Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Bệnh thận mạn tính là gì?

Bệnh thận mạn tính, hay còn được gọi là suy thận mạn tính, là tình trạng mất dần chức năng của thận. Thận có chức năng lọc chất thải và chất lỏng thừa trong máu, sau đó bài tiết những chất này vào nước tiểu. Bệnh thận mạn tiến triển có thể làm tăng lượng chất lỏng, gây tích tụ chất điện giải và chất thải trong cơ thể.

Giai đoạn đầu của bệnh thận mạn tính thường có rất ít hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng. Vì thế nên người bệnh không biết mình mắc bệnh thận cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Bệnh thận mạn tính không thể chữa khỏi. Việc điều trị nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của tình trạng tổn thương thận, thường là bằng cách kiểm soát nguyên nhân gây suy thận. Tuy nhiên, cho dù kiểm soát được nguyên nhân thì thận vẫn sẽ tiếp tục bị tổn thương nặng thêm theo thời gian. Bệnh thận mạn tính có thể tiến triển thành suy thận giai đoạn cuối và gây tử vong nếu không lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận.

Triệu chứng bệnh thận mạn

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận mạn tính xuất hiện dần dần theo thời gian nếu tổn thương thận tiến triển chậm. Suy giảm chức năng thận có thể gây ra tình trạng tích tụ chất lỏng và chất thải trong cơ thể hoặc các vấn đề về điện giải. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà tình trạng suy giảm chức năng thận có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Khó ngủ, mất ngủ và các vấn đề về giâc ngủ khác
  • Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường
  • Tinh thần kém minh mẫn
  • Chuột rút cơ
  • Phù nề bàn chân và mắt cá chân
  • Da khô, ngứa ngáy
  • Tăng huyết áp khó kiểm soát
  • Khó thở nếu dịch tích tụ trong phổi
  • Đau ngực nếu dịch tích tụ quanh niêm mạc tim

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thận thường không đặc hiệu, có nghĩa là cũng có thể là do các bệnh lý khác gây ra. Bởi vì thận có thể tăng công suất hoạt động để bù lại phần chức năng đã mất nên người bệnh thường sẽ không có triệu chứng cho đến khi thận bị tổn thương không thể phục hồi.

Khi nào cần đi khám?

Người bệnh nên đi khám khi có các dấu hiệu của bệnh thận. Phát hiện và điều trị sớm có thể giúp ngăn ngừa bệnh thận tiến triển thành suy thận.

Đối với những người đang mắc các bệnh lý hay tình trạng sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bác sĩ sẽ đo huyết áp và chức năng thận bằng cách làm xét nước tiểu và xét nghiệm máu khi đi khám.

Nguyên nhân gây bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Các bệnh lý và tình trạng có thể gây bệnh thận mạn tính gồm có:

  • Bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2
  • Cao huyết áp
  • Viêm cầu thận: tình trạng viêm ở các đơn vị lọc của thận
  • Viêm thận kẽ: tình trạng viêm ở các ống thận và các cấu trúc xung quanh
  • Bệnh thận đa nang hoặc các bệnh thận di truyền khác
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu mạn tính do các bệnh như phì đại tiền liệt tuyến, sỏi thận và một số bệnh ung thư
  • Trào ngược bàng quang – niệu quản: tình trạng nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản và vào thận thay vì chảy ra ngoài cơ thể
  • Nhiễm trùng thận tái phát, hay còn được gọi là viêm bể thận
  • Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh thận mạn

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính gồm có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh thận
  • Cấu trúc thận bất thường
  • Tuổi cao
  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc gây hại cho thận

Biến chứng của bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể. Các biến chứng của bệnh lý này gồm có:

  • Cơ thể bị giữ nước, có thể dẫn đến phù nề ở tay và chân, tăng huyết áp hoặc tích tụ chất lỏng trong phổi (phù phổi)
  • Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột (tăng kali máu), có thể làm suy giảm chức năng tim và đe dọa đến tính mạng
  • Thiếu máu
  • Bệnh tim mạch
  • Xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương
  • Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể gây khó tập trung, thay đổi tính tình hoặc co giật
  • Đáp ứng miễn dịch suy giảm, dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng
  • Viêm màng ngoài tim - tình trạng viêm ở lớp màng bao quanh tim
  • Các biến chứng thai kỳ, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ lẫn thai nhi
  • Tổn thương thận không thể phục hồi (bệnh thận mạn giai đoạn cuối), lúc này người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc phẫu thuật ghép thận để duy trì sự sống

Phòng ngừa bệnh thận mạn

Để giảm nguy cơ phát triển bệnh thận:

  • Sử dụng thuốc không kê đơn đúng theo chỉ dẫn: Khi sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen và acetaminophen, hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Uống quá nhiều thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thận.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Nếu đang có cân nặng hợp lý thì hãy cố gắng duy trì bằng cách ăn uống điều độ và tích cực hoạt động thể chất. Nếu thừa cân hay béo phì thì hãy cố gắng giảm cân bằng cách thực hiện chế độ ăn kiêng khoa học, lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Không nên giảm cân quá nhanh để tránh gây hại cho sức khỏe.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc lá có thể gây tổn hại thận và làm cho bệnh thận ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
  • Điều trị và kiểm soát các bệnh đang mắc: Nếu đang mắc các bệnh làm tăng nguy cơ bệnh thận thì cần phải điều trị theo đúng chỉ định để kiểm soát tình trạng bệnh. Ngoài ra nên đi khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận.

Chẩn đoán bệnh thận mạn

Để chẩn đoán bệnh thận, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình để biết người bệnh có đang mắc các vấn đề về sức khỏe hay dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận hay không. Sau đó bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gặp phải, chẳng hạn như thay đổi trong thói quen đi tiểu.

Tiếp theo, bác sĩ tiến hành khám lâm sàng, kiểm tra các dấu hiệu bất thường về tim hoặc mạch máu và khám thần kinh.

Một số xét nghiệm và thủ thuật thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh thận và xác định mức độ nghiêm trọng (giai đoạn) của bệnh:

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm chức năng thận cho biết nồng độ các chất thải, chẳng hạn như creatinin và urê trong máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Phân tích mẫu nước tiểu để phát hiện những bất thường chỉ ra suy thận mạn và giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.
  • Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Bác sĩ tiến hành siêu âm để kiểm tra cấu trúc và kích thước thận. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác để chẩn đoán bệnh thận còn có chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Sinh thiết: Đôi khi bác sĩ sẽ tiến hành sinh thận, trong đó lấy một mẫu mô từ thận để phân tích. Người bệnh thường được gây tê tại chỗ. Bác sĩ sử dụng một cây kim dài đưa xuyên qua da vào thận để lấy một mẫu mô nhỏ. Mẫu mô sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích nhằm xác định nguyên nhân gây ra vấn đề về thận.

Điều trị bệnh thận mạn

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà một số loại bệnh thận có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh thận mạn tính không thể chữa khỏi.

Phác đồ điều trị thường gồm có các biện pháp giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh, giảm thiểu biến chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ cần đến các phương pháp điều trị bệnh thận giai đoạn cuối.

Điều trị nguyên nhân

Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị để trì hoãn sự tiến triển hoặc kiểm soát nguyên nhân gây ra bệnh thận. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả khi nguyên nhân gốc rễ, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, được kiểm soát thì tình trạng tổn thương thận vẫn có thể tiếp tục tiến triển ngày càng nặng.

Điều trị biến chứng

Kiểm soát các biến chứng của bệnh thận có thể giúp người bệnh cảm thấy khỏe hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Thuốc điều trị cao huyết áp: Bệnh thận có thể làm trầm trọng thêm tình trạng cao huyết áp. Do đó, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc hạ huyết áp, thường là thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II để ổn định huyết áp và duy trì chức năng thận. Thuốc điều trị cao huyết áp ban đầu có thể làm giảm chức năng thận và thay đổi nồng độ chất điện giải trong máu nên người bệnh nên làm xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra cũng có thể sẽ phải dùng thuốc lợi tiểu và thực hiện chế độ ăn ít muối.
  • Thuốc lợi tiểu: Những người mắc bệnh thận mạn tính thường bị tích nước trong cơ thể. Tình trạng này gây phù chân và tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu có thể giúp duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
  • Điều trị thiếu máu: Uống bổ sung hormone erythropoietin (có thể chứa cả sắt) giúp cơ thể sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn. Điều này có tác dụng làm giảm mệt mỏi và suy nhược do thiếu máu.
  • Thuốc hạ cholesterol: Bác sĩ có thể chỉ định dùng statin để giảm nồng độ cholesterol trong máu. Những người bị bệnh thận mạn thường có nồng độ cholesterol xấu (LDL cholesterol) cao và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Tăng cường sức khỏe xương: Uống bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp ngăn ngừa loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương. Người bệnh cũng có thể phải dùng chất kết dính phốt phát để giảm nồng độ phốt phát trong máu và bảo vệ các mạch máu khỏi bị tổn hại do tích tụ canxi (vôi hóa).
  • Chế độ ăn ít protein để giảm chất thải trong máu: Trong quá trình xử lý protein (chất đạm) từ thực phẩm, cơ thể sẽ tạo ra các chất thải vào máu và thận có nhiệm vụ lọc các chất thải này. Để thận không phải làm việc nhiều, người bệnh nên giảm lượng protein trong chế độ ăn. Trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn uống để không gây hại cho thận mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.

Người bệnh nên đi khám thường xuyên để theo dõi tình trạng bệnh thận.

Điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối là khi thận mất hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn khả năng lọc chất thải và chất lỏng trong máu. Lúc này, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

  • Lọc máu: Phương pháp này này giúp loại bỏ các chất thải và chất lỏng thừa ra khỏi máu thay cho thận. Có hai loại lọc máu chính là chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc. Trong chạy thận nhân tạo, máu được đưa ra ngoài cơ thể, lọc trong thiết bị để loại bỏ chất thải cùng chất lỏng thừa, sau đó được đưa trở lại vào cơ thể. Trong phương pháp thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), một ống hẹp được đưa vào khoang bụng và bơm dung dịch thẩm phân máu vào đầy khoang bụng. Dung dịch này có tác dụng hấp thụ chất thải và chất lỏng dư thừa. Sau một thời gian, dung dịch thẩm phân sẽ được xả ra khỏi cơ thể và mang theo chất thải.
  • Ghép thận: Nếu tìm được người hiến thận phù hợp, người bệnh có thể được ghép thận. Người hiến thận có thể là người còn sống hoặc người đã chết não. Sau khi ghép thận, người bệnh không cần phải lọc máu nữa nhưng sẽ phải dùng thuốc chống thải ghép trong suốt phần đời còn lại để ngăn hệ miễn dịch tấn công cơ quan nội tạng mới.

Nếu người bệnh lựa chọn không lọc máu và cũng không phẫu thuật ghép thận thì vẫn còn một giải pháp thứ ba là điều trị suy thận bằng các biện pháp bảo tồn. Các biện pháp này nhằm mục đích kiểm soát các triệu chứng và chăm sóc giảm nhẹ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Chế độ ăn uống khi bị bệnh thận mạn

Bên cạnh các phương pháp điều trị, người bệnh cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống để hỗ trợ thận và giảm bớt khối lượng công việc cho cơ quan này. Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, chức năng thận và tình trạng sức khỏe tổng thể.

Tuy nhiên, một số lưu ý chung về chế độ ăn uống dành cho người mắc bệnh thận mạn gồm có:

  • Hạn chế ăn muối: Giảm lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày bằng cách sử dụng ít muối khi nấu ăn và hạn chế các loại đồ ăn chế biến sẵn có chứa nhiều muối như bim bim, phô mai mặn, đồ hộp…
  • Chọn thực phẩm có hàm lượng kali thấp: Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, cam, khoai tây, cải bó xôi và cà chua. Thay vào đó nên chọn các loại thực phẩm chứa ít kali như táo, bắp cải, cà rốt, đậu cô ve, nho và dâu tây.
  • Ăn ít protein: Ăn nhiều protein sẽ khiến cơ thể tạo ra nhiều chất thải vào máu và làm cho thận phải làm việc nhiều hơn. Do đó, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ, trứng, sữa, phô mai và đậu. Ăn các loại thực phẩm ít protein như rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Mắc bệnh mạn tính cần tiêm những vắc-xin nào?

Tiêm phòng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng với những người có ít nhất một bệnh lý mạn tính thì vắc-xin lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Bệnh zona thần kinh

Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây