Bệnh celiac

Không có cách nào có thể chữa khỏi bệnh celiac nhưng ở hầu hết người bị bệnh này, chỉ cần thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt không chứa gluten là sẽ có thể kiểm soát các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương trong đường ruột.

Bệnh celiac là gì?

Bệnh celiac hay không dung nạp gluten là một bệnh lý xảy ra do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi ăn gluten - một loại protein có nhiều loại thực phẩm như lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen…

Ở những người bị bệnh celiac, thực phẩm chứa gluten sẽ kích hoạt đáp ứng miễn dịch trong ruột non. Theo thời gian, tình trạng này làm hỏng lớp niêm mạc ruột non và ngăn cản sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Đường ruột bị tổn thương do bệnh celiac thường gây triệu chứng tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân, đầy bụng và thiếu máu, ngoài ra còn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Ở trẻ em, bệnh celiac cũng gây ra một số triệu chứng tương tự như ở người lớn và bên cạnh đó, tình trạng hấp thụ kém sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Không có cách nào có thể chữa khỏi bệnh celiac nhưng ở hầu hết người bị bệnh này, chỉ cần thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt không chứa gluten là sẽ có thể kiểm soát các triệu chứng và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương trong đường ruột.

Triệu chứng

Bệnh celiac gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng về tiêu hóa thường gặp ở người lớn gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Đau bụng
  • Buồn nôn và nôn
  • Táo bón

Tuy nhiên, nhiều người bị bệnh này còn gặp phải các triệu chứng không liên quan đến tiêu hóa, ví dụ như

  • Thiếu máu, thường là do thiếu sắt
  • Loãng xương hoặc nhuyễn xương
  • Da phát ban, ngứa ngáy, nổi mụn nước (viêm da dạng herpes)
  • Loét miệng
  • Nhức đầu và mệt mỏi
  • Tổn thương hệ thần kinh, gây ra các hiện tượng như tê và châm chích ở bàn chân, bàn tay, giảm khả năng cân bằng, suy giảm nhận thức
  • Đau nhức xương khớp
  • Giảm chức năng của lá lách

Trẻ em bị bệnh celiac thường dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa hơn so với người lớn. Các triệu chứng gồm có:

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy kéo dài
  • Bụng chướng to
  • Táo bón
  • Đầy hơi
  • Phân nhạt màu, nặng mùi

Sự hấp thụ chất dinh dưỡng kém có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Trẻ sơ sinh tăng trưởng chậm
  • Hỏng men răng
  • Sụt cân
  • Thiếu máu
  • Hay cáu gắt, khóc quấy
  • Tầm vóc thấp
  • Dậy thì muộn
  • Các triệu chứng về thần kinh, ví dụ như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), khả năng học tập kém, đau đầu, mất điều hòa vận động (thất điều) và co giật

Viêm da dạng herpes

Không dung nạp gluten có thể gây viêm da dạng herpes với triệu chứng là da phát ban, ngứa ngáy, nổi mụn nước. Phát ban thường xảy ra ở khuỷu tay, đầu gối, thân trên, da đầu và mông. Tình trạng này xảy ra do những thay đổi ở niêm mạc ruột non.

Người bị viêm da dạng herpes cần duy trì chế độ ăn uống không chứa gluten hoặc dùng thuốc hoặc kết hợp cả hai để kiểm soát triệu chứng phát ban.

Khi nào cần đi khám?

Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường như xanh xao, hay khóc quấy, tăng trưởng kém, bị tiêu chảy hoặc có các triệu chứng tiêu hóa khác kéo dài quá 2 tuần, ví dụ như đi ngoài phân sệt và nặng mùi.

Người lớn cần đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chế độ ăn uống không chứa gluten. Việc kiêng hoàn toàn hay giảm lượng gluten trước khi làm xét nghiệm bệnh celiac có thể khiến xét nghiệm cho kết quả không chính xác.

Bệnh celiac thường di truyền trong gia đình. Nếu có thành viên trong nhà bị bệnh celiac hoặc có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường tuýp 1 thì nên đi khám khi gặp các triệu chứng nêu trên.

Nguyên nhân

Gen di truyền, chế độ ăn uống và một số yếu tố khác có thể góp phần gây ra bệnh celiac. Một số bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và vi khuẩn đường ruột cũng có thể là nguyên nhân. Đôi khi, các triệu chứng bệnh celiac khởi phát sau khi phẫu thuật, mang thai, sinh nở, nhiễm virus hoặc căng thẳng thần kinh.

Khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với gluten trong thực phẩm, điều này sẽ làm tổn hại lớp nhung mao - các mô nhỏ, nhô lên giống như ngón tay trong ruột non. Nhung mao có chức năng hấp thụ vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác từ thức ăn. Nếu nhung mao bị tổn hại thì cơ thể sẽ không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, cho dù có ăn bao nhiêu đi chăng nữa.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh celiac:

  • Có tiền sử gia đình bị bệnh celiac hoặc viêm da dạng herpes
  • Tiểu đường tuýp 1
  • Hội chứng Down hoặc hội chứng Turner
  • Bệnh tuyến giáp tự miễn
  • Viêm đại tràng vi thể
  • Bệnh Addison

Biến chứng

Bệnh celiac không được điều trị có thể gây ra các vấn đề như:

  • Thiếu hụt dinh dưỡng: xảy ra do ruột non không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến thiếu máu và sụt cân. Ở trẻ em, tình trạng này khiến trẻ chậm lớn, tầm vóc kém.
  • Yếu xương: sự hấp thu canxi và vitamin D kém có thể dẫn đến nhuyễn xương (xương mềm) ở trẻ em và loãng xương (mật độ xương thấp) ở người lớn.
  • Vô sinh và sảy thai: sự hấp thu canxi và vitamin D kém có thể góp phần dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản.
  • Không dung nạp lactose: tổn thương ruột non có thể gây ra tình trạng đau bụng và tiêu chảy sau khi ăn hoặc uống các sản phẩm từ sữa có chứa lactose. Tuy nhiên khi ruột lành lại thì có thể dung nạp các sản phẩm từ sữa một cách bình thường.
  • Ung thư: Những người bị bệnh celiac nếu không duy trì chế độ ăn không có gluten thì sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, gồm có u lympho ở ruột và ung thư ruột non.
  • Các vấn đề về thần kinh: Một số người bị bệnh celiac gặp phải các vấn đề như co giật hoặc bệnh về dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân (bệnh thần kinh ngoại biên).

Bệnh celiac không đáp ứng

Tình trạng bệnh celiac không cải thiện kể cả khi thực hiện chế độ ăn uống không chứa gluten được gọi là bệnh celiac không đáp ứng.

Những người bị bệnh celiac không đáp ứng thường có một trong các vấn đề dưới đây:

  • Nhiễm khuẩn ruột non (vi khuẩn phát triển quá mức)
  • Viêm đại tràng vi thể
  • Chức năng tuyến tụy kém
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Khó tiêu hóa đường trong các sản phẩm từ sữa (lactose), đường ăn (sucrose) hoặc một loại đường có trong mật ong và trái cây (fructose)
  • Bệnh celiac dai dẳng

Bệnh celiac dai dẳng

Trong một số trường hợp, tổn thương đường ruột do bệnh celiac không đáp ứng với chế độ ăn không có gluten. Đây được gọi là bệnh celiac dai dẳng. Nếu như vẫn có các triệu chứng sau khi thực hiện chế độ ăn không chứa gluten trong 6 tháng đến một năm thì có thể phải kiểm tra lại để tìm ra nguyên nhân.

Biện pháp chẩn đoán

Nhiều người bị bệnh celiac mà không hề hay biết. Có hai xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh này, gồm có:

  • Xét nghiệm huyết thanh: để tìm kháng thể trong máu. Nồng độ một số kháng thể tăng cao là dấu hiệu cho thấy đáp ứng miễn dịch với gluten.
  • Xét nghiệm di truyền: tìm kháng nguyên bạch cầu người (HLA-DQ2 và HLA-DQ8). Xét nghiệm này được thực hiện để loại trừ khả năng mắc bệnh celiac.
  • Phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh celiac trước khi bắt đầu chế độ ăn uống có gluten. Việc giảm hoặc ngừng ăn gluten có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm máu không chính xác.
  • Nếu kết quả của các xét nghiệm này cho thấy bệnh celiac thì tiếp theo có thể phải nội soi để xác nhận:
  • Nội soi truyền thống: sử dụng một ống dài có gắn camera đưa vào miệng xuống cổ họng (nội soi đường tiêu hóa trên). Camera truyền hình ảnh lên màn hình, cho phép quan sát bên trong ruột non. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để phân tích xem nhung mao có bị tổn thương hay không.
  • Nội soi viên nang: sử dụng một máy ảnh không dây siêu nhỏ để chụp ảnh toàn bộ ruột non. Máy ảnh nằm bên trong một viên nang có kích thước bằng viên vitamin. Người bệnh sẽ nuốt viên nang này và khi nó di chuyển qua đường tiêu hóa thì máy ảnh sẽ chụp hàng nghìn bức ảnh và truyền đến một máy thu.

Nếu có dấu hiệu bị viêm da dạng herpes thì bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô da để kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết da).

Điều trị

Điều chỉnh chế độ ăn

Duy trì một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, không chứa gluten suốt đời là cách duy nhất để kiểm soát bệnh celiac. Có rất nhiều loại thực phẩm chứa gluten, ví dụ như:

  • Lúa mì
  • Lúa mạch
  • Lúa mạch đen
  • Đại mạch (barley)
  • Bột graham
  • Mạch nha
  • Bột Semolina
  • Bột mì Spelt
  • Tiểu hắc mạch

Sau khi chẩn đoán bệnh celiac, bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn uống lành mạnh không chứa gluten. Ở những người mắc bệnh này, ngay cả một lượng nhỏ gluten cũng có thể gây hại, cho dù không biểu hiện dấu hiệu hay triệu chứng.

Thành phần gluten có mặt trong nhiều loại đồ ăn, thức uống, thuốc, thực phẩm chức năng và cả các sản phẩm sử dụng hàng ngày, ví dụ như:

  • Tinh bột biến tính, chất bảo quản và chất ổn định thực phẩm
  • Thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn
  • Viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất
  • Thảo dược
  • Son môi
  • Kem đánh răng và nước súc miệng
  • Keo dán
  • Đất nặn

Loại bỏ gluten ra khỏi chế độ ăn uống sẽ làm giảm dần tình trạng viêm trong ruột non, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và phục hồi tổn thương trong đường ruột. Trẻ em thường nhanh hồi phục hơn so với người lớn.

Bổ sung vitamin và khoáng chất

Nếu bệnh celiac gây thiếu máu hoặc thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng thì có thể phải uống bổ sung các chất sau:

  • Đồng
  • Folate (vitamin B9)
  • Sắt
  • Vitamin B12
  • Vitamin D
  • Vitamin K
  • Kẽm

Các chất này thường được bổ sung dưới dạng viên uống nhưng nếu hệ tiêu hóa không thể hấp thụ thì có thể phải tiêm.

Theo dõi

Người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi hiệu quả của chế độ ăn không có gluten. Đáp ứng với chế độ ăn sẽ được đánh giá bằng phương pháp xét nghiệm máu.

Ở hầu hết những người bị bệnh celiac, chế độ ăn uống không chứa gluten sẽ giúp ruột non lành lại. Đối với trẻ em, quá trình này thường chỉ mất từ ​​3 đến 6 tháng nhưng đối với người lớn thì có thể phải mất vài năm để ruột non hồi phục lại bình thường

Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn hoặc tái phát thì sẽ cần nội soi và sinh thiết để kiểm tra tình trạng ruột.

Thuốc điều trị viêm ruột

Nếu ruột non bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị bệnh celiac dai dẳng thì có thể phải dùng steroid để kiểm soát tình trạng viêm. Steroid có thể làm dịu các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh celiac trong quá trình ruột dần lành lại.

Ngòa ra còn có các loại thuốc khác để kiểm soát viêm ruột, chẳng hạn như azathioprine hoặc budesonide.

Điều trị viêm da dạng herpes

Một loại thuốc để điều trị viêm da dạng herpes do bệnh celiac là dapsone, được dùng qua đường uống. Trong thời gian dùng thuốc, người bệnh sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra các tác dụng phụ.

Điều trị bệnh celiac dai dẳng

Trong những trường hợp bị bệnh celiac dai dẳng, ruột non không thể tự lành lại được. Người bệnh sẽ cần nhập viện điều trị. Bệnh này có thể rất nghiêm trọng và hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu.

Chế độ ăn uống

Thực phẩm cần tránh

Khi được chẩn đoán mắc bệnh celiac, bạn sẽ cần tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa gluten. Hãy tập cho mình thói quen đọc nhãn sản phẩm khi mua đồ và chọn những sản phẩm được dán nhãn “không chứa gluten” (gluten-free) hoặc không có gluten trong bảng thành phần. Ngoài ngũ cốc, mì ống và bánh mì, bánh ngọt, một số loại thực phẩm khác cũng thường chứa gluten còn có:

  • Bia
  • Kẹo
  • Thực phẩm chứa mạch nha (malt)
  • Đồ chay giả mặn
  • Các loại nước xốt, ví dụ như nước sốt trộn salad, sốt ướp thịt nướng
  • Khoai tây chiên
  • Mì căn
  • Súp ăn liền

Người bị bệnh celiac vẫn có thể ăn yến mạch nguyên chất nhưng một số sản phẩm yến mạch có thể bị lẫn lúa mì trong quá trình trồng trọt và chế biến.

Thực phẩm được phép ăn

Các loại thực phẩm được phép ăn trong chế độ ăn uống không chứa gluten:

  • Trứng
  • Thịt, cá và gia cầm
  • Trái cây
  • Các loại đậu
  • Hầu hết các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai, bơ…
  • Các loại quả hạch
  • Khoai tây
  • Rau củ
  • Rượu vang và rượu mạnh

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Bệnh cơ tuyến tử cung

Hiện khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tuyến tử cung nhưng bệnh này thường tự khỏi sau khi mãn kinh.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh viêm vùng chậu có thể chỉ rất nhẹ và khó nhận biết. Đôi khi, bệnh còn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Bệnh giang mai

Nếu không được điều trị thì bệnh giang mai có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não hoặc các cơ quan khác và có thể đe dọa đến tính mạng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây