quản để kiểm tra thực quản, tìm dấu hiệu ung thư hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
  • Sinh thiết: Lấy mẫu mô ở khu vực đáng ngờ trong quá trình ống soi và đem đi phân tích để tìm tế bào ung thư.

Xác định giai đoạn ung thư

Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư thực quản, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện thêm một số biện pháp để xác định xem ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc đến các khu vực khác trong cơ thể hay chưa.

Các biện pháp này gồm có:

  • Nội soi phế quản
  • Siêu âm nội soi (EUS)
  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)

Dựa trên thông tin có được từ các biện pháp này, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư. Các giai đoạn của bệnh ung thư thực quản được biểu thị bằng chữ số La Mã từ 0 đến IV, trong đó giai đoạn đầu là khi khối u có kích thước nhỏ và chỉ giới hạn ở lớp bề mặt của thực quản. Khi sang đến giai đoạn IV hay giai đoạn cuối, ung thư đã di căn sang các vùng khác của cơ thể.

Điều trị

Phác đồ điều trị ung thư thực quản sẽ dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu, giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Phẫu thuật

Người bệnh ung thư thực quản có thể chỉ cần phẫu thuật để loại bỏ khối u hoặc cũng có thể phải kết hợp thêm các phương pháp điều trị khác.

Các quy trình phẫu thuật để điều trị ung thư thực quản gồm có:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Nếu khối u trong thực quản có kích thước rất nhỏ, mới chỉ giới hạn ở lớp bề mặt của thực quản và chưa lan rộng thì có thể chỉ cần phẫu thuật loại bỏ khối u cùng với một vùng mô khỏe mạnh bao quanh. Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi (ống nội soi được đưa qua cổ họng xuống thực quản và đưa dụng cụ phẫu thuật vào để cắt bỏ khối u).
  • Phẫu thuật cắt một phần thực quản: Bác sĩ cắt bỏ đi phần thực quản có chứa khối u cùng với một phần nhỏ bên trên của dạ dày và các hạch bạch huyết lân cận. Phần thực quản và dạ dày còn lại được nối với nhau.
  • Phẫu thuật cắt một phần thực quản và phần trên của dạ dày: Cắt bỏ đi một phần thực quản, các hạch bạch huyết lân cận và một phần dạ dày lớn hơn. Phần còn lại của dạ dày sau đó sẽ được kéo lên và nối lại vào thực quản. Nếu cần thiết, một phần ruột sẽ được sử dụng để nối dạ dày với thực quản.

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản đi kèm một số rủi ro, chẳng hạn như nhiễm trùng, chảy máu và rò rỉ ở vị trí thực quản được nối với dạ dày.

Quy trình phẫu thuật cắt thực quản có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ mở, trong đó bác sĩ rạch một đường dài để tiếp cận đến thực quản hoặc bằng phương pháp nội soi ổ bụng, trong đó chỉ cần rạch các đường nhỏ để đưa ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật vào. Phương pháp phẫu thuật được sử dụng sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như là kích thước, vị trí của khối u.

Điều trị biến chứng

Các phương pháp điều trị tắc nghẽn thực quản và khó nuốt do ung thư thực quản gồm có:

  • Đặt stent thực quản: Nếu thực quản bị thu hẹp do khối u thì sẽ phải đặt một ống kim loại (stent) để mở rộng thực quản và giúp cho thức ăn có thể đi qua dễ dàng. Quy trình đặt stent được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi. Ngoài ra, các phương pháp khác để điều trị tắc nghẽn thực quản do ung thư còn có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp laser và liệu pháp quang động.
  • Đặt ống thông dạ dày: Những người bị khó nuốt do ung thư thực quản hoặc phải phẫu thuật cắt thực quản thường phải đặt ống thông dạ dày (sonde dạ dày). Ống thông dẫn thức ăn trực tiếp đến dạ dày hoặc ruột non mà không đi qua thực quản để thực quản có thời gian lành lại sau phẫu thuật.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) hoặc sau khi phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) để điều trị ung thư thực quản. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị.

Ở những người bị ung thư giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã lan ra ngoài thực quản, các phương pháp điều trị sẽ không thể chữa khỏi bệnh được nữa nhưng hóa trị liệu có thể làm giảm các triệu chứng cho người bệnh.

Các tác dụng phụ của phương pháp hóa trị sẽ tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng nhưng thường là mệt mỏi, rụng tóc, dễ nhiễm trùng, thiếu máu, dễ bầm tím, chảy máu, chán ăn,…

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Năng lượng phóng xạ có thể đến từ một thiết bị ở bên ngoài cơ thể và nhắm đến vị trí có khối u (xạ trị chùm tia bên ngoài) hoặc đến từ một nguồn phóng xạ được đưa vào ngay sát khối u bên trong cơ thể (xạ trị áp sát).

Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị ở những người bị ung thư thực quản và có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật hoặc sau khi phẫu thuật. Phương pháp điều trị này cũng được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối, chẳng hạn như tắc nghẽn thực quản do khối u có kích thước quá lớn.

Một số tác dụng phụ thường gặp trong quá trình xạ trị gồm có da ửng đỏ và rát giống như cháy nắng, đau đầu, rụng tóc, buồn nôn, mệt mỏi, giảm thính lực, trí nhớ kém, khó nuốt và tổn thương các cơ quan lân cận, chẳng hạn như phổi và tim….

Hóa xạ trị đồng thời

Hóa xạ trị đồng thời là phương pháp kết hợp cả hóa trị và xạ trị, giúp nâng cao hiệu quả của mỗi phương pháp. Hóa xạ trị đồng thời có thể được thực hiện một mình hoặc thực hiện trước khi phẫu thuật. Việc kết hợp cả hóa trị và xạ trị sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp sử dụng các loại thuốc nhắm đến các gen hay protein chuyên biệt liên quan đến sự phát triển khối u của tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn các gen hay protein này, liệu pháp nhắm trúng đích sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư chết.

Đối với ung thư thực quản, liệu pháp nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị để điều trị cho các trường hợp ung thư giai đoạn cuối hoặc ung thư không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư. Hệ miễn dịch có vai trò là là “hàng phòng thủ” bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh nhưng lại không thể tấn công tế bào ung thư vì các tế bào này sản sinh ra một loại protein khiến cho tế bào của hệ miễn dịch không phát hiện ra chúng. Liệu pháp miễn dịch có cơ chế là can thiệp vào quá trình sản sinh protein này. Đối với ung thư thực quản, liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng cho các trường hợp ung thư giai đoạn cuối, ung thư tái phát hoặc ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. 

Biện pháp phòng ngừa

Các cách để giảm nguy cơ ung thư thực quản:

  • Không hút thuốc lá: Nếu như đang hút thuốc thì hãy cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt. Không chỉ có ung thư thực quản, hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải: Nếu uống rượu thì hãy uống có chừng mực.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ tươi: Nên ăn nhiều loại trái cây và rau củ màu sắc sặc sỡ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu đang bị thừa cân hoặc béo phì thì nên cố gắng giảm cân nhưng không nên giảm đột ngột mà hãy giảm từ từ và ổn định ở mức 1 - 2 kg/tuần bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục thường xuyên.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản được định nghĩa là những trường hợp bị trào ngược axit nhẹ từ 2 lần một tuần trở lên hoặc trào ngược axit mức độ từ vừa đến nặng xảy ra ít nhất một lần một tuần.

Bệnh Barrett thực quản

Barrett thực quản làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Mặc dù nguy cơ này không cao nhưng vẫn cần tầm soát định kỳ bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết để phát hiện sớm các tế bào tiền ung thư.

Ung thư niệu quản

Người mắc ung thư niệu quản thường phải phẫu thuật để điều trị. Phương pháp điều trị ung thư niệu quản trong mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, mức độ xâm lấn cũng như là lựa chọn của người bệnh.

Trào ngược bàng quang – niệu quản

Trào ngược bàng quang - niệu quản là tình trạng nước tiểu chảy theo hướng bất thường. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tắc nghẽn niệu quản

Tắc nghẽn niệu quản có thể không biểu hiện dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi có, các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn, một phần hay toàn bộ niệu đạo, tốc độ tiến triển và tình trạng tắc nghẽn có ảnh hưởng đến thận hay không.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây