Bệnh lây truyền qua đường tình dục chlamydia

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Chlamyia là gì?

Chlamydia là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến do vi khuẩn gây ra. Nhiều người bị nhiễm bệnh này mà không hề biết do không có triệu chứng nhưng nếu có thì các triệu chứng thường là đau bộ phận sinh dục và tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật.

Chlamydia chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ, nhưng cũng có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở mọi nhóm tuổi. Bệnh này không khó điều trị, nhưng nếu không được điều trị thì có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu, triệu chứng

Chlamydia giai đoạn đầu thường ít hoặc không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Ngay cả khi có thì các triệu chứng cũng thường nhẹ nên người bệnh không chú ý đến.

Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh chlamydia thường xuất hiện sau từ 1 đến 3 tuần kể từ khi nhiễm bệnh và gồm có:

Ở phụ nữ:

  • Tiết dịch âm đạo bất thường, có mùi hôi
  • Ra máu ngoài kỳ kinh
  • Đau vùng chậu khi hành kinh
  • Đau bụng dưới, có thể kèm theo sốt
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Ngứa hoặc nóng rát trong hoặc xung quanh âm đạo
  • Đau buốt khi đi tiểu

Ở nam giới:

  • Tiết dịch màu trắng đục hoặc trong và loãng từ dương vật
  • Đau buốt khi đi tiểu
  • Nóng rát và ngứa quanh lỗ dương vật
  • Đau và sưng xung quanh tinh hoàn

Chlamydia có thể lây lan sang trực tràng, có thể không gây triệu chứng hoặc kèm theo hiện tượng đau, tiết dịch hoặc chảy máu từ hậu môn. Vi khuẩn gây bệnh này cũng có thể xâm nhập vào mắt và gây viêm kết mạc nếu mắt tiếp xúc với chất dịch cơ thể có chứa vi khuẩn.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám bác sĩ nếu có hiện tượng tiết dịch bất thường từ âm đạo, dương vật, hậu môn hoặc nếu bị đau buốt khi đi tiểu. Ngoài ra cũng phải đến bệnh viện khám nếu biết bạn tình của mình bị nhiễm bệnh. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị ngay cả khi không có triệu chứng.

Nguyên nhân

Bệnh Chlamydia là do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra và vi khuẩn này chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục, bao gồm cả đường âm đạo, miệng và hậu môn. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh sang con trong khi sinh. Ở trẻ, Chlamydia trachomatis có thể gây viêm phổi hoặc viêm mắt nghiêm trọng.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Chlamydia gồm có:

  • Bắt đầu quan hệ tình dục trước 25 tuổi
  • Có nhiều bạn tình
  • Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Biện pháp chẩn đoán

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến nghị sàng lọc Chlamydia đối với:

  • Phụ nữ từ 25 tuổi trở xuống và có quan hệ tình dục: tỷ lệ nhiễm Chlamydia ở mức cao nhất trong nhóm tuổi này nên cần làm xét nghiệm sàng lọc hàng năm. Và khi quan hệ tình dục với một người mới thì cũng nên xét nghiệm.
  • Phụ nữ mang thai: nên xét nghiệm Chlamydia trong lần khám thai đầu tiên. Nếu thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, ví dụ như thay đổi bạn tình hoặc thường xuyên quan hệ với người có nguy cơ nhiễm bệnh thì hãy xét nghiệm lại trong thời gian mang thai.
  • Phụ nữ và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao: những người có nhiều bạn tình, người không thường xuyên sử dụng bao cao su hoặc nam giới quan hệ tình dục đồng giới nên làm xét nghiệm Chlamydia định kỳ. Cũng nên làm xét nghiệm nếu đang mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Việc sàng lọc và chẩn đoán Chlamydia tương đối đơn giản, gồm có các phương pháp:

  • Xét nghiệm nước tiểu: mẫu nước tiểu được phân tích để tìm sự hiện diện của vi khuẩn Chlamydia trachomatis
  • Xét nghiệm dịch sinh dục: đối với phụ nữ, bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch từ cổ tử cung để nuôi cấy hoặc làm xét nghiệm kháng nguyên tìm vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Điều này có thể được thực hiện trong quá trình làm xét nghiệm Pap định kỳ. Đối với nam giới, bác sĩ sẽ dùng tăm bông đưa vào đầu dương vật để lấy mẫu dịch từ niệu đạo. Một số trường hợp còn phải lấy mẫu dịch từ hậu môn.

Nếu đã điều trị bệnh Chlamydia thì nên xét nghiệm lại sau khoảng 3 tháng.

Điều trị

Chlamydia được điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể là kháng sinh đơn liều hoặc phải dùng thuốc hàng ngày hay nhiều lần trong ngày trong thời gian từ 5 đến 10 ngày.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh sẽ khỏi trong vòng từ 1 đến 2 tuần. Trong thời gian đó nên ngừng quan hệ tình dục. Bạn tình của người nhiễm bệnh cũng cần điều trị ngay cả khi không có triệu chứng. Nếu không thì bệnh sẽ lây truyền qua lại giữa hai người. Cho dù đã từng bị nhiễm Chlamydia và điều trị khỏi thì vẫn hoàn toàn có thể bị tái nhiễm.

Biến chứng

Chlamydia có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Bệnh viêm vùng chậu: viêm vùng chậu là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở tử cung và ống dẫn trứng, gây ra các cơn đau vùng chậu và sốt. Các trường hợp viêm vùng chậu nghiêm trọng có thể phải nhập viện để điều trị bằng thuốc kháng sinh qua đường tiêm truyền tĩnh mạch. Viêm vùng chậu có thể làm hỏng ống dẫn trứng, buồng trứng, tử cung và cổ tử cung, dẫn đến vô sinh.
  • Viêm mào tinh hoàn: bệnh Chlamydia có thể gây viêm mào tinh hoàn (bộ phận nhỏ dạng ống nằm bên cạnh tinh hoàn), dẫn đến sốt và sưng đau.
  • Viêm tuyến tiền liệt: đôi khi, vi khuẩn Chlamydia trachomatis có thể lây lan đến tuyến tiền liệt và gây viêm. Viêm tuyến tiền liệt gây ra các triệu chứng như đau đớn trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, sốt, ớn lạnh, tiểu buốt và đau mỏi thắt lưng.
  • Các bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh: Chlamydia trachomatis có thể lây truyền từ ống âm đạo của mẹ sang thai nhi trong quá trình sinh nở và gây viêm phổi hoặc viêm mắt nghiêm trọng.
  • Mang thai ngoài tử cung: điều này xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ở bên ngoài tử cung, thường là ở trong ống dẫn trứng thay vì bên trong tử cung như bình thường. Trong những trường hợp này, thai phải được loại bỏ kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, chẳng hạn như thai bị vỡ và chảy máu ồ ạt vào ổ bụng. Bệnh Chlamydia làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Vô sinh: bệnh Chlamydia, ngay cả những trường hợp không có triệu chứng cũng đều có thể gây hình thành sẹo và làm tắc nghẽn ống dẫn trứng, khiến phụ nữ bị vô sinh.
  • Viêm khớp phản ứng: những người nhiễm Chlamydia có nguy cơ cao bị viêm khớp phản ứng, hay còn được gọi là hội chứng Reiter. Tình trạng này ảnh hưởng đến khớp xương, mắt và niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.

Phòng ngừa

Cách chắc chắn nhất để ngăn ngừa nhiễm Chlamydia là không quan hệ tình dục. Nhưng cũng không cần thiết phải làm vậy. Có thể giảm đáng kể nguy cơ lây bệnh bằng những biện pháp sau:

  • Sử dụng bao cao su: hãy sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Việc dùng bao cao su đúng cách sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như Chlamydia.
  • Hạn chế số lượng bạn tình: quan hệ tình dục với nhiều người sẽ làm tăng xác suất tiếp xúc với người bị nhiễm chlamydia hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Sàng lọc định kỳ: những người có quan hệ tình dục, đặc biệt là người có nhiều bạn tình nên làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ chlamydia và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
  • Không thụt rửa âm đạo: thói quen thụt rửa làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi trong âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  Ý kiến bạn đọc

Tin liên quan

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)

STD không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng. Vì thế nên nhiều người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong suốt một thời gian dài mà không hề hay biết và tiếp tục lây sang người khác.

Mắc bệnh mạn tính cần tiêm những vắc-xin nào?

Tiêm phòng là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng với những người có ít nhất một bệnh lý mạn tính thì vắc-xin lại càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Hội chứng Sweet (bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính)

Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng Sweet đều không xác định được nguyên nhân. Bệnh này đôi khi có liên quan đến các bệnh ung thư máu.

Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính xảy ra khi một bệnh lý hoặc tình trạng làm suy giảm chức năng thận. Dần dần, tổn thương thận ngày càng tiến triển nặng trong vòng vài tháng hoặc vài năm.

Bệnh thận đái tháo đường

Bệnh thận đái tháo đường có thể tiến triển thành suy thận, hay còn được gọi là bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Suy thận có thể đe dọa đến tính mạng. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ phải lọc máu thường xuyên hoặc phẫu thuật ghép thận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây