Bệnh zona thần kinh

Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh này.

Zona thần kinh là gì?

Zona thần kinh hay bệnh zona (dân gian thường gọi là bệnh giời leo) là một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra với triệu chứng là nổi mụn nước đau đớn. Mặc dù bệnh zona thần kinh có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng các dải mụn nước thường xuất hiện dọc theo bên trái hoặc bên phải của thân mình.

Bệnh zona do virus Varicella zoster gây ra – đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Sau khi bị thủy đậu, virus sẽ tồn tại ở trạng thái bất hoạt (không hoạt động) trong mô thần kinh gần tủy sống và não bộ. Nhiều năm sau, virus có thể tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.

Zona thần kinh không phải là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể khiến cho người bệnh rất đau đớn. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh zona. Điều trị sớm sẽ giúp rút ngắn thời gian bị bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Biến chứng phổ biến nhất khi mắc bệnh này là đau thần kinh sau zona, gây triệu chứng đau đớn trong suốt một thời gian dài sau khi các mụn nước đã lành lại hoàn toàn.

Dấu hiệu, triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh zona thần kinh thường chỉ xảy ra trên một vùng nhỏ ở một bên cơ thể. Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau, nóng rát, tê hoặc châm chích ở vị trí sắp nổi mụn nước
  • Da có cảm giác đau khi chạm
  • Nổi ban đỏ vài ngày sau khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên
  • Nổi các nốt mụn nước, sau đó vỡ ra, tạo thành vết lét và dần đóng vảy rồi lành lại
  • Ngứa ngáy, đau rát ở vị trí mụn nước

Ngoài các triệu chứng trên da, một số người khi bị zona thần kinh còn gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Mệt mỏi

Đau thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh zona thần kinh và cơn đau có thể rất dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí mà đôi khi, cơn đau do bệnh zona bị nhầm với triệu chứng của các vấn đề xảy ra với tim, phổi hoặc thận. Một số người bị zona thần kinh chỉ bị đau mà không phát ban.

Thông thường, khi bị bệnh zona thần kinh, mụn nước xuất hiện thành dải ở bên trái hoặc bên phải của thân mình. Đôi khi mụn nước nổi xung quanh một bên mắt, một bên cổ hoặc một bên mặt.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu có các dấu hiệu nghi là bệnh zona thần kinh, đặc biệt là trong các trường hợp sau:

  • Triệu chứng xảy ra gần mắt. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn.
  • Người bệnh từ 60 tuổi trở lên, vì tuổi tác cao làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra biến chứng.
  • Bản thân người bệnh hoặc có người trong gia đình bị suy giảm hệ miễn dịch (do ung thư, thuốc men hoặc bệnh mãn tính).
  • Mụn nước lan rộng và đau đớn dữ dội

Nguyên nhân

Bệnh zona thần kinh là do virus Varicella zoster gây ra – đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Bất kỳ ai từng bị thủy đậu đều có thể bị bệnh zona thần kinh. Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus sẽ xâm nhập vào hệ thần kinh và tồn tại ở trạng thái không hoạt động trong nhiều năm.

Cuối cùng, virus có thể hoạt động trở lại và di chuyển dọc theo các đường thần kinh đến da, gây ra bệnh zona. Tuy nhiên, không phải ai bị thủy đậu cũng sẽ mắc bệnh zona thần kinh.

Các chuyên gia vẫn chưa lý giải được nguyên nhân của điều này nhưng có thể là do khả năng miễn dịch của một số người đối với các bệnh nhiễm trùng bị suy giảm khi trưởng thành. Bệnh zona thần kinh xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Varicella zoster thuộc nhóm virus herpes, trong đó có cả gồm có virus gây ra mụn rộp môi (herpes môi) và mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục) - hai bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Do đó, bệnh zona thần kinh còn được gọi là herpes zoster. Tuy nhiên, virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona thần kinh khác với virus gây ra bệnh mụn rộp môi và mụn rộp sinh dục.

Zona thần kinh có lây không?

Một người bị bệnh zona thần kinh có thể lây truyền virus Varicella zoster cho bất kỳ ai không có miễn dịch với bệnh thủy đậu (chưa từng mắc bệnh và chưa tiêm vắc xin). Virus Varicella zoster lây khi tiếp xúc trực tiếp với vết loét trên cơ thể người bị bệnh zona. Tuy nhiên, khi bị nhiễm virus thì người đó sẽ mắc bệnh thủy đậu chứ không phải bệnh zona thần kinh.

Bệnh thủy đậu có thể gây nguy hiểm cho một số người. Chừng nào các nốt mụn nước và vết loét do bệnh zona còn chưa lành hẳn thì virus sẽ vẫn còn lây lan. Do đó, người bệnh cần tránh tiếp xúc cơ thể với tất cả những ai chưa mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là những người có miễn dịch yếu, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

Các yếu tố nguy cơ

Bất cứ ai đã từng mắc bệnh thủy đậu đều có thể bị bệnh zona thần kinh nhưng các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gồm có:

  • Trên 50 tuổi: bệnh zona thần kinh xảy ra phổ biến nhất ở những người trên 50 tuổi. Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng.
  • Đang mắc một số bệnh: các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS và ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh.
  • Đang điều trị ung thư: phương pháp xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng của cơ thể và khiến người bệnh dễ mắc bệnh zona hơn.
  • Đang dùng một số loại thuốc: thuốc chống thải ghép (loại thuốc được dùng sau phẫu thuật ghép tạng) làm giảm chức năng miễn dịch và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona. Ngoài ra, việc sử dụng steroid kéo dài, chẳng hạn như prednisone, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh.

Biến chứng của bệnh zona

Bệnh zona thần kinh có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Đau thần kinh sau zona: ở một số người, cơn đau do bệnh zona thần kinh tiếp tục kéo dài dù các nốt mụn nước và vết loét đã biến mất. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona và xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương gửi tín hiệu đau từ da đến não một cách phóng đại.
  • Giảm thị lực: bệnh zona thần kinh xảy ra trong hoặc xung quanh mắt (bệnh zona ở mắt) có thể gây nhiễm trùng mắt, gây đau đớn và dẫn đến mất thị lực.
  • Các vấn đề về thần kinh: khi ảnh hưởng đến một số dây thần kinh nhất định, bệnh zona có thể gây viêm não, liệt mặt, các vấn đề về thính giác hoặc khả năng giữ thăng bằng.
  • Nhiễm trùng da: nếu mụn nước do zona thần kinh không được điều trị đúng cách thì da có thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Biện pháp chẩn đoán

Bệnh zona thần kinh thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng điển hình là đau hoặc nóng rát ở một bên cơ thể, cùng với phát ban và nổi mụn nước. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu mô hoặc dịch từ mụn nước và đem đi nuôi cấy để xác định chính xác vấn đề.

Điều trị bệnh zona thần kinh

Hiện không có cách nào chữa khỏi bệnh zona thần kinh nhưng điều trị kịp thời bằng thuốc kháng virus có thể đẩy nhanh tốc độ khỏi bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Một số loại thuốc thường được dùng gồm có:

  • Acyclovir
  • Famciclovir
  • Valacyclovir

Zona thần kinh có thể gây đau đớn dữ dội nên người bệnh có thể cần dùng thêm một số loại thuốc khác như:

  • Miếng dán giảm đau
  • Thuốc chống co giật, chẳng hạn như gabapentin
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline
  • Các loại thuốc gây tê tại chỗ, chẳng hạn như lidocain, có thể dùng dạng kem, gel, dạng xịt hoặc miếng dán
  • Thuốc giảm đau nhóm opioid, chẳng hạn như codeine
  • Các loại thuốc tiêm, chẳng hạn như corticosteroid và thuốc gây tê tại chỗ

Ngoài ra có thể chườm mát lên mụn nước để giảm ngứa và đau rát.

Bệnh zona thần kinh thường kéo dài từ 2 đến 6 tuần. Hầu hết mọi người đều chỉ bị bệnh này một lần rồi không bao giờ bị lại nhưng cũng có người bị tái phát nhiều lần.

Phòng ngừa bệnh zona thần kinh

Zona thần kinh là bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin.

Những người muốn tiêm phòng bệnh này có thể chọn một trong hai loại vắc xin là Shingrix và Zostavax.

Các nghiên cứu cho thấy Shingrix tạo sự bảo vệ chống lại bệnh zona trong thời gian hơn 5 năm sau khi tiêm. Shingrix là một loại vắc xin bất hoạt được làm từ một thành phần của virus. Vắc xin này gồm có hai liều, mỗi liều cách nhau từ 2 đến 6 tháng.

Vắc xin Shingrix được phê chuẩn và khuyến nghị cho người từ 50 tuổi trở lên, bao gồm cả những người đã từng tiêm Zostavax hoặc người từng bị bệnh zona.

Zostavax đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh zona trong thời gian khoảng 5 năm. Đây là một loại vắc xin sống được tiêm một mũi duy nhất, thường là ở bắp tay. Zostavax được khuyến nghị cho những người từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay, vắc xin này đã không còn được sử dụng ở nhiều quốc gia.

Một số tác dụng phụ phổ biến nhất xảy ra khi tiêm vắc xin phòng bệnh zona thần kinh là mẩn đỏ, đau, nhức, sưng và ngứa tại vị trí tiêm, đôi khi còn xảy ra hiện tượng đau đầu.

Mặc dù vẫn có thể mắc bệnh zona thần kinh sau khi đã tiêm vắc xin nhưng những người đã tiêm phòng sẽ bị bệnh nhẹ hơn và nguy cơ bị biến chứng đau thần kinh sau zona cũng thấp hơn.

Lưu ý, tiêm vắc xin là một biện pháp phòng ngừa chứ hoàn toàn không có tác dụng điều trị cho những người đang mắc bệnh.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

U thần kinh nội tiết tuyến tụy

Việc điều trị u thần kinh nội tiết tuyến tụy sẽ tùy thuộc vào loại tế bào nơi ung thư bắt đầu phát sinh, mức độ lan rộng và đặc điểm của bệnh ung thư cũng như là tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Viêm da thần kinh

Viêm da thần kinh không nguy hiểm và không lây. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị ngứa dữ dội hoặc tái phát thường xuyên, điều này làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh thận đa nang

Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease) là một bệnh lý di truyền có đặc trưng là hình thành nhiều nang chứa dịch bên trong thận.

Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Bệnh thận IgA (bệnh Berger)

Không có cách chữa khỏi bệnh thận IgA nhưng một số loại thuốc có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Kiểm soát huyết áp ổn định và giảm cholesterol cũng là những điều cần thiết để ngăn ngừa biến chứng của bệnh thận IgA.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây