Bệnh cầu thận màng
Bệnh cầu thận màng là gì?
Bệnh cầu thận màng (membranous nephropathy) xảy ra khi các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ lọc máu của thận (cầu thận) bị tổn thương và dày lên. Kết quả là protein rò rỉ từ các mạch máu này vào nước tiểu và dẫn đến tình trạng protein niệu. Bệnh cầu thận màng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hội chứng thận hư.
Trong những trường hợp nhẹ, bệnh cầu thận màng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi tình trạng rò rỉ protein vào nước tiểu tăng lên thì nguy cơ tổn thương thận về lâu dài cũng tăng theo. Trong nhiều trường hợp, bệnh cầu thận màng dẫn đến suy thận. Hiện chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh cầu thận màng nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm protein niệu và giảm nguy cơ biến chứng.
Triệu chứng bệnh cầu thận màng
Bệnh cầu thận màng tiến triển dần dần theo thời gian nên ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, khi lượng protein trong máu giảm, người bệnh sẽ bị phù nề ở cẳng chân, mắt cá chân và tăng cân do cơ thể bị giữ nước. Nhiều người có triệu chứng phù nề ngay từ giai đoạn đầu của bệnh nhưng một số người lại không gặp bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào cho đến khi mắc bệnh thận giai đoạn cuối.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cầu thận màng gồm có:
- Phù nề ở cẳng chân và mắt cá chân
- Tăng cân dù không ăn nhiều
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Nước tiểu có bọt do chứa nhiều protein
- Cholesterol cao
- Nồng độ protein trong nước tiểu tăng cao
- Nồng độ protein, đặc biệt là albumin trong máu giảm
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám nếu có các dấu hiệu như:
- Có máu trong nước tiểu
- Sưng phù chân kéo dài dai dẳng
- Tăng huyết áp
- Đau đột ngột ở khu vực giữa bụng trên và giữa lưng
- Khó thở đột ngột, có thể là do sự hình thành cục máu đông
Nguyên nhân gây bệnh cầu thận màng
Thông thường, bệnh cầu thận màng là kết quả của phản ứng tự miễn dịch. Hệ miễn dịch của cơ thể nhầm các mô khỏe mạnh là mô ngoại lai và tấn công bằng tự kháng thể. Các tự kháng thể này nhắm đến một số protein nhất định trong hệ thống lọc của thận (cầu thận). Đây được gọi là bệnh cầu thận màng nguyên phát.
Đôi khi bệnh cầu thận màng là do các nguyên nhân khác gây ra. Những trường hợp này được gọi là bệnh cầu thận màng thứ phát. Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh cầu thận màng gồm có:
- Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như lupus ban đỏ hệ thống
- Các bệnh do nhiễm trùng như viêm gan B, viêm gan C hoặc giang mai
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như muối vàng (một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Ung thư máu hoặc các bệnh ung thư có khối u thể rắn
Bệnh cầu thận màng cũng có thể xảy ra cùng với các bệnh thận khác, chẳng hạn như bệnh thận đái tháo và viêm cầu thận tiến triển nhanh (viêm cầu thận tế bào hình liềm).
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng gồm có:
- Mắc các bệnh lý làm hỏng thận: Một số bệnh có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh cầu thận màng là lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh tự miễn dịch khác.
- Sử dụng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến thận: Một số loại thuốc có thể gây bệnh cầu thận màng là thuốc chống viêm không steroid và muối vàng.
- Một số bệnh nhiễm trùng: Các bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng gồm có viêm gan B, viêm gan C và giang mai.
- Di truyền: Một số yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh cầu thận màng.
Biến chứng bệnh cầu thận màng
Bệnh cầu thận màng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Cholesterol cao: Những người bị bệnh cầu thận màng thường có nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu cao hơn bình thường, điều này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Hình thành cục máu đông: Lượng protein bị mất đi trong máu có thể bao gồm cả các protein có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Vì thế nên những người bị bệnh cầu thận màng dễ bị cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu và cục máu đông có thể di chuyển đến phổi, dẫn đến thuyên tắc phổi.
- Cao huyết áp: Sự tích tụ chất thải trong máu (urê huyết) và giữ muối có thể làm tăng huyết áp.
- Nhiễm trùng: Nếu bị mất đi các protein của hệ miễn dịch (kháng thể), người bị sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
- Hội chứng thận hư: Đây là một tập hợp nhiều triệu chứng do thận không hoạt động bình thường, gồm có tăng protein trong nước tiểu, giảm protein trong máu, cholesterol cao và sưng phù mí mắt, bàn chân và chướng bụng.
- Suy thận cấp: Nếu các đơn vị lọc của thận (cầu thận) bị tổn hại nghiêm trọng, chất thải sẽ nhanh chóng tích tụ trong máu. Người bệnh có thể sẽ phải lọc máu khẩn cấp để loại bỏ chất lỏng thừa và chất thải ra khỏi máu.
- Bệnh thận mạn: Sau một thời gian, chức năng thận suy giảm đến mức người bệnh cần phải lọc máu vĩnh viễn hoặc phẫu thuật ghép thận để duy trì sự sống.
Chẩn đoán bệnh cầu thận màng
Trong nhiều trường hợp, bệnh cầu thận màng không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Đôi khi, bệnh lý này được phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu định kỳ hoặc xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác. Nồng độ protein trong nước tiểu cao hơn bình thường là dấu hiệu chỉ ra bệnh cầu thận màng.
Đối với những trường hợp có triệu chứng protein niệu, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng, bao gồm cả đo huyết áp.
Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và các biện pháp chẩn đoán hình ảnh để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán bệnh cầu thận màng hoặc loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể khác gây ra các triệu chứng tương tự.
Các xét nghiệm và thủ thuật thường được thực hiện gồm có:
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm đo lượng protein trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra nồng độ cholesterol, triglyceride, đường trong máu và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thận khác. Xét nghiệm creatinin máu giúp đánh giá chức năng thận. Ngoài ra có thể cần thực hiện các xét nghiệm máu khác để phát hiện hoặc loại trừ các bệnh tự miễn hoặc nhiễm virus có thể gây tổn thương thận, chẳng hạn như viêm gan B hoặc viêm gan C.
- Độ lọc cầu thận (GFR): Giá trị GFR cho biết khả năng lọc máu của thận và giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh thận.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA): Xét nghiệm máu này tìm các kháng thể kháng nhân - những tự kháng thể tấn công mô của chính cơ thể. Nồng độ kháng thể kháng nhân cao là một dấu hiệu của các bệnh tự miễn.
- Siêu âm thận hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Các phương pháp này giúp bác sĩ đánh giá cấu trúc của thận và đường tiết niệu.
- Sinh thiết thận: Lấy một mẫu mô nhỏ từ thận và phân tích dưới kính hiển vi. Sinh thiết thận là bước cần thiết để xác nhận chẩn đoán. Kết quả sinh thiết giúp bác sĩ xác định loại bệnh thận, mức độ tổn thương thận và từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
- Xét nghiệm kháng thể kháng PLA2R (anti-PLA2R antibody): Xét nghiệm máu này tìm các kháng thể có liên quan đến bệnh cầu thận màng. Xét nghiệm kháng thể kháng PLA2R giúp xác nhận hoặc loại trừ bệnh khi không thể tiến hành sinh thiết. Nồng độ kháng thể kháng PLA2R cao là một dấu hiệu của bệnh cầu thận màng và làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.
Điều trị bệnh cầu thận màng
Các phương pháp điều trị bệnh cầu thận màng có mục đích chính là điều trị hoặc kiểm soát nguyên nhân gây bệnh và làm giảm các triệu chứng. Hiện nay chưa có cách chữa trị đặc hiệu cho bệnh cầu thận màng.
Tuy nhiên, có đến 30% người mắc bệnh cầu thận màng khỏi hoàn toàn các triệu chứng sau 5 năm mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Tỷ lệ thuyên giảm một phần là khoảng 25 đến 40%.
Trong những trường hợp bệnh cầu thận màng xảy ra do thuốc hoặc một bệnh lý khác như ung thư, bệnh thường sẽ cải thiện sau khi ngừng thuốc hoặc kiểm soát được bệnh lý gây ảnh hưởng đến thận.
Điều trị cho những trường hợp có nguy cơ suy thận thấp
Khi bị bệnh cầu thận màng, người bệnh được coi là có nguy cơ mắc bệnh thận mạn trong vòng 5 năm tới ở mức thấp nếu:
- Lượng protein trong nước tiểu duy trì ở mức dưới 4 gram một ngày trong 6 tháng
- Lượng creatinin trong máu ở mức bình thường trong 6 tháng
Phương pháp điều trị bệnh cầu thận màng trong những trường hợp này thường là:
- Thuốc điều trị cao huyết áp: Người bệnh thường được kê thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để giữ ổn định huyết áp.
- Thuốc lợi tiểu để giảm lượng natri và nước trong máu, nhờ đó giảm phù nề.
- Thuốc giảm cholesterol: Bác sĩ có thể sẽ kê statin để kiểm soát cholesterol trong máu.
- Thuốc chống đông máu: Người mắc bệnh cầu thận màng có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi nên có thể phải dùng các loại thuốc chống đông máu để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm này.
- Giảm lượng muối: Ăn nhiều muối sẽ làm tăng lượng protein trong nước tiểu và còn gây ra tình trạng giữ nước, phù nề. Người bệnh nên sử dụng ít muối khi nấu ăn và hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối.
Ở giai đoạn đầu của bệnh cầu thận màng, người bệnh thường không cần phải sử dụng các loại thuốc mạnh (những loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể), đặc biệt là khi bệnh có khả năng tự thuyên giảm.
Điều trị cho những trường hợp có nguy cơ suy thận cao
Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn khi lượng protein trong nước tiểu tăng cao. Càng có nhiều protein trong nước tiểu thì rủi ro đối với thận và sức khỏe tổng thể càng lớn.
Trước đây, các bác sĩ thường đánh giá nguy cơ dựa trên lượng protein trong nước tiểu:
- Rủi ro vừa phải: Lượng protein trong nước tiểu duy trì ở mức từ 4 đến 8 gram một ngày và nồng độ creatinin trong máu ở mức bình thường hoặc gần như bình thường trong vòng 6 tháng theo dõi. Khoảng một nửa số người có những yếu tố này mắc bệnh thận nghiêm trọng trong vòng 5 năm tới.
- Rủi ro cao: Lượng protein trong nước tiểu liên tục duy trì ở mức 8 gram một ngày trong vòng 3 tháng hoặc chức năng thận dưới mức bình thường trong thời gian theo dõi. 3 trên 4 người có những yếu tố này có nguy cơ cao mắc bệnh thận nghiêm trọng trong vòng 10 năm tới.
Một cách mới để đánh giá nguy cơ là đo nồng độ kháng thể trong máu và lượng protein trong nước tiểu. Cách này còn giúp bác sĩ dự đoán đáp ứng với điều trị.
Đối với những trường hợp có nguy cơ suy thận ở mức vừa đến cao, bác sĩ thường chỉ định các phương pháp sau đây để điều trị bệnh thận màng:
- Steroid kết hợp với một loại thuốc hóa trị: Nếu lượng protein trong nước tiểu tiếp tục tăng, bác sĩ sẽ kê corticoid cùng với một loại thuốc hóa trị để ức chế hệ miễn dịch. Cách này giúp làm giảm protein trong nước tiểu và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh suy thận. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng thuốc ức chế miễn dịch. Những loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Các loại thuốc hóa trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ như nguy cơ ung thư hoặc vô sinh. Có thể phải sau nhiều năm mới xảy ra những tác dụng phụ này.
- Cyclosporine (một loại thuốc ức chế calcineurin): Đây là một lựa chọn điều trị cho những người không muốn dùng thuốc hóa trị hoặc không dung nạp thuốc hóa trị.
- Rituximab (Rituxan): Rituximab thường được sử dụng khi thuốc ức chế miễn dịch không có tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy rituximab có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí cao hơn liệu pháp steroid. Loại thuốc này tiêu diệt các tế bào lympho B trong hệ miễn dịch – đó là những tế bào sản xuất ra các tự kháng thể gây tổn thương cầu thận. Tuy nhiên, rituximab có giá thành khá cao.
Đôi khi, bệnh cầu thận màng tái phát sau điều trị. Điều này có thể xảy ra với tất cả các loại thuốc ức chế miễn dịch. Nếu đợt điều trị đầu tiên không hiệu quả hoặc bệnh tái phát, người bệnh có thể sẽ phải tiếp tục điều trị thêm một đợt nữa.
Giảm nguy cơ mắc bệnh thận
Dưới đây là một số thay đổi về chế độ ăn uống và thói quen sống để giảm nguy cơ mắc bệnh thận:
Khám sức khỏe định kỳ
Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp
Giảm cân nếu thừa cân bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Không hút thuốc lá
Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau
Điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như giảm muối và ăn ít protein
Hạn chế uống rượu bia
Nguòn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/membranous-nephropathy/symptoms-causes/syc-20365189
Bệnh zona thần kinh
Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease) là một bệnh lý di truyền có đặc trưng là hình thành nhiều nang chứa dịch bên trong thận.
Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.
Bệnh thận IgA (bệnh Berger)
Không có cách chữa khỏi bệnh thận IgA nhưng một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Kiểm soát huyết áp ổn định và giảm cholesterol cũng là những điều cần thiết để ngăn ngừa biến chứng của bệnh thận IgA.
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối
Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là tình trạng mà chức năng thận chỉ còn dưới 15% chức năng bình thường.
Ý kiến bạn đọc